$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Kinh Mân Côi cho gia đình

KINH MÂN CÔI CHO GIA ĐÌNH

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 268 | Cật nhập lần cuối: 10/18/2021 7:51:13 AM | RSS

KINH MÂN CÔI CHO GIA ĐÌNH

KINH MÂN CÔI CHO GIA ĐÌNH

Giới Thiệu

Cầu nguyện là hơi thở của đức tin”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giải thích. Ngay cả trong gia đình “cũng mời gọi gia đình dành thời gian hàng tuần cùng cầu nguyện”, bởi vì “gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau” (AL, 227)

Đọc kinh Mân côi là thời gian đặc biệt để các thành viên trong gia đình chia sẻ với nhau. Trong năm dành kính Thánh Giuse, việc đọc Kinh Mân côi gia đình cũng là một hình thức cụ thể để lãnh ơn toàn xá. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, “giờ cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình chúng ta”. (AL 318)

Với niềm hy vọng này, tôi mời tất cả anh chị em hãy sử dụng cách đọc Kinh Mân côi này đã được soạn vào dịp Năm “Niềm Vui Tình yêu Gia đình” (Amoris Laetitia Family Year) để chúng ta không bỏ lỡ cơ hội củng cố tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ thiên quốc của chúng ta. Các suy niệm rất ngắn gọn, được trích từ Tông huấn Amoris Laetitia và kèm theo những câu hỏi ngắn có thể giúp anh chị em, ngay cả các trẻ em, suy tư về đức tin.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Thánh Gia Nazareth đồng hành với anh chị em, để anh chị em có thể biến các Giáo hội tại gia của quý anh chị em thành những nhà tiệc ly cầu nguyện để lan tỏa tình yêu của Mẹ Maria khắp thế giới.

Hồng y Kevin Farrell

Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống

Kinh Mân côi cho Gia đình được soạn thảo cẩn thận bởi Mạng lưới Cầu nguyện toàn Thế giới của Đức Thánh Cha và Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Nhóm của chúng tôi rất vui mừng với sự hợp tác này để giúp các gia đình cầu nguyện và cầu nguyện như một gia đình.

Lm. Frédéric Fornos SJ.

Giám đốc Mạng lưới Cầu nguyện toàn Thế giới của Đức Thánh Cha

Bettina Raed,

Điều phối viên Quốc tế

MẦU NHIỆM VUI

Chúng ta khám phá được điều gì về gia đình trong mỗi mầu nhiệm?

KINH MÂN CÔI CHO GIA ĐÌNH

1. Mầu nhiệm thứ nhất: Truyền tin

Thiên thần Gabriel được sai tới cùng một trinh nữ tên là Ma-ri-a, đã đính hôn với một người tên là Giu-se. Thiên thần nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. (Lk 1:26-32).

Điều chúng ta khám phá được: Chính Thiên Chúa là một gia đình:

Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy… Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình, vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu.” (AL 11).

* Trong những khoảnh khắc nào của lịch sử gia đình khiến chúng ta cảm nhận được Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta?

2. Mầu nhiệm thứ hai: Đức Mẹ đi thăm viếng

Bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bet và chồng là ông Da-ca-ri-a. Bà Ê-li-sa-bét đang mang thai và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói với Đức Ma-ri-a rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại!”
(Lk 1:39-45).

Điều chúng ta khám phá được: mọi thành viên trong gia đình phải chia sẻ niềm vui cho nhau.

Khi một người yêu thương, người ấy có thể làm điều tốt cho người khác, hoặc khi người ấy nhìn thấy mọi sự đều diễn ra tốt đẹp cho người khác, thì chính họ cũng cảm thấy vui, và bằng cách ấy họ tôn vinh Thiên Chúa, vì “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7)Gia đình phải luôn là nơi mà bất cứ ai ở trong đó làm được điều gì tốt đẹp trong cuộc sống, đều biết rằng ở đó mọi người cũng sẽ mừng về điều ấy với mình.” (AL 110).

* Những thành viên nào trong gia đình là sự hiện diện của Chúa Giê-su đối với chúng ta?

3. Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Giê-su được sinh ra

Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se rời đi Be-lem. Ở đó Đức Giê-su được sinh ra, họ lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên. Sứ thần hiện ra và nói với họ: "Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ, Con Thiên Chúa, đã sinh ra.” Rồi các người chăn chiên đến thờ lạy Người (Lc 2:4-11).

Điều chúng ta khám phá được: trong gia đình, trẻ em phải được yêu thương vô điều kiện

Con cái là hồng ân. Mỗi người là duy nhất và độc đáo .... Đứa trẻ được bạn yêu thương chỉ vì nó là con, không bởi vì nó đẹp, hay nó như thế này thế kia; không, đơn giản chỉ vì nó là con mình! Không phải vì nó có suy nghĩ giống như tôi, hoặc nó là hiện thân của những khát vọng của tôi. Một đứa con luôn là một đứa con”… Tình yêu của cha mẹ là phương thế Thiên Chúa Cha dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài, Đấng dịu dàng chờ đợi mỗi đứa trẻ chào đời, đón nhận nó vô điều kiện và tiếp nhận nó cách tự do.” (AL 170).

* Bạn cảm thấy thế nào khi khám phá là mình sẽ trở nên cha mẹ? Bạn đã chuẩn bị những gì khi đón nhận con cái vào đời?

4. Mầu nhiệm thứ tư: Dâng Con trong đền thờ

Bà Ma-ri-a và ông Giu-se, tuân giữ lề luật, đến Đền thờ để tạ ơn đã sinh hạ Đức Giê-su. Tại đó, các Ngài đã gặp ông Simeon và bà Anna là những người yêu mến Thiên Chúa, và họ vui mừng khi gặp Đức Giê-su, Đấng Cứu thế (xc Lc 2,22. 28. 36-38).

Điều chúng ta khám phá: mỗi gia đình là một phần của xã hội và Giáo hội.

Gia đình là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, bởi vì đó là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác, để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sốngTrong khung cảnh gia đình, ta học để làm sống lại sự gần gũi, quan tâm và tôn trọng nhau. Nơi đó chúng ta phá vỡ vòng vây ích kỉ nguy khốn để nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng những người khác, với những người khác, những người xứng đáng với sự quan tâm, tử tế, và tình cảm của chúng ta.” (x. AL 276).

* Những cộng đồng nào là quan trọng đối với gia đình chúng ta? Chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống với những người nào?

5. Mầu nhiệm thứ năm: Tìm thấy Đức Giê-su trong Đền thờ

Khi Đức Giê-su được mười hai tuổi, Người cùng cha mẹ lên Giê-ru-sa-lem. Ông Giu-se và bà Ma-ri-a trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2:41-49).

* Điều chúng ta khám phá: các bậc cha mẹ hãy chăm sóc và tôn trọng sự tự do của con cái.

Chúng ta không thể kiểm soát hết mọi tình huống mà con mình có thể trải quaNếu một phụ huynh bị ám ảnh muốn biết con mình đang ở đâu và kiểm soát mọi việc làm của nó, thì đó chỉ là tìm cách kiểm soát về nơi chốnĐiều đáng quan tâm chủ yếu là tạo ra nơi con cái, với cả tình thương yêu, những tiến trình giúp trưởng thành sự tự do của con, chuẩn bị, triển nở toàn diện, vun trồng sự tự lập đích thật. Chỉ như thế đứa con mới có được những yếu tố cần thiết để biết tự bảo vệ và hành động cách thông minh và khôn ngoan trong các hoàn cảnh khó khăn.” (AL 261).

* Cha mẹ tự vấn: quý vị có nhớ ra một vài tính cách tai quái của mình khi còn là thiếu niên không? Hãy chia sẻ với gia đình.

MẦU NHIỆM SỰ SÁNG

Chúng ta học được những điều gì về gia đình trong những mầu nhiệm này?

KINH MÂN CÔI CHO GIA ĐÌNH

  1. Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa Giê-su chịu phép rửa

Khi Ông Gio-an làm phép rửa cho Đức Giê-su tại sông Gióc-đan…và có tiếng từ trời phán: Đây là Con Yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người ( x. Mt 1, 9-11).

* Chúng ta học được điều này: Cha mẹ phải xin cho các con được chịu phép rửa tội. Chúng ta đều là những người con yêu dấu của Thiên Chúa .

“[Cha mẹ] Có thể tham gia vào kế hoạch này của Thiên Chúa qua ước mơ về con cái mình… Một gia đình không thể không có ước mơ. Khi trong một gia đình mà mất khả năng ước mơ thì những đứa trẻ sẽ không phát triển và tình yêu không tăng trưởng, sự sống sẽ tàn héo dần và lịm tắt”… Đối với vợ chồng Kitô hữu, nhất thiết sẽ nghĩ đến Bí tích Rửa tội như là một phần của những ước mơ của mình. Cha mẹ chuẩn bị cho biến cố này bằng việc cầu nguyện, phó dâng con mình cho Chúa Giêsu ngay cả trước khi bé được sinh ra.” (x. AL 169).

* Chúng ta hãy nhớ ngày rửa tội của cha mẹ và con cái chúng ta. Nếu chưa lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta có muốn lãnh nhận không?

2. Mầu nhiệm thứ hai: Tiệc cưới Cana

Một tiệc cưới được cử hành tại Ca-na, miền Ga-li-lê-a và Đức Giê-su đến đó với mẹ của Người. Khi thiếu rượu, Đức Ma-ri-a nói với Đức Giê-su: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến." Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Đức Giê-su bắt đầu làm nhiều dấu lạ, bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (x. Gn 2,1-5, 11).

* Chúng ta học được giá trị của hôn nhân

Khi kết hợp với nhau trong tình yêu, đôi bạn cảm nghiệm vẻ đẹp của thiên chức làm cha làm mẹ; họ chia sẻ cho nhau những dự phóng; họ học chăm sóc và tha thứ cho nhau… Niềm vui vì một sự sống được sinh ra và sự chăm sóc yêu thương của mọi thành viên trong gia đình – từ trẻ nhỏ cho đến người già – là một vài trong rất nhiều hoa trái làm cho gia đình trở nên độc đáo và không thể thay thế được,” (AL 88).

* Chúng ta có tham dự đám cưới nào không? Điều gì chúng ta nhớ trong buổi cử hành đó? Lễ cưới thế nào?

3. Mầu nhiệm thứ ba: Đức Giê-su loan báo Nước Trời

Đức Giê-su rời Ga-li-lê-a để rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa. Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14-15).

* Chúng ta học được: các gia đình cũng loan báo:Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

“Với việc làm chứng tá, và ngay cả bằng lời nói, các gia đình nói về Chúa Giê-su cho những người khác. Họ thông truyền đức tin, đánh thức lòng khát khao về Thiên Chúa, và cho thấy vẻ đẹp của Tin mừng và lối sống mà Tin mừng đề nghị. Như thế, các đôi vợ chồng Kitô hữu làm sinh động xã hội bằng chứng tá của tình huynh đệ, của mối quan tâm xã hội, của việc bảo vệ những người yếu thế, của đức tin sáng ngời, và niềm hi vọng tích cực. Sự phong nhiêu của họ lan tỏa và được tỏ lộ trong muôn ngàn cách để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong xã hội.” (AL 184).

* Chúng ta có kể cho người khác biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta không? Kể bằng những cách nào?

4. Mầu nhiệm thứ tư: Đức Giê-su biến hình

Và Người biến hình trước mắt họ, dung nhan Ngài nên sáng ngời như mặt trời và phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và một tiếng phát ra tự đám mây: "Đây là Con Yêu dấu của Ta, người đã được Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về Người; hãy vâng nghe Người" (Lc 9,29. 35).

* Chúng ta học được điều này: cha mẹ và con cái cần diễn tả tình yêu họ dành cho nhau.

Các công nghệ truyền thông và giải trí ngày càng phong phú có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn hoặc cản trở sự gặp gỡ giữa cha mẹ và con cái xét về mặt giáo dục. Khi được sử dụng tốt thì chúng có thể hữu ích để nối kết các thành viên trong gia đình cho dẫu ở xa nhau. Sự liên lạc thường xuyên có thể giúp giải quyết các khó khăn . Tuy nhiên, cần phải biết rõ rằng chúng không thay thế cho nhu cầu đối thoại cá nhân và sâu xa hơn vốn cần có một sự tiếp xúc thể lý, hoặc ít nhất, nghe được tiếng nói của người khác.” (AL 278).

* Chúng ta biểu lộ tình yêu với gia đinh chúng ta bằng những cách nào? (Lời nói, cử chỉ, hành động cụ thể, v.v…)

5. Mầu nhiệm thứ năm: Chúa lập Bí tích Thánh Thể

Trong bữa ăn tối, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy." Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước.” (Mt 26, 26-28) .

* Chúng ta học được rằng: Thật là đẹp khi cả gia đình cùng chia sẻ Thánh Thể .

Một không gian sống động của gia đình có thể biến thành Hội thánh tại gia, một khung cảnh cho Bí tích Thánh Thể, có sự hiện diện của Chúa Kitô tại bàn ăn. (AL 15)Gia đình được mời gọi cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và hiệp thông trong Thánh Thể để làm cho tình yêu ngày một lớn lên và luôn hoán cải để xứng đáng là đền thờ của Chúa Thánh Thần.” (AL 29).

* Chúng ta quyết định chia sẻ Thánh Thể như một gia đình.

MẦU NHIỆM THƯƠNG

Những nhân đức nào Đức Giê-su đã học từ Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se để chuẩn bị đối diện với những mầu nhiệm này?

KINH MÂN CÔI CHO GIA ĐÌNH

1. Mầu nhiệm thứ nhất: Đức Giê-su hấp hối trong Vườn Dầu

“Đức Giê-su lên Núi Ô-liu. Các môn đệ cũng theo Người. Và Người đi cách các ông một quãng… và quỳ gối cầu nguyện rằng:” Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con,mà xin theo ý Cha.” (Lc 22, 39. 42).

* Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã học nơi Mẹ Ma-ria và Thánh Giu-se cách cầu nguyện và phó thác vào Chúa Cha.

Cha mẹ muốn đồng hành đức tin với con cái mình cần chú ý đến những thay đổi của chúng, vì họ biết rằng kinh nghiệm tâm linh không áp đặt nhưng đề nghị trong sự tự do. Điều quan trọng là con cái nhìn thấy một cách cụ thể đối với cha mẹ chúng việc cầu nguyện thật sự là quan trọng. Bởi thế, những khoảnh khắc cầu nguyện trong gia đình và những diễn tả lòng đạo đức bình dân có thể có sức loan báo Tin mừng mạnh hơn bất kì lớp giáo lý hay bài giảng đạo nào.” (AL 288).

* Những việc cầu nguyện nào chúng ta thích thực hiện với nhau như một gia đình ? Đọc kinh làm phép trước bữa ăn? Thánh lễ? Kinh Mân côi? Giờ Kinh tối trước khi đi ngủ? Việc nào khác?

2. Mầu nhiệm thứ hai: Đức Giê-su bị đánh đòn

“Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì sau khi truyền đánh đòn, ông trao cho họ đóng đinh vào thập giá.” (Mt 27, 26).

Đức Giêsu học nơi Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se biết chịu đựng những bất công vì lòng yêu mến

Trong đời sống gia đình không thể để bao trùm lối nghĩ thống trị lẫn nhau và sự cạnh tranh để xem ai là người thông minh hơn hay quyền lực hơn, vì như thế sẽ làm hủy diệt tình yêu. Lời khuyên cho gia đình sau đây cũng thật đáng giá: “Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (AL 98).

* Đôi khi chúng ta có phóng thích “Ba-ra-ba” trong gia đình chúng ta không? Trong những tình huống nào? Điều đó có tốt hay không? Chúng ta hãy cầu nguyện để luôn chọn Chúa Giê-su.

3. Mầu nhiệm thứ ba: Đức Giê-su bị đội mão gai

Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong dinh. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng diễu cợt chào bái Người: “Vạn tuế đức vua dân Do thái!” (Mc 15:16-18).

Đức Giê-su học nơi Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se sống nhẫn nhục khi bị nhạo báng vì yêu chúng ta.

Tình yêu luôn luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kì vọng của tôi.” (AL 92).

* Tôi đã cư xử thế nào với các thành viên gia đình khi họ không làm như tôi mong muốn? Tôi có chấp nhận họ không? Tôi có giận dữ? Tôi có chế nhạo? Tôi có kiên nhẫn?

4. Mầu nhiệm thứ tư: Chúa vác Thánh giá

Rồi họ điệu Đức Giê-su đi, chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi cọi là Cái Sọ. Đang khi đi, chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-mon, chúng bắt ông vác thập giá của Người. (x. Ga 19, 16; Mt 2, 32).

Đức Giê-su học nơi Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se điều này: để yêu, chúng ta cần mạnh mẽ, kiên cường và để cho người khác giúp đỡ chúng ta.

[Tình yêu] chấp nhận mọi sự trái ý với một tinh thần tích cực. Nghĩa là [tình yêu thì] đứng vững ngay giữa lòng môi trường thù nghịch. Đó là một tình yêu bất chấp tất cả, ngay cả trong những lúc hoàn cảnh lôi kéo sang hướng khác. (AL118). Trong đời sống gia đình, cần vun xới sức mạnh của tình yêu này. (AL 119).

* Bằng cách nào mà chúng ta phát huy sự kiên cường như một gia đình? Chúng ta đối diện với những khó khăn thế nào?

5. Mầu nhiệm thứ năm: Đức Giê-su bị đóng đinh

Đức Giê-su, Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.”… rồi, sau đó, bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín, và Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở. (Ga 19, 26-27; Lc 23, 44-46).

Đức Giê-su học nơi Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se thế nào là tình yêu đích thực.

Nếu gia đình luôn qui hướng về Đức Ki-tô, Người sẽ hiệp nhất và soi sáng toàn thể đời sống của gia đình. Những khổ đau và những vấn đề của gia đình trải nghiệm trong sự thông hiệp với Thập Giá của Chúa, và được Người ôm lấy sẽ giúp gia đình chịu đựng được những thời khắc tồi tệ. Trong những ngày giờ khắc đen tối nhất của đời sống gia đình, [việc kết hợp với Đức Giê-su bị bỏ rơi, Đấng sẽ chuyển hóa những khó khăn và đau khổ thành một hiến lễ tình yêu]” (x. AL 317).

* Những hoàn cảnh khó khăn nào chúng ta đã hoặc đang trải nghiệm trong gia đình? Chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giê-su bằng tình yêu và dâng lên Ngài tất cả những khó khăn đó.

MẦU NHIỆM MỪNG

Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì trong những mầu nhiệm này?

KINH MÂN CÔI CHO GIA ĐÌNH

1. Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa Phục sinh

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Mac-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a đi đến mộ. Thiên thần của Chúa nói với các phụ nữ: Đửng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây. Vì Người đã trỗi dậy! Hãy đi và nói với các môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Ngài. (Mt 28, 1. 5-7).

Tất cả các gia đình có thể là Ga-li-le-a:

Sự hiện diện của Chúa trong gia đình là sự hiện diện thực tế và cụ thể, cùng với mọi khổ đau, chiến đấu, niềm vui và những cố gắng hằng ngày của nó. Nếu như tình yêu linh hoạt sự chân thực ấy, thì đúng là Chúa đang ngự trị ở đó, bằng niềm vui và sự bình an của Người. Linh đạo tình yêu gia đình được cấu thành từ hàng ngàn cử chỉ nhỏ bé nhưng đích thực. Trong tình hiệp thông được xây dựng từ bao nhiêu là dâng hiến và gặp gỡ, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài.” (AL 315).

* Gia đình của chúng ta giống cái gì? Đặc điểm của nó là gì? Điều gì khiến chúng ta thích làm với nhau?

2. Mầu nhiệm thứ hai: Chúa lên trời

Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 18-20).

Tất cả các gia đình được mời mang sứ điệp của Chúa:

Các Nghị phụ Thượng Hội đồng đề nghị những giá trị, để “người ta cảm nghiệm được Tin mừng gia đình như là một niềm vui “đầy ắp tâm hồn và cả cuộc sống của họ”Dưới ánh sáng của dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13, 3-9), chúng ta được mời gọi hợp tác trong việc gieo trồng: phần còn lại là công trình của Thiên Chúa.” (AL 200).

* Chúng ta nghĩ người khác nhìn chúng ta thế nào? Họ có thể nhìn thấy chúng ta yêu thương nhau qua cách chúng ta đối xử với nhau không?

3. Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Thánh Thần hiện xuống

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn ThánhThần (Cv 2, 1.3-4).

Chúa Thánh Thần sẽ ngự trị trong tất cả các gia đình .

“Gia đình nhỏ không nên cô lập mình khỏi gia đình mở rộng, nơi có cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em họ và cả người láng giềng. Trong gia đình rộng lớn ấy, có thể có những ai đó cần được giúp đỡ hoặc ít là cần đồng hành và cần nhận được những cử chỉ yêu thương, hoặc có thể có những người đang chịu nhiều đau khổ cần được ủi an (AL 187). Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, gia đình không chỉ đón nhận sự sống, nhưng còn mở ra, đi ra khỏi chính mình để tuôn ban những thiện ích của mình cho người khác và để quan tâm chăm sóc họ và tìm kiếm hạnh phúc cho họ. (AL 324).

* Ai là những người đầu tiên đến trợ giúp khi gia đình chúng ta gặp khó khăn? Họ giúp đỡ thế nào?

4. Mầu nhiệm thứ tư: Đức Mẹ lên trời

“Đức Trinh nữ Ma-ri-a Vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, đã kết thúc cuộc đời trần thế của mình và được đưa lên vinh quang thiên quốc cả xác hồn.” (Đức Pio XII).

Đức Maria gìn giữ tất cả các gia đình trong trái tim của Mẹ.

“Như Mẹ Maria, các gia đình được khuyên nhủ đối diện với những thách đố của gia đình mình, cả khi buồn lẫn khi vui, một cách can đảm và thanh thản, và cũng để gìn giữ và suy niệm trong lòng những điều kì diệu Chúa đã làm (x. Lc 2,19.51). Trong kho tàng trái tim của Mẹ Ma-ri-a, cũng chất chứa tất cả mọi biến cố của từng gia đình chúng ta, những biến cố mà Mẹ vẫn ân cần gìn giữ. Bởi thế Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những biến cố đó để nhận ra được thông điệp Thiên Chúa ngay trong lịch sử của gia đình mình.” (AL 30).

* Chúng ta ghi nhớ những biến cố và nơi chốn quan trọng đối với lịch sử gia đình chúng ta.

5. Mầu nhiệm thứ năm: Đức Ma-ri-a được tôn vinh

“Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” (Kh 12, 1).

Chúng ta đội triều thiên cho Mẹ chúng ta, Nữ Vương các Gia đình.

Một không gian sống động của gia đình có thể biến thành Hội thánh tại gia, một khung cảnh cho Bí tích Thánh Thể, có sự hiện diện của Chúa Kitô tại bàn ăn”. Như vậy, người ta đã phác họa một mái ấm gia đình, là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, có Lời Chúa, có cầu nguyện chung và, như thế, có phúc lành của Chúa. (AL 15).

* Chúng ta đội triều thiên cho Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se. Chúng ta có thể làm một bàn thờ với hình ảnh Thánh Gia, với nến, hoa, ảnh gia đình, những dấu chỉ của tình yêu thương. Chúng ta hãy biến nơi đó là nơi của tình yêu trong gia đình chúng ta.

Nt. Maria Trần Thị Sâm, OP

Chuyển ngữ từ: https://www.popesprayer.va/amoris-laetitia-rosary-for-the-family/