$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Nhiệm vụ truyền giáo và tái truyền giáo. Suy niệm Lời Chúa - Lễ Thánh Phanxicô Xaviê.

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 264 | Cật nhập lần cuối: 12/3/2020 8:57:53 AM | RSS

Ngày hôm nay (3/12), Giáo Hội mừng kính Lễ Thánh Phanxicô Xaviê, vị Thánh được đặt làm Bổn mạng của các xứ truyền giáo. Thánh nhân đã nhiệt thành ra đi để đem Tin Mừng đến cho những nơi, những người chưa biết Chúa. Vì thế, Thánh nhân đã ra khỏi quê hương của mình ở Tây Ban Nha, để vượt biển, đem Chúa đến cho những người chưa biết Chúa ở vùng Đông Á như Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản….đưa về cho Chúa rất nhiều các linh hồn.

Với lòng nhiệt thành truyền giáo, Thánh Phanxicô Xaviê đã nhắc nhở chúng ta rằng: truyền giáo là một nhiệm vụ quan trọng nhất của Giáo Hội. Vì đó chính là mệnh lệnh, là sứ vụ mà Chúa Giê su đã trao cho Giáo Hội, cho các tông đồ, các môn đệ của Ngài mà chúng ta nghe thấy Thánh Marco thuật lại trong Tin Mừng hôm nay “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”( Mc 16,15).

Vì sao phải truyền giáo, phải loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo? Câu trả lời ngay trong chính lời của Chúa Giê su nói với các tông đồ, là để “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16, 16). Hay như trong Sắc lệnh Hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội (s.7.11 và 12) đã nói đến “Lý do hoạt động truyền giáo này bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, Đấng "muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thực vậy chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là con người Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến để cứu chuộc mọi người" (1Tm 2,4-6), "và sự cứu rỗi không ở trong một người nào khác" (CvTđ 4,12).”

Vì thế, truyền giáo luôn là sứ vụ ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội từ khởi đầu cho đến hôm nay, và còn cả trong tương lai, nghĩa là, Giáo Hội không thể xem thường sứ vụ truyền giáo của mình, đến nỗi có thể nói rằng “Nếu Giáo Hội không truyền giáo, Giáo Hội sẽ không còn là Giáo Hội.”

Truyền giáo không phải chỉ là công việc của Giáo Hội, của các giáo sĩ, tu sĩ, nhưng còn là của tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, từ những thiếu nhi cho đến người lớn, những tín hữu giáo dân. Như thế, nếu đã là thành phần của Giáo Hội, sẽ chẳng có ai được miễn trừ sứ vụ này.

Truyền giáo ở đâu?

Truyền giáo ở ngay nơi mình sống, có thể ngay trong chính căn nhà của mình, khi bạn là một Ki tô hữu sống trong cùng một gia đình, khi Bố Mẹ chồng/vợ, hay anh chị em thuộc tôn giáo khác. Chúng ta có thể truyền giáo ngay tại môi trường chúng ta làm việc, buôn bán, học hành…Những nơi nào chúng ta hiện diện, là nơi để chúng ta thực thi sứ mạng của mình.

Truyền giáo bằng cách nào?

Chưa cần đến những huấn giáo, …nhưng trước tiên bằng đời sống. Một đời sống chan chứa tình bác ái: bác ái Ki tô giáo. Một đời sống khởi đi từ tình yêu với nguồn mạch từ tình yêu Thiên Chúa. Điều này được tóm gọn trong hai từ “chứng tá” của chính mỗi người chúng ta: chứng tá bằng đời sống và đối thoại, chứng tá với sự hiện diện của đức ái.

Bên cạnh đó, chúng ta, tôi và bạn, cũng phải nhớ đến một hoạt động liên quan đến truyền giáo, đó là tái truyền giáo hay còn gọi là tân phúc âm hóa. Đối tượng dành cho việc tái truyền giáo – tân phúc âm hóa là cho những Ki tô hữu đã chịu phép Rửa tội, nhưng không sống đạo, hoặc rời xa Giáo Hội, cố tình lãng quên Chúa.

Vì thế, trong một gia đình, nếu có những người thân, họ hàng, chồng/vợ hoặc con cái/ hay anh chị em đã lãnh Bí tích Rửa Tội, nhưng họ đang không sống đúng như là một Ki tô hữu, họ không sống đức tin của mình, ỡm ờ, khô khan và chẳng sống đạo, rời xa Nhà thờ, Giáo Hội…chúng ta cần phải là những người đem Tin Mừng lại cho họ, sống đức tin thật tốt, sống bác ái thật chan hòa để tái rao giảng Tin Mừng cho họ, để giới thiệu lại cho họ biết về Chúa, Đấng mà họ đã cố tình quên hoặc phớt lờ Ngài.

Xin Chúa cho chúng ta đừng quên lãng vai trò quan trọng, sứ mạng quan trọng này, sứ mạng mà chính Chúa Giê su đã trao cho từng người chúng ta. Thiên Chúa cần chúng ta cộng tác cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và đó là tất cả ý muốn, là kế hoạch của Thiên Chúa: vì Người muốn tất cả được cứu, được hạnh phúc.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P