ĐIỂM DỪNG
ĐIỂM DỪNG
BUỔI SÁNG
Nó đưa mắt đảo quanh, hai bàn tay xoa vào nhau, miệng huýt sáo rồi nói một mình: “Xếp (Thày Hiệu Trưởng) chưa tới, đồng chí cô cũng… chắc là…sao lớp im re thế này?” Nó nhún vai, nghênh ngang tiến vào lớp tuyên bố một câu xanh rờn trước một tập thể lớp đang trố mắt nhìn nó:
- Hôm nay đồng chí cô bận việc nước không đến lớp được, các bạn…
Nó chựng lại, điếng hồn … cô giáo chủ nhiệm đang ngồi ở cuối quan sát cả lớp và chắc chắn là đã quan sát nó từ lâu. Cô nghiêm mặt nói với nó:
- Sơn vào chỗ ngồi, lấy giấy làm bài kiểm tra.
Nó ngồi xuống lấy giấy bút và làm bài theo kiểu của nó. Nó nhìn trời, nhìn đất, liếc ngang, liếc dọc và chờ cơ hội để … cọp … nhưng toán còn cọp được, chứ văn thì tính sao đây… thời gian sao dài qúa…
Tùng … tùng…tùng…
Trống ra chơi giữa giờ. Hai tiết làm bài văn cũng qua mau. Cả lớp nộp bài với những tiếng lao xao. Cô giáo đứng trên bục chờ lũ “yêu quái” đứng lên chào, cô cười và nói:
-Tối nay, 7 giờ, em nào muốn vãng cảnh hang đá Chúa Hài đồng thì đi xe đạp đến nhà cô, cô sẽ chờ tới 7g30.
BUỔI CHIỀU
Thấy có bóng người thập thò ở cửa, tôi ngưng chấm bài và nhìn ra.
- Em chào cô.
- Sơn hả? Vào đi em.
Sơn ngập ngừng bước vào, hai tay đan nhau lúng túng:
- Thưa cô, em đến xin lỗi cô về chuyện sáng nay.
Tôi chỉ chiếc ghế bảo em :
- Ngồi xuống đi em, sáng nay có làm bài được không ?
- Dạ, em…
-Ba má khỏe không Sơn?
- Cảm ơn cô, ba má em vẫn khỏe.
- Thưa cô... Sơn ngập ngừng, thở dài và nói một hơi:
- Sao cô lúc nào cũng như nhượng bộ trước một đứa học trò ngỗ nghịch như em. Em cứ suy nghĩ hoài từ trưa đến giờ về cô. Tại sao cô lại chấp nhận cho em vào lớp khi em đến trễ, lại còn ngông nghênh phá bầu khí yên tĩnh khi các bạn đang làm bài.
Tôi mỉm cười:
- Không phải cô nhượng bộ đâu, mà là cô quan sát, rồi tìm cách để cô hiểu học trò của cô và học trò cô hiểu cô để chúng ta giúp nhau dạy và học tốt. Em hiểu ý cô không?
Sơn không trả lời mà hỏi lại tôi :
- Sao cô không hỏi tại sao sáng nay em đến lớp trễ mà lại quan tâm đến việc em có làm bài được không?
- Em hay hỏi tại sao lắm. Thế em có biết tại sao cô không trách mà lại quan tâm đến việc làm bài kiểm tra của em không? Một đứa trẻ được sống hạnh phúc trong một gia đình có đủ cha mẹ, lại giàu sang như em, tại sao không lo học hành chăm chỉ mà cứ ngang tàng phá phách, rồi sau này em sẽ làm gì? Tiền rồi cũng hết, bố mẹ em nhiều tiền nhưng có mua được kiến thức cho em không? Em nên suy nghĩ lại và ráng học cho tương lai sau này.
- Sao cô chắc em hạnh phúc. Hạnh phúc là gì?
- Cô vẫn muốn nói chuyện với em từ lâu và muốn hiểu thêm gia cảnh của em để giúp em tìm được niềm vui trong học tập và nơi bạn bè nhưng chưa có dịp.
- Sự ngang tàng của em cũng có nguyên do, ba má em chỉ lo kiếm tiền, gia đình em giàu, em biết thế, nhưng cái em cần là sự quan tâm của ba má em, em cần sự yêu thương chứ không phải tiền bạc. Em bất hạnh, em là người bất hạnh.
Và em khóc một cách ngon lành như chưa từng bao giờ được khóc như thế. Đưa cho em chiếc khăn giấy, tôi đứng lên lấy ly nước đặt vào tay em. Chờ cơn xúc động dịu lại, tôi ngồi xuống cạnh em và nói :
- Có phải vì thế mà em ngang tàng phá phách để gợi sự chú ý của mọi người không?
- Em không biết, em không nghĩ thế!
- Có lẽ em nên gợi sự chú ý của mọi người bằng cách khác: đến lớp đúng giờ, học hành đàng hoàng, tham gia các sinh hoạt của lớp, của phường, của giáo xứ… để lấp đi những khoảng trống vô nghĩa. Rồi em sẽ thấy mình không có đủ giờ mà học và làm việc, chứ đừng nói đến chuyện đi chơi, phá làng phá xóm. Chẳng bao lâu em sẽ tìm được niềm vui trong học tập, bạn bè sẽ gần gũi, quan tâm đến em.
- Vâng, bấy lâu em đã chán ngấy cuộc sống này, chẳng ai quan tâm và hiểu em.
- Hay là em vô ca đoàn xứ đi, trong xứ em có tham gia hội đoàn nào không? Cô thấy em có giọng hát khá hay khi vô tình nghe được giọng hát của em trong một lần sinh hoạt lớp.
- Một đứa hư đốn như em thì ai dám nhận vô ca đoàn.
- Em đừng nghĩ thế, cứ thử mạnh dạn đến xin xem. Trong một giáo xứ mà không tham gia một hội đoàn nào thì thấy cô đơn lắm.
- Em không chắc ca đoàn có nhận em không. Em ngại lắm vì từ trước tới giờ trong mắt mọi người em vẫn là một đứa vô lại. Chẳng ai tin em sẽ trở thành người tốt.
- Có cô tin em, tin em sẽ làm được, sẽ trở thành người tốt. Em chưa phải là đứa hư đốn tồi tệ qúa sức đâu, hãy tin vào chính mình, tin vào sự hoán cải của con tim và bằng nghị lực để vượt qua mọi cám dỗ, mọi cản trở. Cô sẽ giúp em trong khả năng của cô. Chịu chưa nào? Thôi cô phải chấm bài tiếp đây. Tối nay nhớ đến nhà cô để cùng các bạn vãng cảnh hang đá Chúa Hài đồng nhé.
Em chào tôi ra về, mặt vẫn đượm buồn.
BUỔI TỐI
7g45. Các em học sinh đã đến nhà tôi gần đủ. Chúng lao xao hỏi nhau :
- Sao cô chưa đi nhỉ?
- Trễ lắm rồi, cô còn chờ thêm ai nữa?
- Chắc cô chờ bạn Sơn, hồi chiều tớ thấy Sơn ở nhà cô về, có vẻ thế nào ấy, không buồn, không vui, cứ như người mất hồn.
Nghe những tiếng lao xao hỏi nhau, tôi cười bảo:
- Các em chờ thêm tới 8 giờ nhé, hang đá về đêm mới đẹp, chờ bạn Sơn thêm chút nữa.
Vừa lúc ấy Sơn xuất hiện với chiếc Martin màu nho chín, trông em thật hiền trong bộ đồng phục của trường.
Cả lớp xôn xao:
- Sơn đến rồi kìa.
Giọng cái Hiền dí dỏm :
- Sao vậy Sơn? Giấc mơ hai của bạn đâu rồi mà lại đi cúp điếc thế?
- Đi cúp điếc cho nó nhẹ, với lại khỏi phải chờ, buổi tối, xe bon êm êm, còn gì bằng phải không Sơn?
Thằng Hiệp thủng thỉnh nói rồi đưa nắm đấm vào mặt cái Hiền:
- Cái bà Hiền lắm chuyện, chọc quê nó hoài.
- Thôi, đi được chưa. Các em nhớ đi chầm chậm, nhìn đường xe mà liệu đó, không được đi dàn ra đường. Điểm đầu tiên chúng ta dừng là nhà thờ Ngũ Phúc, sau đó sẽ tiếp tục theo đường quốc lộ đến các hang đá kế cận. Rồi, chuẩn bị xuất quân.
Cả lớp cười vui vẻ, rồi từng người trật tự đạp xe qua các ngả đường.
Vì là ngày 23 nên các hang đá hầu hết đã mắc điện rất đẹp. Chúng tôi đến từng nhà thờ, dừng lại thật lâu bên các hang đá để quan sát. Mỗi hang đá đều có chủ đề riêng, đều muốn thể hiện một niềm tin và những khát khao trong cuộc sống cho Đấng Emmanuel. Tôi chú ý quan sát Sơn, em dừng lại rất lâu bên các hang đá, mặt luôn đăm chiêu và luôn là người ra sau cùng. Trước mỗi hang đá, tôi giải thích theo từng chủ đề để các em hiểu. Sau khi giải thích, tôi để các em dừng lại một lúc, mỗi em một suy tư, một lời cầu trước hang đá.
10 giờ đêm, chúng tôi ra về. Trên đường đi các em bắt đầu tranh luận về các hang đá. Tới nhà cô giáo, các em dừng lại chờ.
- Các em về nhé, nghỉ ngơi rồi sáng mai đi học sớm.
Sơn đợi các bạn đạp xe đi hết mới chào tôi và nói:
- Ngày mai 24, đêm mai Chúa ra đời rồi, lớp mình có cùng đi viếng hang đá không cô?
- Ờ, sáng mai lên lớp sẽ thông báo cho các bạn biết để cùng đi lễ luôn. Sơn về nhé.
ĐÊM 24/12
Theo hoạch định, cả lớp sẽ đi viếng hang đá và ở lại cùng dự lễ tại một nhà thờ ở điểm dừng cuối cùng.
Đêm nay, các hang đá rực rỡ hơn, người đi như trẩy hội. Đủ các loại xe, từ dream, cub, honda cho đến Martin không nổ. Và cũng đủ mọi hạng người, người có đạo, kẻ chưa biết Chúa, người đi để mua vui, kẻ đến để vãng cảnh, học cách tổ chức các lễ hội …
Chúng tôi dừng rất lâu ở các hang đá và cầu nguyện. Hôm qua là đi vãng cảnh hang đá, hôm nay là đi viếng hang đá nên các em vẫn cười vui nhưng không ồn ào. Hôm qua đã được nghe giải thích về từng chủ đề nên hôm nay các em đã có những suy tư, những cảm nghiệm để đến với Chúa Hài đồng.
Sơn lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu, thỉnh thoảng nhìn tôi như tìm sự đồng cảm và mỉm cười khi tôi gật đầu, làm như hai cô trò hiểu được những tư tưởng và lời nguyện cầu của nhau.
Điểm dừng cuối cùng là hang đá trong đền thánh Martino. Nơi đây sự yên tĩnh làm lòng người thấy bình an. Vẫn những dòng người đổ về đây nhưng không ồn ào mà như chùng xuống, lắng lại.
Sơn đi chầm chậm về phía tôi, thở một hơi thật mạnh như muốn trút bỏ một gánh nặng của qúa khứ. Em nói:
- Cảm ơn cô về những ngày qua, em đã hiểu và biết mình phải làm gì. Noel năm nay em thấy tâm hồn thật bình an. Em sẽ cố gắng học giỏi, sống tốt để không phụ lòng cô và ba mẹ em, em đã hiểu những cơ cực của ba mẹ chỉ vì thương và lo cho em.
- Em đã nghĩ đúng, cô hy vọng em sẽ cố gắng với những quyết tâm của mình. Mỗi người đều có một điểm dừng trong cuộc đời. Đây là điểm dừng đầu tiên trong đời em, sẽ còn nhiều khó khăn, nhiều cản trở khiến em có lúc chùn chân, thậm chí muốn tháo lui, hãy vươn lên bằng chính nghị lực của mình. Tới giờ lễ rồi, mình vào nhà thờ đi em.
Mọi người cùng im lặng đi vào nhà thờ để chuẩn bị Thánh lễ. Tiếng đàn nhè nhẹ, hương trầm thoang thoảng, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ… Bầu khí của một đêm thánh thanh bình làm lòng người thấy nao nao khi cả cộng đoàn cùng cất lên: “Đêm thánh vô cùng…”
TÊPHAN