$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
HỌC HỎI & NGHIÊN CỨU
»

MẦU NHIỆM BA NGÔI VÀ ÐỜI THÁNH HIẾN

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 182 | Cật nhập lần cuối: 6/11/2022 4:32:09 PM | RSS

MẦU NHIỆM BA NGÔI VÀ ÐỜI THÁNH HIẾN

Dẫn Nhập

Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp cận với bạn bè, học sinh, phụ huynh, bệnh nhân v.v. các tu sĩ thường “bị đặt vấn đề” vì cách sống “khác người” của mình. Có người thương hại, cũng có người chất vấn về lý do đi tu: “Có phải vì chán đời hay đã trải qua một kinh nghiệm cay đắng về tình yêu hoặc một suy nghĩ bi quan nào đó mà anh hay chị đi tu?”. Có thể có nhiều cách trả lời khác nhau nhưng tựu trung có lẽ họ muốn tìm kiếm chân-thiện-mỹ đích thực nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm của đạo Công giáo.

Dựa vào Mt 17, 1-9, về biến cố hiển dung, chúng ta đặt mình vào vị trí những người được thánh hiến, để cùng xem đời thánh hiến có phải có nguồn gốc từ chính Ba Ngôi? Suy tư như thế để sống sứ vụ của mình hoàn hảo hơn.

Ơn Gọi Đời Thánh Hiến Xuất Phát Từ Chúa Ba Ngôi

1. Đời thánh hiến là một sáng kiến phát nguồn từ Chúa Cha:

Mỗi người chúng ta luôn thao thức, trăn trở đi tìm ý nghĩa cuộc sống, nhưng có lẽ ai cũng phải cảm nhận rằng, không phải dễ để tìm một giá trị tuyệt đối đáp ứng được những khao khát, nguyện ước của mình, nhờ đó mình có thể sống trong hy vọng và niềm vui.

Thiên Chúa Cha đã có sáng kiến mời gọi chúng ta từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, Người đã cuốn hút chúng ta bằng một lời mời gọi, dẫn ta vào một nơi tách biệt “trên núi cao”, Người thánh hiến ta bằng ánh sáng hiển dung của Thánh Thần, đồng thời mời gọi ta lắng nghe lời Con Chí ái của Người. Chỉ trong những cảm nghiệm đó, mỗi tu sĩ chúng ta mới khám phá ra Người như lẽ sống duy nhất.

Có thể nói đây là một tiếng gọi thâm sâu và huyền bí, chỉ hiểu và nhận ra trong ánh sáng của niềm tin, một kinh nghiệm gặp gỡ riêng tư giữa bản thân người tu sĩ với Thiên Chúa.

Chắc hẳn một khi đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa Cha cách thâm sâu và mạnh mẽ như thế, người tu sĩ mới không ngần ngại trao dâng mọi sự cho Người và xem đó như một quà tặng được dành cho mình (cf. VC số 17).

2. Đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô:

Chính trong Chúa Kitô mà người tu sĩ nhận ra dung nhan của Chúa Cha (Ga 14,9). Nhờ Chúa Kitô mà người tu sĩ được Chúa Cha kêu gọi bước theo Chúa Kitô (Ga 14, 6; Mt 17, 5).

Bước theo Chúa Kitô cách tuyệt đối, hiến thân cho Ngài cách trọn vẹn là bỏ mọi sự và đi theo Ngài đến bất cứ nơi đâu (Mt 19, 27 ; Kh 14, 4), cũng như đồng hoá với Ngài từ trong tâm tình đến lối sống, một lối sống đòi phải “lột xác” thường xuyên (Lc 18,28). Do đó, thiết nghĩ, mỗi cá nhân tu sĩ cần có một kinh nghiệm sống đức tin và hoàn toàn tự do định hướng cho mình trong bậc sống này. Khi ấy mới có thể quy chiếu được trọn vẹn nghị lực vào Thiên Chúa và hoàn thành sứ mạng Người trao.

Mặt khác, khi chiêm ngắm Chúa Kitô còn cho thấy ngay khi tại thế, Chúa Kitô đã sống triệt để đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục với Chúa Cha. Là những người tận hiến cho Thiên Chúa, người tu sĩ cũng không ngừng đào sâu ân huệ các lời khuyên phúc âm, đó là dấu chỉ sống động nhất, một ký ức khó phai nhất về cuộc sống và sứ điệp của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể (VC 18).

3. Được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần.

Đời tận hiến có một quan hệ mật thiết với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần gợi lên nguyện ước đáp trả và luôn nâng đỡ người tu sĩ trung thành thực hiện lời đáp trả ấy. Thánh Thần còn là hơi thở của Chúa Cha vốn thôi thúc và làm sinh động tiếng “xin vâng” mỗi ngày của người tu sĩ, Người luôn dẫn dắt người tu sĩ từng bước, cho đến khi họ đạt được tình trạng hoàn toàn đồng dạng với Đức Kitô. Khi Thánh Thần đã gợi lên nguyện ước “đồng dạng” nơi người tu sĩ thì Người cũng tháp tùng sự tăng trưởng của nguyện ước này để người tu sĩ trở nên sự hiện diện của Đấng Phục sinh giữa lòng thế giới.

Đây không phải là điều đơn giản, vì đời thánh hiến là một sự chọn lựa với đòi hỏi nên trọn lành, điều này luôn níu kéo người tu sĩ phải “lội ngược dòng”, nếu không nói là bất khả với con mắt người đời. Tuy vậy, điều không thể với loài người thì lại có thể đối với Thiên Chúa và như thế càng cho thấy đời tu là một hồng ân và càng chứng tỏ quyền năng Thánh Thần qua người tu sĩ (VC 19).

Chứng Tá Của Người Tu Sĩ

1. Chứng tá của người tu sĩ theo công đồng Vatican II

Trong Tông huấn đời sống thánh hiến số 93, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi mỗi cá nhân tu sĩ cương quyết dấn thân vào đời sống thiêng liêng, bởi vì chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được con người thời đại.

Con người và thế giới hôm nay đang khao khát điều gì nếu không phải là tình yêu từ những giá trị tuyệt đối. Do đó người tu sĩ tiên vàn phải có đời sống cầu nguyện, thái độ sẵn sàng phó thác với tâm tình thanh thoát và bình an. Chính nếp sống vui tươi thanh thoát ấy, người tu sĩ sẽ đem lại cho con người sự tin tưởng và hy vọng, vì họ hiểu rằng phải có Thiên Chúa thật, Người đang hiện diện trong thế giới, nơi tạo vật. Có hạnh phúc vĩnh cửu thật thì người tu sĩ mới có sự bình an thâm sâu như thế.

Một khi con người cảm nhận và tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa thì các giá trị khác chỉ là nhất thời, tạm bợ so với hạnh phúc vĩnh cửu là được tháp nhập vào sự sống của Thiên Chúa.

2. Thử tìm vài chứng tá thiết thực của người tu sĩ trong thế giới hôm nay:

Trong một thế giới dường như con người dựa trên tiền tài, danh vọng, quyền thế để đánh giá nhau, thì sứ vụ đời thánh hiến phải góp phần thăng hoa phẩm giá đích thực của con người, như tuyên bố chân lý, dẫn đưa con người đến sự công bằng, đến sự hiệp thông giữa con người với nhau và với Thiên Chúa.

Thiết nghĩ sứ vụ này thể hiện bằng nhiều cách theo đoàn sủng của Hội Dòng, tuỳ khả năng và sáng kiến của mỗi tu sĩ, chẳng hạn bằng đời sống hy sinh, cầu nguyện liên lỉ, bằng đời sống vị tha hay sẵn sàng làm mọi việc mà không so đo tính toán. Bên cạnh đó người tu sĩ còn bày tỏ lòng yêu thương qua việc dành thời gian đến với những người nghèo khổ, tàn tật, những người bị đẩy ra bên lề xã hội để lắng nghe, chia sẻ và cảm thông với họ. Những công việc bình thường xem ra mất thời giờ ấy đã tạo nên mối tương quan thân thiết khơi lên hy vọng cho con người, giúp họ lấy lại niềm tin vào cuộc sống.

Một điểm nữa cũng nên lưu ý, năm nay là năm truyền giáo, và với sứ vụ của Hội dòng là truyền giáo, cùng trong niềm hân hoan với mọi anh chị em trong giáo phận, mỗi chúng ta hãy can đảm đứng lên và mạnh dạn loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa đang tái diễn, hãy sống sao để mọi người nhìn nhận: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan Tin mừng cho người nghèo khó.” mà hôm nay và lúc này đây được ứng nghiệm.

Nt. Isave Phi Long, OP