$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Suy tư văn hóa

Những vị Thầy thầm lặng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 538 | Cật nhập lần cuối: 5/4/2018 9:49:52 AM | RSS

NHỮNG VỊ THẦY THẦM LẶNG

Tin Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc về với Chúa đến với tôi thật bất ngờ. Bất ngờ đến độ tôi không nghĩ đó là sự thật. Đơn giản vì mới tối hôm trước (ngày 6.3.2018) tôi còn theo dõi cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các Đức Giám Mục Việt Nam trên màn hình của chiếc Ipad bé nhỏ lỗi thời của tôi! Hình ảnh Đức Tổng tươi cười cúi mình hôn nhẫn Đức Thánh Cha rất rõ nét. Nhưng dù tin hay không thì sự thật vẫn là sự thật: Đức Tổng đã ra đi. Các phương tiện truyền thông đạo đời đồng loạt đưa tin buồn…Ngang qua các cổng của những ngôi thánh đường lớn nhỏ ở Sài Gòn đều được treo băng rôn và cờ rũ đượm màu tang tóc. Trên gian cung thánh, hình Đức Tổng dù được lồng trong khung kính với hai gạch tím trên hai góc biểu tượng cho người đã về cõi vĩnh hằng, nhưng trên gương mặt ngài vẫn tràn đầy niềm vui với nụ cười cố hữu như muốn nhắn gửi những người còn ở lại một thông điệp: "Chúa là niềm vui của con" (TV 42,4 - khẩu hiệu Giám mục của ngài).

Suốt một tuần lễ trôi qua, tôi vùi đầu vào những hình ảnh, những bài viết về ngài. Có quá nhiều điều cho đến hôm nay mới được ra ánh sáng, ít là đối với tôi. Và tôi rất cảm phục ngài. Cảm phục sự thông thái của ngài một phần, nhưng hơn thế nhiều, tôi yêu mến cái vẻ hồn nhiên, bình dị thân tình và nhất là giọng cười hề hà ấm áp của ngài. Nhớ đến ngài không phải với tư cách là người thân hay có mối dây liên đới nào đó. Đơn giản vì Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm chúng tôi là con cái giáo phận Xuân Lộc. Tôi, một thành viên thuộc thế hệ U 80 nên cũng chẳng còn dịp xuất đầu lộ diện trước các đấng tối cao. Tôi nhớ đến ngài vì năm nay là năm kỷ niệm Ngọc Khánh Hội Dòng, chúng tôi được mời gọi nhìn lại hành trình đã qua để tạ ơn Chúa, nhớ ơn những bậc tiền bối, các vị ân nhân đã đóng góp vào việc phát triển của Hội Dòng về vật chất cũng như tinh thần. Lịch sử của Hội Dòng đã nói nhiều về các vị. Riêng tôi, nhân dịp trọng đại này tôi muốn nhớ đến các bậc thầy đã góp phần không nhỏ trong việc giảng huấn hai khóa "Thần học tại gia" - một nét son trong sứ vụ học hành của người nữ tu Đa Minh Thánh Tâm, trong đó có Đức Tổng kính yêu.

Ngày ấy, tôi không nhớ chính xác là ngày nào vào năm 1987, Mẹ Bề trên Tổng quyền Cecilia Đinh thị Phan, sau khi tham khảo ý kiến các chị Tổng Cố vấn, quyết định mở lớp Thần học tại tu viện Catarina cho một số chị em có điều kiện tham dự, mục đich đào tạo các giáo sư thần học cho chị em trong Hội Dòng.

Việc đầu tiên phải làm là soạn một chương trình học cho ba năm. Vào thời điểm đó Hội Dòng chưa có những chị em đi học về Thần học cao cấp. Hơn nữa, một số các chị có khả năng lại được phân tán đi các cộng đoàn. Nhưng Chúa Thánh Thần đã không chần chờ thổi ngay luồng gió mới. Ngài đã dẫn hai mẹ con đến gặp cha Phêrô Phạm Hữu Lai, thời điểm này đang bị quản thúc trong gia đình của bà cố cha Đang (Dòng Đồng Công) ở giáo xứ Ngũ Phúc, Hố nai sau thời gian đi cải tạo về, xin cha giúp khóa học. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng cha cũng xiêu lòng, xiêu lòng đến nỗi không những nhận dạy học mà còn giúp soạn chương trình cho cả khóa học.

Việc tiếp theo là tìm giáo sư. Tra cứu, hỏi han, biết được đấng nào có chuyên môn là tìm đến. Tôi phải đảm nhận công tác này.

Ngoài các cha Đa Minh: cha cố Giuse Đoàn Thiệu, cha cố Ignatio Nguyễn Ngọc Rao, cha Phanxico Đào Trung Hiệu, vị đầu tiên tôi đến gặp là Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, lúc đó đang làm Giám đốc Đại Chủng viện Minh Hòa, Đà Lạt. Nghe biết ngài chuyên dạy thần học về Chúa Ba Ngôi, tôi đánh liều đến xin ngài thương giúp. Liều bởi vì vào thời điểm đó việc đi lại rất khó khăn, các nhà dòng được nhà nước quan tâm đặc biệt, việc người lạ mặt ra vào tu viện không phải là chuyện dễ. Thế mà, khi nghe tôi trình bày mục đích và sự cần thiết của việc mở lớp thần học cho một số chị em, ngài đã vui vẻ nhận lời. Sau ngài, đến cha Võ Đức Minh, (sau này là Giám mục Nha Trang) dạy Thánh Vịnh, cha Đa Minh Phạm Văn Hiền (sau này là viện phụ Đan Viện Phước Sơn) cha ĐaMinh Phạm Xuân Uyển Dòng Don Bosco, Cha Phaolô Nguyễn Văn Đông Xuân Lộc. Lớp thần học tiên khởi này có các chị: Cựu Bề trên Tổng quyền Têrêsa Bạch Tuyết, Bề trên Tổng quyển Madalena Phạm Thị Huy, chị Maria Tăng Thị Thiêng, chị M Goretti Đậu Thị Bảy, chị Madalena Nguyễn Thị Thủy, Chị Agnes Nguyễn Thị Kim Chi, chị Têrêsa Bùi Thị Tâm và chị Gioan Nguyễn Thị Hào (hai chị đang là bề trên và chị giáo trong Đan viện Đa Minh Ngũ Phúc) và có thêm mấy chị Đa Minh Tam Hiệp. Tổng cộng 12 học viên. Con số tuyệt đẹp! Lớp thần học kết thúc sau ba năm, tiếp theo đó Mẹ Tổng quyền mở thêm khóa thứ hai cho các chị khấn tạm. Tuy lớp học diễn ra trong bầu khí thầm lặng, ngôn ngữ bình dân thời đó gọi là học chui, vào thời điểm căng thẳng và kinh tế khó khăn như thế, các giáo sư vẫn cần mẫn như con tằm nhả tơ để đào tạo nên những thế hệ học trò có thể tiếp bước các ngài trong sứ vụ giảng dạy, hay ít là có thể sống chứng nhân bằng chính cuộc sống của mình với những gì mình đã tiếp nhận.

Riêng với Đức Tổng Phaolô, các chị em rất ấn tượng về ngài khi ngài biến môn học khó nuốt ngay cả với Thánh Augustino thành môn học hấp dẫn với những ví dụ rất đời thường và cách trình bày đơn sơ dễ hiểu. Chẳng thế mà dù đã kết thúc các khóa học, các chị còn xin Mẹ Bề trên mời ngài giảng tĩnh tâm năm cho chị em với đề tài không kém hóc búa: Chúa Thánh Thần.

Thời gian này tôi làm Tổng thư ký và Bề trên cộng đoàn nên không thể tham dự lớp học, nhưng bù lại, tôi có dịp tiếp xúc với các vị giáo sư nhiều hơn vì phải lo phòng ốc và tiếp đón các ngài. Tôi học được nơi Đức Tổng kinh nghiệm đào tạo các chủng sinh, về nhân bản cũng như tâm lý và nhất là cách ngài đối xử với những chủng sinh lầm lỗi... Các vị giáo sư khác đều có nét độc đáo về chuyên môn cũng như đời sống đạo đức đã là những bài học quý giá cho tôi…Đây là những hành trang giúp tôi rất nhiều trong những năm tôi lãnh trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ và cho đến tận bây giờ.

Tôi còn có một kỷ niệm đầy thú vị với Đức Tổng, đó là: Cách đây ba năm, trong dịp tham dự lễ khánh thành Đại Chủng viện Vinh. Gặp ngài trong bữa bup-phê ăn trưa, tôi chào ngài và hỏi: “Đức cha còn nhớ con không?” Ngài trả lời không do dự: “Tám, dòng Đa Minh Thánh Tâm.” Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng! Không ngờ trí nhớ của ông già ở tuổi "thất thập cổ lai hy" còn sắc bén đến vậy! Thế mà trước đây tôi hay nghe mấy cha trong chủng viện kể những giai thoại rất hài hước về những quên sót của ngài trong đời thường. Nhưng nói gì thì nói, bản tóm tắt tiểu sử của ngài, những bài giảng, những lời tâm sự…của Đức Hồng Y, của các linh mục học trò…vào những ngày vừa qua trong những giờ canh thức, trong các thánh lễ tiễn biệt đã vẽ lên chân dung một vị giáo sư, một nhà đào tạo, một vị cha chung…đã hoàn thành các vai trò của mình một cách xuất sắc không phải ai cũng làm được.

Hôm nay, tang lễ Đức Tổng đã kết thúc, khép lại những bài điếu văn, những buổi canh thức cầu nguyện, những thánh lễ long trọng và đầy cảm xúc…

Ngồi đây, ghi lại những cảm nghỉ và suy tư về sự ra đi của Đức Tổng, tôi muốn nói lên tâm tình biết ơn của cá nhân tôi, và có thể là của nhiều chị em, nhất là những môn sinh của ngài trong Hội Dòng đối với Đức Tổng và với các vị giáo sư khả kính. Các vị đã về với Chúa như cha cựu Giám Tỉnh Giuse Đoàn Thiệu OP; các vị đang sống trong tuổi già với những thách đố khắc nghiệt của bệnh tật như cha cố Ignatio Nguyễn Ngọc Rao, cha Phêrô Phạm Hữu Lai…và một số lớn các vị vẫn còn đang hăng say hoạt động trong nhiều chức vụ và lãnh vực khác nhau. Và người cuối cùng nhưng lại quan trọng nhất mà tôi muốn nhắc đến ở đây chính là Mẹ Cecilia, đấng khai sinh ra "Lớp Thần Học Tại Gia" độc đáo này. Tạ ơn Chúa đã ban cho Mẹ có tầm nhìn sâu rộng, đi trước thời đại. Nhờ đó Hội Dòng chúng tôi đã có những chị em đã và đang đóng góp rất nhiều cho Giáo hội trong lãnh vực thần học mà các chị đã tiếp thu được nhờ sự hy sinh quên mình của các bậc cha anh khả kính.

Vâng, Hội Dòng tôi đang sống trong bầu khí tri ân. Tri ân tất cả những đóng góp lớn nhỏ về vật chất cũng như tinh thần của các ân nhân trong sáu mươi năm qua. Trong Thánh lễ khai mạc mừng Ngọc Khánh, Bề trên Tổng quyền đã thay mặt toàn Hội dòng dâng lên lời cảm tạ tất cả những vị ân nhân bằng cách này cách khác, đóng góp cho sự phát triển của Hội Dòng. Riêng tôi, qua những bài học Chúa dạy về lòng biết ơn trong Tin Mừng, với tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt, tôi xin gửi đến các bậc Thầy những dòng tâm sự này như bản trường ca về lòng biết ơn.

Xin Chúa thương đón nhận các vị đã ra đi vào Nước Hằng Sống, ban các ơn cần thiết cho những vị còn đang tiếp tục cuộc hành trình dương thế để các ngài luôn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.

Nt. Maria Goretti Nguyễn thị Tám

Tu viện Đức Mẹ Lên Trời, ngày 25 tháng 02 năm 2018