CHÂN LÝ, TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG VÀ LINH ĐẠO CỦA THÁNH CATARINA SIENA, Tác giả Suzanne Noffke, O.P
Một xác tín căn bản đã quyết định cho phẩm chất và đặc điểm nơi cuộc đời và linh đạo của thánh Catarina. Đó là quan niệm của thánh nhân về Thiên Chúa như Chân Lý và Tình Yêu. Có lẽ đây là một khuynh hướng trí tuệ tự nhiên; một định hướng con người Đaminh nơi thánh nhân (Phương châm của Dòng Thuyết Giáo là Veritas: Chân lý); và có lẽ điều này đã xuất phát từ kinh nghiệm rất sớm lời Thiên Chúa nói với thánh nữ: “Con là hư vô; Ta là Đấng hằng hữu.” Dù cho có sự tương tác nào đi nữa, cái tên đầy trìu mến của Catarina đối với Thiên Chúa nơi ngài đã trở thành “Chân Lý Đầu tiên đầy dịu dàng”, “Chân Lý vĩnh cửu tối cao.”
Thật vậy, Catarina chẳng biết chân lý nào ngoài Chân lý của Thiên Chúa. Chân lý này chỉ được biết bằng đức tin mà thôi. Chỉ duy một thực tại này mà thánh nhân đã dùng từ verità, chân lý. Điều này cũng chẳng làm chúng ta ngạc nhiên, vì đối với các Kitô hữu thời trung cổ thì tất cả mọi thực tại đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa đều hiện hữu, là vì trong chính công trình tạo dựng mà nó chia sẻ trong sự hiện hữu của Thiên Chúa. Điều làm cho Catarina khác ở đây, đó là, chân lý trở thành trung tâm và ý thức, một giả định mà suốt đời thánh nhân đan dệt nên trong toàn bộ suy tư và linh đạo của mình.
“Ái nữ của Cha, con có biết con là ai và Ta là ai không? Nếu con biết hai điều này hẳn là con nhận được phúc lành trong tầm tay của mình. Con là hư vô, và TA LÀ ĐẤNG HẰNG HỮU. Hãy làm cho linh hồn con được thấm nhuần với chân lý này, và Kẻ thù không bao giờ có thể làm cho con lạc lối.”[1] Nhưng đây không phải là một loại khiêm tốn tự hạ giá mình, mà chúng ta, những con người hiện đại, đã gạt sang một bên để có cái nhìn tích cực hơn, khẳng định hơn về bản thân chúng như là thụ tạo của Thiên Chúa sao? Không, không phải thế nếu chúng ta nhìn thấy nó như Catarina đã nhìn thấy. Thánh nhân viết cho Nữ hoàng Giovanna thành Naples như sau: “Chúng ta phải nhận ra chân lý trong mọi sự.” “Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải yêu mến trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa mọi sự đang hiện hữu, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân Lý, và không có Thiên Chúa thì mọi sự đều ra không.”[2] Đây là điều tại sao Thiên Chúa nói rằng Catarina là “hư vô”: Sự hiện hữu của Catarina tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa. Chính bản thân thánh nữ không là gì cả; khi thánh nhân làm điều gì đó không phát xuất từ Chúa, như vậy ngài đã phạm tội. Nhưng, như thụ tạo của Thiên Chúa, trong chính sự hiện hữu của Thiên Chúa, trong chính chân lý của Thiên Chúa mà Thánh nữ Catarina chia sẻ. Vì vậy, thánh nhân gọi Thiên Chúa là “Thầy Dạy Chân Lý dịu dàng, Đấng tạo tác và trao ban mọi sự.”[3]
Vì công trình tạo dựng, thật ra, đã đi đến thành toàn, thánh nữ Catarina không thể tách rời chân lý của hữu thể Thiên Chúa tuyệt đối, tối cao, chắc chắn khỏi Thiên Chúa như Đấng Tạo Hóa. “Chân Lý và Tình Yêu, Thiên Chúa Cha hằng hữu” là cách mà thánh nhân gọi Thiên Chúa trong thư gửi cho Tommaso d’Alviano[4]. Vì vậy, thánh nữ đi đến chỗ nói lên “chân lý của Thiên Chúa” hoặc “sự thật của Thiên Chúa” khi sự hiện hữu của công trình tạo dựng nơi chúng ta khởi đi từ tình yêu trong hình ảnh và vinh quang Thiên Chúa. Luận cứ này trở thành bản tóm lược lịch sử cứu độ của thánh nữ, và ngài không bao giờ mệt mỏi lập đi lập lại những yếu tố đó trong những bối cảnh và sự kết hợp đa dạng của nó.
Chân lý của Thiên Chúa là thế này: Thiên Chúa, khi chiêm suy sự phong nhiêu vô biên nơi hiện hữu thần linh, nhìn thấy chúng ta, nhận thấy chúng ta đẹp dường nào, và Ngài đã quá yêu chúng ta đến nỗi chính Tình Yêu đó đã sáng tạo chúng ta, dựng nên con người giống hình ảnh thánh thiện và giống như Ngài, được tiền định để chia sẻ sự sống và niềm vui vĩnh cửu nơi Thiên Chúa là, đó chính là Thiên Chúa. Khi tình yêu đã làm cho Thiên Chúa liên lụy, việc sáng tạo không còn là bổn phận hay cần thiết, hay là một sự bắt buộc đối với Thiên Chúa nữa, nhưng là món quà tuyệt vời của tình yêu. Để là, để chia sẻ trong sự Hiện Hữu chính là Thiên Chúa, trong Chân Lý là chính Ngài, trong Sự Sống vĩnh cửu và Niềm Vui là chính Thiên Chúa, để trở nên hình ảnh và giống như Thiên Chúa đó là chân lý, phẩm giá và sự xứng đáng của chúng ta. Vì thế, chân lý của Thiên Chúa được nhận ra nơi chúng ta khi chúng ta không chỉ hiện hữu, nhưng còn trở nên thánh thiện với chính sự thánh thiện nơi Thiên Chúa, và cuối cùng là hưởng niềm hạnh phúc bất tận với hạnh phúc của Thiên Chúa. “Đây chính là ý muốn của Thiên Chúa, rằng bạn nên thánh.”[5] Và việc nhận ra chân lý của Thiên Chúa nơi chúng ta chính là vinh quang của Ngài.
Thế nhưng tội, trái ngược với sự hiện hữu của Thiên Chúa, đã cản trở chân lý này, bắt đầu từ Adam trở đi. Tội đã đưa tới việc trục xuất ra khỏi chúng ta chính sự thật bên trong chúng ta, khỏi chính sự thật của chúng ta. Vì vậy, để tái lập lại sự thật trong chúng ta, để tái tạo lại điều đã một lần được tác thành nhưng đã trở nên nô lệ đưa đến không còn hiện hữu, để hồi phục hình ảnh và giống như Thiên Chúa mà chúng ta đã trở nên xa lạ, Thiên Chúa nhận lấy hình ảnh và giống như Thiên Chúa của chúng ta. Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời mặc xác phàm, là Đức Giêsu, sống sự thật đến mút đỉnh của cái chết, hiến dâng mạng sống Ngài song hành cùng chân lý trong tình yêu, để chúng ta, những người đã chết trong tội có thể nhận lại được sự sống trong máu của Ngài, có thể lại một lần nữa nhận được phẩm giá thật sự của mình và xứng đáng như hình ảnh của Thiên Chúa, có thể lại một lần nữa, trong Đức Giêsu, chúng ta trở nên thánh thiện trong chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, có thể chia sẻ sự sống thần linh và niềm vui trong vĩnh cửu, có thể lại một lần nữa được ở trong sự nhận biết vinh quang của Thiên Chúa.
Trong công trình nhập thể và cứu chuộc, đó chính là mầu nhiệm của Lời và Bửu Huyết mà Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta về chân lý của Thiên Chúa. Và chính Lời và Bửu Huyết cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa, và dạy chúng ta làm thế nào để sống đời sống đó trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, trong chân lý và tình yêu – như Thiên Chúa là Chân Lý và Tình Yêu.
Chính sự tóm lược niềm tin này – rất mang ảnh hưởng của thánh Phaolô và được trình bày tương đồng như thế bởi các thần học gia Kinh viện thời trung cổ - mà Catarina đan kết lại cách chặt chẽ trong suy tưởng và đời sống của thánh nhân khi ngài chiêm suy mầu nhiệm, và nỗ lực chia sẻ những áp dụng của nó cho những ai mà ngài chỉ bảo dạy dỗ. Lời Thiên Chúa nơi Đức Giêsu chính là sự Khôn ngoan đi đến chỗ “điên dại với tình yêu” – và sự điên rồ đó chính là thập giá, mầu nhiệm Bửu Huyết. “Đức Giêsu chịu đóng đinh, một sự ô nhục không chấp nhận được đối với người Do Thái và là sự điên rồ đối với Dân ngoại, nhưng đối với ai được Thiên Chúa kêu gọi…, Đức Kitô chính là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.”[6]
Với thánh Catarina, Bửu Huyết là biểu tượng của toàn thể thực tại của thánh giá và sự phục sinh. Nó không là một nỗi ám ảnh khủng khiếp, như một số người đã cho như thế, nhưng hơn thế chính là Tình Yêu vinh quang đã đi đến điên rồ, đã nhuộm toàn bộ tấm khăn chân lý của Thiên Chúa trong chúng ta đỏ thẫm với sự sống – sự sống nơi Thiên Chúa và sự sống của chúng ta. Chính Bửu Huyết, ngọn lửa rực cháy của Chân Lý và Tình yêu, đó chính là nguồn mạch của sự sống đã gột rửa thác nước của “sự gian dối khủng khiếp” từ trong con mắt của chúng ta, và tỏ bày chân lý đến cho chúng ta: “Ôi Bửu Huyết, Bửu Huyết xua tan bóng đêm và ban tặng cho chúng con ánh sáng, để chúng con có thể đi đến chỗ nhận biết chân lý và ý muốn thánh thiện của Cha hằng hữu.”[7]
Lại một lần nữa, chân lý của Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa là một và tương hợp. Ý muốn của Thiên Chúa không phải là những huấn lệnh độc đoán đòi hỏi người mù và trói buộc sự vâng phục của người nô lệ, nhưng trong sự nhận biết chân lý thánh thiêng trong chúng ta và trong sự tự do. Và sự điên rồ của sự Khôn ngoan thánh thiêng trở nên điên dại với yêu thương thì dễ lan truyền![8]
Đã một lần chúng ta đi đến nhận biết chân lý trong Bửu Huyết, chúng ta đã trở nên say men hương vị của Thiên Chúa, xuyên qua đức ái yêu thương….
Hãy làm như một kẻ say khướt hành động đánh mất chính mình và có thể không còn nhìn thấy mình nữa (thánh nhân viết cho Bartolomeo Dominici, một người quá là bi quan yếm thế trong chính sứ vụ của mình, theo lối nhìn của thánh nữ). Nếu anh ấy thích rượu, anh cứ việc uống thoải mái, cho đến lúc bao tử của anh ta đến lúc ấm lên vì rượu, đến lúc đó anh ta có thể không còn kìm giữ được và đến một lúc cho ra thôi! Thật vậy, hỡi con, đây là bàn mà trên đó chúng ta tìm thấy thứ rượu này. Mẹ muốn nói đến cạnh sườn bị đâm thâu của Con Thiên Chúa. Đây chính là Bửu Huyết, máu ấy làm ấm áp, máu ấy xua tan giá lạnh, làm trong trẻo giọng nói của người nào uống nó, làm vui sướng trái tim và tâm hồn. Vì máu này đã đổ ra với ngọn lửa của đức ái thánh thiện. Máu ấy sưởi ấm chúng ta, đó là vì chúng ta đi ra khỏi chính mình – và từ điểm này – chúng ta không thể nhìn thấy chính mình cách ích kỷ, và chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa vì chính Ngài, đồng thời chúng ta nhận ra tha nhân của mình vì Thiên Chúa. Vậy khi ta uống đủ, Bửu Huyết dẫn lên tới khắp các phần đầu của anh chị em ta! Chúng ta lấy mẫu gương từ Đấng mà Ngài vẫn đang tiếp tục tuôn đổ máu của mình (rượu của Ngài) ở ngay bàn này – và không chỉ dành sự tốt lành ấy cho riêng Ngài, nhưng là cho chúng ta. Chúng ta, những ai ăn ở bàn này và trở nên giống như thức ăn này, chúng ta bắt đầu ăn và làm như Ngài đã làm….[9]
Chân Lý của Thiên Chúa không bao giờ thiếu vắng Tình Yêu, cũng như Tình Yêu không bao giờ vắng bóng Chân Lý. Chân lý và Tình yêu của Thiên Chúa thật ra giống hệt như nhau. Đó chính là Đức Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại, Đấng mang chúng ta vào chân lý và tình yêu này, chân lý yêu thương và tình yêu chân thật. Người là “Thầy dạy Chân lý”; Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Như Chân lý, Người là và tỏ con đường dẫn tới sự sống. Thánh nữ nói: “Thầy dạy Sự Thật” “đã thực hành nhân đức, và chỉ sau đó mới giảng dạy.”[10]
Người đã dạy chúng ta giáo lý của sự thật và đã tỏ bày cho chúng ta lối đường tình yêu mà chúng ta phải nắm giữ. Đây là điều tại sao Người đã nói: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống: bất cứ ai bước cùng Ta sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng bước vào miền ánh sáng. Và đúng là như vậy. Vì bất kỳ ai theo đường lối này trong chân lý hẳn sẽ nhận được từ đây sự sống ân sủng và bước đi trong ánh sáng của một niềm tin thánh thiện nhất, và cũng bởi ánh sáng này, đến được viễn cảnh đời đời của Thiên Chúa.”[11]
Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại là “Đường” cho Catarina trong rất nhiều hình ảnh tuyệt vời. Người là con đường thắp sáng lung linh, là cây cầu bắc ngang vực thẳm hình thành bởi tội lỗi chúng ta. Người là nấc thang mà chúng ta được tình yêu kéo lên. Người là luật lệ, là cuốn sách sự sống của chúng ta, mà những chương khởi đầu đỏ tươi của nó được viết quá ư là đơn giản đến mức ngay cả những ai thiếu hiểu biết và cận thị nhất cũng có thể đọc được Người – được viết trên tấm da chiên, chính là Con Chiên của Thiên Chúa.
Và rồi Người dẫn không chỉ chúng ta nhưng là tất cả công trình tạo dựng. Chúng ta hãy xem lại một chút suy gẫm của thánh nhân vào dịp lễ Thánh Phaolô trở lại vào năm 1377. Thánh nữ nói với Phaolô như sau:
Thưa ngài, vị thánh Phaolô tuyệt vời…
Ngài đã thật sự biết rằng
nơi mà ngài đã đến,
nơi ngài đã ra đi -
và không chỉ nơi ngài đã đi qua,
nhưng ngay cả con đường mà ngài đã rong ruổi,
vì ngài đã đến để biết được nguồn cội chính mình
và mục đích đời mình…,
để hiểu được mệnh lệnh cách hoàn hảo
được ban hành bởi chính sự khôn ngoan,
chính là Ngôi Lời,
mênh lệnh ấy dẫn mọi tạo vật được dựng nên đến cùng đích –
cùng đích của chúng thì giống nhau cũng như nguồn cội của chúng.
Để điều ấy nay đã được mặc khải rõ ràng hơn,
rằng Lời đã mặc lấy xác phàm
và đã sống giữa chúng ta.
Vì Người là Chân Lý,
qua hành động, Người đã làm chính mình thành con đường
để chúng ta có thể đi tới sự sống,
sự sống mà chúng ta đã được tạo dựng
nhưng chính chúng ta lại đánh mất.[12]
Nhưng Con Đường không phải là “lối đi thương cảm” mà đã một lần chúng ta bước vào, nó đưa chúng ta vút nhanh tới đích đến mà không cần đến nỗ lực xa hơn về phần chúng ta. Đã một lần chúng ta nhìn thấy chân lý, chúng ta có trách nhiệm với điều mình thấy. “Nếu các ông bị mù, hẳn các ông đã không mang tội. Nhưng bây giờ đây các ông nói: ‘Chúng tôi thấy’, tội của các ông vẫn còn ở đấy.[13]
Thật là tồi tệ cho chúng ta đánh mất ánh sáng,
đã một lần chúng ta nhận biết chân lý,
vì trước đó chúng ta đã nhận được ánh sáng.
Những Kitô hữu sai lầm như thế thì tệ hơn cả những kẻ không tin,
và rồi hậu quả thật tai hại.[14]
Điều gì đã gây ra việc đánh mất thứ ánh sáng, sự sự mù lòa mới này dọc theo con đường? Đó chính là điều mà Catarina, theo cách thức thời trung cổ của thánh nhân, gọi là “thú vui nhục dục.” Nó không phải là một thực tại giản đơn của con người thể lý của chúng ta, những hữu thể có cảm xúc, mà hơn thế nó là một sự trụy lạc của nhân tính chúng ta, một sự đảo ngược những giá trị, một sự mâu thuẫn của chân lý và một cuộc trở về đối với “sự giả dối lớn lao” mà nó phủ nhận mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó chính là một sự tự lừa dối chính mình mà nó mê hoặc chúng ta trong việc tạo ra một thứ chân lý cho riêng mình, cho dù trong sự ích kỷ hay sự sợ hãi kiểu nô lệ, thay vì tìm kiếm cách chân thành và trong tình yêu vì chân lý của Thiên Chúa.
Đam mê này, dưới chiêu bài của sự sợ hãi xúc phạm Thiên Chúa, đã đặt chút bụi vào con mắt tâm trí (nơi có con ngươi của đức tin chí thánh), để ngăn nó khỏi sự phân định và nhận biết chân lý.[15]
Không có cách nào khác mà bạn có thể đánh bật nó ra ngoại trừ dùng con mắt tâm trí nhìn chăm chú vào Chân Lý.[16]
Hãy mở con mắt tâm trí bạn ra và xé toạc đi mọi gốc rễ của tình yêu ích kỷ cùng sự nuông chiều bản thân, để bạn có thể đi đến chỗ nhận ra Chân Lý.[17]
Trong lá thư gửi tới Francesco di Pipino và vợ ông, Agnesa, những người bạn tốt lành ở Florence, Catarina cầu nguyện: “Xin cho mỗi ý định ích kỷ có thể chết trong các bạn, cũng như tất cả sự kính trọng và quan tâm tới vẻ bề ngoài, và xin cho duy một mình chân lý dịu dàng của Thiên Chúa sống trong các bạn.”[18]Thật ra, Chân lý của Thiên Chúa rất dịu dàng êm ái; chân lý ấy không cưỡng bách đường lối của nó qua các ảo tưởng mà chúng ta nắm giữ trong sự ích kỷ, hoặc trong nỗi sợ hãi kiểu nô lệ về phép công thẳng của Thiên Chúa, mà phép công thẳng này chỉ có thể được khống chế bởi những mệnh lệnh và hình phạt.
Như vậy, trong nhân loại tính, phải chăng chúng ta đang bị trói buộc không thoát ra được? Chúng ta không thể trở nên khôn ngoan trừ phi chúng ta đã khôn ngoan rồi hay sao? Câu trả lời cho vấn đề nan giải này đối với Catarina là không thể tách rời chân lý và tình yêu: “Nếu cha không thấy mình là người yêu mến chân lý, cha sẽ không bao giờ biết đến chân lý.”[19] Catarina nhận thức rất rõ lời tuyên bố của Triết gia Kinh viện, rằng sự hiểu biết đến trước tình yêu; thánh nhân thường xuyên lập đi lập lại điều này. Tuy nhiên, ngài cũng biết rằng có một chiều sâu của sự hiểu biết – sự hiểu biết hỗ tương của các đôi vợ chồng – rằng sự hiểu biết ấy đến chỉ từ tình yêu. Thật vậy, chúng ta phải trở thành những con người yêu thương, những người phối ngẫu của Chân Lý.[20]
Và điều này mang chúng ta tới một động lực, đó là nền tảng Linh đạo của Catarina: Động lực của sự hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết chính mình. (Một thuật ngữ tóm tắt thông thường của thánh nữ cho điều này thật đơn giản: “tự biết mình”, nhưng thánh nhân luôn luôn ngụ ý đến sự hiểu biết của Thiên Chúa trong chúng ta và chúng ta trong Thiên Chúa). Ngài liên tục nhấn mạnh điều này với các cộng sự viên của mình; thánh nhân suy chiêm về điều này trong cầu nguyện. Nhưng có lẽ cảm nhận thuyết phục và sống động nhất về nó có thể tìm thấy nhiều nhất trong chương 10 của tác phẩm Đối Thoại. Thiên Chúa là người nói:
Con hãy tưởng tượng cái vòng tròn vẽ trên mặt đất và ở tâm nó là một cây có chồi được tháp vào. Cây tìm chất bổ dưỡng nơi khoảng đất trong vòng tròn, nhưng nếu bị nhổ lên, nó sẽ chết khô và không sinh hoa trái. Cũng vậy, các con hãy nghĩ đến một linh hồn như một cây được dựng nên cho tình yêu và chỉ sống bởi tình yêu. Quả thực, nếu không có tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu chân thực và hòan hảo, thì hoa quả của linh hồn không là sự sống mà là sự chết. Vòng tròn trong đó, rễ cây – tình yêu của linh hồn – phải mọc lên là sự thành thực nhận biết mình, nhận biết rằng kẻ nào liên kết với Cha, thì giống như vòng tròn không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Các con có thể đi quanh vòng tròn mà chẳng tìm ra điểm đầu cũng như điểm tận, miễn là đừng bao giờ rời khỏi vòng tròn. Sự biết mình và nhận biết Cha ở trong các con đặt nền tảng trên đất khiêm nhường chân thực, nó cũng lớn bằng độ rộng của vòng tròn…Nhưng nếu sự nhận biết mình của các con bị tách khỏi Cha, nó sẽ không còn là vòng tròn kín nữa mà sẽ có điểm khởi đầu là biết mình, nhưng vì tách lìa khỏi Cha, nó sẽ kết thúc trong lầm lạc.
Việc tự biết mình này đối với Catarina là một căn phòng nội tâm, hay một ngôi nhà nhỏ. Căn phòng ấy lưu ý dùng vào việc hướng dẫn mà thánh nhân đã khởi xướng hình ảnh này khi ngài, lúc đó là cô bé vị thành niên nổi loạn chống lại cuộc hôn nhân đã được xếp đặt cho cô (mặc dù cô từ chối cho cha mẹ biết tại sao), đã từ bỏ những cơ hội để lui về sự cô tịch và quyết định phục vụ gia đình như một người giúp việc. Thánh nữ đã chơi một trò chơi bằng việc tưởng tượng ra một căn phòng, mà trong đó cô có thể trốn thoát và được ở một mình với Thiên Chúa mà thôi.[21] Vì đối với một Catarina trưởng thành, một căn phòng hay một ngôi nhà nhỏ không còn là nơi cho sự trốn chạy. Giờ đây, căn phòng ấy có những cửa sổ để mặt trời yêu thương đi vào, và một cái cửa là nơi để đi ra chia sẻ những gì mà thánh nữ đã học được từ bên trong căn phòng nội tâm này.[22] Ngọn đèn xua tan bóng tối bên trong nó cũng phải được mang vào bóng đêm để soi sáng cho tha nhân.[23]
Ngôi nhà của việc tự biết mình là nơi của cầu nguyện, nơi đó chúng ta “nhìn chăm chú vào Thiên Chúa để biết Chân Lý của Ngài.” Đó chính là nơi mà chúng ta đến để ngắm nhìn “sự tốt lành của Thiên Chúa bên trong chúng ta.” “Ôi, bên trong chúng ta là sự sống đời đời và chúng ta không biết điều đấy!”[24] “Chúng ta phải sống bằng việc tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ trong chính ngôi nhà này, bởi vì tâm trí chúng ta phải canh phòng để đi đến chỗ nhận biết ý muốn ngọt ngào của Thiên Chúa, và không được ngủ giấc ngủ của thứ tình yêu ích kỷ.”[25] Chúng ta phải có mặt ở đó như những môn đệ trong nhà tiệc ly sau khi Chúa về trời, chờ đợi Chúa Thánh Thần được gởi đến với chúng ta.[26]
Ngôi nhà của việc tự biết mình là nơi chúng ta học hỏi chân lý vĩnh cữu, “để mọi việc chúng ta làm có thể được hoàn tất với ánh sáng của sự phận định.”[27] Chúng ta phải có thiện chí tìm kiếm và khám phá ra chân lý ngang qua việc phân định, và qua những con người nhiệt tâm.”[28] Chúng ta phải tìm kiếm chân lý ở bất cứ nơi đâu có thể tìm được:
Chúng ta phải nhìn thấy và nhận ra chân lý nơi tha nhân, cho dù họ uy quyền hay nhỏ bé, vua chúa hay thần dân. Tôi có ý muốn nói rằng khi họ đang làm việc gì và xin chúng ta cũng làm như thế, chúng ta nên biết rằng dù muốn hay không thì việc ấy cũng đã được đặt nền trong chân lý, và điều gì đó đang thúc đẩy hành động này. Nếu như chúng ta không làm điều này, chúng ta đang hành động cách ngu xuẩn và mù quáng, theo sau một sự hướng dẫn mù quáng được đặt nền bởi sự gian dối. Chúng ta đang thể hiện ra rằng chân lý không ở trong chúng ta, bởi vì chúng ta không tìm kiếm chân lý.[29]
Ngôi nhà của việc tự biết mình là nơi chúng ta đi đến chỗ nhận biết rằng, trong khi chiêm niệm sự tốt lành của Thiên Chúa và tội lỗi chúng ta, rằng thánh giá vừa là ơn cứu độ vừa là lời mời gọi chúng ta sống cho phần rỗi thế giới.
Lạy Đấng Chân Lý –
(Catarina cầu nguyện trong căn phòng tự biết mình của riêng ngài)
Xin Ngài hãy nói cho con về chân lý,
vì con không biết làm thế nào để nói về chân lý.
Con chỉ biết cách nói về bóng tối,
bởi vì con đã không theo hoa trái thập giá của Ngài….
Con đã chỉ biết và theo bóng tối….
Xin hãy nói cho con biết chân lý về thập giá của Ngài
và con sẽ lắng nghe.[30]
Đây là một nhận thức sâu sắc: nếu chúng ta không theo “hoa trái của thập giá” - mà tất cả hàm ý nơi thập giá của Chúa Giêsu – chúng ta không thể rao giảng, không thể “biết làm thế nào nói về chân lý.”!
Khi chúng ta bước đi trong lối đường của chân lý, con đường điên dại của thập giá, khi chân lý của sự Khôn Ngoan điên rồ của Thiên Chúa ở trong chúng ta, chúng ta trải nghiệm được các hiệu quả của nó. Chúng ta tìm thấy được sự thanh thoát mà “phán đoán đúng”, vì rằng nhìn thấy sự mầu nhiệm, bí tích, chân lý của Thiên Chúa trong mọi sự.[31] Thánh nhân viết cho một người hay càm ràm. Đã một lần chúng ta đã được biết chân lý, “đã một lần chúng ta nắm giữ tất cả trong sự kính trọng, chúng ta đánh giá ý muốn của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài trong chúng ta cách chính đáng, bởi vì sự quan phòng này cung cấp cho chúng ta mọi thứ cần thiết, và sự quan phòng này sẽ chẳng muốn điều gì hơn là sự tốt lành cho chúng ta.”[32] Đối với Đức Giám mục Angelo Castello, thánh nữ viết: “Chân lý làm cho tâm hồn trưởng thành và kiên định; không còn gì phải thay đổi. Con có ý nói rằng, khó khăn không làm chúng ta mất kiên nhẫn nữa, cũng như niềm an ủi không làm chúng ta vui sướng thái quá: trong tất cả, những cách thức hay những ưu tiên của nó luôn cân bằng.[33]
“Anh em sẽ nhận biết chân lý, và chân lý sẽ giải thoát anh em.”[34] Chân Lý làm cho chúng ta tự do. Chân lý giải thoát chúng ta khỏi quá khứ. Thánh nhân viết cho Nữ hoàng Giovanni của Naples: “Đừng quay lại nhìn những luống bạn đã cày’, “nhưng hãy kiên nhẫn theo lối đường của chân lý.”[35] Chân lý giải thoát chúng ta khỏi sự hỗn loạn và hoang mang: “Không gì có thể làm cho người nắm giữ sự thật phải bối rối.”[36] Sự thật giải thoát chúng ta khỏi thói hai mặt, khỏi nỗi sợ làm mất lòng người khác nếu chúng ta trung thực thẳng thắn. Một người “không sống trong sự thật là người có tâm hồn dối trá, đó là, không chân thành và rộng lượng, nhưng hai mặt, đó là nói một đàng nghĩ một nẻo, đó là giấu diếm sự thật và nói gian dối nếu như điều đó có lợi cho riêng mình.”[37]Thánh nhân viết cho một nhóm phụ nữ ở Florence như sau: “Hãy để cho tinh thần của các chị được tràn đầy không phải với những mơ mộng hão huyền, nhưng với nhân đức chân thực và chắc chắn, yêu thương với trái tim chân thành mà không giả tạo, tự do mà không hai mặt.”[38]Thánh nữ viết cho tu sĩ Giovanni dale Celle: “Hãy tiến về phía trước với một sự thật ngay thẳng, sự thật đó chẳng bao giờ bị vẩn đục bởi sự trân trọng của con người.”[39]
Thánh nhân viết cho Bartolomeo Dominici: Nhưng chân lý của Thiên Chúa không tự nhiên ở lại trong chúng ta. Chúng ta phải tuyên xưng và chúng ta phải thực hành bằng phục vụ trong yêu thương. Đó không phải chân lý của chúng ta, nhưng của Thiên Chúa: “Đó chính là sự thật của Chúa dành tặng cho chân lý, và với sự thật của Ngài mà con nói chân lý.”[40]
Chúng ta phải rao truyền chân lý trong yêu thương và sự nhạy bén: “Hãy để cho chân lý trở thành niềm vui sướng khôn nguôi của con. Hãy để cho sự thật ở trên môi miệng con. Hãy rao loan chân lý khi cần: một cách đầy yêu thương, đối với mọi người, đặc biệt đối với những ai mà con yêu thương với tình yêu đặc biệt – nhưng với một sự tương hợp chắc chắn, đặt những thiếu xót của người khác trên đôi vai của riêng con.”[41]
Chúng ta phải công bố sự thật bất cứ nơi nào khi cần thiết. Ví dụ, Catarina đã nài xin Đức Thánh Cha Urbano VI rằng, thánh nữ và các cộng sự viên rất mong muốn rao truyền chân lý “bất cứ chỗ nào để làm vui lòng Thiên Chúa, ngay cả đối với Đức Thánh Cha.”[42] “Chân lý không giữ im lặng khi đến thời phải được xướng lên…. Sự thật chỉ giữ im lặng khi đến lúc cần im lặng, và trong sự thinh lặng của chân lý, sự thật sẽ gào lên với tiếng khóc của chân lý tự nguyện chịu khổ đau.”[43]
Bằng mọi giá và không sợ hãi chúng ta phải rao loan chân lý: “Hãy loan báo chân lý. Đừng để bất kỳ nỗi sợ hãi nào làm bạn câm lặng. Hãy công bố chân lý cách tự do và quảng đại.”[44] “Hãy rao giảng chân lý, ngay cả nếu chân lý bắt bạn trả giá bằng cả cuộc đời!”[45] Với chính mình, thánh nhân đã cầu nguyện: “Đối với con, đứa con gái đáng thương của Ngài, xin Chúa hãy ban cho con ân sủng để luôn trở nên người loan truyền chân lý – và vì chân lý này con có thể mất mạng!”[46] Đã một lần chúng ta nhận ra chân lý của Thiên Chúa, dù chỉ một lần chúng ta nhận ra tình yêu thương vượt quá ngôn từ mà Thiên Chúa đã mặc khải qua chính Bửu Huyết của “Đức Kitô”[47], điều ấy cũng không đủ để rao giảng sự thật bằng những ngôn từ. Chúng ta phải rao loan chân lý bằng chính món quà của sự phục vụ người khác.
Ta xin con hãy yêu Ta với cùng tình yêu thương mà Ta dành cho con (Thiên Chúa nói với Catarina trong tác phẩm Đối Thoại). Nhưng đối với Ta, con không thể làm được như thế, vì Ta đã yêu con mà không cần đáp lại. Bất kỳ tình yêu nào mà con dành cho Ta, con chịu ơn Ta, vì vậy con yêu Ta không vì cách nhưng không, nhưng vì bổn phận, trong khi Ta yêu con không vì trách nhiệm nhưng là cách nhưng không. Vì vậy, con không thể dành cho Ta thứ tình yêu mà Ta xin con. Đó là tại sao Ta đặt con ở giữa tha nhân: để con có thể làm cho họ những điều mà con không thể làm cho Ta – đó là, yêu thương họ mà không quan tâm bất kỳ lời cám ơn nào, và cũng không mong chờ sự đền đáp nào cho bản thân. Và bất kỳ điều gì con làm cho họ, con cứ xem như làm cho Ta vậy.[48]
(Giống như một linh hồn yêu Ta trong chân lý, vì vậy linh hồn ấy cũng phục vụ Ta nơi tha nhân trong chân lý. Linh hồn ấy cũng không thể làm khác đi được, vì tình yêu thương của Ta và tình yêu thương đồng loại là một và giống như nhau.[49]
“Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.”[50]Trong lời tuyên bố đơn giản của Đức Kitô đó, Catarina đã tìm thấy tất cả lịch sử ơn cứu độ, và thật vậy, cũng là lối sống của thánh nữ. Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã bị say sưa và điên dại với tình yêu; Catarina đã thủ đắc được sự điên dại này của Đức Kitô, và thánh nữ cũng say men rượu của Đức Kitô. Chân Lý và Tình Yêu, đó là, Thiên Chúa đã chiếm trọn thánh nhân, và thánh nữ đã trao gửi toàn bộ sự hiện hữu của mình cùng với sự hiện hữu của Đức Kitô cho sự sống của thế giới.
Chuyển dịch: Nt. Têrêsa Nguyễn Duyên Cẩm Hà
Trích Nguyên tác: Catarina of Siena, Vision Through a Distant Eye (Suzanne Noffke, O.P.)
[1] Life, I, x, 93, p. 86.
[2] Letter T317.
[3] Letter T68, to Bandecca dé Belforti.
[4] Letter T259.
[5] 1Thess 4:3.
[6] 1 Cor 1, 23-24.
[7] Letter T195, to Stefano Maconi.
[8] Letter T195, to William Flete.
[9] Letter T208.
[10] Letter T226.
[11] Letter T35.
[12] Prayer 4, p. 42-43.
[13] John 9: 41.
[14] Prayer 24, 208-9.
[15] Letter T62, to Sano di Maco and others.
[16] Letter T269, to Neri di Landoccio Pagliaresi.
[17] Letter T9, to an anonymous woman.
[18] Letter T265.
[19] Letter T102, to Raimondo da Capua.
[20] Letter T163, to Matteo Cenni.
[21] Life, I, iv, 49, p. 46.
[22] Letter T315, to Pietro da Milano and Prayer, p. 130.
[23] Letter T17, to Antonio da Nizza.
[24] Prayer 17, 149-50.
[25] Letter T351, to Pope Urban VI.
[26] The Dialogue 66, p. 123.
[27] Letter Thư T42, to Neri di Landoccio Pagliaresi.
[28] Letter T55, to Gulielmo, prior and general of the Carthusians.
[29] Letter T312, to Queen Giovanna of Naples.
[30] Prayer 24, p. 207.
[31] Prayer 9, p. 69-70.
[32] Letter T307, to a complaining woman.
[33] Letter T341.
[34] Ga 8,32.
[35] Letter T76.
[36] Letter T348.
[37] The Dialogue 33, trang 75.
[38] Letter T82.
[39] Letter T322.
[40] Letter T51, to Felice da Massa.
[41] Letter T51, to Felice da Massa.
[42] Letter T306.
[43] Letter T284, to Hồng Y Perdo de Luna.
[44] Letter T330, to Raimondo da Capua.
[45] Letter T181, to Nicola da Osimo.
[46] Letter T277, to Alessa dei Sacacini.
[47] Letter T119, to Niccolo da Vezzano.
[48] The Dialogue 64, p. 121.
[49] The Dialogue 7, p. 36.
[50] John 14:6.