NGƯỜI NỮ ĐA MINH TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY , Tác giả Sr. Mary O'Driscoll, OP
Người nữ Đa Minh trong thế giới ngày nay
Nt. Anna Ngọc Diệp
Lược dịch từ bài viết Dominican Women In Today's World của Sr. Mary O'Driscoll, OP
Có một giai thoại kể về một Rabbi nổi tiếng tên là Susya như sau: Khi sắp lìa đời, ông đã nhắn nhủ những người đang ở bên cạnh ông rằng: ''Khi lên thiên đàng, tôi sẽ không bị hỏi rằng, ‘Tại sao anh không phải là Mô-sê?' nhưng là, 'Tại sao anh không phải là Susya’?." Hình như có một điểm tương đồng nào đó giữa giai thoại này với tất cả chúng ta, dù là cá nhân hay tập thể. Thật thế, tôi sẽ không bị chất vấn: “Tại sao chị không phải là Catarina Siena?” nhưng “Tại sao chị không phải là Mary?” Và tất cả chúng ta, sẽ không bị hỏi, “Tại sao chúng ta không phải là những đan sĩ dòng Cát Minh, hoặc những ẩn sĩ tại sa mạc Ai Cập, hoặc là mẹ của những đứa con trong một đại gia đình?” nhưng chúng ta sẽ bị cật vấn “Tại sao chúng ta không phải là những người nữ Đa Minh?' - vì đó là điều mà chúng ta đã được mời gọi để trở thành.
Câu chuyện về Rabbi Susya nhắc nhở chúng ta rằng, cuối cùng chúng ta sẽ chỉ được yêu cầu trả lời cho việc chúng ta là, hoặc không là với điều mà chúng ta đã được mời gọi để trở thành. Tôi muốn chia sẻ về những gì chúng ta được kêu gọi để trở thành như là những người nữ Đa Minh trong một thế giới và Giáo hội của thế kỷ XX.
Ơn gọi giảng thuyết
Không còn nghi ngờ gì nữa, khi được mời gọi trở thành tu sĩ Đa Minh thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta được mời gọi để trở thành một nhà giảng thuyết. Hiến pháp nền tảng của Dòng khẳng định rất rõ: "Dòng này được thành lập để rao giảng Tin Mừng", và Tài liệu Bologna cũng nhắc nhở chúng ta rằng: "Sứ vụ đặc biệt của chúng ta là rao giảng Lời Chúa". Những tuyên bố gần đây về các sứ vụ Tông đồ ưu tiên của Dòng kêu gọi sự lưu tâm của chúng ta tới thực tại là, đối với người Đa Minh, "ưu tiên của tất cả các ưu tiên" là sự giảng thuyết. Do đó, thuộc về Dòng giảng thuyết mà không trở thành người giảng thuyết là một tình huống khó mà hình dung được.
Vậy thì, thế nào là một người giảng thuyết?
Đã có nhiều câu trả lời được đưa ra cho câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi thích câu trả lời mô tả người giảng thuyết như là người ý thức rằng anh/ chị ấy đã được ủy thác Lời Chúa vì người khác: Anh/chị ấy là người được thúc đẩy truyền rao lời của chân lý, tình yêu, lòng thương xót và công lý mà chính anh/ chị ấy đã nhận được từ Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Người mà, giống như thánh Phao-lô, biết rằng mình dám không từ chối rao giảng, ngay cả khi anh/chị ấy cảm thấy mình không xứng đáng hoặc tội lỗi. Thánh Đa Minh là một người giảng thuyết, và cũng thế, thánh Cataria Siena, thánh Vincente, thánh Rosa Lima, Henri Lacordaire, … và vô số những vị khác trong gia đình Đa Minh cũng đều là những người giảng thuyết.
Chúng ta có phải là những người giảng thuyết không? Liệu chúng ta có có cùng một khao khát cháy bỏng, mãnh liệt giống như các ngài, khiến chúng ta phải chia sẻ với người khác về Tin mừng đã được ủy thác cho chúng ta không? Nếu chúng ta không có được khao khát này, thì hai chữ “O.P.” được đặt sau tên của chúng ta sẽ chế nhạo chúng ta!
Dĩ nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Lời Chúa có thể được rao giảng theo muôn vàn cách thế khác nhau. Thông thường, khi nói đến việc rao giảng, nhiều người nghĩ ngay đến bục giảng hoặc một bối cảnh trang trọng nào đó. Nhưng Lời Chúa có thể được rao giảng ở bất cứ nơi nào khi người ta qui tụ lại với nhau, và thậm chí ngay cả khi chỉ có hai người. Do đó, dù là tuyên úy bệnh viện, giáo viên, nhà văn, nghệ sĩ, bề trên cộng đoàn, đầu bếp… và ngay cả những nữ tu đã nghỉ hưu hoặc đau bệnh đều là những nhà giảng thuyết.
Như cha Vincent de Couesnongle, nguyên Bề Trên Tổng Quyền của Dòng, nhắc nhở chúng ta rằng, bục giảng thường không phải là nơi tốt nhất để rao giảng Tin Mừng. Cha luôn nói với các anh em Đa Minh rằng họ cần tìm những nơi rao giảng mới vì họ không còn có thể bằng lòng với việc "rao giảng từ bục giảng trong nhà thờ” nữa.
Trong khi chúng ta có thể thấy chạnh lòng, vì là phụ nữ, chúng ta không được phong chức thánh trong Giáo hội, chúng ta bị từ chối một cách hợp pháp quyền giảng thuyết trong bối cảnh cử hành Thánh Thể. Do đó, chúng ta phải tìm những nơi rao giảng bên ngoài thánh đường, chúng ta có thể vui mừng khi biết rằng vì điều này, chúng ta đã học được cách linh hoạt và sáng tạo trong việc giảng thuyết. Đây luôn là trường hợp của các người nữ trong Dòng. Chúng ta thử nghĩ về trường hợp của thánh nữ Catarina Siena. Nếu có ai từng trải qua một sự cấp bách để rao giảng Tin Mừng, thì đó là Catarina. Nếu có một người nữ tìm kiếm những nơi rao giảng mới, thì đó là Catarina. Một tác giả đã mô tả Catarina luôn ở trong trạng thái rất hứng khởi. Khi nhận ra Lời tình yêu và chân lý của Thiên Chúa đã được ủy thác cho mình vì người khác, Catarina đã rao giảng ở mọi nơi và mọi lúc mà thánh nhân có thể: trong phòng giam của Nicholas khi anh đang chờ để bị xử tử; với Đức Giáo hoàng Gregory XI khi ngài đang do dự dời Avignon để trở về Roma; với Palmira đang hấp hối trên giường bệnh khi bà từ chối mọi lời đề nghị hòa giải; với John Hawkwood, người lính đánh thuê người Anh, khi anh đang nghiên cứu trận chiến tiếp theo của mình.
Nhưng Catarina không phải là người nữ Đa Minh duy nhất trong lịch sử của Dòng với đặc sủng giảng thuyết theo những cách thức mới và ở những địa điểm mới. Hơn nữa, đây là một dấu ấn của rất nhiều phụ nữ trong Dòng. Ngang qua những câu chuyện lịch sử trong Dòng, chúng ta hẳn đã rất vui khi nhận ra tên của những người nữ nhiệt thành trong từng mỗi thế kỷ kể từ khi Dòng bắt đầu đáp ứng nhu cầu cụ thể của những người đương thời, đặc biệt là người nghèo và người bị thiệt thòi, để lên đường chia sẻ với họ Tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa. Và dường như, vì những người nữ này không có địa vị giáo sĩ trong Giáo hội nên họ có thể trình bày một cách tự do và sáng tạo hơn các anh em về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Dòng. Giống như họ, chúng ta cũng thấy mình ở một vị trí tuyệt vời để đáp lại lời kêu gọi của Dòng là luôn tìm kiếm những nơi rao giảng mới và phù hợp hơn.
Ngày nay, khi tìm kiếm những nơi rao giảng thích hợp, chúng ta sẽ làm điều mà đã luôn được thực hiện trong những thời điểm rao giảng tốt nhất của Dòng, cụ thể là tìm kiếm chúng trong bối cảnh thực tế mà chúng ta đang sống. Thế giới ngày nay là một thế giới mà trong đó: sự bóc lột người nghèo ngày càng tăng; nạn đói luôn ở mức báo động; cuộc khủng hoảng tị nạn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người; sự hồi sinh tàn khốc của nạn phân biệt chủng tộc, và sự xói mòn của nhân quyền. Đó là một thế giới mà trong đó chúng ta đang chứng kiến sự lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển toàn cầu của chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo; một thế giới mà phần lớn những người trẻ là những người nghiện ma túy, thất nghiệp và không có hy vọng. Và cũng chính thế giới đau khổ này đã cung cấp bối cảnh và chương trình nghị sự cho việc giảng thuyết Đa Minh của chúng ta.
Những nữ Giảng thuyết
Liệu có bất kỳ sự khác biệt nào khi người ta đề cập tới việc thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng là cho nữ giới chứ không phải nam giới không? Tôi nghĩ là có.
Khi đưa ra lời khẳng định này, tất nhiên tôi nhận ra rằng, ngoài sự phân biệt thuần túy sinh học giữa hai giới ra, thì hầu hết, những sự phân biệt khác có liên quan đến một nền văn hóa nhất định. Tuy nhiên, chúng ta có thể đồng ý rằng, cho dù là được thừa hưởng hay là được nhìn nhận, phẩm chất của việc "là nữ giới” đưa ra một sắc thái đặc thù tới sự hiện hữu của một cá vị, và do đó, việc "là nữ giới” cho thấy một sắc thái riêng để trở thành người Đa Minh, cũng giống như việc “là nam giới” mang sắc thái riêng để trở thành người Đa Minh. Thật khó để phân biệt chính xác sắc thái riêng này là gì, nhưng có lẽ tất cả chúng ta đều biết rằng có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới trong cách thức họ truyền giảng Lời Chúa. Sự khác biệt này không nhất thiết phải tốt hơn, hay dở hơn, nhưng là khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta thử nghĩ về sự khác biệt trong việc giảng thuyết của Cha Đa Minh và Catarina. Là một nữ giảng thuyết Đa Minh, Catarina đã thi hành việc rao giảng một cách trung thực, có nghĩa là từ chính kinh nghiệm của chị về thân phận là một con người, và là một phụ nữ. Chúng ta cần lưu ý điều này khi nghĩ về ý nghĩa của việc chúng ta trở thành những nhà giảng thuyết Đa Minh trong thế giới ngày nay.
Tuy nhiên, điều đó là không đủ đối với chúng ta, vì dù là nữ hay là nam, chúng ta đều thuộc về Dòng giảng thuyết để trở thành những người giảng thuyết đích thực. Có hai tiêu chí cần thiết nếu chúng ta muốn rao giảng Tin Mừng một cách thích hợp. Hai tiêu chí này, được thể hiện trong cuộc đời của cha Đa Minh cũng như trong lối sống của những anh chị đã đồng hành với ngài thời tiên khởi đó là lối sống Phúc âm, và sự nhận thức Thần học.
Lối sống Phúc âm
Hẳn chúng ta đều nhớ, khi đáp lại tiếng khóc than khẩn thiết của người đương thời, cha Đa Minh đã quyết định không quay trở lại Tây Ban Nha để tiếp tục cuộc sống như một giáo sĩ Augustinh nhưng ở lại miền Nam nước Pháp và trở thành một nhà giảng thuyết về sự thật và tình yêu của Thiên Chúa. Cùng với Đức Giám mục Diego, cha Đa Minh nhận ra rằng điều kiện quan trọng nhất để giảng thuyết hiệu quả trong vùng bị áp bức, và bị dị giáo chèn ép đó là lối sống Tin Mừng. Thánh nhân biết rằng trước hết, ngài phải sống Tin Mừng, rồi thì ngài mới có quyền rao giảng Tin Mừng. Do đó, cha Đa Minh đã đưa ra một quyết định rất thận trọng khi chọn một lối sống đơn giản của Phúc âm. Khi lựa chọn lối sống này, cha Đa Minh đã cho mọi thời đại thấy được sự am hiểu của ngài về việc giảng thuyết.
Thực thế, cha Đa Minh đã minh nhiên cho thấy rằng bối cảnh thiết yếu của việc rao giảng Tin mừng chính là việc sống Tin mừng theo gương của vị truyền giáo tuyệt vời- Đức Kitô. Nhà thần học Edward Schillebeeckx, cũng đồng ý với cách thức này khi nhận định rằng "Việc trung thành với lối sống của chính Chúa Giêsu là ‘nền tảng của sự rao giảng tràn đầy Thánh Thần của Tin Mừng' vì chỉ trong ánh sáng của kinh nghiệm Tin mừng mà bất kỳ Kitô hữu nào cũng có quyền loan báo Tin mừng.”
Như cha Đa Minh, người đã nhận thức được điều chân thực này, thì khi là những người giảng thuyết Đa Minh, chúng ta cũng đang bị cật vấn theo cách thế mới: Chúng ta có hoàn thành tiêu chí quan trọng nhất về sự hợp thức của việc rao giảng tràn đầy Thánh Thần trong Giáo hội không? Chúng ta đã có một lối sống phúc âm chưa?
Khi sống theo mẫu mực của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng lối sống phúc âm có ba chiều kích thiết yếu liên quan đến ơn gọi Đa Minh đó là: sự giản dị, lòng trắc ẩn, và thái độ sẵn sàng.
Sự giản dị
Khi đề cập đến lối sống giản dị, chúng ta có ngay hình ảnh về một cuộc sống không bị xáo trộn bởi những cạm bẫy của sự dư thừa dưới bất kỳ hình thức nào. Khi cha Đa Minh quyết định ở lại Pháp và dành cả cuộc đời để rao giảng Tin Mừng, ngài liền nhận ra lý do khiến các viện phụ dòng Xitô, dù đã hiện diện tại đây một thời gian, nhưng các hoạt động không có sự tiến triển, chính là vì cuộc sống sung túc của họ. Cha Jordan Saxony cũng cho thấy rẳng, những đan viện trưởng đã có một "nguồn lợi tức khổng lồ, ngựa xe, và quần áo". Đây là nguyên cớ gây tai tiếng đối với cưi dân địa phương về những gì họ chứng kiến, trong khi đó, những người dị giáo Albigense lại có cuộc sống rất đơn giản. Do đó, một trong những hành động đầu tiên của cha Đa Minh là loại bỏ ngựa xe và những tài sản không cần thiết để có thể sống khó nghèo.
Ngay tại thời điểm đó, sự khó nghèo Phúc âm đã được liên kết chặt chẽ với việc rao giảng Tin mừng theo cách hiểu về sứ vụ giảng thuyết Đa Minh. "Giảng thuyết trong sự khó nghèo" là cách mà sứ vụ của Dòng được mô tả trong sắc lệnh phê chuẩn của Đức giáo hoàng. Do đó, sự nghèo khó của chúng ta là vì mục đích rao giảng, và vì thế, nó không bao giờ kết thúc. Khi viết điều kiện này vào các Hiến pháp nền tảng, cha Đa Minh đã lấy cảm hứng từ Chương 10 của Tin mừng Mát-thêu, khi sai các môn đệ ra đi rao giảng, Đức Giêsu khuyên họ đừng mang theo gì ngoài những vật cần thiết. Chúng ta đều biết rằng hành lý có thể đè nặng và cản trở chúng ta di chuyển từ nơi này tới nơi khác như thế nào. Việc cắt giảm những hành lý không cần thiết (đó là một cách nói về tình trạng thiếu thốn) phải là điểm đặc trưng của người giảng thuyết Đa Minh. Thánh Tô- ma đã diễn tả lối sống của nhà giảng thuyết là một lối sống mà trong đó, mọi thứ lỉnh kỉnh phải bị lược bỏ hầu có thể dễ dàng đi tới mọi nơi trên thế giới công bố và rao giảng Tin Mừng.
Có lẽ một trong những lý do tại sao những người nữ Đa Minh chúng ta thường thất bại trong việc sống đơn giản, là vì trên thực tế, sự khó nghèo chưa bao giờ có giá trị riêng của nó mà chỉ đơn thuần là một cách thế để Hội Dòng rao giảng cách hiệu quả; và nếu trong quá khứ, mối liên hệ giữa khó nghèo và giảng thuyết không được nhấn mạnh, chúng ta có thể đã bỏ lỡ điểm mấu chốt của sự khó nghèo Đa Minh. Tuy nhiên, trong hiện tại, khi chúng ta nhận thức rõ lời mời gọi trở thành những người giảng thuyết; và khi có thêm nhiều cơ hội rao giảng đầy mới mẻ, thú vị và thách thức mở ra cho chúng ta, thì sự sẵn sàng để từ bỏ những thứ đã từng chiếm hữu, trói buộc khiến chúng ta "mất tự do", sẽ gia tăng, và sự khó nghèo tự nguyện của chúng ta sẽ phát huy sự năng động và năng lượng mới.
Lòng trắc ẩn
Đặc tính thứ hai của lối sống phúc âm theo gương Đức Giêsu đó là lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ.
Cha Đa Minh đã có lòng trắc ẩn này. Thật vậy, như chúng ta được biết, cha là người vui vẻ, và nét mặt của ngài luôn rạng rỡ. Nhưng khi chứng kiến bất kỳ nỗi thống khổ nào, nét mặt ngài đột nhiên trở nên buồn bã và nước mắt ngài tuôn rơi. Nhiều người viết tiểu sử đã cho thấy lòng trắc ẩn là phẩm chất đặc trưng nhất của cha Đa Minh. Do đó, sứ vụ của ngài- và cũng là của chúng ta -thường được diễn tả qua việc rao giảng về một Tin mừng của lòng thương xót.
Không có thời kỳ nào trong lịch sử hơn thời đại của chúng ta, một thế giới đau khổ cần được nghe về Tin mừng của lòng thương xót. Do đó, phụ nữ chúng ta cần ý thức rằng trong sứ vụ giảng thuyết, từ ngữ cần phải được nói lên trước hết đó là từ ngữ của lòng trắc ẩn.
Trong bài nói chuyện dành cho các nữ Đa Minh, cha Vivent de Couesnongle, lúc đó đang là Bề Trên tổng quyền Dòng- khi phân tích về sứ vụ Đa Minh để rao giảng một Tin mừng về lòng thương xót cho thế giới- đã cho thấy rằng: Trong Dòng, nữ tính đặc biệt phù hợp với sứ vụ này. Cha đưa ra câu hỏi: "Lòng thương xót có thực sự là một sinh lực giữa chúng ta không? ... một sinh lực được cắm sâu vào tâm hồn khiến chúng ta có một cảm giác bất ổn sâu sắc? Có phải đó là một cảm giác được bắt nguồn từ sự khốn khổ và bị kìm hãm của phận người để đẩy chúng ta ra khỏi những thói quen và lối sống bình thường, buộc chúng ta phải thay đổi cách thế và khiến chúng ta phải tỉnh thức không? Có phải đó là một cơn đau nhói không ngừng trong trái tim chúng ta không? " Có được lòng trắc ẩn này cũng chính là được chia sẻ lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ "rahamim" trong tiếng Do Thái, vốn được dùng để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, được bắt nguồn từ từ "raham" có nghĩa là “tử cung,”nhằm thể hiện sự dịu dàng từ mẫu của Thiên Chúa. Đó là sự dịu dàng dành cho những ai, giống như những em bé trong bụng mẹ, chúng ta bất lực, thiếu thốn và lệ thuộc. Tất cả những người Đa Minh, nam cũng như nữ, đều cần phẩm chất của lòng trắc ẩn này trong lời rao giảng, nhưng, bởi vì nó gắn liền với sự nữ tính trong Thiên Chúa, cho nên, nó đặc biệt rõ nét nơi phụ nữ chúng ta.
Vậy thì lòng trắc ẩn này sẽ được thể hiện như thế nào?
Trước hết, trong một thế giới có quá nhiều bất công và áp bức, lòng trắc ẩn mời gọi người nữ Đa Minh sát cánh với những người đang đau khổ và biến những đau khổ ấy thành của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ được thúc đẩy nhìn xa hơn sự tìm giải thoát mình khỏi áp bức để có thể giải thoát tất cả những ai bị áp bức. Thật vậy, bất kỳ kinh nghiệm nào về sự bị áp bức đều có thể là lợi thế khi nó mời gọi chúng ta tiến tới sự nhận thức mới về các cơ chế xã hội tinh vi nhằm tiêu diệt con người, để đồng cảm với những người bị áp bức. Nếu sự nhận thức và đồng cảm này không có đó, thì có lẽ chúng ta cần tiến gần hơn tới những người đang đau khổ trong xã hội để cảm nhận nỗi thống khổ của họ rõ hơn. Chính phẩm chất của lòng trắc ẩn cho phép chúng ta thực hiện điều này ngay cả khi chúng ta nghi ngại là những gì chúng ta thấy sẽ gây phiền hà cho chúng ta. Nhưng đó là dấu ấn của những môn đệ Đức Giêsu, một dấu ấn được hiện thực hóa trong cuộc đời cha Đa Minh, đó là chúng ta sẵn sàng để mình bị quấy rầy. Chính sự bị quấy rầy sẽ giúp thay đổi thứ tự trong quan điểm, khi phơi bày những định kiến vốn cầm hãm chúng ta, nhờ đó giải thoát chúng ta khỏi những lớp vỏ quen thuộc vốn dĩ che giấu khuôn mặt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ. Trong số những người bị áp bức mà chúng ta được kêu gọi tiến lại gần để nói lên lời thương cảm, thì đặc biệt là những người phụ nữ khác. Trong bất kỳ tình huống áp bức nào, dù là kinh tế, chính trị, chủng tộc, hay xã hội… thì phụ nữ luôn là đối tượng bị áp bức gấp đôi. Thật thế, chúng ta càng trở nên nhạy cảm với sự đau khổ của những phụ nữ khác, và thực sự, của tất cả những ai bị áp bức, chúng ta sẽ càng nhận ra rằng sự bị áp bức của họ luôn gắn liền với các sức mạnh phá hoại khác như chiến tranh, vũ khí hạt nhân, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa duy vật, bóc lột, và ô nhiễm môi trường…
Chúng ta nhận thức rằng trách nhiệm của phụ nữ đối với cuộc sống phải tập trung vào cuộc đấu tranh chống lại sự hủy diệt sự sống bởi các thế lực áp bức trong xã hội, và chống lại mọi thứ đe dọa đến điều kiện sống thực sự của mọi người, nam cũng như nữ. Đây là lời kêu gọi dành những người nữ Đa Minh chúng ta, trong lời rao giảng mang tính ngôn sứ, lòng trắc ẩn của Tin mừng và trao ban sự sống trong một thế giới bị gãy đổ trong sự tự hủy diệt.
Thái độ sẵn sàng
Đặc tính thứ ba của lối sống Phúc âm đó là thái độ sẵn sàng đối với người khác. Trong bộ Summa, thánh Tôma Aquino đã xem Đức Giêsu như là “người Đa Minh hoàn hảo" khi mô tả cách sống của Người như là người luôn sẵn sàng cho tất cả những ai cần đến. Chúng ta sẽ tập trung vào thái độ sẵn sàng phúc âm trong sự nhận thức của chúng ta về việc giảng thuyết lưu động trong Dòng.
Sự giảng thuyết lưu động, được mô phỏng theo cuộc đời của Đức Giêsu và các môn đệ đi từ nơi này đến nơi khác để mang Tin mừng cứu độ, nhằm nói tới sự không định cư nhưng luôn sẵn sàng đi đến những địa điểm rao giảng mới.
Trong dịp thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc phong thánh cho chân phước Francis Coll, OP, Dòng đã có sự quan tâm mới về khái niệm giảng thuyết lưu động trong truyền thống Đa Minh. Theo đó, sự giảng thuyết lưu động không nhấn mạnh quá nhiều vào sự chuyển động liên tục nhưng là vào thái độ luôn sẵn sàng. Vì thế, giảng thuyết lưu động còn có nghĩa là tuy ở tại một nơi cố định, nhưng người Đa Minh luôn sẵn sàng trả lời bất cứ cuộc gọi nào, tại bất cứ đâu, và cho bất cứ ai cần đến để đồng hành với họ.
Là phụ nữ, chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta đang luôn luôn tham gia vào việc rao giảng lưu động, bởi vì sứ vụ của chúng ta chưa bao giờ được "nghi thức hóa" theo cách mà những người nam có chức thánh có được. Thực thế, chúng ta được tự do hơn để trở thành người có lòng trắc ẩn, biết đồng hành với người khác tại một thời điểm cụ thể trên hành trình cuộc đời họ. Do đó, đồng hành với người nghèo khổ với lòng trắc ẩn và sự liên đới chắc chắn là một phần của sứ mạng và đặc quyền của nhà giảng thuyết lưu động.
Đôi khi điều mà chúng ta thực hiện khi chia sẻ với người khác một phần hành trình cuộc sống với lòng trắc ẩn có vẻ như đi ngược với sự lưu động, vì nó có thể có nghĩa là chỉ cần gắn bó với việc mình cần làm, ngay cả khi chúng ta có thể làm rất ít. Tôi nghĩ rằng phụ nữ chúng ta rất giỏi trong việc này. Trong nhiều tình huống của cuộc sống, đặc biệt là đối với những người bị bối rối, đau khổ và những người khiến chúng ta cảm thấy bất lực, phụ nữ thường thấy dễ dàng hơn khi hiện diện ở đó để cùng liên đới với họ trong sự bất lực, đau khổ và sẵn sàng để nói lên lời hy vọng và an ủi khi có thể. Nam giới thường có xu hướng né tránh những tình huống này khi họ cảm thấy là họ không thể làm được gì khác hơn. Đây chính là điều đã xảy ra tại thời điểm của biến cố Phục Sinh. Có cả đàn ông và đàn bà cùng đến nơi chôn cất Đức Giêsu. Những người đàn ông nhìn thấy ngôi mộ trống và bỏ đi; Đức Giêsu không có ở đó và họ chẳng thể làm gì khác hơn. Còn Maria Madalena cũng chứng kiến ngôi mộ trống, nhưng bà đã lưu lại đó. Bà thấy bế tắc, buồn bã, bất lực, và có lẽ hơi vô vọng, nhưng bà muốn ở lại gần nơi khổ nạn của Đức Giêsu. Và rồi, bà là người gặp được Đức Giêsu Phục sinh và được trao gửi tin mừng của niềm hy vọng để loan báo cho các môn đệ khác. Khi đề cập điều này, tôi không chủ ý cho rằng phụ nữ tốt hơn đàn ông, nhưng để nhấn mạnh rằng khi được mời gọi rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay, chúng ta là phụ nữ và chúng ta được mời gọi làm giống như vậy trong sự thật của chúng ta là, và theo cách thế "tự nhiên" của chúng ta.
Nhận thức thần học
Lối sống phúa âm thể hiện qua sự đơn giản, lòng trắc ẩn và thái độ sẵn sàng là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự giảng thuyết Đa Minh đích thực. Nhưng, như đã đề cập trên đây, còn một tiêu chí khác nữa, đó là nhận thức thần học.
Cha Đa Minh đã đưa ra lời tuyên bố rất mạnh mẽ về điều này khi ngài cùng với những người bạn đồng hành đầu tiên đã gõ cửa nhà một thần học gia người Anh, Alexander Stavensby, ở Toulouse và xin được thỉnh giáo với ông. Cha Đa Minh, dù đã là một nhà giảng thuyết uyên thâm và đầy kinh nghiệm, đã luôn ý thức rằng để trung thành với ơn gọi giảng thuỵết, thì suốt đời ngài vẫn cần phải học hỏi và luôn mở ra với những ý tưởng mới. Trước đây, vì thiếu năng lực thần học, phụ nữ cũng như giáo dân nam, bị cấm giảng dạy. Tuy nhiên, hiện nay, khi thẩm quyền này được mở ra cho tất cả mọi người, thì phụ nữ cũng có thể đáp ứng được điều kiện này, để trở thành những người rao giảng Tin Mừng. Điều này đưa ra một thách thức và cũng đồng thời là một lời mời gọi khác, cho phụ nữ trong Dòng: Chúng ta phải sẵn sàng học tập và học tập chăm chỉ; nhưng, nếu chúng ta muốn thực hiện ơn gọi của mình là những người giảng thuyết Đa Minh, chúng ta có sự tùy ý lựa chọn nào khác không?
Nhận thức thần học tất nhiên không chỉ đến từ việc nghiên cứu sách vở. Trên thực tế, không có nhà thần học Đa Minh nào xem thần học chỉ đơn thuần là một bài tập trí tuệ và khoa học. Trái lại, nó liên quan đến một thái độ phản ánh đầy niềm tin trong cuộc sống.
Do đó, nếu chúng ta muốn giảng về một từ ngữ liên quan đến người đương thời, thì chúng ta cần biến những tình huống cuộc sống của mình và của người khác thành nguồn suối của việc thần học hóa. Đó là cách mà Catarina Siena, vị Tiến sĩ Giáo hội, đã thực hành thần học một cách đầy khôn ngoan và sáng tạo.
Sách Công Vụ Tổng Hội của Dòng được tổ chức tại tại Avila khuyến khích tất cả chúng ta tìm kiếm sự thật để trau dồi "thái độ suy tư sâu sắc" đối với cuộc sống, một thái độ khiến chúng ta cật vấn, thăm dò, tìm kiếm, tìm hiểu, và cho phép mình thay đổi. Cách thực hành thần học này không phủ nhận hay chống lại việc làm thần học từ sách vở; đúng hơn là nó bổ sung, bối cảnh hóa và làm cho thần học sách vở bén rễ vào trong thế giới. Nó chỉ ra rằng, thần học không phải là đặc quyền của các giáo sĩ mà là đặc ân và nghĩa vụ của tất cả các Kitô hữu.
Cách thức tiếp cận thần học này, ngoài sách vở ra, còn như là những công cụ của một đức tin sống động và khả năng suy tư dựa trên những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mình và của người khác. Đó là một phương thức phù hợp ngay cả với phụ nữ, không phải vì chúng ta kém sáng suốt hơn nam giới, nhưng vì là phụ nữ (và cũng bởi vì chúng ta không thuộc về hàng giáo sĩ), chúng ta thường xuyên có những tiếp cận trực tiếp hơn đến những nơi mà cuộc sống, với nỗi đau và niềm vui, đang được sống ở mức độ sâu lắng hơn. Thông thường chúng ta có thể dễ dàng đi vào trong nỗi đau hoặc những cảnh huống lộn xộn, thậm chí hỗn độn trong cuộc sống hơn, - và – có thể nhìn thấy và chạm vào mầu nhiệm vượt qua của cái chết và sự phục sinh ngay tại đó. Từ kinh nghiệm này ngay ở giữa cuộc sống trong tất cả sự khắc nghiệt của nó, chúng ta có thể thực hành thần học cách tốt nhất. Và nếu chúng ta làm điều này, thì đây sẽ là một cơ hội để khi chúng ta rao giảng, chúng ta sẽ rao giảng bằng một từ ngữ mà những người nam và nữ đương thời đều có thể hiểu được.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng ngay cả khi chúng ta thực hành thần học ngay giữa cuộc sống, nơi mà Thiên Chúa đang luôn làm việc, chúng ta cũng có thể học hỏi từ những người mà chúng ta đang phục vụ vì chính họ cũng có thể thực hành thần học.
Phải chăng có một điều rất lạ đánh động chúng ta khi thường trong Giáo Hội, có những người trẻ tuổi kém kinh nghiệm tại chủng viện thường được đánh giá bởi thẩm quyền dựa trên sự thật của Tin Mừng trong khi đó nhiều ngườì lớn tuổi và khôn khoan hơn phải lắng nghe họ?
Điều thiết yếu chính là chúng ta phải bao gồm những người lắng nghe chúng ta trong sự đối thoại thần học với chúng ta. Thực tế cho thấy những người bị áp bức và bị gạt ra bên lề, có thể nói lên từ ngữ thần học của họ, và việc họ được lắng nghe cho thấy một bước tiến tới trong việc nhìn nhận phẩm giá của họ. Đó cũng là một bước tiến gần hơn tới việc giải phóng của họ.
Chiều Kích chiêm niệm
Trên đây, tôi đã mô tả một nhà giảng thuyết như là người biết rằng anh/chị ấy đã được ủy thác Lời Chúa vì người khác. Chúng ta đã tập trung vào vế sau “vì người khác.” Nên, trước khi kết thúc, chúng ta cần xét kỹ hơn vế trước: "Nhà giảng thuyết là người đã được ủy thác Lời Chúa." Trong một bài giảng về Thư thánh Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê, khi Ti-mô-thê được nhắc nhở là “hãy rao giảng lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tim 4,2), Meister Eckhart đã nêu ra câu hỏi: "Chúng ta phải rao giảng từ nào?" Và ngài trả lời: "Từ duy nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể rao giảng là từ đã được sinh ra trong chúng ta, từ mà chúng ta đã nghe và đón nhận tận sâu thẳm của chính mình."
Vì thế, từ duy nhất mà chúng ta có thể rao giảng là từ đã tìm thấy một nơi cư ngụ trong chúng ta bởi vì chúng ta đã đón nhận, suy ngẫm và chiêm nghiệm về từ ấy trong sự tĩnh lặng của tâm hồn. Sự nhìn nhận này thúc đẩy chúng ta đi vào chiều kích chiêm niệm với tư cách là những nhà giảng thuyết: chiều kích cắm chặt chúng ta vào nơi sâu thẳm của Thiên Chúa và của chính chúng ta trong Thiên Chúa, và mở lòng chúng ta để đón nhận Lời của Chúa. Lời đó đến với chúng ta trong Kinh thánh, trong lời cầu nguyện, trong những nơi sâu thẳm của trái tim, trong Phụng vụ, qua người khác và qua các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thiên Chúa luôn nói Lời đó với chúng ta, nếu chúng ta có trái tim biết lắng nghe.
Không ai trong chúng ta có thể rao giảng một cách xác thực một từ mà trước hết nó không được thấm nhiễm trong chúng ta. Cha Vicent de Couesnongle đã rất phù hợp khi ngài nhắc nhớ chúng ta rằng, những người mà chúng ta nói với có thể dễ dàng phân biệt giữa người giảng thuyết nói về Đức Giêsu như người bạn mà anh/chị ấy không ngừng sống với, với người giảng thuyết nói về Đức Giêsu như một người xa lạ trong khi cố gắng để cho người khác tin Người như là một người bạn.
Lời mời gọi mà chúng ta đã đón nhận để trở thành những người giảng thuyết Lời, là một lời mời gọi để trở thành người chiêm niệm. Những người chiêm niệm là những người duy nhất có thể là nói lời ngôn sứ, vì họ là những người có thể nhìn vào tất cả những gì họ gặp phải bằng đôi mắt của Thiên Chúa.
Công vụ Tổng hội Avila cho thấy rằng nhà giảng thuyết ngôn sứ là người nhìn vào thực tại một cách sâu sắc hơn những người khác và do đó, họ có thể nắm bắt được khoảnh khắc của Thiên Chúa trong lịch sử. Từ mà cha Đa Minh, một nhà giảng thuyết ngôn sứ, đã rao giảng, là từ mà ngài đã đón nhận qua những lần cầu nguyện thâu đêm. Từ mà vị ngôn sứ Catarina, đã thốt lên là từ được trao ban khi thánh nhân chiêm ngắm Chúa Giêsu bị đóng đinh, và suy ngẫm nơi Người tình yêu dành nhân loại không thể dò thấu của Thiên Chúa.
Như là những người nữ Đa Minh, chúng ta trở thành người chiêm niệm trong thế giới khổ đau, những nhà giảng thuyết suy tư thần học, những người sống lối sống Phúc âm khi chúng ta hướng về người khác với lòng trắc ẩn và thái độ sẵn sàng. Đây là một sứ mạng cao cả và không ai trong chúng ta có thể thực hiện một mình. Chúng ta cần nhau, thậm chí dù chỉ để có được sự can đảm để thử nó. Nhưng chúng ta có thể cùng nhau hoàn thành sứ mạng này. Khi tiến tới tương lai, chúng ta hãy không ngừng mời gọi nhau và hỗ trợ lẫn nhau để thi hành sứ mạng này.
Khi cha Đa Minh thiết lập những cơ sở đầu tiên của Dòng, thì mỗi một nơi này đều được biết đến cách đơn giản như là "Lời rao giảng của Đức Giêsu Kitô". Mỗi cộng đoàn đều đã hình thành một lời rao giảng như vậy. Ngày nay, mỗi cộng đoàn, cũng như toàn Dòng, chỉ có thể trung thực với chính mình và định hình tương lai ưu thế của mình, nếu mỗi người trở thành một lời rao giảng về Đức Giêsu Kitô cho thế giới.
Nếu tất cả chúng ta đều cố gắng trở thành như thế, thì đến cuối đời, khi đối diện với lời cật vấn: "Anh chị đã cố gắng để trở thành điều mà anh chị được mời gọi để trở thành chưa?" lúc đó, chúng ta sẽ có thể trả lời: "Dạ có, chúng con đã cố gắng."