$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Chúa nhật XVIII Quanh năm A

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 151 | Cật nhập lần cuối: 8/1/2020 8:45:47 PM | RSS

Mt 14, 13-21

Mở đầu bài trình thuật của mình, thánh Mát-thêu cho biết rằng khi nghe tin vua Hê-rô-đê sát hại Gioan Tẩy Giả, Ngài muốn ở một mình với các môn đệ nên xuống thuyền vượt biển Ga-li-lê lánh vào nơi hoang vắng. Thế nhưng, đám đông dân chúng từ các thành thị và làng mạc chung quanh tuôn đến với ngài. Và lập tức, Ngài đành phải rời bỏ đời sống riêng tư, để tiếp đón họ. Ngài cúi xuống trên những con chiên yếu đuối nhất, Ngài nâng niu những con chiên tàn tật, và Ngài chữa lành họ. Buổi chữa bệnh kéo dài quá muộn. Các môn đệ can thiệp để kết thúc, và gợi ý giải tán đám đông. Nhưng như một người cha trong gia đình, Ngài sẽ tập họp tất cả mọi người trong một bữa ăn chung; Ngài tạo nên một sự hiệp thông nơi bàn ăn. Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, và bẻ ra thành từng miếng trao cho mọi người. Và mọi người đều được no nê. Tin Mừng gợi ý cho chúng ta về một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, và mời gọi Hội Thánh hãy cùng Chúa Giêsu tham dự vào lòng thương xót ấy, cũng như hãy ý thức trong việc tiếp nhận Bí tích Thánh Thể và thái độ sống của mỗi người.

  1. Lòng thương xót của Thiên Chúa

Như chúng ta đã biết : Đức Giêsu muốn lánh đi về một nơi hoang vắng riêng biệt vì bị giới lãnh đạo đe dọa. Tuy nhiên, đám đông dân chúng biết tin liền đi theo Người. Đây không phải là lần đầu tiên cho thấy Đức Giêsu có đám đông đi theo, thậm chí còn đi trước Người, đưa theo những người bệnh, và hẳn là cả các niềm hy vọng của họ. Đức Giêsu không bực bội nóng giận vì dân chúng làm mất sự yên tĩnh, cũng không tỏ ra lãnh đạm với đoàn dân; Người thương cảm họ sâu xa, hẳn cũng vì một lý do thương xót “vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”. Đám đông không chỉ bơ vơ, đói khát thể xác mà còn bị sự dày vò bởi bệnh tật và khổ đau, mà còn đang bị trói buộc bởi ma quỷ, tội lỗi. Thấy thế, Chúa đã để cho trái tim mình rung nhịp trước đau khổ của người khác và đã ra tay chữa lành bệnh tật thể xác và đau khổ tâm hồn của họ.

Khi chiều xuống, họ không có gì ăn, chẳng lẽ để họ ra về với cái bụng trống rỗng? Chúa Giêsu với tấm lòng thương xót bao la, tình thương vô biên, Ngài đã không để dân chúng đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dạy bị đói, bị khát. Ngài đã làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa nên nhiều để nuôi dân chúng. Tình thương, lòng nhân từ của Chúa vẫn tồn tại tới ngày hôm nay và cho tới muôn thế hệ. Hôm nay, Ngài không làm phép lạ như xưa, nhưng Ngài đã dùng Lời của Ngài nuôi dưỡng Giáo Hội, dùng Giáo lý của Ngài hướng dẫn Dân Chúa để qua Giáo lý, qua Lời yêu thương, bác ái, qua sự soi trí lòng con người, qua tác động của Chúa Thánh Thần, con người sẽ làm ra lương thực, của cải.

  1. Sứ mạng của Hội Thánh

Theo Tin Mừng, khi các môn đệ xin Chúa Giêsu giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn, vì đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều. Nhưng Chúa Giêsu lại bảo: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn" (Mt 14,16). Lúc bấy giờ, các môn đệ tỏ ra rất khó hiểu, nên đã thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá" và điều làm cho các ông cảm thấy bối rối hơn khi Chúa Giêsu bảo: "Hãy đem lại cho Thầy". Chúa Giêsu bảo các môn đệ đem đến cho mình tất cả bánh và cá mà các ông đang có. Như vậy, sự việc không phải là ít hay nhiều, nhưng là tất cả. Đối với Chúa Giêsu, ít hay nhiều không quan trọng, nhưng quan trọng là các tông đồ có dám nhường phần ăn của mình cho người khác hay không, phần còn lại Chúa sẽ làm.Thật vậy, Chúa cần sự đóng góp thiện chí và hành động của chúng ta, dù rằng là sự đóng góp bé nhỏ, qua đó, Chúa sẽ làm thành việc lớn lao. Thức ăn gồm có năm chiếc bánh và hai con cá được các môn đệ trao đến tay Chúa Giêsu. Từ tay Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha với lời tạ ơn chúc tụng. Tiếp đến, từ tay Chúa Giêsu, thức ăn ấy được bẻ ra và trao trở lại tay các môn đệ, từ tay các môn đệ trao đến tay đám đông dân chúng và mọi người chia sẻ cho nhau. Phép lạ bánh hóa ra nhiều thật là mầu nhiệm. Ngài đã không làm phép lạ hóa ra một núi thức ăn để các môn đệ đến lấy mà phân phát, nhưng thức ăn đã hóa nhiều khi nó được bẻ ra và trao đi từ tay người này đến tay người kia và trở nên dư dật.

Biến cố này là một hình ảnh về Giáo Hội, Đức Giêsu ở tại trung tâm, Người là nguồn mạch ban phát mọi ân huệ, Người ban Lời và bánh. Rồi đến nhóm nhỏ các môn đệ bao quanh Người. Họ ở sát bên Người, họ chuyển thông các ân huệ của Người, họ như là cánh tay Người nối dài ra. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh hơn các tác giả Tin Mừng khác dấu chỉ về Giáo Hội. Phép lạ bánh hóa nhiều là phép lạ duy nhất Đức Giê-su cho các môn đệ can dự vào. Chính các ông gợi ý với Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn. Nhưng Đức Giê-su đáp: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy liệu cho họ ăn”. Các môn đệ cố lẫn tránh; họ không có gì cả chỉ vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Về phương diện con người, với số lượng người như thế, các ông bất lực. Bài học thật khủng khiếp! Trong cuộc sống thực tế, Giáo Hội thường phải chạm trán với những vấn đề mà bên ngoài xem ra không có bất kỳ một giải pháp nào có thể, nếu như không có đức tin. Rõ ràng Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ Ngài phải đặt trọn niềm tin tưởng vào Ngài. Đám đông được Đức Giêsu quy tụ lại thì ngồi xung quanh các ngài: họ vui sướng được ở với Người. Đức Giêsu ngước mắt lên trời khi đọc lời chúc tụng. Người làm những việc “Chúa Cha giao cho Người hoàn thành” (x. Ga 5,36). Người không còn chỉ là vị trung gian như Môsê, hay chỉ là một ngôn sứ nhỏ như Êlisa ngày xưa. Thế là chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá do sự quảng đại chia sẻ của con người, Chúa đã nuôi năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư thừa đến mười hai giỏ đầy bánh vụn.

  1. Viễn tượng niềm tin Thánh Thể

Phép lạ bánh hóa nhiều rõ ràng loan báo bàn tiệc Thánh Thể. Các Tông Đồ đã hiểu như vậy, các tác giả Tin Mừng cũng hiểu như vậy. Cả hai biến cố đều được xác định theo cùng một thời điểm: “Chiều đến” (Mt 14: 15 và Mt 26: 20) và với cùng một cử chỉ: “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ” (Mt 14: 19 và Mt 26: 26). Như thế, phép lạ này được thực hiện để báo trước một phép lạ lớn lao hơn, đó là phép lạ Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện. Ngài đã biến máu thịt mình nên của ăn nuôi dưỡng nhân loại. Với phép lạ Thánh Thể tại nhà tiệc ly và vẫn còn kéo dài đến ngày nay, Đức Giêsu cũng vẫn đang cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói : Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, mà uống, vì này là mình và máu Thầy sẽ đổ ra vì anh em, hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Việc trao ban bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê tiên trưng việc trao ban bánh hóa nhiều khác, tức bánh Thánh Thể, nghĩa là họ tiếp tục trao ban sự hiện diện hóa nhiều của Thân Thể vinh quang của Đức Giê-su, không còn chỉ cho vài ngàn người, nhưng cho hằng triệu người, mỗi phút giây và khắp hoàn vũ, cho đến ngày tận thế, và Chúa Giêsu không chỉ thực hiện phép lạ hoá bánh ra nhiều chỉ một lần và duy chỉ do bởi tay Người, nhưng Người mời gọi chúng ta như là những chi thể của một Thân Thể mầu nhiệm tiếp tục thực hiện phép lạ này. Phép lạ hoá bánh ra nhiều vẫn còn được tiếp tục thực hiện trong cuộc sống hôm nay, khi con người còn biết mở rộng trái tim.

  1. Bổn phận của người Kitô hữu

Thế giới hôm nay xem ra dư thừa của ăn, giàu tiện nghi và người ta đua nhau hưởng thụ, càng ngày người ta càng đổ xô đi khám phá các vùng đất mới lạ, các nền văn minh của các dân tộc, vì thế các tour du lịch chẳng bao giờ vắng người. Thế nhưng thực chất bên cạnh sự hào nhoáng đó là một sự khao khát khôn nguôi về hạnh phúc đích thật của cuộc sống. Bởi những nụ cười tươi nở trên môi xem ra như để che dấu một sự thật đau lòng, đó là mối tương quan giữa con người với nhau không còn là mối dây huynh đệ, nhưng chỉ còn là những tính toán lợi lộc ích kỷ, hình thành một lối sóng vô cảm và cuộc sống rơi vào một khủng mới, không là đói khát cơm bánh mà đói khát tình người.

Trong khi đó, Chúa Giêsu chạnh lòng thương là Chúa muốn dạy chúng ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Ngày nay, các đám đông đói ăn ấy được nhân lên đến cả triệu lần, họ không chỉ đói, mà còn chết đói là khác. Dĩ nhiên, con người phải làm hết sức có thể để giúp đỡ đồng loại, nhưng với sức riêng, con người không thể giải quyết được vấn đề quá lớn lao ấy, họ cần có sự trợ lực từ bên trên.

Năm chiếc bánh và hai con cá do đóng góp và san sẻ của chúng ta cần phải đi đôi với niềm tin và lời cầu nguyện. Với niềm tin và lời cầu nguyện, chúng ta hãy xác tín rằng cách nào đó, Chúa hằng nhậm lời chúng ta và chắc chắn phép lạ luôn diễn ra. Một khi được đón nhận lương thực từ tay Chúa, chúng ta còn có bổn phận tiếp tục chia sẻ cho những người bên cạnh, không chỉ những của ăn hay những thứ dư thừa, mà hãy dám trao cả những cái chúng ta đang cần. Chúa đang chờ đợi sự công tác của chúng ta để xoa dịu nỗi đau khổ, đói khát của anh chị em. Không chỉ dâng tặng cho Chúa những của cải vật chất, mà còn dâng cho Chúa những sự hy sinh, lời cầu nguyện và những việc lành, việc tốt âm thầm.

Ngày nay, các môn đệ của Chúa không làm được phép lạ hóa bánh, cá ra nhiều để nuôi dân, nhưng bằng Lời Chúa, bằng Giáo lý, các môn đệ của Chúa loan truyền để người người cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, để người người được hạnh phúc vì có Thiên Chúa là Cha, là Đấng nhân từ giầu lòng thương xót v.v… Chúa luôn luôn mong muốn con người được hạnh phúc, được có cơm ăn, áo mặc. Chúa luôn soi sáng, nuôi dưỡng con người bằng Lời Chúa và bằng sự trợ giúp của ân sủng của Ngài. Và với Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tiếp rước hằng ngày phải được chia sẻ cho nhiều người. Vì Bí tích Thánh Thể nhắc chúng ta nhớ hãy quan tâm đến người khác. Bí tích Thánh Thể thúc giục chúng ta chia sẻ cuộc đời chúng ta thành những mảnh nhỏ cho người khác. Để đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho người khác, theo gương Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa Giê-Su, Chúa muốn chúng con noi gương Chúa “Luôn chạnh lòng xót thương” những kẻ đói nghèo đang sống bên cạnh chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được sự đói khát đang giày vò bao người, để sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Xin cho chúng con biết noi gương quảng đại của các môn đệ Chúa xưa để dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, và Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho chúng con, rồi chúng con sẽ noi gương Chúa tiếp tục chia sẻ cơm bánh tiền của và tình thương cho những người nghèo khổ đang ở chung quanh chúng con.

Xin cho chúng con có được “con mắt của Chúa” để chúng con có cái “nhìn giống Chúa”. Xin cho chúng con “con tim của Chúa” để chúng con cũng biết “chạnh lòng thương” như Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn quảng đại cho đi chính bản thân của mình, để trở nên nguồn sống cho tha nhân. Xin giúp cho mỗi người chúng ta luôn biết cho đi chính sự sống mình để gieo mần sống đức tin cho các thế hệ mai sau. Xin cho chúng ta luôn đơn sơ nhỏ bé ngõ hầu dễ dàng lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một thế giới văn mình tràn đầy tình thương.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op