$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Suy niệm Chúa Nhật XII TN Năm B

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 281 | Cật nhập lần cuối: 6/19/2021 2:51:38 PM | RSS

Chúa Nhật XII TN Năm B

VƯỢT BIỂN

(Mc.4,35-40)

Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy nổi lên những thắc mắc : Tại sao thánh Marcô lại gọi Galilê là biển? Vượt biển luôn là một mối đe dọa rình chờ mà tại sao Chúa lại ngủ say như vậy? Và các môn đệ đã theo Chúa một thời gian rồi, chắc chắn đã tin vào Chúa, thế mà lúc này Chúa Giêsu lại nói các ông chưa có lòng tin? – Thật ra bản văn có nghĩa biểu tượng mà chúng ta lại hiểu theo nghĩa bình thường nên thấy có nhiều thắc mắc. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu:

  1. 1. Thánh Marcô gọi hồ là biển (c.39):

Chiều đến Chúa Giêsu ra lệnh vượt biển, và khi con thuyền ra đến khơi thì sóng gió mới nổi lên. Như thế là các ông đi trong đêm tối. Đêm tối là thời gian người ta không nhìn thấy rõ, và Chúa Giêsu có ý đưa các môn đệ của Ngài vào đêm tối, vào cơn thử thách của sự dữ. Chúng ta đã biết, theo Thánh Kinh biển được trình bầy như một thứ hỗn mang, từ đó phát sinh ra quyền lực chống lại Thiên Chúa và con người. Lúc người ta không thấy rõ, thì cuồng phong không phải là thử thách đối với sức mạnh của người ta, mà chính yếu là đối với sự phó thác vô điều kiện vào Đấng có quyền trên cuồng phong. Vì thế, chiến thắng này vượt quá tất cả sức mạnh nhân loại, chỉ có quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa mới có thể bắt ba đào hung hãn phải tuân nghe và cứu con người khỏi bão tố. Cơn bão và đêm tối là những thử thách của đời này, vào lúc con người tuy có đức tin nhưng không nhìn thấy rõ, và chỉ có sự phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa mới giúp chúng ta vượt qua được mà thôi.

  1. 2. Ngủ say (c.38)

Chúa Giêsu ngủ mà không biết cơn bão hòng nhận chìm thuyền của Ngài. Trên thế gian này có thể tìm thấy một ai ngủ say như thế, trừ khi bị đánh thuốc mê? Vậy mà Chúa Giêsu ngủ yên trong cơn bão tố, nước tràn vào thuyền gần chìm mà Ngài vẫn ngủ? phải chăng vì Ngài bình yên trong tâm hồn hoặc vì Ngài có sức khỏe phi thường hay không? Trong khi các môn đệ phải chèo chống với cuồng phong? Tại sao Ngài ngủ lúc Hội Thánh bị bách hại? Tại sao Thiên Chúa làm thinh khi những người theo Chúa, những người Chúa yêu gặp rất nhiều gian nan khốn khó?- Thật ra, giấc ngủ của Chúa Giêsu là một hình ảnh về cái chết của Ngài hay một biểu tượng về sự vắng mặt về mặt thể lý. Quả thật chúng ta cũng thấy Thành Kinh hay diễn tả “giấc ngủ” để chỉ cái chết (Ga.11,11-14; Mc.5,39-41). Ngoài ra Thánh Kinh dùng chủ đề giấc ngủ để diễn tả sự dửng dưng của Thiên Chúa, và sự vắng mặt bên ngoài của Ngài. Vì thế, Chúa muốn chúng ta có quan niệm đúng về Chúa và trưởng thành hơn trong đức tin, vì Chúa Giêsu cũng hấp hối trên thập giá mà Thiên Chúa cũng làm thinh. Hiểu theo nghĩa ấy tác giả khi diễn tả giấc ngủ say của Chúa Giêsu như vậy, để độc giả hiểu rằng đoạn văn này muốn ám chỉ giai đoạn Chúa Giêsu bị bắt, bị xét xử, bị đóng đinh, chết nằm trong mồ rồi sống lại. Đó là thời điểm của đêm tối như Gioan đã nói (x.Ga.13,30), là lúc cơn bão của sự ác nổi lên muốn đe dọa vùi chôn Đức Giêsu.

  1. 3. Chúa Giêsu trách các Tông đồ chưa có lòng tin (c.40)

Nếu các môn đệ kêu Chúa Giêsu cứu trong lúc lâm nguy là vì các ông tin Ngài có thể cứu được họ, ít ra họ cũng nghĩ rằng không chừng Ngài cứu được họ. Nếu không thì họ đã chẳng kêu cứu. Vậy tại sao Chúa lại trách các ông chưa có lòng tin? Như đã nói, phải hiểu lời trách móc của Chúa Giêsu theo nghĩa biểu tượng. Chúng ta hãy nhìn vào cuộc thương khó của Chúa, Chúa bị bắt, bị đánh đòn, bị giết chết các ông đã bỏ trốn. Đến khi Ngài từ cõi chết sống lại thì các ông đã không tin, cho nên Ngài phải hiện ra với các ông nhiều lần. Như thế đủ để Chúa Giêsu trách các ông chưa có lòng tin.

Cơn bão và đêm tối là những thử thách trong cõi đời này, và Hội Thánh cũng bị những cuồng phong là những trào lưu vô thần, sự tục hóa...những chểnh mảng trong việc trau dồi đức tin, những xấu xé nội bộ... nhưng con thuyền Hội Thánh vẫn không chìm, vì Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần luôn ở với Hội Thánh. Vì thế, vượt biển trần gian vào lúc đêm tối, con người không nhìn thấy rõ, cần phải phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa, Ngài mới giúp chúng ta vượt qua được mà thôi.

Lạy Chúa, con thuyền của các Tông Đồ ngày nào vượt biển đã chòng chành trong gió bão, có Chúa ở đó, nhưng Chúa lại ngủ say. Sau mọi nỗ lực chèo chống, nguy hiểm cận kề, các Tông đồ đã phải đánh thức Chúa dậy. Chúa dã trách các ông sao thiếu lòng tin. Xin cho chúng con luôn nhận ra rằng, dù sự dữ đã bị đánh bại tận gốc rễ do cái chết và sự phục sinh của Chúa, nhưng Hội Thánh trên hành trình về trời vẫn sẽ bị sự dữ tấn công cho đến khi có trời mới đất mới để chúng con tín thác. Xin giúp chúng con tin tưởng vào quyền năng của một Thiên Chúa làm người, làm chủ thế lực thiên nhiên và những đối kháng trần gian, thì dù Chúa thức hay ngủ điều đó có hệ gì.

Khi chứng kiến Chúa quát gió bão, các môn đệ kinh hoàng sợ hãi, vì các ông chưa biết Đấng đang đồng hành với các ông là Thiên Chúa. Còn chúng ta đã biết Ngài là ai, chúng ta không có nỗi kinh hoàng của các Tông đồ xưa, nhưng có nỗi kinh hoàng khác: Thiên Chúa đang có mặt tại sao sự dữ vẫn tiếp tục hoành hành? Ngài là Cha toàn năng có mặt đó, sao người con yêu của Ngài vẫn bị bách hại? Tôi cần nghiền ngẫm xem tôi đang tôn thờ một Thiên Chúa nào? có phải là Thiên Chúa của Đức Kitô trong Tin Mừng không ? Đức tin mà tôi đang sống có phải là đức tin mà Chúa Giêsu mong muốn không hay đức tin bị Chúa Giêsu coi như là không có? Có cần điều chỉnh lại niềm tin của tôi hay không?

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op