$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG- Chúa Nhật IV MV năm B

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 219 | Cật nhập lần cuối: 12/19/2020 8:55:24 PM | RSS

(Lc.1,26 - 38)

Nơi miền quê nghèo thuộc Nagiareth, có một thôn nữ tên là Maria, hàng ngày cô chăm chỉ làm việc nội trợ hoặc đồng áng với bố mẹ già và siêng năng cầu nguyện tại nguyện đường hay tại phòng riêng. Thấm thoát cô cũng tới tuổi cập kê, vừa đẹp người lại đẹp nết, ai giao tiếp, gặp gỡ cũng đem lòng cảm mến. Bỗng ngày kia cô đang xuất thần cầu nguyện thì nghe tiếng lạ “Mừng vui lên Trinh nữ được Thiên Chúa yêu thương”, kiểu chào này được dùng để diễn tả niềm vui cánh chung làm Maria hoảng sợ. Thiên sứ mời gọi cô hãy vui lên vì Chúa đang ở cùng cô, đó là sự viếng thăm vào thời cánh chung, đồng thời cho thấy cô Maria là đối tượng đặc biệt của lòng yêu thương Thiên Chúa đối với loài người. Maria tỏ ra bối rối khi nghe lời chào của Thiên sứ, bối rối vì ý nghĩa của lời chào, ý nghĩa ấy được Thiên sứ giải thích ở phần sau. Điều lạ lùng đối với Đức Maria xuyên qua lời chào là: tương lai cánh chung xa vời bỗng chốc thực hiện ngay trong lúc này. Đặc biệt cách thực hiện vượt ngoài sự hoạch định của con người, đó là : thụ thai đồng trinh.

  1. Tại sao Đức Maria không biết đến người nam? – vì Maria hứa giữ mình đồng trinh?

Chúng ta có thể thắc mắc : giữ mình đồng trinh sao lại lấy chồng? - Theo cha Rey Mermet giải thích : theo phong tục Do Thái khi một đứa trẻ được sinh ra, người ta đã có những giao ước hôn nhân giữa hai gia đình, nhưng chưa sống chung, giống như ở Việt Nam có luật tảo hôn khi xưa, đây là thứ hôn nhân không tình yêu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nên có thể Đức Maria đã bị gả mà không hỏi ý kiến chăng? Còn với Luca thì Maria có giữ mình đồng trinh hay không điều đó không quan trọng. Điều cần thiết là khi Thiên Chúa kêu gọi Maria trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế, thì ngay lúc đó Maria phải đồng trinh, và tự giây phút đó Maria giữ mình đồng trinh và sẽ mãi là Mẹ đồng trinh. Như thế phải hiểu rằng : không phải vì Đức Maria đồng trinh mà được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Trái lại, vì Thiên Chúa chọn Người làm Mẹ Thiên Chúa, một ơn nhưng không, được Thiên Chúa yêu thương. Diễm phúc làm Mẹ không do công trạng, không vì bất cứ lý do nào, mà chỉ vì Thiên Chúa yêu thương mà thôi, nên việc Đức Maria đồng trinh là do nhiệm vụ hoặc để đáp đền ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Như vậy, rõ ràng Luca không nhằm nói đến đức đồng trinh của Đức Maria, mà cốt ý nói đến việc thụ thai đồng trinh để cho độc giả hiều rằng : Việc thụ thai Đức Giêsu không do khí huyết cũng không do ý muốn của nam nhân mà do Thiên Chúa.

  1. Ý nghĩa lời thưa của Đức Maria “Đây là nữ tỳ của Chúa”.

Lời thưa không phải là dấu chỉ khiêm tốn cho bằng dấu chỉ của niềm tin (c.45) và lòng yêu mến, vì trong Kinh Thánh “là tôi tớ Thiên Chúa” quả là một tước hiệu vinh quang. Thật vậy, vì ở đây chúng ta thấy Đức Maria không nêu khó khăn mà chắc chắn Ngài sẽ phải gặp khi đối diện với Thánh Giuse, làm sao cho người chồng chưa sống chung hiểu nổi! Đức Maria thấy Giuse băn khoăn, trăn trở Người cũng biết, nhưng không biết thổ lộ cách nào, và cũng không nêu điều khó khăn đó cho Sứ thần. Thái độ đó cho chúng ta nhận ra Đức Maria hoàn toàn phó thác trong tay Thiên Chúa và nhận thức “Ơn Ta đủ cho con” (2Cor.12,9). Mẹ tin Thiên Chúa sẽ có cách, mặc dù không biết cách đó như thế nào, nhưng Đức Maria tin tưởng nơi Thiên Chúa. Cũng nhờ đó mà chúng ta còn hiểu rõ hơn nữa phản ứng của Đức Maria “tôi không biết đến người nam” (c.34). Quả thực, thái độ của Đức Maria là thái độ của người được Thiên Chúa yêu thương, Mẹ hoàn toàn tin tưởng đến độ không đặt vấn nạn với Thiên Chúa để giải quyết những khó khăn cho riêng mình, vì Mẹ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Chính lời thưa quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi của Đức Maria, mà Ngôi Lời Nhập Thể, và con người được biết dung mạo nhân từ xót thương của Thiên Chúa Cha, được hưởng ơn Cứu Độ, và được đón nhận hồng ân làm Con Thiên Chúa như lời Thánh Irêne “Con Thiên Chúa làm người để con người được làm Con Thiên Chúa”.

  1. Sứ điệp của Tin Mừng:
  • Đức Giêsu là Con Thiên Chúa ngay từ những giây phút đầu tiên Nhập Thể.
  • Luca nêu lên sự đồng trinh của Đức Maria, để chuẩn bị cho việc Chúa Giêsu được tượng thai cách lạ lùng, do quyền năng của Thiên Chúa chứ không do loài người.
  • “Chúa Thánh Thần sẽ đến trên trinh nữ” chỉ quyền năng Thiên Chúa hiện diện khi sáng tạo, phát sinh sự sống nơi lòng dạ Đức Maria.
  • Loài người mắc nợ hồng ân Cứu dộ của Thiên Chúa, và tự thâm tâm chúng ta phải có thái độ tôn thờ và tâm tình ngợi khen chúc tụng, và mắc nợ ân tình với Đức Maria nên cần dâng lên Mẹ lòng hiếu thảo và tâm tình sùng kính.

Lạy Chúa Giêsu, mầu nhiệm nhập thể của Chúa cao cả biết bao! Chính tình yêu là động lực của mầu nhiệm ấy, tình yêu là ân sủng, là lòng quảng đại, là ước muốn trở nên gần gũi, không do dự hiến thân hy sinh vì những thụ tạo mà Chúa yêu thương. Xin tình yêu Nhập Thể của Chúa chạm đến chúng con, cho chúng con niềm xúc động chân thành và thôi thúc chúng con dám phó trọn cuộc đời cho Chúa, để Chúa dẫn dắt đến thành toàn như Mẹ Maria. Và khi Mẹ được loan báo về việc sinh hạ “Con Đấng Tối Cao” bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, dù không hiểu thấu mầu nhiệm, nhưng tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa mà Mẹ đã thưa “vâng” với Thiên Chúa. Một “sự vâng phục của đức tin”. Xin cho chúng con cùng với tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria là tiếng thưa “vâng” của chính chúng con, tuy thầm lặng nhưng chứa đựng một tình yêu khôn tả đối với Chúa.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op