$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Lễ Đức Mẹ dâng mình vào trong Đền Thờ - Lễ Nhớ buộc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 304 | Cật nhập lần cuối: 11/21/2020 9:02:16 AM | RSS

“Kính chào Mẹ rất thánh

là Đấng đã sinh ra

Vua cai trị trời đất

đến muôn thuở muôn đời.”

(Ca Nhập Lễ Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào trong Đền Thờ)

Ngày hôm nay, Giáo Hội cử hành Lễ Đức Mẹ dâng mình vào trong Đền thờ. Dù trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta không thấy có những đoạn trình thuật rõ ràng việc Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào đền thờ, nhưng Hội Thánh Đông Phương và Tây Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội dâng mình cho Chúa từ lúc Mẹ còn nhỏ. Dù không có văn bản ghi lại, nhưng Giáo Hội vẫn có những truyền thống lưu lại những câu chuyện cổ kính thuật lại, nên Giáo Hội vẫn kính nhớ và thiết lập Lễ Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào đền thờ thành Lễ Nhớ buộc. Và chúng ta, mọi Kitô hữu có thể tìm thấy cho mình gương mẫu đời hiến dâng – dù trong bất kỳ ơn gọi hôn nhân, độc thân hay tu trì- nơi Đức Maria “đầy ân sủng”.

Vào thời đó, chúng ta đọc trong Kinh Thánh thấy có hai cách dâng hiến con trẻ theo luật buộc cho Thiên Chúa. Cách thứ nhất là đối với trẻ nam, sau khi được sinh ra 40 ngày, thì cha mẹ sẽ đem con lên Đền Thờ để dâng cho Thiên Chúa, còn với trẻ nữ là 80 ngày. Và đây cũng là ngày để người mẹ cần được thanh tẩy khỏi nhơ uế do dính dáng đến máu, nên cũng được gọi là lễ dâng con và là lễ thanh tẩy. Cách dâng mình thứ hai, là một cách dâng hiến tự nguyện cho Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, để phụng sự Người. Vì thế, có những bậc cha mẹ, trước hoặc sau khi sinh con, cũng đã dâng con mình cho Chúa trong thời gian họ muốn, có khi là khoảng thời gian đầu, hay nhiều năm, hoặc suốt đời.

Dù chính Thân Phụ Mẫu của Đức Maria là Thánh Gioakim và Anna đã đưa Đức Maria vào Đền thờ để dâng cho Thiên Chúa để phục vụ Người trong Đền Thờ Giê ru sa lem, nhưng chính Đức Maria, vì là tạo vật tuyệt vời được Thiên Chúa ban cho trí óc và tâm hồn hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa, nên chính Mẹ đã dâng hiến hoàn toàn con người của Mẹ để phụng sự Thiên Chúa. Chính ý thức và sự hy sinh nơi Mẹ quả là hy lễ tuyệt vời để Thiên Chúa đón nhận và làm nơi Mẹ bao kỳ công, trao cho Mẹ sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Thế, cộng tác tích cực vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa trên nhân loại, thế giới này. Mẹ quả là tinh khôi để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, một báu vật không tỳ vết nhơ từ khởi đầu tạo thành, vì thế, việc Mẹ dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa đáng muôn đời ca ngợi và Thiên Chúa hài lòng trước cuộc đời của Mẹ.

Các Thánh Giáo phụ như Thánh Ambrôsiô, Thánh Giêrônimô, Thánh Rupert, Thánh Bernadô, và nhiều vị giáo phụ khác nghĩ rằng Đức Trinh Nữ Maria là người đầu tiên đã thực hiện một lời khấn hứa khiết tịnh và như vậy, Mẹ đã nêu gương cho muôn ngàn thế hệ mai sau, khao khát phụng sự Chúa cách hoàn hảo hơn.

Khi dâng hiến mình cho Đấng Toàn Năng, Đức Trinh Nữ Maria đã trao dâng tất cả con người của Mẹ cho Thiên Chúa mà không giữ lại bất cứ điều gì. Linh hồn và thể xác, mọi sức mạnh của linh hồn, thậm chí hết cả con người thể xác Mẹ, toàn bộ trái tim và đời sống Mẹ, tất cả những gì Thiên Chúa làm nên Mẹ, Mẹ đã dâng hiến tất cả để phục vụ Đấng Tối Cao. Chỉ vì Mẹ ý thức mình được Thiên Chúa tạo dựng, và cần phải thuộc về Ngài, cần phụng sự Thiên Chúa trong chính cuộc đời riêng, nên Mẹ đã trao dâng, đã dâng hiến cuộc đời Mẹ cho Người.

Suy niệm và cật vấn chính mình, trong chính đời sống ơn gọi của mình, dù bạn đang sống đời hôn nhân hay tu trì, thì chúng ta cần phải nhìn lại để tự hỏi:

Hôm qua, và hôm nay, tôi đã thực sự dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong ơn gọi tôi đang sống? Trí óc, trái tim, những cảm xúc, đôi mắt, miệng lưỡi, đôi tay, với tất cả những ý muốn…của tôi, có được sử dụng để chỉ cho việc phụng sự, phục vụ Chúa mà thôi hay không? Điều này không có nghĩa là khi bạn đang sống đời hôn nhân- gia đình, bạn sẽ không còn làm việc, hay bỏ mặc để thôi không bận tâm, lo lắng, phục vụ gia đình, cha/mẹ/ chồng/vợ/ hay con cái mình, nhưng là chúng ta phục vụ gia đình theo ý muốn của Thiên Chúa, để Ngài hướng dẫn và luôn theo bước chỉ dạy của Ngài trong đời mình với một tình yêu và sự tín thác.

Còn nếu bạn đang sống đời tu trì, câu cật vấn sẽ tùy vào giờ cầu nguyện hôm nay của bạn.

“Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con họp mừng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vinh hiển, cúi xin Chúa nhậm lời Người chuyển cầu mà ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc. Amen.”

(Lời Nguyện Kinh Sáng Ngày Lễ)

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P