CHỨNG NHÂN CHO SỰ THẬT. Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 90 | Cật nhập lần cuối: 4/8/2021 8:32:17 AM | RSS

Luca 24, 35-48

Chúa Giêsu Phục Sinh lại một lần nữa hiện ra với nhóm các môn đệ, và Người lại một lần nữa đi thẳng vào vấn đề. “Người mở trí cho các ông”, như đã mở trí cho hai môn đệ trên đường Emau, bằng chính Kinh Thánh. Chúa giúp họ hiểu được cái chết và sự Phục Sinh của Người chính là ứng nghiệm lời Kinh Thánh và Môsê, các ngôn sứ đã tiên báo, đã nói về Người. “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.”

Và Chúa nói “Chính anh em là chứng nhân về điều này.”

Làm chứng về điều này là gì? Xin thưa là làm chứng cho sự thật: Chúa đã chết và ba ngày sau Người sống lại như lời Kinh Thánh đã nói. Người sống lại, chiến thắng cái chết bằng quyền năng thần linh của Thiên Chúa Cha. Sự chết, cái ác hay sự dữ đã bị Người tiêu diệt. Chúa sống lại và hiện Người đang sống.

Và đó chính là lời rao giảng tiên khởi (Kéryma) của các tông đồ cho dân Do Thái và dân ngoại sau khi Chúa về trời và được tràn đầy Thánh Thần. Không chỉ rao giảng để đưa những ai nghe lời rao giảng trở thành môn đệ Chúa Kitô, nhưng chính vì sứ mạng làm chứng cho sự thật: Chúa đã chết, nhưng Người đã sống lại, và Người đang sống, các môn đệ của Chúa đã không ngần ngại chấp nhận hy sinh mạng sống để làm chứng cho sự thật này.

Nhưng để có thể làm chứng được sự thật, “là chứng nhân về điều này”, các môn đệ phải để cho Chúa “mở tâm trí” mình bằng Kinh Thánh (x. cc 45-46) thì các ông mới có thể hiểu, chạm đến và rồi mới có thể trở nên những chứng nhân cho sự thật.

Xem ra chúng ta cũng chẳng khác gì với các môn đệ này của Chúa. Chúng ta có thể dễ dàng tin vào Chúa nhưng đó lại không phải là một niềm tin chắc chắn không? Chắc có. Bởi vì có nhiều người dễ dàng bảo mình hay xem ra có đức tin nhờ những gì họ được dạy khi còn trẻ, nghĩa là được học đầy đủ qua những lớp giáo lý. Tuy nhiên, một số người làm cho hạt giống đức tin ấy được triển nở tốt hơn, nhờ họ cố gắng tiếp tục nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các bí tích. Nhưng số khác thì lại ngày càng sống đức tin cách hời hợt, thậm chí xa rời đức tin, vì họ đã không nuôi dưỡng đức tin của mình bằng chính Lời Chúa và các bí tích.

Với các môn đệ, việc Chúa Giêsu hiện ra đã làm cho các ông hoảng sợ, bởi các ông không thể tưởng tượng, hay tin nổi một người đã chết lại có thể sống lại. Nhưng chính nhờ việc “được mở trí” bằng Kinh Thánh mà Chúa đã nói, đã giải thích rõ ràng các chi tiết Kinh Thánh nói đến, và nhờ việc họ lắng nghe- tựa như hoạt động học hỏi Kinh Thánh, Giáo lý, hay các nguồn giáo huấn khác-các môn đệ mới có thể được mở tâm trí, đi tới một sự hiểu biết vượt xa những khả năng lý trí của con người.

Và chúng ta, có thể giống các môn đệ này không trong việc sẵn sàng mở lòng để cho Chúa mở trí và cộng tác với Chúa bằng việc học hỏi Kinh Thánh, Giáo lý, các giáo huấn…để thực sự có một cái “biết” của cả con tim lẫn kiến thức hay không?

Nếu thật sự bạn có được một cái “biết” ấy, thì lúc này, bạn không chỉ là tiếp tục nội tâm hóa những sự thật này vào trong cuộc đời mình, để cho bản thân chìm sâu hơn trong đức tin, thay đổi đời sống của mình, mà còn là phải trở nên “nhân chứng” cho những sự thật mà bạn được lãnh nhận. Khi chúng ta trưởng thành trong sự hiểu biết đích thực về đức tin mà Chúa mặc khải, lúc đó, chúng ta cũng phải chia sẻ niềm tin đó cho những người khác, bởi niềm tin đích thực phải được chia sẻ.

Cật vấn:

Lâu nay, tôi có thực sự làm chứng cho chân lý, cho niềm tin vào Đức Kitô đã chết và sống lại trong đời sống của mình hằng ngày hay không? Tôi có tích cực, hăng say đi nói, chia sẻ cho người khác niềm tin đích thực đó của tôi hay không?

Nếu tôi chưa thấy mình làm gì, nghĩa là chẳng sống chứng nhân, cũng chẳng nói về Chúa chết và đã sống lại, Người hiện đang sống trong cuộc đời mỗi người…thì phải chăng, tôi đã chưa có được một cái “biết” thực sự về Chúa, và có đó một niềm tin đích thực? Và như thế, nguyên nhân của một niềm tin hời hợt là bởi vì tôi đã thờ ơ và chẳng nuôi dưỡng đức tin của mình …?

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P