$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

THA BAO NHIÊU LẦN ? SUY NIỆM LỜI CHÚA, CHÚA NHẬT XXIV TN

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 163 | Cật nhập lần cuối: 9/12/2020 6:22:25 PM | RSS

Mt.18,21-35

Trước khi chọn Mười Hai Tông đồ, Chúa Giêsu đã thức trắng đêm cầu nguyện. Tuy thế, Chúa Giêsu không chọn được những con người có chung một tính tình, một sở thích. Trái lại các ông mỗi người một tính và không phải là những con người dễ hoà đồng, nhưng là những người có tính khí rất khác biệt và có khi còn xung khắc nhau nữa, Phêrô một con người nổi tiếng bộc trực, luôn nhanh mồm nhanh miệng. Đây là ưu điểm, nhưng cũng lại là nhược điểm lớn nhất của ông. Trong khi Gioan thì lại là người thâm trầm, sâu sắc, ít nói. Giacôbê thì nóng nẩy, con của thiên lôi. Tất cả đã sống chung dưới một mái nhà, cùng làm việc, cùng học tập từ Thầy Giêsu, cùng rao giảng, cùng cầu nguyện và cùng ăn cùng uống với nhau trong một cộng đoàn, chắc chắn sẽ có những va chạm. Và có lẽ Phêrô thường dễ bị anh em trong nhóm xúc phạm, công kích vì tính tình bồng bột. Thế nên Phêrô cũng buồn và cũng có nhiều day dứt băn khoăn. Vì vậy, khi Chúa Giêsu dậy về đời sống cộng đoàn, ông mới mạnh dạn đặt ra câu hỏi: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần?” Chính Phêrô đặt vấn đề với Chúa Giêsu và cũng chính ông đưa ra giải pháp để giải quyết. Phải 7 lần không ? Phêrô đã mạnh dạn đưa ra con số 7, con số vượt lẽ bình thường “quá tam 3 bận”. Nhưng với Chúa Giêsu: Không phải như vậy, mà là: “bảy mươi lần bảy”. Nghĩa là tha thứ mãi mãi, tha thứ luôn luôn. Chúng ta thử hình dung một người vừa xúc phạm đến mình, quay lại xin lỗi, nhưng chỉ 15, 30 phút sau lại xúc phạm, và cứ như thế trong một ngày bao nhiêu lần như vậy, chúng ta sẽ nghĩ sao ? Chúng ta có nghĩ đó là một sự diễu cợt, trêu ngươi không? Nhưng Chúa đòi tha thứ ! Thật vô cùng khó !

Đây chỉ là sự xúc phạm trong anh em của cộng đoàn, chứ không phải người ngoài, người thù ghét mình. Để minh họa cho bài học, Chúa Giêsu đã đưa ra sự so sánh rất khập khiễng, không có trong thực tế. Nhưng lại có thực trong đời sống tâm linh. Quả vậy, ông vua trong dụ ngôn là Thiên Chúa, còn chúng ta đều là tội nhân, là con nợ của Thiên Chúa. Tuy được mặc chiếc áo trắng của phép Rửa, chúng ta vẫn không ngừng phạm tội và quay lưng lại với Chúa. Phạm tội là chúng ta bỏ Chúa, nguồn hạnh phúc, để đi tìm hạnh phúc giả tạo, liều mình đi vào cái chết. Nhưng tình yêu Chúa luôn chờ đợi và thôi thúc chúng ta trở về để được Chúa thứ tha, để tìm lại sự sống, và để tiến tới sự thánh thiện mà Chúa đang mong đợi. Ngài luôn yêu thương con người bằng một tình thương tuyệt đối, nhưng con người luôn xúc phạm đến Ngài. Tội lỗi của con người quá nhiều và quá lớn, còn vượt xa con số “mười ngàn nén bạc”. Món nợ quá lớn này đã giam hãm con người trong tội không thể nào thoát ra được. Nhưng khi chúng ta sám hối ăn năn, chúng ta liền nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa.

Nhưng sự tha thứ mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, Người muốn chúng ta trao lại cho người anh em. Chúa kiện toàn lề luật khi dạy chúng ta tha thứ đến tột cùng, không điều kiện. Sống tha thứ là mở lòng đón nhận sự tha thứ của Chúa. Nhờ được tha thứ và biết tha thứ, sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Chúa ôm chúng ta vào lòng như ôm con nhỏ bé nhất của Chúa, như một tội nhân thứ nhất của Chúa để chúng ta được hưởng nếm trọn vẹn lòng thương xót mà Chúa dành cho chúng ta. Ngài như người Cha luôn ngóng chờ đứa con trở về để mở rộng vòng tay ôm lấy chúng ta. Khi chúng ta đón nhận tình thương tha thứ của Chúa, đòi buộc chúng con cũng biết tha thứ cho nhau. Sống tha thứ là chúng ta mở cánh cửa tâm hồn mình để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Nếu chúng ta từ chối tha thứ cho nhau là chúng ta để tâm hồn mình trong sự chai đá, khiến nguồn ơn xót thương của Chúa không thể thấm nhập tâm hồn, đổi mới chúng ta. Đó là sự dữ đáng sợ nhất mà chúng ta cần tránh xa, như con nợ đầy tớ đối xử với người anh em, trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa dạy chúng ta bài học tha thứ bằng chính hành động của Chúa. Tha thứ là dám đi bước trước, không điều kiện, không biên giới. Như thế, tha thứ sẽ dẫn tới yêu thương. Chính Chúa vừa là động lực, vừa là gương mẫu tuyệt hảo của sự tha thứ. Nhờ tha thứ chúng ta được dự phần vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Chúa trong sâu thẳm cỏi lòng để Chúa trở thành tâm tình của chúng ta.

Sống tha thứ thật không dễ, nhưng nó lại là điều kiện thiết yếu để xây nên một cộng đoàn yêu thương. Dù khó đến mấy, chúng ta cũng cần học cách tha thứ, học cách chấp nhận những rắc rối do anh chị em gây ra cho nhau. Tha thứ sẽ giúp chúng ta đạt được bình an và tự do nội tâm. Chúng ta cần thật nhiều ơn Chúa và lòng quảng đại, sự nhẫn nại, có khi rất nhiều nước mắt để có thể tha thứ đến cùng. Chúa mời gọi chúng ta tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Việc quên đi xúc phạm không tùy thuộc khả năng chúng ta, chỉ nhờ sự hiến dâng trái tim cho Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể biến đổi thương đau thành lòng thương xót. Hãy thanh luyện ký ức bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Nếu như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không, thì bây giờ đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có bổn phận phải tha thứ một cách nhưng không cho người khác. Món nợ của con người đối với nhau, quả thật là nhỏ bé, là tầm thường, so với món nợ đối với Thiên Chúa. Chúng ta đã đón nhận giáo huấn về sự tha thứ của Chúa Giêsu. Nhưng thực hành thì không dễ, nhiều khi chúng ta nói : “tôi đã tha thứ, nhưng không thể quên”, mà không quên là chưa thứ tha, hoặc có khi còn nói “sống để dạ, chết đem đi”, để dạ cho đau dạ dầy sao, không quên thì làm sao có chỗ tiếp thu cho cái mới ? Chúa đòi chúng ta phải thục hành hàng ngày bài học tha thứ trong suốt cuộc đời. Vì chẳng bao giờ tha thứ cho đủ, chẳng bao giờ có thể đặt giới hạn cho sự tha thứ. Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện, tha thứ mãi mãi, chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau. Để thực hiện sự tha thứ Chúa dạy, chúng ta cần đến ơn Chúa và sự tập luyện, Chúng ta cần tập được một đời cầu nguyện sâu xa và kiên vững. Cầu nguyện để cảm được lòng xót thương của Chúa đối với chúng ta là kẻ tội lỗi. Hãy cầu nguyện để giữ được bình tĩnh trước xúc phạm, và biến đổi những cảm xúc tiêu cực, phẫn uất, hận thù thành cảm xúc tích cực của lòng thương xót, thứ tha.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con nợ Chúa về sự hiện hữu của chúng con, chúng con nợ Chúa vì tình yêu bao la Chúa dành cho từng người chúng con. Chúng con nợ Chúa vì Chúa đã chết để cứu độ chúng con và chúng con nợ Chúa vì bao nhiêu xúc phạm của chúng con. Thế nhưng Chúa vẫn tha thứ, trong khi chúng con lại không thể tha thứ cho nhau với những xúc phạm cỏn con. Xin cho chúng con luôn nhận ra sự tha thứ và lòng thương xót Chúa, chỉ có thể giữ lại khi biết trao ban, nếu không sẽ bị như người đầy tớ độc ác kia. Xin cho chúng con luôn có những nụ cười chân thành và yêu thương chân thành.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op