$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Thần học

Nhìn mầu nhiệm sự dữ trong hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1441 | Cật nhập lần cuối: 9/14/2019 9:13:54 AM | RSS

Khi con người trong vườn địa đàng xưa bất tuân lệnh Chúa, sự dữ đã xuất hiện. Abel chết dưới tay Cain, là chuỗi hậu quả của tội, là hình ảnh của sự dữ từ ngàn xưa cho đến nay.

Đứng trước những tai ương, sự dữ, cái ác, biết bao câu hỏi đặt ra, biết bao tiếng khóc ngước nhìn lên Chúa và tra hỏi Ngài “Tại sao và tại sao?”

Đối với những người vô thần, họ nhìn cái ác, sự dữ không phải là một mầu nhiệm. Nó chỉ là cách nói khoa trương, cường điệu để mô tả những sự thật khó chịu. Số khác thì nhìn sự dữ và tranh cãi rằng “Thiên Chúa không tồn tại” bởi, nếu Thiên Chúa tồn tại, Ngài sẽ chẳng để cho sự dữ xảy đến với người tốt lành.

Mầu nhiệm sự dữ

Nhưng với người Kitô hữu, câu hỏi về sự dữ sẽ gắn với mầu nhiệm, trở nên mầu nhiệm (mystery) khi chúng ta khẳng định và nhìn trong cùng cách biểu lộ giữa cái khó ngăn ngừa sự dữ và với lòng tốt toàn năng nơi Thiên Chúa.

Sự có mặt, tồn tại của cái ác, sự dữ được xem là một bằng chứng chống lại sự hiện hữu Thiên Chúa mà satan, ác thần là kẻ chủ mưu gây chiến.

Khi hàng triệu trẻ em Do Thái bị giết chết tại trại tập trung Đức Quốc Xã Auschwitz, Elie Wiesel đã đặt câu hỏi thật nhức nhối “Làm sao có thể hóa giải Đấng Tạo Hóa với sự thiêu hủy cả triệu trẻ em Do Thái?”[1] Câu hỏi đau đáu nhức nhối ấy, vơi Elie, xem ra không hóa giải được, vẫn chơi vơi, khó hiểu.

Những cái ác, sự dữ về mặt luân lý cứ tiếp diễn, gây kinh hoàng. Nó không chỉ xuất hiện ở ngoài xã hội, nhưng sự dữ xuất hiện ngay dưới chân bàn thờ, trong thánh đường khi các tư tế của Chúa là giám mục, linh mục bị bắn chết đang khi cử hành hay vừa xong thánh lễ. Những sự dữ xuất hiện khiến hàng trăm Kitô hữu bị giết chết do những nhóm khủng bố ngay trong đêm Phục Sinh, trong ngôi thánh đường họ đang hiệp thông cử hành mừng Chúa Sống Lại, để lại bao nước mắt và đau thương.

Khi mà mới đây thôi, hôm 17/8/2019, một cuộc đánh bom tự sát tại một đám cưới ở Apganistan đã khiến 63 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, …khiến chúng ta khó mà bình tâm giữa những kinh hoàng của sự dữ.

Cứ thế, hằng năm, mỗi tháng, mỗi ngày, biết bao cái ác, sự dữ hoành hành xung quanh chúng ta. Những sự dữ đến từ chiến tranh, thế lực mạnh của chính quyền đàn áp dân vô tội không vũ khí, những cuộc giết người, thanh trừng lẫn nhau, sự tham nhũng tràn lan, bất công, trộm cắp, lạm dụng tình dục, hiếp dâm trẻ em, lừa dối, …Những cái ác sự dữ ấy đang tràn lan trên thế giới, trong xã hội, trên đường đi, trong khu xóm…và thậm chí ngay cả trong gia đình, hay ngay trong Giáo Hội.

Nhiều người đau khổ đi tìm lời giải đáp, để hiểu gốc rễ của sự dữ, của cái ác đang hoành hành, tác động và ảnh hưởng trên thế giới, trong cuộc sống của con người.

Phải chăng sự dữ là mầu nhiệm, là thứ mà chúng ta không thể hiểu như chính định nghĩa của từ ”mầu nhiệm- mystery” - là một thực tại sâu xa đến mức chúng ta không thể hiểu hết được? Không phải thế!

Nếu gọi sự dữ là mầu nhiệm, không phải vì chúng ta không thể hiểu, hay cạn kiện kiến thức về nó, nhưng sự dữ luôn có chỗ để cho chúng ta tìm hiểu về nó trong cuộc đời con người và trong kế hoạch tình yêu và sự toàn năng của Thiên Chúa.

Sự dữ xuất phát từ chúng ta?

Thường thì người ta phân biệt hai loại sự dữ, một cái thuộc về vật lý (physical evil) , còn cái kia được xếp vào loại sự dự về mặt luân lý (moral evil). Nếu sự dữ vật lý xảy ra không liên quan gì đến hành vi nhân linh của con người, khởi phát với tính cách độc lập như động đất, khuyết tật nơi cơ thể…thì loại sự dữ luân lý luôn phát sinh từ suy nghĩ, hành vi lệch lạc về chuẩn mực đạo đức của chính con người.

Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thấy có sự đan xen, móc nối giữa sự dữ vật lý và sự dữ luân lý.

Nếu thảm họa môi trường biển tại miền Trung trong năm 2016 khiến cá chết hàng loạt tại các vùng biển thuộc Hà Tĩnh và các vùng lân cận, nó không còn là một sự dữ vật lý do thiên tai, nhưng là một sự dữ luân lý, mà nguyên nhân là do sự cẩu thả, bất chấp đạo đức của những nhà lãnh đạo Formosa, cùng sự tham nhũng của những kẻ nắm quyền xã hội. Hay khi đứa bé sơ sinh chào đời với sự khuyết tật cơ thể đôi khi là hậu quả của những lần uống thuốc tránh hay phá thai nhưng không thành công.

Thế nên, sự dữ hay cái ác xuất hiện trong cuộc sống của con người không phải do Thiên Chúa bất lực, hay Thiên Chúa không toàn năng, không toàn thiện, hoặc trong công trình tạo dựng của Ngài đã chẳng làm nên mọi điều tốt lành như Thánh Kinh đã nói đến (x. St 1,1-2,3) nhưng sự tồn tại của sự dữ liên quan đến lối sống, cách sử dụng tự do của chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân và với mọi tạo vật Thiên Chúa đã dựng nên.

Đứng trước sự dữ, Thánh Augustino lý giải rằng: “Sự dữ không phải là một sự thể hay hữu thể hay một phẩm chất hiện hữu độc lập mà chỉ là sự khiếm khuyết cái tốt (absence of goodness) nơi hữu thể. Sự ác xuất hiện khi sự thiện nơi một thụ tạo bị hao hụt đi. Như vậy sự ác không phát sinh nơi Thiên Chúa mà xuất hiện nơi tạo vật. Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, còn sự thiện hảo nơi thụ tạo là tương đối do đó là kẽ hở cho sự ác xuất hiện.” [2]

Với lập luận giải thích của Thánh Augustinô, tự khắc mỗi chúng ta cần phải cúi đầu, đấm ngực để nhận ra đâu đó mình cũng đã từng là tác nhân gây nên sự dữ. Chính trong tính hữu hạn của thân phận người, trong những yếu đuối, khi chúng ta không cố gắng sống vươn lên chạm đến sự thiện hảo nơi Thiên Chúa đã khiến chúng ta dễ có nguy cơ tạo nên sự dữ.

Ngày hôm nay, những tệ nạn buôn người, bắt cóc, mại dâm, dối trá, lừa gạt, giết người, phá thai, cướp bóc…đang xảy ra nhan nhản. Chúng ta trở thành nạn nhân của sự dữ nhưng lắm khi cũng là kẻ gây nên sự dữ cho anh chị em mình, cho thế giới này, cho môi trường thiên nhiên.

Một trái đất đang gặp đại họa vì rác thải nhựa, một môi trường bị ô nhiễm, bị lụt lội chẳng phải là sự dữ luân lý mà chúng ta đã thiếu ý thức để xả rác bừa bãi, hoặc vô trách nhiệm trong việc xử lý rác…? Khi những xác heo dịch bệnh thả trôi sông, đầy dẫy những kênh rạch…hoặc xả thải rác bừa bãi khiến môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe con người bị ảnh hưởng…chẳng phải là sự dữ luân lý mà chính chúng ta tạo ra hay sao?

Một thế giới mà tình trạng phá thai đang gia tăng, đến mức người ta đòi “quyền” được phá, bất chấp luân lý đạo đức, coi thường giá trị mạng sống, nhân phẩm con người…trong đó có chúng ta góp phần?

Một xã hội mà đi đến đâu, chúng ta dè chừng cái xấu, cái ác vì lo sợ bị lọc lừa, bị cướp, bị giết, con trẻ bị hãm hại hay nô lệ của tình dục…mà không nhận ra, chính mình cũng từng là kẻ ăn gian, dối trá trong thông tin, truyền thông, sẵn sàng hạ bệ tha nhân vì lợi ích cá nhân, hay cũng bao phen vô cảm trước nỗi đau của người khác, hèn nhát không dám lên tiếng cho công lý…khiến cho sự dữ nhân lên, tràn lan trong thế giới, cuộc sống này?

Và vì thế, phần đóng góp cho sự dữ của chúng ta không hề nhỏ trước câu hỏi “Tại sao thế giới này đầy dẫy những sự dữ?”

Phần Thiên Chúa, Ngài vẫn kiên nhẫn trong tình yêu để cảnh tỉnh, để lôi kéo chúng ta không gây nên sự dữ. Và Thiên Chúa toàn năng luôn có cách của Ngài trên sự dữ trong thế giới và cuộc sống của con người.

Thiên Chúa vẫn cho phép sự dữ xuất hiện?

Vậy nếu Thiên Chúa đã biết trước sự dữ sẽ xuất hiện, tại sao Ngài vẫn để nó xảy ra hoặc cho phép sự dữ xuất hiện trong cuộc đời con cái Ngài?

Chúng ta vẫn nghe những giải đáp truyền thống từ trong Giáo Hội rằng, đôi khi Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra, nhằm đem lại cho chúng ta điều khác có lợi hơn, tốt đẹp hơn.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo số 311 khẳng định: “Thiên Chúa không bao giờ bằng bất cứ cách nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp là nguyên nhân của sự dữ luân lý. Tuy nhiên, Ngài cho phép điều đó và tôn trọng sự tự do của thụ tạo và một cách bí nhiệm, Ngài biến từ sự dữ dẫn tới điều thiện hảo”.

Khi nói rằng Thiên Chúa cho phép, điều này có nghĩa là sự dữ nằm trong sự kiểm soát của Ngài. Bởi nếu nó nằm ngoài sự kiểm soát của Thiên Chúa, sự toàn năng của Ngài sẽ bị giới hạn.

Chứng cứ lớn nhất của việc lý giải rằng Thiên Chúa cho phép sự dữ vật lý và sự dữ luân lý xuất hiện là một mầu nhiệm được soi sáng rõ ràng trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Việc chối từ và kết án tử Con Duy Nhất của Thiên Chúa là một sự dữ luân lý lớn nhất do chính nhân loại thực hiện. Nhưng bằng ân sủng, Thiên Chúa đã đem lại những điều tốt lành lớn lao cho toàn thể nhân loại từ sự dữ kinh khủng nhất này, là vinh quang của Đức Kitô và sự cứu chuộc của chúng ta.

Do vậy, niềm tin đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ không cho phép một sự dữ xảy ra nếu Ngài không thực hiện một điều tốt lành đến chính từ sự dữ đó. Có thể chúng ta không hiểu hết những cách thức hoạt động của Thiên Chúa nhưng qua niềm tin, chúng ta có thể được đảm bảo rằng mọi sự đến từ Thiên Chúa và chẳng có gì xảy ra mà Ngài lại không hay biết.

Nếu nhìn vào toàn bộ niềm tin Kitô giáo, chúng ta có thể nhận ra rằng niềm tin đó mang lấy chứng cứ sự thật này: sự tốt lành trong tạo dựng của Thiên Chúa, bi kịch của tội và tình yêu nhân hậu và đầy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với con người qua việc Ngài đến gặp gỡ con người qua những giao ước của Ngài, bằng việc để Con Duy Nhất của Ngài nhập thể cứu chuộc con người, ban quà tặng là Thánh Thần, sự quy tụ nơi Giáo Hội của Ngài, sức mạnh của các bí tích, và lời mời gọi của Thiên Chúa cho một đời sống được chúc lành dành cho tất cả mọi tạo vật, tuy nhiên, chúng ta có thể quay lưng lại với lời mời gọi này của Thiên Chúa – và sự quay lưng này là khởi điểm cho sự dữ.

Do đó, đối mặt với sự dữ xảy ra trong cuộc sống, với niềm tin vào tình yêu và sự toàn năng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ vững tin vào những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa sẽ đem đến cho cuộc sống của chúng ta. Ngài sẽ biến những đường cong thành đường thẳng. Ngài sẽ làm cho đêm tối của chúng ta thành ánh sáng.

Chúng ta có thể bình an bước đi ngay cả trong đêm tối, khi đối mặt với sự dữ bởi chúng ta không bước đi một mình, nhưng có Chúa cùng song hành, bởi Ngài – Đức Giêsu Kitô- đã kinh qua đau khổ, sự dữ, và cả cái chết. Chinh Thiên Chúa sẽ đem lại nhiều điều tốt lành cho chúng ta từ sự dữ, bởi Ngài toàn năng, xoay chuyển và làm được mọi sự cho những ai tin tưởng vào Ngài.

Điều tuyệt vời về nghịch lý của tình yêu vượt lên trên sự dữ dẫn chúng ta đến câu trả lời tại sao Thiên Chúa lại cho phép sự dữ xuất hiện: Câu trả lời ấy được tìm thấy trên thập giá, nơi treo Đức Giêsu Kitô, và nơi ngôi mộ trống.

Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, OP

(Đã đăng trong số Nội San Liên Tu Sĩ – Tháng 9/2019)


[1] Abraham J. Peck (Author), Elie Wiesel (Foreword) “Jews and Christians after the holocaust - Người Do Thái và Kitô hữu sau sự hủy diệt hàng loạt”- 1982

[2]St Augustino, Enchiridion “Cẩm nang giáo thuyết Kitô giáo”