$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 189 | Cật nhập lần cuối: 5/1/2021 5:05:33 PM | RSS

THẦY LÀ CÂY NHO THẬT (Ga.15,1-8)

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu muốn đề cập tới ba điểm: - Ngài là cây nho thật, Cha là Đấng trồng nho – Phải sinh hoa trái – Muốn sinh hoa trái phải ở lại trong Ngài.

  1. Cây nho thật và Đấng trồng nho (c.1)

Khi Chúa Giêsu bảo mình là cây nho thật và cha là Đấng trồng nho thì Ngài muốn nói điều gì? – Trong chương trình ơn cứu độ người; Thiên Chúa đã muốn có một dân riêng thánh thiện kiểu mẫu. Ngài đã chăm sóc dân ấy như ông chủ chăm sóc vườn nho của mình. Hình ảnh người chăm sóc vườn nho trong Is.5,1-7 miêu tả : tìm đất, vỡ đất, nhặt sỏi đá, chọn giống, xây tháp canh, mong mỏi trái, khoét bồn đạp nho. Ông đặt bao nhiêu hi vọng vào vườn nho, điều ấy giúp chúng ta thấy lòng Thiên Chúa muốn có một dân riêng thánh thiện kiểu mẫu. Ngài những mong dân ấy kết trái ngon, sinh quả ngọt. Nhưng dân ấy chỉ cho Ngài những trái nho dại, nho chua. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói “Thầy là cây nho đích thực” Ngài muốn là cây nho đích thực để gây tạo một vườn nho đích thực cho Cha, để thỏa mãn Thiên Chúa Cha và cũng để diễn tả tình yêu của Ngài đối với Cha. Ngoài ra Thánh Kinh còn dùng nhiều hình ảnh để diễn tả sự chăm sóc đặc biệt mà Ngài dành cho dân Ngài như Hs.11,1-6; Tv.22 ; Ez.16,1-14.

Lời của Chúa vang dội gì trong tôi? Thiên Chúa đã chăm sóc tôi như thế nào? Ngài chờ gì nơi tôi? Và tôi đã hiến dâng gì cho Ngài? Tôi có muôn chia sẻ với Chúa Giêsu về nỗi trăn trờ của Ngài với sự ao ước của Cha hay không?

  1. Sinh hoa trái (c.2,4,5,8)

Sinh hoa trái chính là đưa lại những kết quả mà chủ mong muốn. Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta thì Ngài cũng mong chờ nơi chúng ta sự tốt lành. Sinh hoa trái chính là đáp trả lòng mong muốn của Ngài. Mỗi người Thiên Chúa mong chờ một cái gì riêng biệt. Vì thế, chúng ta phải nhận định Chúa chờ mong gì ở ta cái gì? Chúa ban bao nhiêu ơn từ khi sinh ra cho đến bây giờ. Điều Ngài mong chờ không hẳn là lời tạ ơn nhưng là ở việc sinh hoa trái. Hoa trái đó là lòng ao ước của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu (c.8). “Điều làm vinh hiển Cha là các con sinh hoa trái”. Đó là lý do để ở lại trong Chúa Giêsu nếu không sinh hoa trái sẽ bị chặt đi. Ngoài ra cây nho cũng cần cắt tỉa để sinh hoa trái nhiều hơn. Như Chúa Giêsu Ngài cũng chịu cắt tỉa qua cuộc khổ nạn và cái chết. Vì thế, khi chúng ta bị Thiên Chúa ctắ tỉa thì hiểu rằng Người đang mong chờ chúng ta sinh hoa trái.

Chúng ta có cho đó là điều quan trọng hay không? Tôi sống đạo từ nhỏ đến nay, từ khi tôi sống đời dâng hiến tôi đã sinh hoa trái hơn những người sống đời hôn nhân chưa ? Tôi tham dự Thánh Lễ và rước Mình thánh Chúa mỗi ngày, nhận được nhựa sống của thân nho, cuộc sống tôi có biến đổi không? Tôi cầu nguyện hàng ngày, làm việc thiện hàng ngày, mà cuộc sống không biến đổi thì cần đặt lại vấn đề, đừng như người Biệt Phái kia càng cầu nguyện càng thêm kiêu hãnh.

  1. Muốn sinh nhiều hoa trái phải làm sao?(c.4-7)

Phải lưu lại trên gốc nho và phải được tỉa sạch. Một cành nho muốn tươi tốt và sai trái nhiều quả thì phải bám chặt vào gốc nho. Nhưng bám chặt vào gốc nho chỉ là để tiếp lấy nhựa từ gốc chảy qua các ống nhựa, đến tận các tế bào nhỏ bé mà nuôi dưỡng cho toàn thân toàn cành. Cành nào có bám vào gốc mà không để cho nhựa nho tràn vào nuôi sống thì ngành ấy chết khô từ gốc. Cành nào cản trở nhựa sống chảy tới thì, thì tùy theo mức độ cản trở ấy mà cành nho sẽ khô héo nhiều hay ít, cằn cỗi nhiều hay ít. Cho nên muốn tươi tốt, muốn có sức sinh nhiều trái thì ống nhựa phải thông, phải không bị sức cản để cho nhựa tràn vào mọi nơi.

Tuy nhiên cũng có cành hút thật nhiều nhựa nhưng chỉ có lá xum xê mà không có trái. Đó là cành làm phí nhựa. Cho nên muốn cho một cây nho sinh nhiều trái, chẳng những các cành nho phải bám trên cây, mà các chỗ chết cản nhựa không tới được toàn thân thì phải cắt bỏ đi. Những cành tươi tốt mà không sinh trái nhiều cũng cần phải cắt tỉa.

Người môn đệ muốn sinh nhiều trái cũng phải lưu lại trong Chúa Giêsu để cho nhựa sống của Ngài tràn vào toàn thân, nuôi sống từng tế bào nhỏ nơi thân mình. Phải để cho Lời dạy của Ngài, Thần khí của Cha tỉa sạch những chỗ chết, những chỗ cằn, phải để cho các Ngài cắt đi những phần thân bám trên gốc ăn hại nhựa mà không sinh hoa trái.

Lưu lại trên gốc chính là tự nhận mình không tự sống được trong khi muốn có sự sống cho nên chỉ có gốc mới làm cho mình sống được. Vì thế, người muốn lưu lại trong Chúa Giêsu, là muốn tiếp nhận sự sống của Chúa Giêsu và nhận ra rằng, không có Ngài mình không thể có sự sống dồi dào và có thể không sống được. Sự lưu lại cũng là nỗi ước mong của Chúa Giêsu nên Ngài thỉnh cầu “Các con hãy ở lại trong Thầy” và Ngài vạch ra cho thấy tầm quan trọng của việc lưu lại trong Ngài. Chúa Giêsu ao ước là do lòng yêu thương của Ngài đối với Cha, với các môn đệ và với toàn thể nhân loại.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, là cây nho đích thực mà Thiên Chúa trồng vào thửa vườn Hội Thánh, để thông ban sự sống cho nhành cây là chúng con. Xin cho cuộc đời chúng con sinh nhiều hoa trái tình yêu. Tình yêu là sự sống mới như thánh Phaolô sau khi gặp Chúa đã mang một tình yêu duy nhất dành cho Chúa, cho Hội Thánh và tha nhân và Chúa cũng khao khát chúng con kết hợp với Ngài để được sống dồi dào trong tình yêu của Ngài. Xin thương đổ đầy Chúa Thánh Thần trong chúng con, để Người đổi mới tâm hồn và cuộc sống chúng con.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op