Lịch sử Hội Dòng

trangchu:;top:;bottom:;trai:;phai:;TrangDanhMuc:;TrangChiTiet:;Canonical:;SiteMap:;-cauhinhseo-

ĐÔI NÉT VỀ DÒNG NỮ ĐA MINH THÁNH TÂM

Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm, với tên gọi chính thức trong sắc lệnh thành lập Hội dòng là Hội Dòng Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina đệ Siena, tại Hố Nai, Biên Hòa. Tên Hội Dòng thường được gọi tắt là Dòng Đa Minh Hố Nai, Biên Hòa hoặc Dòng Đa Minh Chân Lý, do chữ Chân Lý (Veritas) trên mặt tiền của Nguyện đường Trụ sở chính, và cũng để chỉ tên trường Chân Lý của nhà dòng. Sau năm 1975, chính quyền hiện hành gọi tên nơi đây là phường Hố Nai 2, thành phố Biên Hòa. Từ ngày 17 tháng 01 năm 1984, Tỉnh Đồng Nai chia phường Hố Nai 2 thành 2 phường: Tân Biên và Tân Hòa. Vì trụ sở chính của Hội Dòng thuộc phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nên từ đây Hội Dòng sử dụng tên gọi Đa Minh Thánh Tâm, chính là tên gọi của giáo xứ Thánh tâm thuộc giáo phận Xuân Lộc, nơi có nhà Trung Ương của Hội Dòng, thành tên gọi chính thức: Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm.

Hội Dòng được khởi đầu nhờ vào ý muốn tốt lành của các Bề trên 5 Giáo phận: Bùi Chu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thái Bình muốn quy tụ và nâng đỡ ơn gọi của các chị Nhà Phước Đa Minh đã di cư từ miền Bắc vào miền Nam do biến cố 1954.

Ngày 11/8/1955, một cuộc họp đặc biệt tại nhà thờ Huyện Sỹ Sài Gòn, các vị đã quyết định xây dựng một Trung tâm Huấn luyện Đa Minh tại Cây Số 9, Hố Nai (Tân Biên - Biên Hòa ngày nay).

Hội nghị đặc cử Đức Cha Giuse Trương Cao Đại, OP. làm Tổng Giám đốc, cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền, OP. làm Giám đốc, và mỗi địa phận một vị tuyên úy. Việc xây cất được trao cho cha Đa Minh Hoàng Ngọc Thất, OP., cùng cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền, OP. và cha Giêrônimô Phạm Quang Tự, OP. phụ trách.

Ngày 30/10/1955, đệ tử viện Đa Minh chính thức khai giảng. Ngày 01/02/1956, một số chị em được gọi để chuẩn bị nhập Tập viện.

Ngày 10/4/1956, phúc đáp đơn của các Bề trên xin thiết lập thành Hội Dòng cho từng nhóm di cư thuộc gốc Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thái Bình, Tòa Thánh chỉ chấp thuận cho thành lập một Hội Dòng Nữ Đa Minh duy nhất.

Hội Dòng được chính thức thiết lập vào ngày 21/01/1958, do Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám Mục Giáo phận Sài Gòn ấn ký, với tên gọi HỘI DÒNG CHỊ EM ĐA MINH VIỆT NAM, Thánh Hiệu Catarina đệ Siêna, Hố Nai, Biên Hòa thuộc Giáo phận Sài Gòn.

Ngày 04/8/1958, Đức cha đặt nữ tu Monica Phạm Thị Mầu làm Bề trên Tổng quyền tiên khởi của Hội Dòng với nhiệm kỳ 3 năm.

Ngày 12/11/1958, cha Bề trên Tổng quyền Michael Browne, OP. đã gửi văn thư số 72/58 chấp thuận nhận Hội Dòng vào Dòng Đa Minh như một Dòng Ba Tu viện.

Tháng 8 năm 1961, Tổng Hội I của Hội Dòng được tổ chức và Bề trên Tổng quyền Monica Phạm Thị Mầu đắc cử với nhiệm kỳ 6 năm theo Hiến pháp.

Ngày 14/10/1965, Giáo phận Xuân Lộc được thiết lập và theo địa dư, Hội Dòng thuộc giáo phận Xuân Lộc.

Ngày 02/4/1967, Tổng Hội II được tổ chức và Bề trên Tổng quyền Têrêxa Nguyễn Thị Kim Trinh đắc cử. Tổng Hội II quyết định thi hành việc thống nhất theo ý muốn của Tòa Thánh. Tuy nhiên, tiến trình này gặp nhiều trở ngại do các chị thuộc các Nhà Phước giáo phận nói trên muốn giữ lại nguồn gốc của mình.

Tháng 9/1970, Bề trên Tổng quyền Têrêxa, có chị Maria Trần Thị Sâm tháp tùng, đi Rôma xin Bộ Truyền giáo giải quyết dứt khoát cuộc khủng hoảng Dòng và đồng thời dự lễ tấn phong tiến sĩ Mẹ Thánh Catarina de Siena.

Ngày 01/01/1973, Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Bình ký sắc lệnh thiết lập một Hội Dòng mới, thánh hiệu Rosa Lima tại Xuân Hiệp, Thủ Đức, thuộc Giáo phận Sài Gòn cho các nữ tu - đa số thuộc các miền Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh.

Từ đây, Hội Dòng Đa Minh thánh Catarina Thánh Tâm, còn lại 124 chị, bao gồm các chị nhập dòng tại Miền Nam và các chị thuộc các Nhà Phước ước muốn thống nhất, bắt đầu một hành trình mới và phát triển về nhiều phương diện dưới sự điều hành của Bề trên Tổng quyền Têrêxa Nguyễn Thị Kim Trinh (1967-1985).

Sống ơn gọi giảng thuyết, trong sứ vụ truyền giáo và giáo dục, Hội Dòng đã tham gia vào các công tác giáo dục, mục vụ giáo xứ, bác ái xã hội tại Giáo phận Xuân Lộc, và tại các Giáo phận Sài Gòn, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Phan Rang, với một số cơ sở hoạt động, nổi bật là trường Trung tiểu học Chân Lý, Hố Nai; Lưu xá Fatima, Phú Nhuận; Viện Bác Ái Ngọc Đồng,...

Sau biến cố 1975, Hội Dòng bước vào giai đoạn thử thách của thời kỳ tái thiết sau chiến tranh. Cuộc sống hoàn toàn thay đổi và một lối sống mới đã bắt đầu xoay quanh những công việc lao động chân tay như trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghệ... Đây cũng là lúc mà chị em trong Hội Dòng sống gần gũi với dân chúng, cùng thông chia với họ cuộc sống lao động, nhưng cũng không quên vai trò của mình là loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh.

Cùng với sự thay đổi của xã hội Việt Nam thời mở cửa, cuộc sống Hội Dòng thay đổi dần. Đời sống kinh tế được cải thiện, nếp sống tu trì được sắp xếp lại cho phù hợp với những chiều kích cầu nguyện, học hành, cộng đoàn theo tinh thần Đa Minh hướng tới việc thi hành sứ vụ. Với ơn gọi giảng thuyết, trong sứ vụ truyền giáo và giáo dục, Hội Dòng đã tham gia vào các công tác như đến với lương dân, giảng dạy Thần học, huấn luyện giáo lý viên, giáo dục thiếu nhi, mục vụ giáo xứ, mục vụ di dân, dạy nghề, các lớp tình thương, bác ái xã hội… để góp phần thăng tiến đời sống con người. Ngoài các trường Mầm non và lớp học tình thương của Hội Dòng, chị em hiện diện tại các Học viện Thần học, Đại học, trường Cao đẳng nghề, bệnh viện.

Dưới sự điều hành của các Bề trên Tổng quyền: Cêcilia Đinh Thị Phan (1985-1997); Maria Trần Thị Sâm (1997-2005); Têrêxa Phạm Thị Bạch Tuyết (2005-2013) và Maria Madalena Phạm Thị Huy (2013 đến nay), Hội Dòng phát triển và thăng tiến ở nhiều khía cạnh. Bước chân chị em đi đến nhiều vùng đất mới trong Giáo phận Xuân Lộc, Bà Rịa cũng như các Giáo Phận Sài gòn, Buôn Mê Thuột, Long Xuyên, Cần Thơ, Kontum, Hà Nội, Vinh, Đà Lạt. Bước chân các chị em cũng đã đặt tới đất nước Thái Lan và Australia.

Trong dòng lịch sử thăng trầm, mà đoàn sủng Hội Dòng đã thể hiện với nhiều cách thế phong phú, sứ vụ của Hội Dòng được mở rộng qua sự hiện diện của chị em tại Hoa Kỳ. Sự phát triển của Hội Dòng tại Hải ngoại được ghi dấu với Sắc lệnh Thành lập Tỉnh Dòng Đức Maria Vô Nhiễm - Hoa Kỳ, vào ngày 20 tháng 8 năm 1994. Sự phát triển của Tỉnh Dòng được nhìn nhận như một ân huệ tuyệt vời mà Chúa Quan phòng đã ban cho Giáo hội Hoa Kỳ, cách riêng cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Và Hội Dòng đang bước đi theo đà tiến triển đó. Chân trời mới, tầm nhìn mới dẫn đến những đòi hỏi mới trong việc đào tạo chị em và tìm kiếm những hình thức tông đồ mới trong ý thức sống “hiện diện để được sai đi”.

Nhìn lại hành trình đã trải qua, trong tâm tình tri ân, chị em trong Hội Dòng xin cùng với Thánh vịnh gia dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và khẩn nguyện:

Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài,

trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả,

dẫn dắt nâng niu đến muôn đời.” (Tv 28,9)