Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Trích đọc Tông Thư Kinh Mân Côi (số 13-17)
Cùng với Đức Maria tưởng niệm Đức Kitô
13. Sự chiêm niệm của Đức Maria tiên vàn là một sự tưởng niệm. Chúng ta cần hiểu từ ngữ tưởng niệm, nhớ (zakar) này theo nghĩa của Kinh Thánh. Đó là làm cho những công trình Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ trở thành hiện tại. Kinh Thánh là một bản tường thuật những biến cố cứu độ, đỉnh cao là chính Đức Kitô. Những biến cố này không chỉ thuộc về “ngày hôm qua”, nhưng cũng là một phần trong cái “ngày hôm nay” của ơn cứu thoát. Việc làm cho trở thành hiện tại này tiên vàn được diễn ra trong Phụng Vụ. Những gì Thiên Chúa đã hoàn thành trải qua bao nhiêu thế kỷ không chỉ liên quan đến những người đã trực tiếp chứng kiến những biến cố ấy, nhưng còn tiếp tục tác động đến những con người ở mỗi thời đại nhờ ân sủng của nó. Theo mức độ nào đó, điều này cũng là thật đối với bất cứ cách thức đạo đức nào khác để tiếp cận những biến cố đó. “Tưởng niệm” những biến cố đó trong tinh thần đức tin và yêu mến là mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng Đức Kitô đã giành được cho chúng ta nhờ các mầu nhiệm sống, chết và phục sinh của Người.
Do đó, trong khi cần phải cùng với Công Đồng Vaticanô II tái khẳng định rằng vì là việc hành sử công việc tư tế của Đức Kitô và là một hành vi thờ phượng công, nên Phụng Vụ là “tột đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh” {15}, thì cũng cần phải nhắc lại rằng đời sống thiêng liêng “không chỉ giới hạn trong việc tham dự Phụng Vụ. Bởi vì người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng với Chúa Cha (x. Mt 6,6), hơn nữa phải cầu nguyện không ngừng (x. 2 Tx 5,17) như lời thánh Tông Đồ đã dạy” {16}. Kinh Mân Côi, theo đường lối riêng biệt của mình, là một phần của toàn cảnh đa dạng của việc cầu nguyện “không ngừng” này. Nếu Phụng Vụ, vì là hoạt động của Đức Kitô và Hội Thánh, là một hành động cứu độ tuyệt hảo, thì Kinh Mân Côi, vì là một cách cùng với Đức Maria “suy niệm” về Đức Kitô, là một sự chiêm ngưỡng giúp được cứu độ. Khi đắm chìm vào các mầu nhiệm trong cuộc đời của Đấng Cứu Chuộc, kinh nguyện này bảo đảm là những gì Người đã làm và những gì Phụng Vụ đang làm cho thành hiện tại được thấu nhập sâu xa vào cuộc đời chúng ta và làm nên cuộc đời của chúng ta.
Học biết Đức Kitô từ Đức Maria
14. Đức Kitô là vị Thầy tối cao, là Đấng mặc khải và là Đấng được mặc khải. Đây không phải chỉ là vấn đề học những gì Người dạy nhưng là “học biết Người”. Theo cái nhìn này, liệu chúng ta có thể tìm được vị thầy nào hay hơn Đức Maria? Theo quan điểm thần học, Thần Khí là vị thầy nội tâm dẫn dắt chúng ta tới chân lý sung mãn của Đức Kitô (x. Ga 14,26; 15,26; 6,13). Nhưng trong số các thụ tạo, không ai biết Đức Kitô hơn là Đức Maria, không ai có thể đưa chúng ta đến chỗ hiểu biết sâu xa những mầu nhiệm của Đức Kitô hơn là Đức Thánh Mẫu của Người.
“Dấu lạ” đầu tiên Đức Giêsu thực hiện – biến nước lã thành rượu trong tiệc cưới ở Cana – rõ ràng giới thiệu Đức Maria trong tư thế của một vị thầy, vì Đức Mẹ bảo các người phục vụ làm những gì Đức Giêsu truyền (x. Ga 2,5). Chúng ta có thể tưởng tượng ra rằng Đức Mẹ cũng đã làm như thế cho các môn đệ sau khi Đức Giêsu thăng thiên, khi Đức Mẹ liên kết họ để đợi chờ Chúa Thánh Thần và nâng đỡ họ trong sứ vụ đầu tiên của họ. Chiêm ngưỡng những cảnh tượng này trong Kinh Mân Côi cùng với Đức Maria là một phương thế để học từ Đức Mẹ cho biết “đọc” Đức Kitô, cho biết khám phá ra những bí mật của Người và hiểu được sứ điệp của Người.
Mái trường của Đức Maria này còn hiệu nghiệm nhiều hơn nữa, nếu chúng ta để ý là Đức Mẹ dạy bằng cách xin cho chúng ta được dồi dào hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ còn cống hiến cho chúng ta gương mẫu khôn sánh là “cuộc lữ hành đức tin” {17} của chính Đức Mẹ. Khi chúng ta chiêm ngắm mỗi một mầu nhiệm trong cuộc đời của Người Con Đức Mẹ, Đức Mẹ mời gọi chúng ta làm như Đức Mẹ đã làm vào buổi Truyền Tin: khiêm tốn nêu lên những thắc mắc giúp chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận ánh sáng, để rồi kết cuộc bằng thái độ tuân phục của đức tin: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin thực hiện cho tôi theo như lời Ngài” (Lc 1,38).
Cùng với Đức Maria, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô
15. Trong Kitô giáo, điểm nổi bật trong đời sống thiêng liêng của người môn đệ là nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình (x. Rm 8,29; Pl 3,10.12) mỗi ngày một trọn vẹn hơn. Việc tuôn đổ Thánh Thần trong phép rửa ghép người tín hữu vào Đức Kitô, tựa như cành nho được ghép vào thân cây nho (x. Ga 15,5) và làm cho người tín hữu nên một chi thể trong Thân Thể nhiệm mầu (x. 1 Cr 12,12; Rm 12,5). Tuy nhiên, sự thống nhất khởi đầu này vẫn còn đang cần được nuôi dưỡng cho lớn lên để không ngừng làm thành tư cách của người môn đệ phù hợp với “tư tưởng” của Đức Kitô: “Anh em hãy có tâm tưởng đã có nơi Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5). Nói theo kiểu của thánh Tông Đồ, chúng ta được kêu gọi “để mặc lấy Đức Kitô” (x. Rm 13,14; Gl 3,27).
Trong hành trình thiêng liêng của Kinh Mân Côi, đặt căn bản trên việc liên lỷ chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Kitô, có Đức Maria đồng hành. Lý tưởng nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô này được theo đuổi qua một sự liên kết, sự liên kết được diễn tả bằng những từ ngữ nói về tình bạn. Vì thế, một cách tự nhiên, chúng ta có thể đi vào cuộc đời của Đức Kitô và đi vào như thế để chia sẻ những tâm tình sâu xa nhất của Người. Theo cái nhìn này, chân phước Bartolo Longo đã viết: “Như hai người bạn thường xuyên đồng hành với nhau, dần dà sẽ có những thói quyen giống nhau thế nào, thì nhờ quen tiếp xúc với Đức Giêsu và Đức Nữ Đồng Trinh, qua suy niệm các mầu nhiệm Kinh Mân Côi và sống cùng một đời sống trong sự Hiệp Thông, chúng ta có thể trở thành, tuỳ theo sự thấp hèn của chúng ta cho phép, giống như các ngài và có thể học được từ những khuôn mẫu cao cả này một đời sống khiêm nhường, khó nghèo, ẩn giấu, kiên trì và hoàn hảo” {18}.
Trong tiến trình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua Kinh Mân Côi này, chúng ta phó thác bản thân chúng ta theo một đường lối đặc biệt cho sự chăm nom đầy tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ. Đức Mẹ vừa là Thân Mẫu của Đức Kitô vừa là một thành phần của Hội Thánh, vì thế người là “thành phần siêu quần và hết sức đặc biệt của Hội Thánh” {19} đồng thời cũng là “Mẹ của Hội Thánh”. Và như thế, Đức Mẹ không ngừng sinh ra những người con cho Thân Thể nhiệm mầu của Con mình. Đức Mẹ thể hiện việc đó qua lời chuyển cầu của người, xin đổ tràn trên họ Thánh Thần. Đức Maria là hình ảnh hoàn hảo của tình mẫu tử của Hội Thánh.
Kinh Mân Côi chuyển chúng ta một cách nhiệm mầu tới bên Đức Maria khi Đức Mẹ đang bận rộn lo cho Đức Kitô được lớn lên về đàng con người trong nhà Nadarét. Đức Mẹ cũng có thể huấn luyện chúng ta và nhào nặn chúng ta bằng cũng một sự chăm sóc, cho đến khi Đức Kitô “được thành hình trọn vẹn” nơi chúng ta (x. Gl 4,19). Vai trò này của Đức Maria, hoàn toàn đặt nền trong vai trò của Đức Kitô và triệt để tuỳ thuộc vào vai trò của Đức Kitô, “không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của trung gian ấy” {20}. Đây là nguyên lý sáng ngời được Công Đồng Vaticanô II diễn tả mà tôi đã được cảm nghiệm mạnh mẽ trong cuộc đời của riêng tôi, và tôi đã dùng làm cơ sở cho huy hiệu giám mục của tôi: Totus Tuus {21}. Huy hiệu này cảm hứng từ giáo huấn của thánh Louis Grignion de Montfort, người đã giải thích vai trò của Đức Maria trong tiến trình giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô bằng những lời lẽ như sau: “Sự hoàn hảo của chúng ta hệ tại ở chỗ được nên đồng hình đồng dạng, được liên kết và được thánh hiến cho Đức Giêsu Kitô. Do đó, việc đạo đức hoàn hảo nhất chắc chắn là việc làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng, liên kết và thánh hiến chúng ta cách hoàn hảo nhất cho Đức Giêsu Kitô. Hiện nay, vì trong mọi thụ tạo, Đức Maria là một thụ tạo đồng hình đồng dạng nhất với Đức Giêsu Kitô, cho nên trong tất cả các việc đạo đức, việc đạo đức thánh hiến chúng ta và làm cho linh hồn chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Chúa chúng ta nhiều nhất là việc đạo đức kính Đức Maria, Thánh Mẫu của Người, và linh hồn càng được thánh hiến cho Đức Mẹ thì càng được thánh hiến cho Đức Giêsu Kitô” {22}. Chưa hề có ở đâu như trong Kinh Mân Côi, cuộc đời của Đức Giêsu và cuộc đời của Đức Maria ra như lại được nối kết mật thiết với nhau như thế. Đức Maria chỉ sống trong Đức Kitô và vì Đức Kitô mà thôi!
Cùng với Đức Maria cầu nguyện với Đức Kitô
16. Đức Giêsu khẩn khoản mời gọi chúng ta quay về với Thiên Chúa và tin tưởng rằng chúng ta sẽ được nhận lời: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì được mở cho” (Mt 7,7). Nền tảng sức mạnh của lời cầu nguyện này chính là lòng nhân lành của Chúa Cha, nhưng cũng còn là nhờ trung gian của chính Đức Kitô (x. Ga 2,1) và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng “cầu thay nguyện giúp cho chúng ta” hợp với thánh ý của Thiên Chúa (x. Rm 8,26-27). Vì “chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho phải” (Rm 8,26) và đồng thời chúng ta lại không được nghe bởi vì “chúng ta xin không đúng” (x. Gc 4,2-3).
Khi nâng đỡ lời cầu nguyện mà Đức Kitô và Thần Khí khơi lên trong tâm hồn chúng ta, Đức Maria can thiệp bằng sự chuyển cầu đầy tình mẫu tử. “Lời cầu nguyện của Hội Thánh được nâng đỡ nhờ lời cầu nguyện của Đức Maria” {23}. Nếu Đức Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất, là Con Đường cầu nguyện của chúng ta, thì Đức Maria, phản ánh trong sáng và tinh tuyền nhất của Đức Kitô, lại chỉ cho chúng ta Con Đường ấy. “Khởi sự cùng với sự cộng tác độc nhất của Đức Maria vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, mà các Hội Thánh đã khai triển lời cầu nguyện của mình với Thánh Mẫu Thiên Chúa, tập trung lời cầu nguyện ấy vào ngôi vị Đức Kitô được biểu lộ nơi các mầu nhiệm của Người” {24}. Tại tiệc cưới Cana, sách Tin Mừng cho thấy rõ quyền năng do lời chuyển cầu của Đức Maria khi người tỏ cho Đức Giêsu biết những nhu cầu tha nhân đang cần tới: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3).
Kinh Mân Côi vừa là việc suy niệm vừa là lời khẩn cầu. Lời cầu liên lỷ dâng lên Đức Maria dựa trên lòng tin tưởng rằng sự chuyển cầu đầy tình mẫu tử của người có thể xin cho chúng ta được mọi điều từ trái tim Con của người. Đức Mẹ là “toàn năng nhờ bởi ân sủng”, như cách nói bạo dạn cần phải được hiểu cho đúng của chân phước Bartolo Longo trong tập sách Lời khẩn nài dâng lên Đức Mẹ {25}. Đây là một xác tín, khởi đi từ sách Tin Mừng, vẫn hằng mạnh mẽ thêm lên trong kinh nghiệm của Dân Kitô hữu. Thi hào Dante diễn tả điều ấy tuyệt vời qua những dòng thơ được thánh Bernađô hát lên: “Lạy Mẹ, Mẹ thật vĩ đại và thật quyền năng, đến độ ai muốn xin một ân huệ mà lại không chạy đến với Mẹ, thì đúng là người ấy muốn bay mà không có cánh” {26}. Trong Kinh Mân Côi, khi chúng ta bày tỏ lời cầu khẩn với Mẹ Maria là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35), thì Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta trước nhan Chúa Cha là Đấng đã cho Đức Mẹ được đầy ân sủng và trước nhan Chúa Con là Đấng đã sinh từ lòng Đức Mẹ. Đức Mẹ cầu nguyện với chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta.
Cùng với Đức Maria công bố Đức Kitô
17. Kinh Mân Côi cũng là một nẻo đường để công bố và hiểu biết sâu xa hơn mầu nhiệm Đức Kitô được lần lượt trình bày ở những cấp độ khác nhau trong kinh nghiệm của Kitô giáo. Đó là một sự trình bày có tính cách cầu nguyện và chiêm niệm, có khả năng đào luyện người môn đệ cho hợp với trái tim của Đức Kitô. Nếu việc đọc Kinh Mân Côi nối kết mọi yếu tố cần thiết để suy niệm cho hữu hiệu, nhất là khi đọc chung trong các giáo xứ và các đền thánh, thì việc đọc ấy có thể là một cơ hội để trình bày giáo lý thật ý nghĩa, mà các mục tử cần phải biết khai thác. Cũng bằng đường lối này, Đức Mẹ Mân Côi tiếp tục công việc của mình là công bố Đức Kitô. Lịch sử Kinh Mân Côi cho thấy kinh nguyện này đã được các tu sĩ Đa Minh sử dụng đặc biệt vào giai đoạn khó khăn của Hội Thánh do lạc giáo lan tràn như thế nào. Ngày hôm nay, chúng ta đang phải đối diện với những thách đố mới. Tại sao chúng ta không một lần nữa cậy nhờ Kinh Mân Côi, với cùng một đức tin như những người đã đi trước chúng ta? Kinh Mân Côi vẫn còn giữ nguyên sức mạnh và vẫn tiếp tục là một nguồn mạch mục vụ có giá trị cho bất cứ một người loan báo Tin Mừng tốt lành nào.