$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, Nt. Maria Túy Phượng, O.P

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 270 | Cật nhập lần cuối: 1/11/2020 4:48:32 PM | RSS

“Bấy giờ Đức Giêsu từ miền Galilêa đến sông Giođan gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình” (Mt 3,13)

Galilêa, theo quan niệm Do Thái, là chốn định cư của những kẻ sống bên lề Dân Chúa. Đức Giêsu đã từ Galilêa đến với Gioan để chịu phép rửa. Tại sao Ngài không đi đến từ miền khác thuộc lãnh thổ Dân Riêng mà lại đi đến từ vùng đất Dân Ngoại? Dường như Thiên Chúa qua Đức Giêsu, luôn muốn liên kết với Dân Ngoại: Đức Giêsu sinh tại Belem, thuộc dòng tộc Đa vít, nhưng lại “đã sắp xếp” để cho mình bị coi là xuất thân từ làng quê Nagiarét, thuộc đất Galilêa, vùng Dân Ngoại (Mt 2, 13 – 23). Hôm nay, cũng chính Ngài, Giêsu – Nagiarét, lại từ Galilêa đi đến sông Giođan để xin Gioan làm phép rửa. Bằng cách thế này, mọi người – cả người Do Thái cũng như người ngoài Do Thái - đều thấy rõ và có thể xác định: Giêsu – Nagiarét, kẻ có tội, đã đến xin lãnh phép rửa tại sông Giođan!

Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và hôm nay tại dòng sông Giođan, đã tự để mình “mang thân tội” trước mặt muôn dân và không chỉ là trước mặt muôn dân mà cả trước mặt Đức Chúa – Giavê – Đấng xét xử muôn người. Quả thực, Đức Giêsu chính là Đấng gánh lấy tội trần gian để cho người trần gian được trở nên công chính (x.Is 53,11).

Lạy Chúa! Qua việc Đức Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa đến xin Gioan làm phép rửa, Chúa đã vén mở cho chúng con Huyền nhiệm Tình yêu Cứu độ của Chúa, khiến chúng con ngỡ ngàng trong hạnh phúc, khi biết rằng: Chúa thật thánh thiêng-cao cả nhưng lại quá “mọn hèn-yếu đuối” khi yêu thương loài người chúng con. Xin giúp chúng con biết để cho mình bị cuốn hút bởi tình yêu của Chúa và biết đền đáp ân tình tuyệt diệu này.

Vâng, Chúa quá cao vời và đã bày tỏ tình yêu Ngài vượt quá trí tưởng của loài người chúng con, đến mức, chính Gioan, dù là Vị Tiền Hô của Chúa, cũng đã không đủ sức, đủ tầm, để nhận biết huyền nhiệm Tình yêu Cứu độ mà Chúa đang thực hiện nơi Đức Giêsu, Con Chúa Làm Người; và, trong ngỡ ngàng, bối rối, đã hoảng hốt thực hiện một hành vi can ngăn và chối từ lời đề nghị của Đức Giêsu: Nhưng ông Gioan một mực can ngăn Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi? (Mt 3,14).

Và, Đức Giêsu, Đấng thấu cảm với con người, đã cứu chữa vị Tiền Hô của mình bằng một đề nghị và cũng là lời chỉ dạy:“Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15a).

Vâng, lạy Chúa, quả thực có một khoảng cách vô biên giữa Thiên Chúa và loài người chúng con. Chúng con khác xa Thiên Chúa trong tất cả mọi sự và bất lực để đến với Ngài. Nhưng, Chúa, vâng chính là Ngài, lại mãi yêu thương, luôn muốn nên một với chúng con và tự Ngài đã phá bỏ mọi khoảng cách giữa Ngài với chúng con.

“Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”: Phải chăng, đây không chỉ là lời đề nghị cho Gioan và cho cả chúng ta hôm nay: Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy vứt bỏ đi những gì là của các ngươi! Hãy mặc lấy những gì thuộc về Thiên Chúa! Hãy hành động theo Thánh Ý Thiên Chúa! Và rồi, các ngươi sẽ thực sự được nên công chính trong triều đại mới của Thiên Chúa Cứu Độ.

“Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người”(Mt 3,15b): chiều theo ý Đức Giêsu để làm phép rửa cho Ngài, hành vi vâng nghe Con Thiên Chúa Làm Người, đã thực sự biến đổi tính cách và con người của Gioan: từ vị trí “bậc thầy thời Cựu ước” trở nên “môn đệ Đấng Cứu Độ thời Tân ước”. Đúng là, khi vâng nghe Lời Thiên Chúa, con người sẽ được biến đổi để trở nên tốt hơn trong “cái mình là”. Gioan, giờ đây không chỉ là Tiền Hô, mà đã thành Môn đệ Đức Giêsu.

“ Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và, có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).

Đã có sự “Tỏ Mình của Thiên Chúa” ngay sau khi:

- Gioan run rẩy vâng nghe lời Đức Chúa để thực hiện phép rửa cho Con Thiên Chúa - Đấng vô tội.

- Con Thiên Chúa, Đấng vô tội, tự hủy mang “thân tội” theo Thánh ý Chúa Cha để lãnh phép rửa của Gioan.

Vâng, sau việc Đức Giêsu chịu phép rửa, Thiên Chúa Cha, trong Thánh Thần đã xác định Thần tính và Nhân tính tuyệt thánh của Đức Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Đây cũng là lời giới thiệu long trọng về chính Đấng Cứu Thế, Đấng mà mọi người qua mọi thời trông đợi, nay đã đến, và hết thảy hãy vâng nghe Người.

Từ sự việc nêu trên, chúng ta như hiểu ra:

  • Sự tự hủy và tinh thần khiêm hạ chính là lãnh địa chuyên biệt để đón nhận sự hiện diện và mạc khải của Thiên Chúa.
  • Khi con người nhìn nhận mình là thụ tạo yếu hèn-tội lỗi, thì Thiên Chúa sẽ hiện diện bên con người như Đấng Tạo Hóa Quyền năng và Cứu độ.
  • Khi con người từ bỏ chính mình để đón nhận và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, thì “Trời - Đất” sẽ giao hòa, Nước Chúa hiển trị giữa trần gian; vì: con người đã trở nên con Thiên Chúa và sống đẹp lòng Người ngay trong xác phàm nhân và ở giữa thế trần.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Túy Phượng, O.P