$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Chúa Nhật IV TN năm B - SỨC MẠNH GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 131 | Cật nhập lần cuối: 1/30/2021 9:35:39 PM | RSS

(Mc.1,21 - 28)

Đoạn Tin Mừng hôm nay là một trong bốn bối cảnh làm thành một bộ đơn thuần trong đó cả bốn bối cảnh đều diễn ra tại cùng một nơi và trong 24 giờ. Người ta thường gọi bốn bối cảnh này là “một ngày Caphanaum”. Đúng hơn nên gọi là một ngày điển hình của Đức Giêsu, trong một thời gian và trong không gian duy nhất : Một ngày hưu lễ tại Caphanaum, Marcô đã gom lại nhiều giai đoạn khác nhau nhưng bổ xung cho nhau: giảng dạy, trừ quỉ, chữa lành nhạc mẫu Phêrô, rồi chiều đến là một bức tranh tổng hợp. Các hoạt cảnh này bao gồm mọi lãnh vực của cuộc sống : khu vực linh thánh (hoạt động trong hội đường), khu vực trần tục (hoạt động ngoài hội đường), khu vực riêng (trong nhà Simon) và khu vực công khai (liên quan đến cả thành). Đây là một cách để gợi ý rằng hoạt động của Đức Giêsu liên quan đến toàn thể con người nhân linh của Đức Giêsu trong mọi lãnh vực.

  1. Đức Giêsu giảng dạy, người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài.

Tin Mừng hôm nay cho thấy một trong những tác động của Ngài trên cử tọa tại hội đường Ca-phác-na-um. Ngài giảng dạy giáo lý mới mẻ với uy quyền tự mình, chứ không dựa trên sách vở truyền thống. Thật vậy! chủ đề giáo huấn đóng khung lấy trình thuật trừ quỉ, khiến người ta phải hiểu trình thuật trừ quỉ chỉ được dùng để minh họa tính cách mới lạ trong uy quyền của giáo huấn mà thôi. Nói cách khác cả trình thuật này để nói đến giáo huấn của Đức Giêsu. Marcô quan tâm đến tâm trạng kinh ngạc, kinh hoàng mà lời giáo huấn gây ra ở người nghe. Như thế thì Marcô xem ra không quan tâm đến kiến thức mà giáo huấn đem đến cho người nghe, cho bằng đem đến sự thay đổi mạnh mẽ nơi con tim, đến sự chuyển biến về con người, từ đó gây ra một thái độ kinh ngạc. Nó chuẩn bị đưa người ta đến quyết định.

  1. Từ kinh ngạc nhận ra uy quyền.

Các ký lục dựa vào thế giá của chính lề luật. Đức Giêsu không dựa vào thế giá của lề luật. Ngài tuyên bố có quyền trên nó “con người làm chủ cả ngày hưu lễ”(Mc.2,28). Tuy nhiên, lời tuyên bố như vậy anh khùng cũng có thể nói được, người kiêu hãnh cũng có thể huyênh hoang. Điều quan trọng là sự thật người nói có quyền hay không và người nghe có tin nó không. Ở đây chúng ta thấy thính giả mới chỉ nghe Đức Giêsu giảng dạy thì đã kinh ngạc về lời giáo huấn của Ngài rồi, chưa cần những phép lạ để chứng minh. Điều ấy chứng tỏ nơi lời Ngài nói, hoặc từ chính con người của Ngài toát ra sức mạnh thần linh mà người nghe đã cảm nhận được. Điều này chúng ta thấy ở đoạn chiêu đệ trước đây (Mc.1,16-20). Thấy Andrê và Simon, Ngài chỉ nói vỏn vẹn một câu “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi làm ngư phủ bắt người”. Thế là các ông bỏ chài lưới mà theo Ngài. Điều này chỉ có thể giải thích, trong lời Ngài có sức mạnh thần linh. Chính trình thuật đuổi quỉ sẽ giúp chúng ta nhận ra sức mạnh thần linh của lời giáo huấn của Đức Giêsu.

  1. Thắc mắc về uy quyền

Đức Giêsu chỉ mới dạy dỗ trong hội đường, chưa trực tiếp đá động đến người bị thần ô uế nhập, thế mà quỉ đã thét lên sợ hãi “chúng tôi với Ngài có liên quan gì? Ngài đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” Và chúng tuyên nhận “tôi biết Ngài là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Như vậy lời giảng của Đức Giêsu có uy quyền, nó khiến người nghe kinh ngạc, thần ô uế sợ hãi. Và kèm theo lời giảng dạy là sức mạnh của lời Ngài: chỉ cần một mệnh lệnh ngắn gọn, quỷ phải xuất ra khỏi người bị ám, đem lại an vui cho con người. Chẳng lạ gì cử tọa vừa ngạc nhiên, thích thú, thán phục, và bị chinh phục trước sức mạnh của lời ấy.

Như thế uy quyền ở ngay đối tượng của lời rao giảng. Thật vậy, ngay đoạn trước (Mc.1,14-15) chúng ta đã đọc thấy đối tượng của lời rao giảng của Đức Giêsu là Tin Mừng của Thiên Chúa, là Nước Thiên Chúa đã gần kề. Nước Thiên Chúa đến có nghĩa là nước Satan bị đẩy lui. Chúng ta biết rằng Nước Thiên Chúa là chính Đức Giêsu. Cho nên Đức Giêsu đến thì Satan sợ hãi là phải “Ngài đến để tiêu diệt chúng tôi”. Như vậy, uy quyền là do đối tượng của lời giảng dạy thì cũng có nghĩa là do chính Người giảng dạy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nên tất yếu đối nghich với thần ô uế.

Phần chúng ta khi đọc Lời Chúa mà chưa cảm nghiệm sức mạnh của Lời Chúa thì đã thực sự tiếp xúc với Lời Chúa hay chưa? Làm thế nào để cảm nghiệm được sức mạnh của Lời Chúa?

Lời Chúa có sức mạnh trừ tà. Cuộc sống của chúng ta có bị tà ám hay không? Ta phải tiếp xúc với Lời Chúa thế nào để Lời Chúa khử tà cho chúng ta? Mong rằng khi nhìn ngắm Ngài, chúng ta thêm lòng tin tưởng, cậy trông, để vững bước theo Ngài trên đường đời, dành thời gian sống với Chúa thân mật hơn, để sống với tha nhân thân ái hơn.

Lạy Chúa, nền tảng của sự thờ ngẫu tượng là tôn thờ chính mình, coi mình là trung tâm, vì khi phạm tội là chúng con đã đặt mình là Chúa, lấy mình làm chuẩn mực cho mọi lựa chọn, là yêu mình hơn yêu Chúa đó sao?. Xin cho chúng con tin Chúa và để Chúa đi vào cuộc đời chúng con trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động, chúng con biết Chúa để sống và hành động luôn có Chúa. Nếu chối bỏ Thiên Chúa là chúng con coi mình là chủ, chắc chắn sẽ dẫn chúng con vào muôn thứ tội, bởi không còn chuẩn mực nào từ trên, từ Thiên Chúa hướng dẫn, chọn lựa và hiện diện của chúng con nữa. Xin cho chúng con ý thức nếu không cậy vào sức mạnh Chúa nâng đỡ, chắc chắn chúng con sẽ rơi vào những ước muốn ích kỷ, những dục vọng xấu xa để thoả mãn. Xin cho Lời của Chúa, lời đầy quyền năng mới có thể đưa chúng con ra khỏi bóng tối, khỏi những phù hoa giả dối, khỏi những trói buộc tội lỗi và dẫn chúng con đến sự thật, sự sống trong yêu thương.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op