$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Suy tư văn hóa

CHO TÔI THEO GƯƠNG NGƯỜI

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 204 | Cật nhập lần cuối: 4/28/2022 7:22:45 AM | RSS

CHO TÔI THEO GƯƠNG NGƯỜI

CHO TÔI THEO GƯƠNG NGƯỜI

Tôi biết chị,

là bé nữ chào đời vào ngày Lễ Truyền Tin năm 1347,

là con út trong gia đình người thợ nhuộm đông con, tại thành Siena, nước Ý.

Từ lúc bảy tuổi đã say mến Đức Kitô nên đã tự nguyện dâng hiến tâm hồn cho Ngài. Và, chính vì “mối tình với Đức Kitô” là nguyên cớ khiến chị phải đón nhận những đau khổ ngược đãi từ trong gia đình.

Tôi biết chị,

Người đã sinh trưởng trong hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội không yên bình vì cuộc chiến giữa các dân tộc và sự phân rẽ trong Giáo triều!

Tôi biết chị,

Người đã mang lấy trong mình nỗi khổ đau của người cùng thời và cùng họ gánh lấy gánh nặng của thời đại, xã hội và Giáo hội.

Tôi biết chị,

Người mang thần thái của Thiên Chúa, Đấng thánh và cũng là Đấng yêu thương con người, nên chị có thể đến với mọi người thuộc mọi thành phần: người giầu, kẻ nghèo, người bình dân, giới trí thức, người giáo dân, giới tu sĩ, hàng giáo sĩ, kể cả vị đại diện Chúa Kitô nơi trần gian là Đức Giáo hoàng.

Tôi biết chị,

Người đã chết trong tâm tình tự hiến cho Giáo Hội, qua lời chị nói với Cha giải tội vào những ngày cuối đời: “Con bảo đảm với cha, nếu con chết, nguyên nhân duy nhất cái chết của con là nhiệt tâm và lòng yêu mến Giáo Hội đã thiêu đốt và làm con tiêu tan”; và nhất là lời nguyện xin với Thiên Chúa khi lâm cơn hấp hối: “Ôi Thiên Chúa hằng hữu, xin đón nhận hiến lễ cuộc sống của con vì Nhiệm Thể Hội Thánh”.

Và ngày hôm nay, khi toàn thể Giáo hội đang hướng đến Thượng Hội Đồng 2023 và được mời gọi sống tinh thần hiệp hành: cùng nhau hiệp thông, tham gia và đồng trách nhiệm thực thi sứ vụ Loan báo Tin Mừng cho con người trong thế giới; tôi đã nghĩ về chị: chị là “người thân thiết với Thiên Chúa”, là tín hữu “hết tình-cạn sức vì Giáo hội”, là bạn thân cận với mọi người bất kể họ là ai. Nơi chị, tôi có được mẫu gương về sự sống hiệp hành trong Giáo hội. Đời sống chị đã sáng tỏa ánh sáng của tinh thần hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Qua linh đạo và đời sống của chị tôi hiểu:

  1. Hiệp thông

Sự hiệp thông cần thực hiện trước hết là sự hiệp thông với Thiên Chúa; đây là nền tảng căn bản cho mọi mối hiệp thông. Chính sự hiệp thông nên một với Thiên Chúa sẽ khơi nguồn và làm nên giá trị cho sự hiệp thông của con người trong gia đình, nơi xã hội cũng như trong Giáo hội. Làm sao thánh Catarina có được lòng gắn bó với Giáo hội, sống nghĩa tình “con cùng một Cha trên trời” với hết mọi người, sống liên đới, có trách nhiệm với xã hội; nếu thánh nữ đã không có sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa – là Cha và chủ tể muôn loài - trong tư tưởng, ước muốn và hành động? Lời khuyên của Ngài dành cho cha Raymundo khi bị dồn ép vì những lo toan và gánh nặng công việc: “Hãy xây dựng một căn phòng nội tâm và đừng bao giờ bước ra khỏi nơi ấy”. Phải chăng đây cũng là lời khuyên dành cho chúng ta khi suy tư để sống tinh thần hiệp thông của Hội Thánh? Ở lại mãi trong căn phòng nội tâm mà thánh nữ đã sống và đề nghị mọi người, chính là thực hiện sự hiệp thông sâu thẳm với Thiên Chúa. Qua đó, con người nhận biết Thiên Chúa như “Chúa đáng được biết” và nhìn nhận chính mình như “mình là” trước tôn nhan Thiên Chúa và trong tương quan với các thụ tạo. Ở lại trong căn phòng nội tâm là thực hiện sự hiệp thông giữa Cha – Đấng Tạo hóa và con – loài thụ tạo, giữa Đấng thánh cứu độ và phàm nhân tội lụy, giữa Thiên Chúa Xót thương và người được thương xót. Đây chính là sự hiệp thông nền tảng, là sự hiệp thông đích thực trong chân lý và tình yêu, trong sự sống và sự sáng, trong ân sủng và ơn cứu độ.

Giữa cơn cám dỗ và khuynh hướng thời đại: xa rời Thiên Chúa, thực hiện mối tương quan hiệp thông chỉ nhằm phục vụ lợi ích cá nhân hay thỏa mãn những đam mê dục vọng; chúng ta được mời gọi sống hiệp thông cách thiện hảo, một sự hiệp thông bắt nguồn từ Thiên Chúa, quy hướng về thiên Chúa và vì lợi ích tha nhân.

Vâng, chỉ trong Thiên Chúa và nhờ Thần khí Thiên Chúa, các tín hữu chúng ta mới có thể xây dựng được một Hội Thánh hiệp thông lý tưởng mà thánh Phaolô đã hướng đến: “[Trong Hội thánh dù] có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người …. tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.” (1 Cr 12, 4-6).

  1. Tham gia

Mọi người đều được mời gọi tham gia vào việc làm tăng trưởng Giáo hội. Đời sống của thánh Catarina đã cho tôi thấy rõ hơn vai trò và giá trị việc tham gia của mỗi “chi thể” để “Nhiệm thể Đức Kitô” được sống và sống dồi dào:

- Việc tham gia căn bản mà mỗi Kitô hữu cần thực hiện, đó là sống đúng và nên hoàn thiện trong ơn gọi riêng của mình. Giáo hội địa phương tại thành Siena nước Ý và Giáo hội hoàn vũ đã được tỏa sáng, nhờ sự tham gia góp lửa thiêng cuộc đời của các tín hữu tốt lành, trong đó có “ánh lửa Catarina” đã kiên trung tỏa sáng suốt 33 năm (1347 – 1380). Giáo hội hướng đến hiệp hành hôm nay vẫn cần đến ánh lửa thiêng cuộc đời của từng người chúng ta.

- Cùng tha nhân và cộng đồng trong hành trình nên thánh: đây là một nét đẹp và cũng là một giá trị tham gia mà chúng ta có thể nhận thấy nơi đời sống của Thánh Catarina. Chính Ngài cũng đã xác định tinh thần tham gia trong sách Đối thoại: Chúa muốn chúng ta cần đến nhau nên Ngài đã ban cho mỗi người những hồng ân, tài năng riêng biệt, đến nỗi không ai có thể tự hào là có tất cả mọi ân huệ, hoặc có tất cả cách vẹn toàn (x. ĐT. 7; tr. 15-16; ĐT. 148; tr. 388). Tinh thần tham gia thánh nữ thể hiện qua đời sống như: Ngài đã tham gia công việc nhà cùng các thành viên trong gia đình, kể cả lúc bị ngược đãi (bắt làm những công việc nặng nhọc quá sức để cản trở ý định dâng mình cho Thiên Chúa nơi thánh nữ); Ngài đã cùng “các bà mang áo choàng đen” sống đời thánh hiến tại gia đình, làm việc đền tội, thăm viếng người nghèo và chăm sóc bệnh nhân; Ngài đã tham gia đối thoại bằng thư tín với nhiều hạng người (hơn 381 bức thư dài), để cùng bước đi với họ trong hành trình nên hoàn thiện; Ngài là mẫu gương tuyệt hảo trong việc tham gia để xây dựng sự bình an và hợp nhất của Giáo hội, điển hình nhất là tham gia thuyết phục Đức Grêgôriô XI trở về giáo đô Roma.

Đời sống thánh Catarina hôm xưa và bầu khí chung của Giáo hội hôm nay, như cho tôi nghe:

- tiếng nhắc nhở của thánh Phaolô: Chân không thể nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”. Tai không thể nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (1Cr 12, 15-21).

- tiếng gọi mời của thánh nữ: Hãy tham gia! Hãy sống thánh trong ơn gọi riêng! Hãy trân quý ơn gọi của chính mình và của cả tha nhân nữa! Hãy cùng tha nhân và cùng cộng đồng sống thánh! Vì tất cả đều là chi thể không thể tách rời và cùng có chung một trách nhiệm là làm cho Nhiệm thể Đức Kitô được sống và sống dồi dào.

3. Sứ vụ

Mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm thi hành sứ vụ theo mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy (Mt 28, 19a). Tuy nhiên sứ vụ Chúa trao lại được mỗi người thi hành theo ơn gọi và đặc sủng riêng: người thì được ơn khôn ngoan để giảng dạy, kẻ thì được ban lòng tin, kẻ có đặc sủng chữa bệnh… (x. 1Cr 12, 7-10). Nhìn vào đời sống và những hoạt động của thánh Catarina, chúng ta không ngần ngại để nói: Ngài là “con người sứ vụ” luôn mang trong mình nhiệt tâm nói về Thiên Chúa và hiệp hành để người khác trở nên môn đệ Đức Kitô. “Con người sứ vụ” đó phải chăng được hình thành và tăng trưởng trên tinh thần hiệp thông và tham gia cách rất thiết tha và thật thiết thực trong đức ái với Thiên Chúa, với Giáo hội và với mọi người.

Đời sống của thánh Catarina cho chúng ta hiểu:

- Không thể có thánh Catarina – “con người sứ vụ” - nếu không có một thánh nữ Catarina luôn hướng về Chúa Cha, nên một với Đức Kitô, liên kết với tha nhân, gắn bó cách sống động vào sự sống huyền nhiệm của Thân mình Đức Kitô là Giáo hội.

- Không thể rao giảng về Thiên Chúa yêu thương và làm cho muôn dân nhận biết Ngài nếu mỗi người chưa sống sâu xa niềm tin- cậy- mến vào Thiên Chúa là Tình yêu và biểu lộ tình yêu đó trong cuộc sống.

- Không thể loan báo Thiên Chúa là Chúa tạo thành và là Cha mọi người nếu mỗi người chúng ta không sống liên kết hòa hợp với anh chị em và thế giới tạo thành.

Và, cũng từ đời sống của thánh nữ, chúng ta có thể cùng nhắc nhở nhau:

- Hãy sống hiệp thông với Thiên Chúa với tha nhân cùng vũ trụ tạo thành.

- Hãy tham gia với tất cả nhiệt tâm của người thuộc về Đức Kitô là Đầu và thuộc về anh chị em mình như những chi thể của Đức Kitô.

- Rồi chúng ta sẽ biết và thi hành sứ vụ cách thiện hảo như những người con của Thiên Chúa và là môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Sứ vụ chắc chắn sẽ không thiện hảo nếu chúng ta thiếu tinh thần hiệp thông và tham gia!

Vâng, hãy kính mến Thiên Chúa, hãy yêu thương và hiệp nhất nên một, chúng ta sẽ biết phải làm gì cho vinh danh Thiên Chúa, lợi ích cho tha nhân và phần rỗi các linh hồn.

Kết:

Trên mọi nẻo hành trình của Giáo hội lữ hành, vẫn cần có những “Catarina mới” với những đặc sủng riêng để sống và làm biểu lộ sự hiệp thông, tham gia, thi hành sứ vụ trong đời sống Giáo Hội. Ước mong gương sống của thánh nữ Catarina sẽ nên lời nhắc nhở, sự khích lệ, để chúng ta nhiệt tâm đóng góp phần riêng mình cho sự sống và sự sáng của Giáo hội hiệp hành với con người trong hoàn cảnh của thời đại và xã hội hôm nay.

Nt. Maria Nguyễn Thị Túy Phượng, OP