$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA, CN. XVI TN A

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 174 | Cật nhập lần cuối: 7/18/2020 8:52:52 PM | RSS

Mt 13, 24-43

Nước Thiên Chúa được bắt đầu với Đấng Cứu Thế đến trần gian. Tuy nhiên, vương quốc nầy chỉ được thành lập trọn vẹn vào ngày tận thế. Hiện tại, Nước Thiên Chúa chưa hoàn thành, nhưng đang hiện diện khắp nơi. Thế nhưng, ma quỷ là tên cám dỗ, từ thuở ban đầu, đã lôi kéo con người phạm tội, vẫn còn tiếp tục gieo rắc sự dữ. Cho nên, trong cuộc sống trần gian, luôn có những người theo Chúa và những người chống lại Chúa, luôn có những con cái Nước Trời và con con cái của ma quỷ. Chỉ khi nào tới mùa gặt, tức ngày tận thế, sự phân loại, chọn lựa dứt khoát sẽ được thực hiện. Bấy giờ, các tín hữu sẽ được ân thưởng vinh hiển mãi mãi trong Nước Thiên Chúa Cha, còn kẻ dữ sẽ phải chịu hình phạt khủng khiếp trong lửa hoả ngục.

Nhưng một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây đã 21 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công, bạo lực, khổ đau, chiến tranh tương tàn, những trận lũ lụt hay động đất tiếp diễn xẩy ra, và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng ? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành ? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi của người Kitô hữu ở mọi thời đại ! Các bài đọc hôm nay sẽ trả lời:

  1. Bài sách Khôn Ngoan:

Vậy sách Khôn ngoan và đặc biệt đoạn trích hôm nay nghĩ thế nào về hiện tượng kẻ lành người dữ chung đụng ở trần gian?_Ngay ở câu đầu bài trích hôm nay, tác giả đã cho chúng ta một cái nhìn đức tin. "Ngoài Chúa ra không có thần nào lo đến chúng sinh để Ngài phải trình bày là Ngài đã không xét xử bất công". Nghĩa là Thiên Chúa là Đấng duy nhất cai trị vạn vật. Mọi sự đều do Ngài sắp đặt. Và chẳng có ai hơn Ngài để Ngài phải báo cáo về công việc điều hành của Ngài. Với những lời lẽ như thế, sách Khôn ngoan đã nói lên lập trường của niềm tin. Người có đức tin không coi mình là chúa tể vạn vật. Họ không được đứng ra vặn hỏi trời đất, dường như mọi sự phải ra như họ suy nghĩ. Không, con người phải nhận biết thân phận của mình. Các nhà khoa học lớn nhất chỉ là những người khám phá ra các định luật sâu xa trong trời đất để tuân theo. Vì cả khi dùng khoa học làm chủ thiên nhiên, họ vẫn phải chấp nhận các đặc tính của tạo vật. Thế nên các nhà khoa học là những người rất khiêm tốn, ít nhất đối với thực tại thiên nhiên. Thế thì vì sao con người lại tự phụ cư xử như chúa tể đối với các vấn đề con người? Và tác giả đã suy gẫm về Thiên Chúa và nhận ra rằng : Thiên Chúa luôn phải chịu sự giằng co giữa nhân từ và lỗi phạm, giữa công thẳng với khoan dung. Chính do sức mạnh của Chúa, mà Chúa hành động công minh, vì Chúa làm bá chủ vạn vật nên Chúa lại nương tay với muôn loài. Thiên Chúa luôn xử khoan hồng, lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản con ngươi, chỉ những ai cố tình, cố chấp thì Ngài mới xử tội. Tác giả còn nghiệm ra rằng, Thiên Chúa làm như thế là để dạy chúng ta: Người công chính phải có lòng nhân ái, vì Thiên Chúa luôn cho con cái niềm hy vọng và cho người có tội có cơ hội để sám hối. Thiết tưởng bài học của sách Khôn ngoan đã khá đủ để chúng ta suy nghĩ và sửa mình. Nhưng Phụng vụ hôm nay còn muốn góp ý thêm qua bài Tin Mừng để hiện tượng kẻ lành người dữ chung đụng ở trần gian được soi sáng một cách thỏa đáng.

  1. Bài Tin Mừng:

Chúa Giêsu kể câu chuyện cỏ lùng trong ruộng, cho thấy xưa cũng như nay trong xã hội vẫn còn nhiều kẻ gian ác sống lẫn lộn với người lương thiện. Trong lòng Hội Thánh cũng có tình trạng tương tự: Trong cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn hay dòng tu, luôn có các người tốt xấu sống chung lẫn lộn và người tốt luôn bị kẻ xấu ức hiếp hãm hại. Tuy nhiên Chúa có sự khác biệt về cách hành xử giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không tạo nên sự xấu, Ngài càng không tạo nên sự ác. Giống như người chủ trong câu chuyện, ông đã không hề gieo cỏ lùng, nhưng ông gieo giống lúa tốt trong ruộng của ông và ông hết sức chăm lo cho mảnh ruộng của mình. Tuy nhiên, khi mọi người đang ngủ, kẻ thù của ông đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa rồi đi mất. Kẻ thù của Thiên Chúa chính là ma quỷ. Nó không muốn nhìn thấy con cái Chúa được hạnh phúc. Nó ghen tỵ vì con người được Chúa yêu thương. Vì thế, nó lén lút, đợi khi con người say ngủ trong lối sống và thói quen của mình, thì đã gieo những hạt cỏ dại vào trong tâm hồn mỗi người. Những hạt cỏ này cứ âm thầm mọc lên, đến một lúc nào đó, nó lấn lướt hết những việc tốt lành và biến mảnh ruộng tâm hồn chúng ta trở nên vườn hoang cỏ dại.

  1. Cách hành xử của con người

Nhìn thấy sự xấu, sự ác cùng với những bất công đang xảy ra trong xã hội, nhiều người đã giống như những đầy tớ trong câu chuyện hôm nay, họ muốn quay lại trách Thiên Chúa và nghi ngờ về quyền năng của Ngài : Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ? Không chỉ trách Thiên Chúa, mà họ còn muốn Thiên Chúa hành xử theo cách của họ, khi đề nghị với ông chủ : Vậy ông có muốn cho chúng tôi đi gom chúng lại không ? Với đề nghị này, những người đầy tớ trong câu chuyện muốn nhân danh Thiên Chúa và sự công thẳng của Ngài để loại trừ những người xấu, những kẻ bị xem là cỏ lùng. Như thế, những người này tự cho mình là những người tốt, những người xứng đáng có quyền để kết án người khác.

b) Cách hành xử của Thiên Chúa

Thiên Chúa có quyền trừng phạt ngay lập tức kẻ có tội, những kẻ xấu và những người gây ra sự ác, nhưng Thiên Chúa đã không làm như vậy, Ngài có cách hành xử riêng của Ngài. “cứ để cả hai mọc lên cho đến ngày gặt”. Nhân từ và khoan dung là “đặc tính” trong cách hành xử của Thiên Chúa, sự nhẫn nại và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những kẻ có tội và những người làm điều xấu. Ngài là Đấng giàu tình thương và nhân ái, Ngài ghét sự dữ và tội lỗi, nhưng lại yêu mến tội nhân. Ngài chờ đợi, bởi vì ngài biết, họ còn có thể hồi tâm trở lại, nên ngài để cho họ có thời gian ăn năn. Trong Kinh Thánh, nhiều lần Thiên Chúa trừng phạt con người vì tội lỗi của họ; nhưng Ngài không tiêu diệt họ, vì Ngài là Cha thương yêu. Ngài không loại trừ kẻ có tội, trái lại, Ngài đi lại, tiếp xúc với họ, và tuyên bố là chính vì họ mà Ngài đã đến trần gian. Khi cư xử như thế, Ngài đã mở ra con đường tốt đẹp cho biết bao con người yếu đuối, chẳng hạn như: ông Giakêu, Matthêu, người đàn bà xứ Samaria bên bờ giếng Giacob, bà Maria Madalena, hay tên trộm lành. Thiên Chúa luôn cho con người có thời gian và cơ hội để hoán cải, để làm lại cuộc đời. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không mong cỏ lùng biến thành lúa, nhưng Ngài lại mong người xấu biến thành người tốt, kẻ gian ác biến đổi nên người lương thiện, và đến ngày xét xử, Thiên Chúa sẽ xử công minh với mỗi người tùy theo việc họ đã làm. Thiên Chúa không hề nóng vội, cũng không hề mất kiên nhẫn với con người. Ngài là một người Cha luôn chờ đợi chúng ta là những người con sám hối trở về để Ngài tha thứ. Ngài không hề kể tội chúng ta khi chúng ta quay về. Trái lại, Ngài luôn mở rộng vòng tay ôm chúng ta vào lòng và cho chúng ta được ngụp lặn trong biển yêu thương của Ngài. Tuy nhiên, đến thời hạn sau cùng, nếu người nào còn cố chấp trong sự sai trái của mình, từ chối tình yêu, bỏ mất cơ hội hoán cải, không chấp nhận quay trở lại thì kẻ ấy sẽ biến mình trở thành thù nghịch với Thiên Chúa và sẽ bị hủy diệt trong lò lửa.

  1. Bài thư của thánh Phaolô:

Tuy nhiên, không dễ để mỗi người nhận ra thực trạng của mình : Hiện nay, tôi đang là cỏ lùng hay là lúa ? Hiện nay, mảnh ruộng tâm hồn tôi đang là ruộng lúa hay đang là ruộng cỏ ? Để có thể nhận ra được tình trạng tâm hồn của mình là cỏ hay là lúa, ruộng lúa hay là ruộng cỏ, chúng ta cần phải có sự trợ giúp của Thánh Thần. Đó là điều Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta trong thư Roma : Thần Khí sẽ giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Tình cảnh chúng ta rất yếu hèn. Cỏ dại có thể đang mọc trong thân xác chúng ta. Dục vọng và nết xấu nhiều khi không che giấu được. Và lương tâm chúng ta nhiều khi phải rên xiết. Ai giúp chúng ta vươn lên tới Chúa để sinh hoa kết quả? Thánh Phaolô ý thức sâu xa về thân phận con người. Và ngài đã tìm thấy ơn cứu độ nơi mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Chúa Yêsu Kitô. Chính nơi sự yếu đuối mà sức mạnh của Thiên Chúa đã tỏ ra tuyệt diệu. Người đã giơ cánh tay uy hùng phục sinh Đức Yêsu. Người đã ban Thần trí uy dũng xuống trên các xác phàm, khiến hôm nay Phaolô viết: "Thần Khí đỡ đần tình cảnh yếu hèn của ta". Chính Thần Khí chuyển cầu cho ta. Người dùng chính sự yếu hèn của ta, khiến nó thốt lên những lời rên xiết bay lên trước tòa Chúa. Và khi con người biết thú nhận thân phận yếu hèn và cầu xin ơn cứu độ như vậy, thì họ sẽ được cứu vớt. Điều đó có nghĩa là qua việc cầu nguyện cùng với sự soi sáng của Thánh Thần, chúng ta sẽ nhìn rõ về con người và tình trạng tâm hồn của mình. Chỉ khi dám nhìn vào tâm hồn mình và khiêm tốn nhìn nhận sự sai trái của mình, chúng ta mới có thể khắc phục được những sai lầm trong cuộc sống, và cùng với ơn Chúa và sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta mới có thể tận dụng được cơ hội và thời gian Chúa ban để hoán cải.

  1. Chúng ta phải làm gì?

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng hãy kiên nhẫn với mọi người. Đừng xét đóan, cũng đừng lên án người khác. Đó không phải là việc của chúng ta. Bởi vì, chúng ta không thể nhìn thấu suốt tâm hồn, cũng như tương lai người khác. Chúng ta không biết rõ được cái tốt, cái xấu trong mỗi con người. Chúng ta cũng không thể biết ai sẽ xa dần con đường công chính và ai sẽ trở lại đi theo con đường nầy. Đàng khác, chúng ta cũng là những tội nhân như những người khác. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn tốt: hạt giống tốt và mầm mống sự xấu cùng nẩy nở trong tâm hồn chúng ta, và chúng ta còn cần phải cố gắng để tự hoàn thiện hơn. Vì thế, chúng ta cũng rất cần đến lòng khoan dung của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tận dụng sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, tận dụng thời gian gia hạn của Ngài để chúng ta ăn năn hối cải, và giúp người khác hối cải ăn năn. Như Chúa Giêsu, chúng ta phải đấu tranh chống lại sự dữ, chống lại tội lỗi, nhưng hãy biết xót thương, yêu mến và tìm cách đưa người tội lỗi trở về đường ngay nẻo chính bằng những việc lành, và những gương sáng tốt đẹp. Chúng ta hãy là men để biến đổi người khác, và hãy cầu nguyện cùng Chúa Giêsu cho những người tội lỗi, để họ quay trở lại với Chúa, để được cùng hưởng hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời vinh quang muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thiết lập Nước Trời ở trần gian. Chúa qui tụ tất cả mọi người: người lành kẻ dữ, không loại trừ ai và kêu gọi mọi người hoán cải trở về với Chúa. Xin cho chúng con luôn có tâm hồn mở rộng, quảng đại và có cái nhìn tốt, tích cực về Hội Thánh, đồng thời tôn trọng sự tự do của người khác như Chúa đã luôn yêu thương, tha thứ và tôn trọng sự tự do của chúng con. Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài chậm giận và kiên nhẫn chờ đợi hạt giống Nước Trời lớn lên trong mỗi người chúng con. Xin cho chúng con cũng biết kiên nhẫn, cảm thông với những tội lỗi, thiếu sót của anh chị em của chúng con, cùng giúp nhau nên thánh, để ngày Chúa đến chúng con hân hoan đón mừng Chúa trong vinh quang của Người. Tuy nhiên, trước hết, xin giúp chúng con biết tận diệt cỏ xấu đang lớn mạnh trong lòng mình để cho lúa tốt được kết hạt, đơm bông. Xin giúp chúng con biết sống tốt thực sự, tốt theo đúng tiêu chuẩn của Chúa. Xin ban cho chúng con lòng nhân hậu để chúng con không chỉ yêu người chung chung, mà thể hiện tình yêu đó bằng cả tấm lòng, cả khối óc và đôi tay, yêu cả người thân và kẻ thù, yêu cả người tốt lẫn người xấu, nhất là những người nghèo khó, đau khổ, nhỏ bé, hèn mọn, thấp cổ bé miệng.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op