$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Khi đau khổ trở thành lời chứng của lòng trung thành, hy vọng và tín thác. Suy niệm Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết.

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 220 | Cật nhập lần cuối: 8/28/2020 9:03:57 PM | RSS

“Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.”

Marco 6,17-29

Khi cố gắng bảo vệ chân lý và ngăn cản vua Hêrôđê không đi vào con đường tội lỗi, Gioan đã bị tẩy chay, bị thù ghét, bị bắt giam, và cuối cùng bị chém đầu. Mạng sống của người công chính xem ra kết thúc trong bi thương, trở thành nạn nhân của sự sa đọa, hèn nhát và vô cảm của Hê rô đê, lẫn bà vợ tàn nhẫn và đứa con lanh lợi nhưng chất chứa sự tàn ác khi xin cái đầu của Gioan.

Quả là một câu chuyện buồn, khiến chúng ta thắc mắc: chẳng lẽ Thiên Chúa lại để cho cái ác lộng hành, Ngài không biết cái ác đang ngăm nghe, rình rập hãm hại người lành, hay Ngài cố tình lặng thinh trước ác? Ngài biết Gioan đang bảo vệ chân lý, nhưng sao Thiên Chúa vẫn để Gioan vẫn phải chịu đau khổ?

Thánh Têrêsa Avila đã từng thưa với Chúa “Lạy Chúa, nếu đây là cách mà Chúa đối xử với những người bạn của Chúa, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi mà Chúa có thật ít bạn bè!” Chúng ta thấy rõ rằng, ngay từ trong Kinh Thánh, trong lịch sử Giáo Hội đến nay, và những gì chúng ta thấy và trải nghiệm, thì các ngôn sứ, các tông đồ, những môn đệ của Chúa, những người được Chúa yêu thương xem ra đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong cuộc đời của họ. Vậy điều này nói gì với chúng ta?

Trước hết, chúng ta đừng quên rằng, chính Chúa Cha đã để cho Con của Ngài phải chịu lấy những đau khổ, bị mắng nhiếc, bị hiểu lầm, bị bắt bớ và cuối cùng chết trong đau thương, nhục nhã. Bởi dưới cái nhìn con người, một cái chết gắn với thập giá, điều mà người Do Thái cho là ô nhục, và người Hy Lạp cho đó là một sự điên rồ. Chắc chắn rằng, Chúa Cha rất yêu thương Người Con Duy nhất của Ngài, nhưng Ngài vẫn để cho Con của Người phải đón lấy những đau khổ tận cùng, để con người được cứu độ, được sống. Và chính trong cái chết của Chúa Giêsu Kitô, Con Duy Nhất của Ngài, đã minh chứng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, là tiếng nói hùng hồn nhất của tình yêu, mặc khải cho con người được biết và cảm nhận.

Do vậy, cái chết của Gioan đã trở thành vũ khí bảo vệ chân lý và là bài giảng mạnh mẽ nhất bảo vệ chân lý, đạo đức mà cho đến muôn đời sau, khiến con người phải cật vấn về chính mình xem mình có dám lên tiếng bảo vệ sự thật, chân lý đến từ Thiên Chúa hay không. Và trong cái nhìn của Thiên Chúa, lòng trung thành của Gioan có giá trị rất nhiều so với đời sống thể lý mà Gioan có thể tiếp tục giữ lấy, hoặc so với những đau khổ về thể xác mà Gioan phải chịu.

Suy gẫm và phản chiếu đoạn Tin Mừng hôm nay vào trong cuộc sống riêng của mỗi người, chúng ta thấy đôi khi, thập giá của chúng ta mang vác xem ra nặng nề, và chúng ta xin Chúa hãy cất đi gánh nặng của thập giá ấy. Nhưng thay vì cất đi thập giá trên đôi vai của chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta rằng, ân sủng của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta luôn đủ để chúng ta đón lấy thập giá ấy. Và Ngài muốn chúng ta dùng những đau khổ mà chúng ta chịu như là một lời chứng về lòng trung thành của chúng ta với Chúa. Vì thế, Chúa Cha muốn chúng ta đi vào trong mầu nghiệm của những đau khổ nơi chúng ta trong cuộc sống này bằng niềm tin, hy vọng, tình yêu, sự kiên trì và trung thành hướng về Thiên Chúa.

Xin Chúa giúp, đỡ nâng từng người trong chúng ta, để cho dẫu trong những đau khổ mà chúng ta phải gánh lấy, chúng ta luôn có đó sự tín thác, hy vọng, lòng mến, sự kiên nhẫn và lòng trung thành. Có như thế, tất cả những đau khổ trong cuộc đời mà chúng ta gánh lấy, trở thành lời chứng cho sự trung thành, và là lời giảng có ý nghĩa về một Thiên Chúa không hề thinh lặng trước đau khổ của con người, hay bỏ rơi họ, nhưng là Ngài luôn ở cạnh bên, và biến đau khổ đó trở thành ân phúc cho người đang phải hứng chịu đau khổ. Amen

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P