SỨ ĐIỆP CHUNG VỀ VIỆC BẢO VỆ TẠO THÀNH

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 178 | Cật nhập lần cuối: 10/1/2021 1:20:10 PM | RSS

Theo Thông báo của phòng báo chí Toà thánh, vào hôm mồng 7 tháng 9 năm 2021 vừa qua, lần đầu tiên, ba vị lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Roma, Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, và Giáo hội Anh giáo đã công bố một sứ điệp chung nhằm đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp về tương lai của hành tinh, sự cấp bách của tính bền vững của môi trường, tác động của nó đối với sự đói nghèo và tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu. Sau đây là nội dung của Sứ điệp.

SỨ ĐIỆP CHUNG VỀ VIỆC BẢO VỆ TẠO THÀNH

SỨ ĐIỆP CHUNG VỀ VIỆC BẢO VỆ TẠO THÀNH

Trong hơn một năm qua, tất cả chúng ta đều đã trải qua những tác động tàn phá của đại dịch toàn cầu - tất cả chúng ta, dù nghèo hay giàu, yếu hay mạnh. Một số được bảo vệ hơn hoặc dễ bị tổn thương hơn những người khác, nhưng sự lây lan nhanh và trên bình diện rộng có nghĩa là chúng ta phải phụ thuộc vào nhau trong nỗ lực giữ an toàn. Chúng ta nhận ra rằng, khi đối mặt với thảm họa trên toàn thế giới này, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, rằng hành động của chúng ta thực sự ảnh hưởng đến nhau, và những gì chúng ta làm hôm nay ảnh hưởng đến những gì xảy ra ngày mai.

Đây không phải là những bài học mới, nhưng chúng ta phải đối mặt với chúng một lần nữa. Mong sao chúng ta đừng lãng phí giây phút này. Chúng ta phải quyết định loại thế giới mà chúng ta muốn để lại cho các thế hệ tương lai. Thiên Chúa ủy thác: “Hãy chọn sự sống, để anh em và con cái anh em được sống” (Đnl 30,19). Chúng ta phải chọn cách sống khác đi; chúng ta phải lựa chọn sự sống.

Tháng 9 được nhiều tín hữu Kitô cử hành như là Mùa Tạo Thành, là cơ hội để cầu nguyện và chăm sóc cho tạo thành của Thiên Chúa. Khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị gặp nhau vào tháng 11 tại Glasgow để thảo luận về tương lai của hành tinh chúng ta, chúng tôi cầu nguyện cho họ và cân nhắc những lựa chọn mà tất cả chúng tôi phải đưa ra. Do đó, với tư cách là những nhà lãnh đạo của các Giáo hội, chúng tôi kêu gọi mọi người, bất kể tín ngưỡng hay thế giới quan nào, hãy nỗ lực lắng nghe tiếng kêu của trái đất và của những người nghèo khổ, xem xét hành vi của họ và cam kết hy sinh có ý nghĩa vì lợi ích của trái đất mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta.

Tầm Quan Trọng Của Tính Bền Vững

Trong truyền thống Kitô giáo chung của chúng ta, Kinh thánh và Các Thánh đưa ra những viễn cảnh soi sáng bao hàm cả thực tại lẫn lời hứa về một điều gì đó lớn hơn so với những gì chúng ta thấy trong thời điểm này. Khái niệm về sự quản lý - về trách nhiệm của cá nhân và tập thể đối với của đầu tư của Thiên Chúa– đưa ra một điểm xuất phát cốt yếu đối với tính bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy người đàn ông giàu có và ngu ngốc, lo tích trữ nhiều thóc gạo trong khi quên mất cái kết hữu hạn của mình (Lc 12,13–21). Chúng ta học về đứa con hoang đàng, vội nhận lấy gia sản, chỉ để phung phí và cuối cùng bị đói khổ (Lc 15,11–32). Chúng ta được cảnh báo không áp dụng các phương án ngắn hạn và có vẻ rẻ tiền là xây trên cát, thay vì xây ngôi nhà chung của chúng ta trên đá nhằm chống chọi với bão tố (Mt 7, 24–27). Những câu chuyện này mời gọi chúng ta chấp nhận một tầm nhìn rộng hơn và nhận ra vị trí của chúng ta trong câu chuyện dài hạn của nhân loại.

Nhưng chúng ta đã đi theo hướng ngược lại. Chúng ta đã tối đa hóa lợi ích của mình bằng cái giá phải trả của các thế hệ tương lai. Bằng cách tập trung vào sự giàu có của mình, chúng ta nhận thấy rằng tài sản dài hạn, bao gồm thiên nhiên phong nhiêu đang bị cạn kiệt vì mối lợi ngắn hạn. Công nghệ đã mở ra những khả năng mới cho sự tiến bộ nhưng cũng cho sự tự do tích lũy tài sản, và nhiều người trong chúng ta hành xử theo những cách thể hiện ít quan tâm đến người khác hoặc đến sự giới hạn của hành tinh. Thiên nhiên kiên cường, nhưng tinh tế. Chúng ta đã và đang chứng kiến hậu quả của việc chúng ta từ chối bảo vệ và giữ gìn nó (St. 2,15). Giờ đây, ngay giây phút này, chúng ta có cơ hội để sám hối, quyết tâm quay đầu, và đi theo hướng ngược lại. Chúng ta phải theo đuổi sự rộng lượng và công bằng trong cách chúng ta sống, làm việc và dùng tiền, thay vì vụ lợi ích kỷ.

Tác động Đối Với Những Người Sống Chung Với Nghèo Đói

Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay nói lên nhiều điều về chúng ta là ai và cách chúng ta nhìn nhận cũng như đối xử với tạo thành của Thiên Chúa. Chúng ta đứng trước một công lý khắc nghiệt: mất đi sự đa dạng sinh học, huỷ hoại môi trường và biến đổi khí hậu là những hậu quả không thể tránh khỏi do những hành động của chúng ta, vì chúng ta đã tham lam tiêu thụ nhiều tài nguyên của trái đất hơn mức mà hành tinh có thể chịu đựng. Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với một sự bất công sâu sắc: những người gánh chịu hậu quả thảm khốc nhất của những vụ lạm dụng này lại là những người nghèo nhất trên hành tinh và ít phải chịu trách nhiệm nhất trong việc gây ra chúng. Chúng ta phụng sự một vị Thiên Chúa của công bằng, Đấng yêu thích tạo thành và dựng nên mọi người theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng Người cũng nghe thấy tiếng kêu la của những người nghèo khổ. Do đó, có một tiếng gọi cố hữu bên trong chúng ta để đáp lại cách đau đớn khi chúng ta nhìn thấy sự bất công tàn khốc như vậy.

Hôm nay, chúng ta đang phải trả giá. Thời tiết khắc nghiệt và thiên tai trong những tháng gần đây cho chúng ta thấy rõ thêm lần nữa rằng biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức trong tương lai, mà là vấn đề sinh tồn trước mắt và cấp bách. Lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán trên diện rộng đe dọa toàn bộ các châu địa. Mực nước biển dâng cao, buộc cả cộng đồng phải di dời; lốc xoáy tàn phá toàn bộ khu vực, hủy hoại cuộc sống và kế sinh nhai. Nước trở nên khan hiếm và nguồn cung cấp lương thực không đảm bảo, gây ra xung đột và di tản đối với hàng triệu người. Chúng ta đã thấy điều này ở những nơi mà mọi người dựa vào việc nắm giữ nông nghiệp quy mô nhỏ. Ngày nay, chúng ta thấy điều đó ở các nước công nghiệp phát triển hơn, nơi mà ngay cả cơ sở hạ tầng tinh vi cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn sự tàn phá bất thường.

Ngày mai có thể tồi tệ hơn. Trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc trừ khi chúng ta nhận trách nhiệm, với tư cách là “những đồng nghiệp với Thiên Chúa” (St 2,4–7), để bảo tồn thế giới của chúng ta. Chúng tôi thường xuyên nghe từ những người trẻ, những người hiểu rằng tương lai của họ đang bị đe dọa. Vì lợi ích của họ, chúng ta phải lựa chọn ăn uống, đi du lịch, chi tiêu, đầu tư và sống khác đi, không chỉ nghĩ đến lợi ích và lợi nhuận trước mắt mà còn vì lợi ích trong tương lai. Chúng ta ăn năn tội lỗi của thế hệ chúng ta. Chúng ta sát cánh cùng các anh chị em trên khắp thế giới trong lời cầu nguyện dấn thân và hành động tận tụy cho một tương lai ngày càng phù hợp hơn với những lời hứa của Thiên Chúa.

Sự Cấp Thiết Của Hợp Tác

Trong quá trình diễn ra đại dịch, chúng ta nhận ra được chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào. Các hệ thống xã hội bị xáo trộn và chúng ta nhận thấy rằng chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ. Chúng ta phải thừa nhận rằng cách chúng ta sử dụng tiền bạc và tổ chức xã hội của chúng ta đã không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chúng ta thấy mình yếu đuối và lo lắng, chìm trong hàng loạt khủng hoảng; sức khỏe, môi trường, thực phẩm, kinh tế và xã hội, tất cả đều có mối liên hệ sâu sắc với nhau.

Những cuộc khủng hoảng này cho chúng ta một sự lựa chọn. Chúng ta đang ở một vị thế phải chọn một trong hai đó là giải quyết vấn đề cách thiển cận và trục lợi hoặc nắm bắt điều này như một cơ hội để thay đổi và biến đổi. Nếu chúng ta coi nhân loại như một gia đình và cùng nhau hướng tới một tương lai dựa trên lợi ích chung, chúng ta có thể thấy mình đang sống trong một thế giới rất khác. Cùng nhau, chúng ta có thể chia sẻ tầm nhìn về cuộc sống nơi mà mọi người cùng thăng hoa. Cùng nhau, chúng ta có thể chọn hành động với tình yêu, công lý và lòng thương xót. Cùng nhau, chúng ta có thể hướng tới cốt lõi của một xã hội công bằng và hoàn thiện hơn với những người dễ bị tổn thương nhất.

Nhưng điều này liên quan đến việc thực hiện những thay đổi. Mỗi cá nhân chúng ta phải chịu trách nhiệm về cách chúng ta sử dụng các nguồn tài nguyên của mình. Con đường này đòi hỏi sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa tất cả các giáo hội trong cam kết chăm sóc đối với tạo thành. Cùng nhau, với tư cách là cộng đồng, giáo hội, thành phố và quốc gia, chúng ta phải thay đổi lộ trình và khám phá những cách thức mới để cùng làm việc với nhau phá bỏ những rào cản truyền thống giữa các dân tộc, ngừng tranh giành tài nguyên và bắt đầu hợp tác.

Đối với những người có trách nhiệm sâu rộng hơn — những người đứng đầu các cơ quan quản lý, điều hành công ty, tuyển dụng nhân sự hoặc quỹ đầu tư — chúng tôi kêu gọi: Xin hãy chọn con người làm trung tâm của lợi nhuận; hy sinh cái ngắn hạn để bảo vệ tất cả tương lai của chúng ta; trở thành những người lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế công bằng và bền vững. “Hễ ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều” (Lc 12,48).

Đây là lần đầu tiên mà cả ba chúng tôi cảm thấy cần phải tuyên bố về sự cấp thiết của tính bền vững môi trường, tác động của nó đối với tình trạng nghèo đói dai dẳng và tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu. Cùng nhau, thay mặt cho các cộng đồng của mình, chúng tôi kêu gọi con tim và khối óc của mọi Kitô hữu, mọi tín hữu và mọi người thiện chí. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta, những người sẽ qui tụ tại Glasgow để quyết định tương lai của hành tinh và của con người. Một lần nữa, chúng ta nhớ lại lời Kinh thánh: “Hãy chọn sự sống, để anh em và con cái anh em được sống” (Đnl 30,19). Lựa chọn sự sống có nghĩa là phải hy sinh và tự kiềm chế.

Tất cả chúng ta - dù là ai và ở đâu - đều có thể đóng vai trò của mình vào việc thay đổi hưởng ứng tập thể của chúng ta trước mối đe dọa chưa từng có của biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường.

Chăm sóc tạo thành của Thiên Chúa là một bổn phận thiêng liêng đòi hỏi sự dấn thân đáp trả. Đây là một thời điểm quan trọng. Tương lai của con cái chúng ta và tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta phụ thuộc vào nó.


Ngày 1 tháng 9 năm 2021
Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew
Đức Giáo hoàng Phanxico
Đức Tổng giám mục Canterbury Justin

BTT HDĐMTT Chuyển ngữ


https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2021/documents/20210901-messaggio-protezionedelcreato.html

hình ảnh:
Đức Giáo hoàng Phanxico và Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew:
https://orthodoxtimes.com/joint-declaration-of-pope-francis-ecumenical-patriarch-and-archbishop-of-canterbury-on-the-protection-of-the-creation/
Đức Tổng giám mục Canterbury Justin:

https://blogh1.com/2021/09/07/climate-change-worlds-christian-leaders-release-first-joint-statement-demanding-urgent-action/