$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN- Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần. Nt. M.Tăng Thị Thiêng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 316 | Cật nhập lần cuối: 5/30/2020 9:50:46 AM | RSS

Ga 20, 19 - 23.

Năm mươi ngày hoan lạc phục sinh đã khép lại và giờ đây, chúng ta được bao phủ bởi ân huệ từ trời của Chúa Cha gởi đến qua Chúa Giêsu là Thánh Thần. Thánh Thần đến ban sự dũng cảm, can đảm, làm nhân chứng, sự thông cảm, hiệp nhất và tự do... cho tất cả con cái Thiên Chúa. Nếu như ngày Thiên Chúa ban lề luật cho dân Do Thái là ngày khai sinh một cộng đồng dân tộc sống trong đường lối của Thiên Chúa. Thì Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay cũng đánh dấu một bước ngoặc quan trọng, là ngày sinh ra một cộng đoàn mới là cộng đoàn Giáo Hội. Ngài chính là ân huệ của Đấng Phục Sinh và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân và các tín hữu nên một trong cùng một phép Rửa và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, chứ không chỉ trong thời Tân Ước. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây:

  1. Chúa Thánh Thần khi tạo dựng

Mở trang sách Sáng Thế chúng ta thấy: “Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước”. Thánh Thần tích cực lôi kéo vũ trụ ra khỏi tình trạng hỗn mang lúc ban đầu. "Đất trời còn hỗn mang, còn trong cái u u minh minh " (St 1, 2). thì Thiên Chúa đã sáng tạo nên trời đất muôn vật muôn loài có sự hiện diện của Thần Khí. Và Thần Khí có trong cái công trình Sáng Tạo đó để mà thổi hơi vào đó! Trao ban vào đó sự sống, và trình thuật Phúc âm Thánh Gioan hôm nay cho thấy vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện đến thổi hơi vào các môn đệ và bảo: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20, 22). Cử chỉ thổi hơi trên các môn đệ gợi lại hành động Thiên Chúa lúc bắt đầu tạo dựng con người. Thiên Chúa đã thổi hơi vào ông Ađam hơi thở của sự sống và con người nên sống động. Thiên Chúa đã dựng nên ông bà Adam từ bùn đất và Ngài thổi hơi, Ngài thổi hơi vào cái bùn đất đó! Trao sinh khí cho con người, để mà ông Adam trở thành người và Evà tác tạo nên từ thân thể của Adam. Nghĩa là Evà cũng đón nhận cái Thần Khí mà Thiên Chúa trao ban cho ông.

Như thế, Thánh Thần, Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất. Khi Giavê Thiên Chúa rút hơi thở Người lại, thì không tạo vật nào còn sống: "Nếu Người chỉ nghĩ đến Người, nếu Người rút về làn khí hơi thở của Người, thì mọi xác phàm sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi" (G 34, 14-15). Và khi Thánh Thần phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần. Người phục hồi sự sống cho những bộ xương khô, biểu tượng của sự chết: "Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi, và các ngươi sẽ được sống" (Ed 37, l4). Chính vì vậy, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và đã đóng một vai trò tích cực ngay từ khởi thuỷ, Ngài hiện diện và thánh hoá trong lịch sử sáng tạo và cứu độ. Khởi đầu là Con Người Chúa Giêsu:

  1. Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giêsu

Về việc đầu thai của Đức Giêsu, trong kinh Tin kính có câu này: "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh" (Lc 1,35). Chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Maria đã thụ thai Hài Nhi Giêsu mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Người đã đến xin chịu phép rửa của Gioan tại sông Gio-đan. Vừa chịu phép rửa xong, Thánh Thần như chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người. Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu ma quỷ thử thách. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giêsu đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ. Rồi trong quyền năng Thánh Thần, Người đã đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời bắt đầu từ Ga-li-lê. Cũng nhờ Thánh Thần mà Đức Giêsu đã xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân. Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha.
Và chúng ta thấy trong cuộc đời của Chúa Giêsu, luôn luôn Ngài cầu nguyện có Chúa Thánh Thần ở cùng, để rồi cùng đồng hành với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường. Và chúng ta thấy, đặc biệt trên cây thánh giá «Ta khát », khát cái gì ? Khát đó là khát Thần Khí Chúa! Và Chúa Giêsu đã trút hơi thở cuối cùng. Chúa Giêsu trao phó đời mình cho Thần Khí.
Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, tiếp tục sứ vụ của Ngừơi. Người cũng thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ vụ. Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm giữ người ta nữa.

  1. Thánh Thần trong Hội Thánh

Khi Chúa Giêsu tắt thở và cạnh sườn Người Nước và Máu chảy ra để sinh ra Hội Thánh, là Evà mới. Và vào ngày lễ Ngũ Tuần Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa đến với ngọn lửa. Chính ngọn lửa đó đã thúc giục các tông đồ mở toang cánh cửa đã đóng kín vì sợ hãi, để mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu. Lễ Ngũ Tuần mang một ý nghĩa đảo ngược hoàn toàn với những gì xảy ra nơi tháp Babel. Chúng ta cũng có một nhóm người tụ hợp với nhau, những con người tầm thường mà họ không chút tự tin vào khả năng hạn hẹp của mình. Nhưng lại có một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Họ cũng bắt đầu xây dựng một "ngọn tháp" với thể loại hoàn toàn khác biệt. Ngọn tháp này làm nên một cộng đoàn mới, ngọn tháp vươn lên trời nhờ những bậc thang thiêng liêng. Ở đây, ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tái lập sự thống nhất ngôn ngữ đã bị chia rẽ, phân tán tại tháp Babel khi xưa và đồng thời nói lên tính cách phổ quát đại đồng của ơn cứu độ do Chúa Giêsu đem đến và do Chúa Thánh Thần thực hiện. Họ cùng nói một ngôn ngữ mới là ngôn ngữ của tình yêu và cùng nhau hoạt động. Một ngôn ngữ mà tất cả những người thánh thiện đều có thể hiểu. Nó rạng ngời trên những khuôn mặt và được cảm nhận qua những bàn tay siết chặt với nhau. Thánh Thần đã tác động biến đổi các Tông đồ từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt đám đông. Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó và từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng. Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã thâu nạp được nhiều người có lòng sám hối xin chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu. Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà cộng đoàn tín hữu đầu tiên luôn sống hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ đó số tín hữu gia nhập Hội Thánh ngày một gia tăng.

Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục giúp Hội thánh chu toàn sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu. Đặc biệt Thánh thần soi sáng cho các vị chủ chăn để các ngài chu toàn ba sứ vụ được Đức Giêsu trao phó: Một là sứ vụ ngôn sứ để công bố Lời Chúa. Hai là sứ vụ tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các bí tích. Ba là sứ vụ vương đế để chăn dắt và phục vụ Hội thánh.

  1. Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu

Mỗi người trong chúng ta cũng đã được nhận lãnh Chúa Thánh Thần, đặc biệt trong ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức. Hằng ngày trong đời sống, ơn Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong con người của mình. Nhưng chúng ta có nhận ra, có nhìn thấy được không? Hay chúng ta cũng như bao nhiêu người khác không thể nhìn thấy được biến chuyển trong con người của chính mình. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì cần thiết, những gì có thể làm được, Ngài đã làm cho chúng ta rồi. Còn phần của mỗi người, hãy nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ nhìn thấy ơn Chúa Thánh Thần hoạt động. Thế nhưng, nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta đã quên đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Đôi khi ta có cảm giác như Ngài không còn hiện diện nữa thì phải. Nếu như chúng ta đánh mất đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời, quả thật đó là điều đáng tiếc trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Sống trong thế giới vật chất này, con người vẫn còn cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi,...Và vì thế, con người vẫn luôn khát vọng tìm nguồn bình an. Nhưng sự bình an bên trong không thể mua được bằng tiền bạc, vật chất. Do đó, đối với người Kitô hữu, Chúa Thánh Thần chính là nguồn bình an đích thực, đã hiện hữu và luôn sẵn sàng giúp con người được sống bình an. Chính Chúa Thành Thần sẽ ban cho con người sự sống viên mãn, hạnh phúc đích thực trong Chúa Kitô. Ai sống trong Chúa Thánh Thần thì được sự sống vui tươi, hoan lạc và bình an vĩnh cửu.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày hôm nay, điều quan trọng mà chúng ta cầu xin với Chúa Thánh Thần, không phải là một cơn gió ào ào cùng với những đốm lữa bùng cháy trên đầu mọi người, giống như các Tông đồ ngày xưa. Nhưng chúng ta hãy cầu xin có được một sự biến đổi mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần nơi con người của mình. Muốn sống theo Thánh Thần, chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu, ước muốn nên giống Ngài, sống hiếu thảo như Ngài, sống yêu thương mọi người, sống khiêm tốn, hiền lành và phục vụ mọi người. Hãy sống theo Thánh Thần, chúng ta sẽ được lãnh nhận những hiệu quả của Thánh Thần. Và hiệu quả của Thánh Thần, “đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tính, hiền hoà, tiết độ. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời ta". (Gl 5, 22 - 25).

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh. Khi xưa Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thì hôm nay xin cho chúng con cũng biết đón nhận Chúa Thánh Thần, để chúng con cũng được biến đổi trở thành tông đồ nhiệt thành làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay. Xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi âu lo sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ vụ được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ trần gian.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op