$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Suy tư văn hóa

NGHĨ VỀ ĐỜI NGƯỜI

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 179 | Cật nhập lần cuối: 10/20/2022 4:59:04 PM | RSS

NGHĨ VỀ ĐỜI NGƯỜI

**

NGHĨ VỀ ĐỜI NGƯỜI

Rời khỏi nhà hưu dưỡng Hội dòng, hình ảnh của các chị lão niên sao cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi, nhất là những chị đã có quãng thời gian cùng tôi trên hành trình dâng hiến. Một cảm nhận mong manh, vô thường về đời người đã đến với tôi…rồi, lời ca của nhạc sĩ Vũ Thành An chợt bật trên miệng tôi: “Ngày mai rồi mình sẽ già, không thể nào níu lại nữa, ngày xưa như mới hôm qua, một cánh hoa trong cơn phong ba”. Quả thực, “cơn phong ba thời gian” đã tác động rất nhiều đến những “cánh hoa đời người”. Chính vì thế, hình hài, dáng vẻ của các chị hôm nay quá khác với thời xưa, thời các chị đang độ trung niên.

Thoáng buồn và xao xuyến, tôi dừng lại, ngoái nhìn dãy nhà hưu dưỡng, nơi, hôm nay đang là chốn định cư của các chị, và mai đây, tôi cũng sẽ nhập cư tại chốn này!

Sinh-lão-bệnh-tử, đúng là một quy luật sống mà mọi người đều có thể cảm nhận một cách rõ ràng từ chính bản thân và ngay trong đời thường. Nhưng, nếu “tử” là sự chấm kết của đời người, thì thời “tiền lão” hay thời “lão niên” mà mọi người rồi sẽ phải trải qua, thực là chán khiếp!

Trong băn khăn xao xuyến, tôi tìm câu trả lời cho cái kết đời người và cũng là cho chính mình. Mọi sự rồi sẽ đi về đâu?! Mai đây rồi mình sẽ ra sao?!

Niềm tin Kitô giáo đã khiến tôi nghĩ về một đời người – đời Đức Giêsu Kitô - Đấng đã sinh, đã sống trên hành tinh này, đã chịu khổ hình, đã chết, nhưng, ba ngày sau Ngài đã sống lại! Đức Giêsu Kitô đã sống lại! Cái chết và sự phục sinh của Người đã là ánh sáng cho tôi lúc này; để thấy rõ hơn cái tận kết của đời người cũng như mặt sáng của thời “lão niên”, hay nói khác đi là: thời “cận tử”. Đức Giêsu Kitô dù biết chắc mình sẽ phải chịu cực hình và sẽ chết nhưng Ngài vẫn cương quyết đi đến Giêrusalem để “lãnh án tử” (x. Lc 9, 51). Chắc hẳn, Ngài đã có một cái nhìn khác về “tử”. Qủa thật, lời Ngài nói và việc Ngài làm đã cho thấy: “tử” không phải là hết, “tử” với Đức Giêsu còn là thi hành ý Cha, là đi vào cõi sống, là lãnh nhận vinh phúc. Cái chết của Đức Giêsu là một sự thật, cho loài người chúng ta một chân lý để sống: “tử” không phải là đoạn kết của cuộc đời con người, “tử” chính là sự chuyển hóa, là ngưỡng cửa để con người bước vào cõi sống thật, nơi vĩnh hằng và hạnh phúc mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho con người. Chính Đức Giêsu đã xác định: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi để dọn chỗ cho anh em.”(Ga 14, 2).

ĐỜI NGƯỜI đúng thực là “chuyến đi về”, về với Cha và về nhà Cha. Như vậy, tuổi già là thời để sống niềm vui sắp cập bến. Nếu thế, sao lại nuối tiếc những chuyến đò đã qua hoặc sợ hãi, tránh né bước xuống chuyến đò cuối cùng để được cập bến? Tốt hơn và đúng nhất là hãy sống trọn những giá trị nhân bản và siêu linh của sinh-lão-bệnh-tử. Bởi lẽ, mọi giai đoạn cuộc đời đều là “thời vàng son”, là cơ hội tốt để ta có thể sống đúng “là người” theo ý định của Thiên Chúa và qua đó, đủ điều kiện để được “cấp visa vào Nước Trời”.

Đúng là: rất cần có niềm tin để biết đón nhận cuộc đời và trân trọng ĐỜI NGƯỜI. Bởi lẽ, lăng kính đức tin sẽ cho chúng ta thấy được những giá trị thật vượt trên những thực tại trước mắt về ĐỜI NGƯỜI, để rồi có thể:

- Tự nguyện để đời mình được vần xoay trong bàn tay của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Nhân Lành.

- Tận tụy làm cho cuộc sống hôm nay, dù mong manh, giới hạn, vô thường nhưng luôn tỏa sáng những giá trị vĩnh cửu và lấp lánh ánh bình yên, tự tại.

- Biến đời mình thành Lời Cảm Tạ trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống, cho dẫu có bị quay quắt trong quy luật sinh-lão-bệnh-tử.

***

Một lần nữa, nhìn lại nhà hưu dưỡng Hội Dòng, tôi nghĩ về những chị khuất bóng, các chị đã sống thời gian cuối đời và kết thúc cuộc đời dương thế tại ngôi nhà này trong an bình – đạo đức… tinh thần sống cùng những hình ảnh đẹp về ĐỜI NGƯỜI nơi các chị khuất bóng đã sống lại nơi tôi…Vâng, lúc này đây tôi đã nhận được sự khích lệ rất gần và rất sống…để rồi, trong niềm vui, tôi tự nhủ:

  • ĐỜI NGƯỜI một chuyến đi về, về với Cha và ở lại nhà Cha mãi.
  • ĐỜI NGƯỜI: ân ban bởi TRỜI và lời đáp trả của người.
  • ĐỜI NGƯỜI thật đáng quý.
  • Hãy sống trọn ĐỜI NGƯỜI để trở thành con của TRỜI.

Và, thêm một lần nữa, tôi nhìn lại nhà hưu dưỡng, trong an nhiên tôi cất lời chào và đặt lịch hẹn: “mình đi và mai đây sẽ về!”.

Nt. Maria Nguyễn Thị Túy Phượng, O.P