SỐNG ĐỜI CẦU NGUYỆN LÀ MỘT THÁCH ĐỐ, GIỐNG NHƯ GIA-CÓP VẬT LỘN VỚI THIÊN CHÚA

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 151 | Cật nhập lần cuối: 11/10/2023 9:30:53 PM | RSS

SỐNG ĐỜI CẦU NGUYỆN LÀ MỘT THÁCH ĐỐ, GIỐNG NHƯ GIA-CÓP VẬT LỘN VỚI THIÊN CHÚA

Lm. Jeffrey F. Kirby

Việc theo đuổi đời sống tâm linh không dành cho những người nhát đảm. Sau một số an ủi và khích lệ ban đầu, con đường của Thánh Thần đòi hỏi một mức độ kỷ luật và sự hướng dẫn nhất định.

Một trong những sự hướng dẫn cần thiết để sống đời cầu nguyện đó là việc đọc sách thiêng liêng. Vì cần phương hướng để đi đến nơi mình sẽ đến, chúng ta cần đọc về đời sống thiêng liêng để biết mình sẽ đi đâu và làm sao để đến đó.

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo là một quy chiếu và giải thích tuyệt vời về đời sống cầu nguyện khi làm cho những chân lý cao cả của đời sống tâm linh trở nên rất dễ tiếp cận và dễ hiểu.

Trong chương 1 của phần IV, Sách Giáo lý đề cao những nhân vật cầu nguyện vĩ đại trong Cựu ước. Sau khi nhắc đến Abel, Enosh và Nô-ê, trọng tâm được chuyển sang Áp-ra-ham, một tấm gương trổi vượt về việc nói và lắng nghe Thiên Chúa hằng sống.

Sau khi khen ngợi sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Sách Giáo lý đề cao lòng nhân hậu và hiếu khách của vị tổ phụ: “Vì tin vào Thiên Chúa, đi trước nhan Ngài và trong giao ước với Ngài, tổ phụ Áp-ra-ham đã sẵn sàng đón tiếp Vị khách huyền bí vào lều trại của mình… trái tim của tổ phụ Áp-ra-ham đã hòa theo lòng trắc ẩn của Chúa mình đối với loài người và dám chuyển cầu cho họ với một niềm tin tưởng bạo dạn”.

Chỉ với đức tin và đời sống cầu nguyện mới giúp Áp-ra-ham có được lòng quảng đại quả cảm và lòng nhân hậu vị tha như thế. Giống như các triết gia Hy Lạp sau này nhấn mạnh, mọi hành động tốt đều là kết quả của sự chiêm niệm trước đó.

Áp-ra-ham trước hết là một con người cầu nguyện, và chỉ nhờ đời sống cầu nguyện, ông mới có thể trở thành một con người nhân hậu và hiếu khách. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi thể hiện lòng hiếu khách, Áp-ra-ham thực sự đón tiếp chính Thiên Chúa vào nhà mình.

Trên hành trình cuộc đời sống gắn bó với Thiên Chúa và đắm mình trong cầu nguyện, Áp-ra-ham đã phải đối diện với thử thách mang tính nền tảng: Thiên Chúa, Đấng ông yêu mến và tin cậy, yêu cầu ông hiến tế chính con trai mình. Chắc chắn, chỉ với đời sống cầu nguyện mới giúp Áp-ra-ham có được ân sủng, sức mạnh và niềm tin vững mạnh để can đảm lên đường mang theo Isaac, đứa con yêu dấu của lời hứa để sát tế như mệnh lệnh của Thiên Chúa. Nhờ sự vâng phục này của Áp-ra-ham, nhân loại được nhìn thoáng qua về hy tế của Chúa Giêsu trên bàn thờ thập giá.

Chính đức tin của Áp-ra-ham, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, đã giúp ông có thể nhìn như Thiên Chúa nhìn. Áp-ra-ham có thể nhìn thấu những tình huống đầy kinh ngạc và tuyên bố niềm tin của mình vào sự quảng đại vô bờ của Thiên Chúa. Ông sẽ chẳng thể có được đức tin như vậy nếu không có mối tương quan sống động với Thiên Chúa qua cầu nguyện.

Lịch sử cứu độ vẫn tiếp tục, nhưng Sách Giáo Lý rõ ràng đặt các nhân vật Giacóp, Môsê, Đavít và Êlia theo bóng của Áp-ra-ham. Vị tổ phụ vĩ đại là mẫu mực và phép thử của lời cầu nguyện đích thực, một lời cầu nguyện giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, thay đổi cuộc sống, yêu thương và phục vụ người khác một cách quảng đại.

Sau lời chứng về Áp-ra-ham, Sách Giáo lý trình bày cho chúng ta về Giacóp, “tổ phụ của 12 chi tộc Israel” qua việc mô tả một cảnh trong cuộc đời Giacóp: “Trước khi đối đầu với anh trai Esau, Giacóp vật lộn suốt đêm với một nhân vật bí ẩn, người từ chối tiết lộ tên, nhưng lại chúc phúc cho Giacóp trước khi rời đi vào lúc bình minh”.

Trong cuộc trao đổi này, Giacóp được đổi tên thành Israel. Giacóp nhận ra mình đang vật lộn với Thiên Chúa và đặt tên cho nơi này là Peniel, có nghĩa là “khuôn mặt của Thiên Chúa”. Sách Giáo lý giải thích: “Truyền thống linh đạo của Hội Thánh đã xem trình thuật này là biểu tượng của việc cầu nguyện, xét như cuộc chiến đấu của đức tin và sự chiến thắng của lòng kiên trì”.

Thật vậy, Giacóp – giờ đây là Israel – đã chạm trán và giao chiến với Thiên Chúa hằng sống. Để đáp lại sự sẵn sàng chiến đấu của Giacóp, thay vì khiển trách, Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông. Giacóp tiếp tục trở thành chứng tá cho lời cầu nguyện của ông nội mình là Áp-ra-ham. Với Áp-ra-ham, cuộc đời của Giacóp cũng mang đến cho chúng ta những giáo huấn và sự khích lệ để tin tưởng vào Thiên Chúa và kiên trì cầu nguyện.

Trong cuộc sống, liệu chúng ta có tìm kiếm để đến gần Thiên Chúa và trông cậy vào sự quan phòng của Ngài chăng? Liệu chúng ta có muốn nhìn thấy như Áp-ra-ham đã thấy và vật lộn với Thiên Chúa như Giacóp đã làm không?

Lời mời gọi sống đời cầu nguyện là một thách đố. Chúng ta phải sẵn sàng đối diện với nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của bản thân, đồng thời tin cậy vào Thiên Chúa đủ để lắng nghe Ngài và thực thi bất cứ điều gì Ngài muốn chúng ta làm. Chúng ta phải chết đi cho chính mình để có thể sống trong sự bình an của Thiên Chúa. Là hậu duệ thiêng liêng của Áp-ra-ham, chúng ta được mời bước đi với ông, cầu nguyện như ông đã cầu nguyện, và sống như ông đã sống.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: cruxnow.com (05. 11. 2023)