LÒNG NHÂN TỪ VÀ HÀNH TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 438 | Cật nhập lần cuối: 11/13/2022 3:31:33 PM | RSS

LÒNG NHÂN TỪ VÀ HÀNH TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN

Alex Gruber

Cuối mùa hè năm ngoái, tôi dọn đến ở tại một căn hộ mới và bắt đầu việc soạn lịch trình chuẩn bị cho lần đầu tiên tôi dạy môn Thần học nhập môn tại một trường cao đẳng nghệ thuật tự do Công giáo ở phía đông bắc Wisconsin, Hoa Kỳ. Tôi mở cuốn nhật ký nhỏ màu hạt dẻ của mình và bắt đầu thực hành thói quen suy tư về một ngày đã qua.

Các mục ghi trong nhật ký của tôi bao gồm một loạt các cảm xúc. Có những lý do để sống tâm tình biết ơn: Tôi đã dự một buổi hòa nhạc ven sông với người bạn cùng phòng; WiFi trong căn hộ của chúng tôi đã được lắp đặt sau một vài tuần bị trì hoãn; Tôi có một danh sách những việc cần làm vào ngày hôm sau như: gặp một giáo sư cũ và bây giờ là đồng nghiệp để xem lại đề cương môn học, hoàn thành đề cương, và viết thư cho một người bạn.

Bên cạnh các mục ấy, tôi cũng đọc thấy một dòng chữ với dấu trừ bên cạnh: “Sáng nay tôi đã tự làm tổn thương và tàn nhẫn với chính mình. Tôi ghét bản thân mình".

Giờ đây, khi đọc lại hàng chữ đó khiến tôi trầm ngâm, xót xa, và có chút sợ hãi. Tôi ước mình có thể đưa tay ra với chính mình kịp thời và tự nhủ rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi mình biết yêu cầu sự giúp đỡ. Tôi cũng muốn nhắc mình rằng tôi đã, đang, và sẽ luôn được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện, một sự thật mà bản thân tôi trong tương lai sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

- Một phần của việc ghét bản thân đến từ việc tôi đã không thể thành thật về những gì tôi đã làm với mình vào sáng hôm đó. Ngay cả trong cuốn nhật ký riêng, và thậm chí, với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, tôi không thể chịu đựng được khi viết ra sự thật rằng, trong vài tháng qua, khi cảm thấy căng thẳng, quá tải, hoặc nản chí, tôi đã bắt đầu tự tát mình.

Cùng ngày hôm ấy, tôi đã viết một dòng mơ hồ có chủ đích trong nhật ký rằng - tôi làm tổn thương và tàn nhẫn với chính mình - tôi cũng đã cào bắp chân mình cho đến khi nó rướm máu. Tôi đã cầu nguyện xin Chúa giúp tôi thoát khỏi tình trạng khổ sở khi tôi làm như vậy. Tôi đã không nhận ra rằng tôi đang trải qua một nỗi khốn khổ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn tôi trải qua.

- Một phần của việc ghét bản thân và tự làm tổn thương mình đến từ lý do đó là vì có sự chậm trễ trong việc lắp đặt Internet không dây trong căn hộ của tôi. Tôi nghĩ rằng việc không lắp đặt được wi-fi trong căn hộ sẽ khiến tôi trông cù lần và quê mùa khi so với người bạn cùng phòng mới của tôi. Từ góc nhìn của tôi khi viết nhật ký, đây là lý do thảm hại để tôi tự gây thương tích cho mình, nhưng trước lúc đó, lý do này dường như rất quan trọng nên việc tôi tự gây thương tích là điều “đúng đắn” và “hợp lý” duy nhất phải làm.

- Một phần của việc ghét bản thân đến từ việc tôi thường xuyên dùng việc tự làm tổn thương mình như một cơ chế đối phó. Việc tôi cào cấu mình đến độ rướm máu là lần nghiêm trọng nhất, nhưng vài tháng trước đó, tôi đã tự tát mình bất cứ khi nào tôi cảm thấy mất kiểm soát. Vào thời điểm đó, tôi mới nghỉ việc, nên tôi được cấp chỗ ở và tôi đã chuyển nhà 3 lần trong vòng 2 tháng trước khi tìm được một nơi ở ổn định. Khi không biết chính xác tương lai của mình sẽ ra sao, tôi rơi vào tình trạng mất kiểm soát và đã không thể kiên nhẫn. Tôi đã không liên lạc với những người thân của mình và cũng không muốn tin tưởng vào Thiên Chúa.

Thay vào đó, tôi bám víu vào chủ nghĩa cầu toàn của mình, khi xác định rằng để “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48) thì có nghĩa là tôi phải luôn làm và làm “đúng”. Theo một cách nào đó, tôi đã cố tự cho mình là vị thần của riêng mình. Và tôi là một vị thần không khoan nhượng, hay đòi hỏi, và hung bạo.

- Một phần của việc ghét bản thân đến từ việc tôi tiếp tục chống lại việc tìm kiếm và chấp nhận sự trợ giúp đối với sức khỏe tâm thần của mình. Tôi đã đi trị liệu một vài lần trong nửa cuối năm 2020 theo sự thúc giục của các chị tôi, và điều đó đã mang lại lợi ích cho tôi về những suy nghĩ và thói quen coi thường bản thân trong vài tháng.

Tuy nhiên, tôi đã đóng kịch như một diễn viên trong hơn một thập kỷ. Khi những suy nghĩ và thói quen hủy hoại bản thân bắt đầu quay trở lại với cuộc sống thường nhật, tôi biết cách nhập vai của một người kiên định, hạnh phúc, hữu hiệu và che giấu thực tế cuộc sống của tôi với gia đình, bạn bè, và với chính mình.

Dòng chữ “Tôi đã tự làm tổn thương mình sáng nay” cho thấy là tôi che đậy sự thật trọn vẹn về việc tôi đã làm tổn hại thể chất đối với thân thể mà Thiên Chúa đã ban cho tôi như thế nào. Nó chối bỏ sự thật rằng Thiên Chúa yêu thương tôi, và Ngài muốn nâng tôi dậy trong sự sống lại vào ngày chung thẩm. Bạn cũng có thể nói “Tôi tự làm tổn thương mình” cũng là mức độ mà tôi đã làm tổn thương mình thông qua việc thiếu trung thực, cầu toàn, và từ chối tìm kiếm sự trợ giúp về sức khỏe tâm thần của tôi.

Tất cả những thói quen này đã gây thiệt hại cho mối tương quan của tôi với Thiên Chúa, và với những người thân yêu trong cuộc đời tôi.

Trong Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu cầu nguyện rằng tất cả những ai tin vào Ngài sẽ được nên một và được nên hoàn thiện trong sự hiệp nhất giữa Ngài và Chúa Cha (Ga 17, 20-23). Tôi tin rằng sự hiệp thông với Thiên Chúa là mục đích của chúng ta như là Kitô hữu, và sự thành toàn của chúng ta như là con người. Khi làm tổn thương bản thân, tôi đã bỏ lỡ mục tiêu của mục đích cơ bản của cuộc đời mình. Cả từ chata trong tiếng Do Thái và từ hamartia trong tiếng Hy Lạp đều có nghĩa là "bỏ lỡ mục tiêu", và đây là những từ chính được dùng trong Kinh thánh để chỉ tội lỗi. Thật thế, khi làm tổn thương bản thân và tin rằng tôi cần và đáng bị tổn thương, tôi đã phạm tội.

Tôi đã cho rằng tôi cố gắng yêu mến Thiên Chúa và những người lân cận hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực bằng việc trở thành một Kitô hữu, một người con, một người anh em, một người bạn, và một nhân viên hoàn hảo; bằng việc không bao giờ thừa nhận những thất bại và bấp bênh của mình, hoặc yêu cầu giúp đỡ trong cuộc chiến đấu của tôi. Thực ra, tôi đã không nhận ra rằng tôi cần phải yêu người thân cận nhiều như yêu chính bản thân mình (Mc 12, 30-31). Và tôi đã không yêu Chúa bằng cách nhận biết và chấp nhận tình yêu vô biên và vô tận mà Thiên Chúa đã luôn dành cho tôi.

Trong quá trình theo đuổi sự hoàn hảo thần thiêng một cách độc hại, tôi đã không thể hoặc không muốn đọc câu “Hãy có lòng nhân từ, như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36; Mt 5, 48). Lòng nhân từ là đặc điểm thánh thiêng mà Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta noi theo và Người đã làm nêu gương trong sứ vụ, trong cái chết và sự phục sinh của chính Người. Điều này cũng liên quan đến việc yêu thương những người bị đẩy ra bên lề trong xã hội hiện nay của chúng ta.

Cụ thể hơn, lòng nhân từ bao gồm những hành vi bác ái hướng đến sự đau khổ và những hành động công lý giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của đau khổ đó. Lòng nhân từ cũng liên quan đến việc nhận thức và chữa lành những đặc điểm đẩy chúng ta đến những ranh giới giá trị của chính chúng ta: những điểm yếu, những giới hạn, sự sợ hãi, và nỗi buồn của chúng ta.

Sự hoàn hảo của chúng ta, sự hoàn hảo của tôi, không đến từ việc kiểm soát toàn bộ cuộc sống. Hoàn hảo không phải là việc biết phải nói gì hoặc làm gì trong mọi tình huống. Hoàn hảo không phải là việc biết cài đặt Internet đúng lúc một cách kỳ diệu. Hoàn hảo đến từ việc chúng ta biết đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa với tâm tình biết ơn, và khiêm tốn thể hiện lòng thương xót đó cho những người khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Thiên Chúa đã trải rộng lòng thương xót bao la đối với tôi trong mạng lưới hỗ trợ của tôi. Những người mà cuối cùng tôi đã tiết lộ về những lần tôi tự làm hại bản thân đã thúc giục tôi quay lại trị liệu. Bạn bè và bác sĩ trị liệu của tôi đã đòi tôi phải đối diện một cách trung thực, thông qua cách diễn xuất của tôi, để thấy tôi đã đang lừa dối mình và lừa dối họ về sức khỏe tâm thần của mình như thế nào.

Chủ nghĩa cầu toàn vẫn luôn là một phần trong cuộc sống của tôi. Dù thế, tôi đang cố gắng trở nên thoải mái hơn khi yêu cầu sự trợ giúp trước những nhiệm vụ khó khăn, chia sẻ nỗi buồn hoặc sự thất vọng của mình với người khác, đồng thời nhìn nhận những thiếu sót và lỗi lầm như là một phần trong cuộc sống hàng ngày của con người. Những cám dỗ làm tổn thương bản thân bằng lời nói, và đôi khi, bằng hành động vẫn còn đó. Tôi rất biết ơn để viết rằng, kể từ năm ngoái, tôi đã không nghe theo cám dỗ để hành động gây tổn thương cho mình nữa.

Ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động nơi bác sĩ trị liệu, nơi những người yêu thương tôi, và trong thói quen cầu nguyện của tôi. Tất cả đã giúp tôi đi trên nẻo đường an toàn. Qua những ân sủng này, Thiên Chúa nhắc nhở tôi rằng tôi đang từng bước tiến gần tới sự hoàn thiện khi tôi biết nhân từ với sự bất toàn của bản thân mình và của người khác. Khám phá ra chân lý về sự cần thiết của lòng thương xót trong cuộc đời mình là một trong những điều tôi không ngừng phải tạ ơn.

Và thực, đây cũng chính là điều tôi muốn thực hành và truyền đạt cho người khác.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (11. 11. 2022)