TỰ DO ĐỂ VÂNG PHỤC

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 725 | Cật nhập lần cuối: 8/28/2022 10:16:03 PM | RSS

TỰ DO ĐỂ VÂNG PHỤC

TỰ DO ĐỂ VÂNG PHỤC

Nếu như được hỏi Thiên Chúa ban cho con người điều gì là cao cả nhất thì tôi sẽ trả lời đó là tự do. Nhưng tự do mà Thiên Chúa ban phải chăng để làm những điều con người muốn? Điều con người muốn thì thật “vô đáy” và nhiều khi đưa đẩy con người vào những thảm cảnh của đau khổ. Thế nên, sự tự do ở đây là để vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục chính là nền tảng và là điều con người phải hướng đến trong hành trình đi về Quê Trời. Trong đời sống người tu sĩ hôm nay, do ảnh hưởng từ một thế giới tục hóa, đôi khi việc sống vâng phục trở thành một điều khó khăn và khó giữ. Vì lẽ đó, thiết nghĩ một vài suy tư nhỏ giúp tôi ý thức hơn về việc sống vâng phục trong thời đại ngày nay.

1. Tại sao phải vâng phục?

Tự do để vâng phục hai phạm trù dường như mâu thuẫn nhau. Bởi lẽ theo lối hiểu của con người ngày nay: tự do là một lối sống, suy nghĩ và hành động một cách tự do buông thả, muốn làm gì thì làm, không theo một quy định áp chế nào. Còn vâng phục lại là thái độ nô lệ, là một sự tùng phục cho một ai hay một điều gì đó. Do đó, với tâm thức của con người thời nay, người ta chẳng thể nào nghĩ rằng tự do là để vâng phục. Có thể nói: Ở những nước văn minh tiến bộ, người ta ý thức việc không xả rác hay không vi phạm luật giao thông cũng không phải là một sự tự do hoàn toàn, bởi lẽ sự ý thức ấy là do bắt buộc bởi pháp luật, nếu vi phạm thì tức khắc người ta phải bỏ ra một món tiền để nộp phạt hay phải trả giá cho một hậu quả nào đó. Còn trong gia đình, con cái đương nhiên phải vâng lời cha mẹ, đó là một sự vâng phục thuần lý theo truyền thống đạo đức từ xa xưa của con người: Con cái trong gia đình phải vâng phục cha mẹ, chúng cần được giáo dục và chịu sự giáo dục ấy để nên người. Nhưng một khi đến tuổi trưởng thành, con cái tự do làm theo ý muốn của chúng mà không lệ thuộc vào quyết định của cha mẹ nữa.

Đối với người tu sĩ, vâng phục không bị ràng buộc bởi những lý do con người mà vâng phục được chi phối bởi sự tự do Thiên Chúa ban. Đây là một hành động hoàn toàn tự nguyện. Nhưng lý do đặt ra là: tại sao chúng ta lại tự nguyện vâng phục?

Thật ra, đối với người tu sĩ, khi cam kết sống đời thánh hiến, chúng ta tự nguyện sống vâng phục theo tinh thần Phúc Âm trong đó chúng ta hướng đến việc từ bỏ ý riêng để trở nên hy lễ dâng lên Thiên Chúa, noi gương Đức Giêsu. Đó cũng là đáp lại lời mời gọi tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô dấn thân phục vụ con người trong thế giới hôm nay.

2. Vâng phục ai?

Trong lịch sử đời tu có nhiều quan niệm về việc vâng phục. Sự vâng phục khi thì xét trong tương quan với Thiên Chúa, khi được xét trong tương quan với bề trên, với bản luật, với cộng đồng. Ngoài ra cũng có những người coi vâng phục như một yêu sách của đời sống chung hay của việc điều hành công tác tông đồ …Ở đây chúng ta sẽ dựa theo chỉ dẫn của công đồng Vaticanô II qua sắc lệnh Đức Ái Trọn Hảo (Perfectae Caritatis)

Các tu sĩ hãy khiêm tốn vâng phục bề trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và hiến chương, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ đã được uỷ thác cho mình, vì biết mình đang góp công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô theo như ý định Thiên Chúa” (PC 14)

Như thế, sự vâng phục của người tu sĩ luôn đặt trên nền tảng là thánh ý Thiên Chúa. Ý Thiên Chúa thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống người tu sĩ. Người tu sĩ hiến dâng đời mình để phục vụ cho chương trình của Chúa không phải một lần trong ngày khấn mà liên lỉ trong suốt cuộc đời. Bao gồm việc chu toàn luật Chúa, luật Dòng, sống bác ái hiệp thông trong cộng đoàn.

Chu toàn luật Chúa đó là sự gắn kết cuộc đời mình với Chúa, tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong cuộc đời, qua đời sống thinh lặng và cầu nguyện. Nhờ sự gắn bó cùng Chúa, chúng ta sẽ nhận ra ý Người trong những sự việc diễn ra hằng ngày. Sự vâng phục ý Chúa trong đời sống tu trì được thể hiện cách cụ thể qua việc người tu sĩ vâng phục các vị bề trên là những người đại diện cho Thiên Chúa. Sự vâng phục ấy luôn bao hàm thái độ đức tin. Nếu chỉ có một sự vâng phục tự nhiên thì không phải là lời khuyên phúc âm. Trong tinh thần đức tin, tu sĩ coi bề trên như thay quyền Chúa. Tinh thần đức tin được thành hình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nhờ đó chúng ta có thể vâng phục chị em trong thái độ tôn trọng yêu mến. Vâng phục ý Chúa còn là trung thành với luật dòng. Đó là bản đúc kết những chỉ dẫn, những trải nghiệm của biết bao thế hệ cha anh trong dòng đã đào sâu tìm kiếm thánh ý Chúa và truyền lại cho chúng ta. Do đó, việc tuân phục những chỉ dẫn trong hiến pháp và nội quy của dòng cũng là phương thế giúp ta vâng phục thánh ý Chúa khi chúng ta không xác định được đâu là ý của Người trong cuộc sống. Ngoài ra, sống bác ái hiệp thông trong cộng đoàn là thể hiện sự vâng phục ý Chúa cách sung mãn nhất. Bởi lẽ ở đâu có sự hiệp nhất, ở đấy có tình yêu thương và trong yêu thương, các thành viên trong cộng đoàn thể hiện sự tôn trọng, đối thoại và lắng nghe nhau, biết cảm thông nâng đỡ nhau. Đó là biểu hiện của cộng đoàn Chúa Ba Ngôi luôn có tình yêu và tự do vâng phục đích thực.

3. Quan niệm mới về sự vâng phục

Với hướng mở cửa về vấn đề mục vụ, Công đồng Vaticanô II cho phép người tu sĩ dấn thân trong sứ vụ trần thế, do đó, cũng hướng họ đến sự tự do trong việc cùng nhau tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Điều này cho thấy quan niệm vâng phục ngày nay có chiều hướng canh tân thích nghi với hoàn cảnh Giáo hội.

Trước Công đồng Vaticano II, người ta đề cao đức Vâng phục, coi đó gần như mục đích của đời tu. Nếu đi tu thì phải vâng lời vì đó là cách làm cho chúng ta nên giống Chúa Kitô “Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên cây thập tự.” (Pl 2,8) Quả thật, không ai phủ nhận chân lý này. Tuy nhiên sự vâng phục của Đức Giêsu không bao giờ là một sự vâng phục mù quáng. Trái lại, sự vâng phục ấy luôn là sự vâng phục trong tự do và ý thức (Ga 10, 17- 18). Do đó vâng phục của người tu sĩ cũng phải đặt trong sự tự do và ý thức. Theo quan niệm mới này thì trong việc vâng phục quyền bính, vị bề trên không thể ra lệnh cách độc tài buộc người dưới phải theo ý mình và bản thân người dưới cũng không được quyền sống ấu trĩ chỉ chờ được bề trên điều khiển. Trái lại cả hai đều phải tìm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, có sự đối thoại trong tự do để tìm ý Chúa hơn ý riêng mình.

Mặt khác, vâng phục trong sự tự do cùng nhau tìm kiếm ý Chúa, cho chúng ta thấy được những gì là cũ kỹ, những gì cần phải sửa đổi và giúp cho chúng ta có sức mạnh để thực hiện những cuộc dấn thân mới vì Nước Trời. Nếu quan niệm cũ coi đức Vâng phục là một cách tự chế, hãm mình để rèn luyện nhân đức, là bắt chước gương Đức Kitô…, thì quan niệm mới coi vâng phục là một cách thể hiện nhân phẩm, nghĩa là tự thực hiện chính mình, là tự do dấn thân trong ơn gọi, là tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô, Đấng vâng phục. Theo quan điểm mới này, vâng phục chuyển từ trạng thái thụ động sang trạng thái chủ động. Bởi lẽ quan điểm cũ chúng ta chỉ bắt chước những gì Đức Kitô đã làm trong quá khứ còn quan điểm mới là chúng ta tiếp tục tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô trong cuộc sống hiện tại này.

Như vậy, vâng phục của người tu sĩ theo cái nhìn mới là để hoàn thành sứ mạng loan báo và thực hiện Nước Trời. Do đó, vâng phục được đặt trên bình diện đức tin và chân lý là thể hiện tình thương, công chính và tự do hơn là nhằm giúp cho cộng đoàn có trật tự, điều hành tốt… Ngoài ra, vâng phục cũng không phải là phương tiện để hãm mình (của kẻ dưới) hoặc để kiểm soát (đối với người trên), nhưng là tác nhân xây dựng nhân phẩm con người. Và mục đích của vâng phục cũng không chỉ để vâng phục nhưng vâng phục là để thể hiện tình yêu. Tình yêu của chúng ta đến Thiên Chúa và đến tha nhân. Người tu sĩ vâng phục là mở lòng mình ra với Chúa và với mọi người trong tinh thần lắng nghe đón nhận và tin cậy lẫn nhau. Nhờ đó, chúng ta nhận ra chính mình và tha nhân cũng như hiểu được dấu chỉ của thời đại và nghe được tiếng gọi mời của Chúa.

4. Thách đố cho việc tự do vâng phục

Dù rằng người tu sĩ tự nguyện chọn con đường vâng phục, thế nhưng chúng ta không dễ gì sống vâng phục. Sự vâng phục đôi khi làm chúng ta cay đắng trong nước mắt, tuân phục đến độ “nước mắt chảy ngược vào tim”. Sự vâng phục đôi khi đòi chúng ta phải im lặng trước bất công do chính những người cùng chung chí hướng hay do bề trên đưa tới. Thực vậy, có những người rất đau khổ khi phải sống nơi mình không thích, ở với những người mình không ưa, làm những việc không đúng chuyên môn của mình… Tại sao vậy ?

Trên lý thuyết chúng ta cam kết theo sát Đức Kitô và vâng phục theo thánh ý Người, nhưng trong thực tế cuộc sống, chúng ta phải đối diện với những thách đố từ nhiều phía.

Trước hết, đó là thách đố từ bên trong. Mỗi người đều mang một cái tôi luôn có khuynh hướng thống trị người khác, muốn áp đặt ý kiến mình trên người khác. Chúng ta dễ có thái độ cho rằng mình hiểu biết, có trình độ hơn và những ý kiến của mình đúng hơn người khác, do đó khó chấp nhận ý kiến của người khác. Chúng ta dễ lấy lý trí làm quy chuẩn hành động hơn là dùng lý trí và con tim để lắng nghe người khác. Ngoài ra trong đời sống chung, nhiều khi chúng ta cho rằng mình quá biết chị em này chị em kia tính tình, khả năng ra sao, và chúng ta tự tô vẽ nên những thành kiến hay định kiến cá nhân về họ, từ đó khiến chúng ta khó chấp nhận và vâng phục họ. Hoặc có chăng sự vâng phục ấy chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Vì vậy, chúng ta rất khó có được một sự vâng phục trong tự do, khiêm tốn và tín thác.

Bên cạnh đó, những thách đố từ bên ngoài như bối cảnh xã hội ảnh hưởng nhiều đến đời sống vâng phục của người tu sĩ. Có thể nói mỗi thời đại có một nếp sống và suy nghĩ khác nhau, do hoàn cảnh xã hội và môi trường giáo dục khác nhau. Nếu trước kia, trong một xã hội phong kiến và truyền thống Nho giáo đặt lên hàng đầu, con cái trong gia đình thường có não trạng vâng phục cha mẹ một cách triệt để. Còn ngày nay, xã hội mỗi ngày một phát triển, người ta lại quá đề cao cá nhân chủ nghĩa. Chính vì thế, không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nữa! Con cái trưởng thành vẫn có quyền làm theo ý riêng mình và tự do quyết định. Do đó, những tu sĩ sinh ra và lớn lên trong thời đại mới này khó giữ đức Vâng phục hơn các thế hệ đi trước. Mặt khác, thời đại khoa học kỹ thuật ngày một phát triển là cơ hội và thách đố đối với người tu sĩ. Họ dễ bị cám dỗ bởi những hào nhoáng bên ngoài, hay bởi cuộc sống luôn bận rộn khiến họ khó đi vào đời sống tâm linh - con đường giúp họ kiên nhẫn đón nhận những trái ý, đau khổ, nhận ra ý Chúa trong hoàn cảnh của mình, để có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và sống vâng phục. Mặt khác, trào lưu xã hội cũng thúc đẩy chúng ta xem thường những quy định, phép tắc trong đời sống tu trì. Chẳng hạn: chúng ta thường ngại trình thưa, xin phép bề trên những điều mà chúng ta cho là nhỏ nhặt, cảm thấy thời đại nay mà còn phải trình thưa những viêc vụn vặt như thế, mình trở nên quá lệ thuộc vào người khác chăng…?

Ngoài ra, trong đời sống chung, những khác biệt tâm lý như tuổi tác, chẳng hạn với những thế hệ các chị lớn với những nếp sống và suy nghĩ khác với thế hệ trẻ, giữa những người ngang hàng hoặc nhỏ hơn.…Và nhân cách sống cũng là nguyên nhân khiến chúng ta dễ dàng vâng phục hay khó vâng phục. Bởi lẽ với một người sống “ngôn hành bất nhất” thì làm sao có thể thuyết phục người khác dễ dàng vâng phục mình?

5. Vâng phục của người tu sĩ trẻ

Trong những cuộc trò chuyện trao đổi với các nữ tu trẻ trong giai đoạn học viện về việc sống vâng phục của họ trong giai đoạn hiện nay, tôi ghi nhận được những ý kiến đóng góp như sau:

Đa số các bạn cho rằng: các bạn muốn được tôn trọng và tự do trong việc vâng phục, các bạn không thích cách “thử đức Vâng phục” của người khác để xem mình có dễ dàng vâng phục hay không. Đó là một sự dò xét, làm mất tự do trong việc vâng phục. Điều này dễ dẫn đến thái độ sống vâng phục một cách giả hình, bằng mặt mà không bằng lòng.

Một số ý kiến nữa cho rằng: do những cám dỗ về những tiện nghi vật chất khiến họ cảm thấy khó khăn nhiều trong việc sống vâng phục hay phải làm những điều trái với ý riêng mình. Và số khác cảm thấy thiếu khiêm tốn để có thể vâng phục, nhất là vâng phục những chị em ngang bằng hay nhỏ hơn. Họ có thể vâng phục người lớn nhưng cũng cần có sự tự do đối thoại và có tự do trong việc thực thi mệnh lệnh hơn là bị áp đặt. Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng họ muốn trưởng thành trong việc sống vâng phục, không thích thái độ vâng phục thụ động, bề trên “bảo sao thì làm y như vậy”. Họ muốn sống vâng phục theo lập trường của mình tức là họ nhận mệnh lệnh từ bề trên nhưng trong việc thi hành mệnh lệnh, họ muốn hoàn toàn tự do, tự quyết và chịu trách nhiệm về công việc họ đảm nhận và bề trên chỉ đóng vai trò cố vấn khi cần.

Có thể nói những ý kiến mà các bạn nói lên cho thấy họ cũng băn khoăn và thao thức tìm kiếm con đường hoàn thiện cho đời sống dâng hiến của mình. Thế nhưng vì còn là những người trẻ và họ vẫn đang trên hành trình thăng tiến bản thân, do đó họ muốn sống bằng con người thật của mình, muốn được tự do vâng phục trong sự tìm tòi sáng tạo của bản thân, muốn được những người trên tôn trọng và nâng đỡ khích lệ…Và nếu trong cuộc sống, họ có vấp sai phạm, thì đó cũng là cơ hội giúp họ có những kinh nghiệm cá nhân và mỗi ngày một hướng đến sự tự do vâng phục trong Thánh Thần.

Tạm kết

Thế giới ngày nay đang đứng trước thách đố lớn về việc sử dụng tự do, quyền bính, việc đón nhận và thực thi những nguyên tắc luân lý hướng dẫn cuộc sống... Vì thế, đời sống của những người tu sĩ phải trở nên chứng tá hùng hồn cho việc xây dựng sự tự do đích thực, nhằm làm sáng ngời những chân lý về Thiên Chúa và con người. Chân lý đó được thể hiện qua việc lựa chọn sống đức vâng phục trong tình yêu và tự do. Sự chọn lựa này không cản trở người tu sĩ phát triển trọn vẹn con người của mình, không làm cho họ trở nên nhu nhược hay kém nhân bản, nhưng là làm giàu hơn nhân cách sống của mình. Hơn nữa, trong tông thư Porta Fidei, Đức Benedicto XVI mời gọi chúng ta bước vào năm sống đức tin, do đó mỗi người phải nhìn lại đức tin của mình. Đây cũng là cơ hội để mỗi người tu sĩ thể hiện niềm tin một cách cụ thể qua việc sống vâng phục theo tinh thần Phúc Âm để trở nên dấu chỉ chờ đợi Chúa đến trong bối cảnh xã hội tục hóa hôm nay.

Nt. Maria Kiều Trinh, OP