$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Suy tư văn hóa

CATARINA SIENA VÀ VIỆC RỜI BỎ GIÁO HỘI

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 124 | Cật nhập lần cuối: 4/28/2023 7:55:42 PM | RSS

CATARINA SIENA VÀ VIỆC RỜI BỎ GIÁO HỘI

Nhà thần bí thế kỷ XIV này có thể dạy chúng ta điều gì về lòng trung thành với Chúa Kitô và với một Giáo hội đang gặp khủng hoảng.

Sau rất nhiều vụ bê bối lạm dụng tình dục của các giáo sĩ, đối với nhiều người, Giáo hội Công giáo dường như là đạo đức giả và suy sụp về mặt luân lý và tinh thần. Giữa những thời điểm khó khăn như vậy, làm thế nào người Công giáo có thể biện minh cho việc ở lại trong Giáo hội? Những lời nói và việc làm của Thánh Catarina Siena (1347-1380), một người thuộc huynh đoàn giáo dân Đa Minh “Áo choàng”—hay người phụ nữ hãm mình—đã sống trong thời kỳ khủng hoảng trước đó, có thể mang đến cho chúng ta một số hướng dẫn và hy vọng.

Catarina đã sống trong thời kỳ tồi tệ hơn thời kỳ của chúng ta bởi vì không chỉ Giáo hội, mà cả xã hội rộng lớn hơn và thậm chí cả thế giới dường như đang sụp đổ. Cái Chết Đen, hay bệnh dịch hạch—một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người—đến Sicily qua các tầu buôn của người Genova từ Biển Đen vào năm Catarina được sinh ra. Người ta nói rằng 4/5 dân số Siena đã chết vì bệnh dịch vào năm sau. Cũng sẽ có nhiều đợt dịch bệnh liên tiếp xảy ra trong suốt cuộc đời của Catarina. Một nhà biên niên sử ẩn danh ở Siena vào thời điểm đó đã viết: “Và không có hồi chuông nào vang lên, và không có ai khóc cho dù bị tổn thất vì hầu hết mọi người đều chờ đợi cái chết đến…. Và mọi người nói và tin rằng, 'Đây là ngày tận thế.'”

Vào thời điểm đó, Ý là một tập thể gồm các đế chế quân chủ, công xã và cộng hòa phong kiến với các phe phái như Guelphs, những người ủng hộ giáo hoàng và nhóm Ghibellines, những người ủng hộ các nhà cai trị miền bắc nước Ý. Bán đảo Ý bị bao vây bởi lính đánh thuê nước ngoài, trong đó nổi tiếng nhất là John Hawkwood, người Anh, người đã được Catarina gửi một trong 381 bức thư của chị. Bên ngoài nước Ý, Chiến tranh Trăm năm giữa Anh và Pháp đang diễn ra khốc liệt, và có thêm mối đe dọa từ các chiến binh Hồi giáo như đã thấy trong cuộc tiến công của người Thổ Nhĩ Kỳ hai lần tới Vienna.

Catarina đã sống trong thời kỳ bi quan và hoài nghi. Barbara Tuchman, trong câu chuyện lịch sử của mình “Tai họa thế kỷ XIV”, đã mô tả thời kỳ này là “thời kỳ hỗn loạn, kỳ vọng giảm sút, mất niềm tin vào các thể chế và cảm giác bất lực trước những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của con người”. Các giáo hoàng sống lưu vong ở Avignon từ năm 1309 đến 1377, chỉ trở lại Roma sau khi Catarina đích thân đến phủ giáo hoàng và nài xin Đức Gregorio XI. Các đan viện và tu viện ở châu Âu đã bị tàn phá bởi Bệnh Dịch Đen, và để bù đắp số người cho các viện tu này thì cả những ứng viên không phù hợp cũng thường được chấp nhận. Văn học thế tục vào thời điểm đó mô tả tình trạng độc thân của giáo sĩ như một trò đùa. Vào thời điểm Catarina qua đời năm 1380, Giáo hội đang trong tình trạng ly giáo với việc bầu chọn một ngụy Giáo hoàng là Clemente VII.

Ba năm trước khi qua đời, Catarina ( một người mù chữ trong phần lớn cuộc đời ) khi xuất thần, đã bắt đầu đọc cho viết, “Il libro,” hoặc bản tóm tắt giáo huấn tâm linh của chị mà ngày nay chúng ta biết đến là Sách Đối thoại. Tác phẩm này là câu trả lời của Chúa cho bốn thỉnh cầu của Catarina, thỉnh cầu đầu tiên liên quan đến sự khai sáng liên quan đến tình hình của Giáo hội và sự cải cách về luân lý và tinh thần của Giáo hội. Phần lớn câu trả lời của Chúa Cha Hằng Hữu được tìm thấy trong các chương 110-134, một phần chính của sách. Chính trong những chương này, Catarina bày tỏ lòng kính trọng và tình yêu đặc biệt đối với các linh mục, những người mà Chúa Cha hằng hữu nói cho chị biết, là “các đấng Ki-tô” của Người, được gửi “như những bông hoa thơm ngát vào Thân thể mầu nhiệm của Hội Thánh.” Mặc dù vậy, Catarina đã không sợ hãi khi vạch trần và chỉ trích những thất bại của các linh mục và giám mục. Trên thực tế, chị đã quá thiếu tế nhị trong lời chỉ trích của mình đến nỗi các phần của Đối thoại — chẳng hạn như chương 121, về đồng tính luyến ái giữa các giáo sĩ — đã bị cắt bỏ khỏi các ấn bản khác nhau của tác phẩm.

Từ vựng thần học của Catarina chứa đầy những hình ảnh thân thuộc và không ngừng phát triển. Một hình ảnh của Giáo hội như là một hầm rượu, trong đó lưu giữ Máu ban sự sống của Chúa Kitô, được lãnh nhận trong Bí tích Thánh Thể. Giáo hoàng là người quản lý hầm rượu được Chúa Giê-su giao nhiệm vụ quản lý Máu và ủy quyền cho những người khác - là các linh mục- để hỗ trợ Người. Sự cần thiết cơ bản của Giáo hội được tìm thấy trong sự kiện là chỉ có Giáo hội mới là kho chứa Máu Chúa Kitô, đem lại sự sống cho tất cả mọi người. Catarina thấy rõ rằng lợi ích của Giáo hội là lợi ích của nhân loại. Do đó, bất cứ ai chống lại Giáo hội là kẻ thù của chính mình. Giáo Hội là niềm hy vọng của thế giới.

Catarina là một người chiêm niệm mà tình yêu đối với Giáo hội của Chị lớn dần trong suốt cuộc đời, bất chấp sự hư hỏng của một số thành viên trong Giáo hội. Người viết tiểu sử Johannes Jorgensen đã nói về đời sống thiêng liêng của Chị: “Tình yêu của Chị dành cho Chúa Giê-su mở rộng, lớn dần lên không bao giờ thỏa mãn, vô hạn, được chuyển hóa thành tình yêu đối với Nhiệm thể của Người, toàn diện, bao trùm tất cả Hội thánh Công giáo.” Cũng như các thánh và các nhà thần bí khác, việc chiêm niệm đã đưa Chị vào trái tim của mầu nhiệm Giáo Hội. Điều Jacques Philippe nói về Thánh Têrêsa thành Lisieux cũng có thể nói như vậy về Catherine: “Thánh nữ càng hướng con người mình vào tình yêu của Chúa Giêsu, thì trái tim ngài càng yêu mến Giáo hội nhiều hơn. […] Thật vậy, đây là cách thực sự duy nhất để hiểu Giáo hội. Bất cứ ai không có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện sẽ không bao giờ nhận thức được sự thật sâu xa nhất về căn tính của Giáo hội.”

Chúng ta đừng quên những lời trong giờ hấp hối của một nhà thần bí vĩ đại khác, Thánh Têrêsa Avila: “Tôi là người con của Giáo hội.”

Đối với Catarina, Giáo hội là Chúa Kitô và giáo hoàng là “Chúa Kitô dịu ngọt trên trái đất”. Tuy nhiên, khi Catarina nói về tội lỗi của Giáo hội, rất nhiều trong cuộc đời của Chị, Chị thường sử dụng hình ảnh Giáo hội như là Hiền thê của Chúa Kitô, mà Thánh Phaolô đã ám chỉ trong Êphêsô 5,25. Ở đây, Catarina tưởng tượng Giáo hội như một thiếu nữ xinh đẹp có khuôn mặt bị bầm dập và vấy bẩn bởi tội lỗi của các thành viên hư hỏng của Giáo hội. Catarina thường nói về tội lỗi như bệnh phong hủi trên khuôn mặt của Giáo hội. Chị sẽ không bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ Hiền thê của Chúa Kitô vì tội lỗi của nhân loại. Đối với Chị, Giáo hội là tuyệt đối chứ không chỉ là một tổ chức đơn thuần của con người.

Trong số những nguyên nhân khác nhau khiến Giáo hội tội lỗi, Catarina xác định một nguyên nhân đặc biệt: tình yêu dành cho “lớp vỏ bên ngoài” thay vì phần tủy, tức là, mối bận tâm về bề ngoài thay vì những thực tại bên trong. Những người có học, đặc biệt là hàng giáo phẩm, có thể biết nhiều về Chúa, về Giáo hội và Kinh thánh, nhưng lại không ở trong tình yêu và sự kết hợp với Thiên Chúa. Đức Chúa Cha vĩnh cửu nói với chị Catarina rằng những người như vậy “không thấy cũng chẳng hiểu bất cứ điều gì ngoài lớp vỏ bên ngoài, chữ viết của Kinh thánh. Họ đón nhận mà không hề thích thú” và “đến gần Hiền thê này [Giáo hội] chỉ vì vỏ ngoài của cô ấy, tức là vì bản chất vật chất của cô ấy, trong khi cô ấy hoàn toàn trống rỗng với bất kỳ ai tìm kiếm cốt tủy của cô ấy.” Các linh mục tồi “không bao giờ hiểu được việc học vì sừng kiêu ngạo đã ngăn họ nếm được cốt tủy ngọt ngào của nó.” Kiến thức về Chúa Kitô mà thôi là không đủ; chúng ta còn phải hiệp thông với Người.

Học giả về Thánh Catarina, Sr. Mary O'Driscoll, OP, đã chỉ ra rằng Catarina thấy sự thiếu thánh thiện của chính mình là một phần của tình trạng tội lỗi của Giáo hội và thừa nhận phần của mình trong đó. Trong 26 bài cầu nguyện, Chị thánh thường than vãn về tội lỗi của mình. Mặc dù tội lỗi của Chị chắc chắn đối với chúng ta coi như là những tội nhẹ nhất, nhưng chị lại cực kỳ nhạy cảm với chúng. Như Chúa Giêsu trong tình liên đới, đã đứng chung với những người tội lỗi khi lãnh nhận phép rửa tại sông Gio-đan, thì Catarina cũng có chỗ của mình giữa nhân loại tội lỗi. Đối với Chị thánh, cuộc cải cách được mong đợi nhiều nơi Giáo hội không phải là vấn đề thay đổi thể chế hay kỷ luật, chẳng hạn như việc bãi bỏ luật độc thân, nhưng đúng hơn là vấn đề hoán cải, cuộc cải cách nội tâm của cá nhân, bắt đầu từ chính giáo hoàng, như được thấy trong một trong những bức thư của Chị gửi cho Đức Urbano VI: “Tâu Đức Thánh Cha, đã đến lúc phải ghê tởm tội lỗi nơi bản thân, nơi thần dân của ngài và nơi các thừa tác viên của Hội thánh”.

Tình yêu của Catarina dành cho Giáo hội chắc chắn không chỉ giới hạn trong cung thánh. Những chuyến hành trình dài của Chị đến Avignon, Florence và Roma và những lá thư Chị gửi cho hầu như tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu chứng thực tính thực tế của tình yêu của Chị. Khoảng hai năm trước khi Chị qua đời, Chúa đã truyền lệnh cho Chị phải “rửa gương mặt cho Hiền thê của Ta, là Hội thánh” bằng những lời cầu nguyện, mồ hôi và nước mắt của Chị. Hằng ngày Chị đã lê thân xác yếu nhược đến Đền thờ Thánh Phêrô, nơi Chị cầu nguyện hàng giờ nhân danh Giáo Hội. Hành vi tự hiến cuối cùng của Chị cho Thiên Chúa xảy ra trong một trải nghiệm thần bí khác đúng ba tháng trước khi Chị qua đời, khi đó Chị đã kêu lên với Chúa: “Con phải làm gì đây, hỡi Lửa vô giá?” Chúa đã trả lời: “Hãy dâng hiến cuộc sống của con một lần nữa, và đừng bao giờ để bản thân được nghỉ ngơi. Đây là nhiệm vụ mà Ta đã đặt trên con, và bây giờ lại đặt cho con và tất cả những người đi theo con nữa.” Catarina trả lời: “Lạy Chúa hằng hữu, xin nhận sự hy sinh của cuộc đời con vào thân thể mầu nhiệm của Giáo hội thánh thiện này. Con không có gì ngoại trừ những gì Chúa đã ban cho con, vì vậy hãy lấy trái tim của con và vắt kiệt nó trên mặt Hiền thê của Ngài.” Catarina kể lại rằng sau đó, Chúa đã lấy trái tim của Chị (mà trong một thị kiến nhiều năm trước đó, Ngài đã trao đổi với trái tim của mình một cách thần bí) và vắt từng giọt máu trên khuôn mặt của Giáo hội, rửa sạch mọi vết nhơ. Giống như Thánh Phaolô, người mà Chị thánh là một học trò tận tụy và có tinh thần đồng cảm, Catarina sẵn sàng hoàn thành “những gì còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô vì thân thể Người… là Giáo hội” (Cl 1, 24).

Nói theo kiểu con người, Catarina có nhiều lý do để từ bỏ Giáo hội hơn chúng ta ngày nay, nhưng không có một dấu hiệu nhỏ nhất nào trong các bài viết của Chị thánh rằng Chị đã từng nghĩ đến chuyện đó. Nền tảng cho niềm hy vọng của Chị là gì? Không còn nghi ngờ gì nữa, niềm tin của Chị vào chiều kích nhân loại và thiêng liêng của Giáo hội đã củng cố niềm hy vọng của Chị rằng một ngày nào đó Giáo hội sẽ trở thành điều mà Chúa đã định. Ngoài ra, Catarina đã tường trình với cha giải tội và cũng là người bạn của mình, Cha Raymunđô Capua, rằng Chúa đã nhiều lần đảm bảo với Chị rằng “vẻ đẹp của Giáo hội sẽ được phục hồi”. Vào tháng 4 năm 1376, Chị thánh đã cho Cha Raymunđô biết một kinh nghiệm thần bí đáng chú ý trong đó Chúa “đã giải thích và làm sáng tỏ cho con mọi khía cạnh về mầu nhiệm của cuộc bách hại mà Giáo hội hiện đang trải qua cũng như về sự canh tân và tôn vinh sắp xảy ra. Chúa đã nói với con rằng những gì đang được cho phép xảy ra bây giờ là nhằm để một lần nữa Giáo hội phải trở nên tốt hơn.”

Một trong những kinh nghiệm thần bí khác thường nhất mà Catarina đã trải qua , Chị thánh được Chúa cho biết rằng việc cải tổ Giáo hội sẽ xảy ra với việc bổ nhiệm các giám mục mới “và những người nhiệt thành khác”. Môn đệ Caffarini kể lại một thị kiến khác của Thánh Catarina, xảy ra vào đêm Giáng Sinh, trong đó Đức Trinh Nữ trao Hài Nhi của mình cho Catarina để Chị ôm Hài nhi vào lòng; sau đó, như Chị đã thấy Đức Mẹ làm, Chị cũng áp má mình vào má Hài Nhi. Trên ngực và cạnh sườn Hài Nhi có một dây nho đầy trái chín mọng. Những con chó lớn đến dùng răng cắn đứt chúng và mang đến cho những chó con ăn nho no nê. Trong khi đó, Chị Catarina không ngừng cầu nguyện cho bản thân, cho cha thiêng liêng của mình, cho sự cải cách của Giáo hội, cho tất cả tội nhân, và Chị đã lấy nước mắt tắm cho thân thể của Thánh Nhi. Qua thị kiến đó, Chúa đã tiết lộ cho Chị về cuộc cải cách mà chị mong muốn, cho Chị thấy rằng những con chó lớn tượng trưng cho các thành viên mới của Giáo hội, nghĩa là các vị mục tử tốt lành và những người nhiệt thành khác được bổ nhiệm để canh tân Giáo hội.

Chúng ta thấy một thoáng khác về niềm hy vọng của Catarina giữa bao nhiêu rắc rối khi Chị tỉnh dậy sau cơn xuất thần, trong đó Chúa đã ủy thác cho Chị một cây thánh giá và cành ô liu để Chị mang đến tận cùng trái đất. Catarina đã kể với Cha Raymundo: “Lúc đó con vô cùng hạnh phúc. Con rất tin tưởng vào tương lai dường như con đã sở hữu và tận hưởng nó rồi”.

Nt. Maria Trần Thị Sâm, OP

Chuyển ngữ từ: Thomas McDermott, O.P

The Dispatch, Ngày 29 tháng 4 năm 2021