$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»

CỘNG ĐOÀN ĐA MINH: SỐNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 877 | Cật nhập lần cuối: 3/29/2018 9:27:27 AM | RSS

CỘNG ĐOÀN ĐA MINH

SỐNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

CỘNG ĐOÀN ĐA MINH:  SỐNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓTCha Thánh Đa Minh khi thành lập Dòng, Ngài đã chọn Tu luật thánh Augutinh như nền tảng tinh thần cho đời sống cộng đoàn Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Đây là cộng đoàn được xây dựng theo mẫu cộng đoàn các tông đồ tiên khởi: cộng đoàn sống nên một trong Chúa để hướng đến sứ vụ loan giảng Tin Mừng. Yếu tố này có thể nói là điểm son trong đời sống cộng đoàn Đa Minh. Nó hiện tại hóa cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu, cộng đoàn của Đấng là Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha và luôn sống tình yêu hiệp nhất nên một với Chúa Cha. Để qua cộng đoàn này, Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ và Dung Mạo Lòng Thương Xót vẫn sống và đang thực hiện sứ mạng bằng tình yêu cứu độ.

Như vậy việc sống cộng đoàn để loan giảng Tin Mừng của người tu sĩ Đa Minh có gì đó như gắn liền với việc sống tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong ước nguyện muốn trở nên những hậu duệ luôn tiếp bước cha anh và hằng mong nối dài sự sống thánh của Dòng trong cuộc sống hôm nay, thiết tưởng chúng ta cũng nên suy nghĩ về việc sống và thực hành tình yêu và lòng thương xót Chúa trong cộng đoàn những người Đa Minh mang sứ vụ loan giảng Tin Mừng.

1. Nên một là tương quan tình yêu: hiến trao tất cả và lãnh nhận tất cả

a. Nên một nơi Thiên Chúa

Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa nên một: Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Mẹ Giáo Hội qua Giáo lý Công Giáo đã cho chúng ta sự nhận thức về tương quan nên một nơi Thiên Chúa: Cha quy chiếu về Con, và Con quy chiếu về Cha, Thánh Thần thì quy chiếu về cả Cha và Con. Do tính duy nhất này, Cha là tất cả nơi Con, tất cả nơi Thánh Thần; Con là tất cả nơi Cha, tất cả nơi Thánh Thần; Thánh Thần là tất cả nơi Cha, tất cả nơi Con (x.GLCG 255). Dựa trên giáo lý này cùng với mặc khải Kinh Thánh : Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,16). Chúng ta có thể nói: huyền nhiệm nên một nơi Thiên Chúa cũng chính là sự sống, là tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: hiến trao tất cả và lãnh nhận tất cả.

Huyền nhiệm nên một, tương quan tình yêu nơi Thiên Chúa đã được biểu lộ thành lời, thành xác thể, thành đời sống con người trong trần gian qua Đức Giêsu Kitô:

-Hiến trao tất cả: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một, để thế gian nhờ Con của Người mà được sống và được cứu độ (x.Ga 3,16-17).

-Lãnh nhận tất cả: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.”(Pl 2,6-7).

Việc biểu lộ này đã cho tâm trí phàm nhân hèn yếu của loài người chúng ta cơ may được nhận biết huyền nhiệm nên một ở nơi Thiên Chúa; đồng thời cũng mời gọi con người chúng ta sống nên một trong Thiên Chúa.

b.Nên một là sự sống nơi Thiên Chúa nhưng là thách đố cho con người

Nên một là hiến trao tất cả và lãnh nhận tất cả, là tương quan tình yêu, là sự sống ở nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và là sự thiện hảo; nhưng, nên một lại là sự thách đố cho con người đầy giới hạn và yếu đuối.

Thực vậy, là giống dòng Ađam–Eva, mỗi người chúng ta đều lưu giữ trong mình dòng máu Nguyên tội. Việc nên một, sống tương quan tình yêu: hiến trao tất cả và lãnh nhận tất cả; là một giá trị vượt quá sức người tội lụy của chúng ta. Chúng ta đã mất khả năng để sống như Thiên Chúa và nên một với Ngài ngay từ buổi đầu tạo dựng, khi Nguyên Tổ của chúng ta sa ngã nơi Vườn Địa Đàng (x.St 3,1-24)! Chúng ta thực sự bất lực trong việc sống hiệp thông yêu thương nên một với anh chị em đồng loại. Kinh Thánh đã cho thấy, tự sức mình, hậu duệ Ađam–Eva chỉ làm nên những cộng đoàn tranh giành quyền lợi, thù ghét giết hại nhau, phá vỡ tình hiệp thông huynh đệ: cộng đoàn Cain và Abel (x.St 4,1-8), cộng đoàn Giacop và Esau (x.St 27,1-46), cộng đoàn Giuse và các anh em ông (x.St 37,1-36), cộng đoàn các tông đồ khi chưa lãnh nhận Thần Khí Đấng Phục Sinh (x.Mt 20, 20-28)...!

c.Nên một trong Thiên Chúa là ân ban bởi trời để con người sống như Thiên Chúa

Halleluia! Thiên Chúa qua Đức Giêsu Khổ Nạn và Phục Sinh đã ban cho loài người chúng ta một sự sống mới: sự sống trong Thiên Chúa. Ngài đã thay tà khí Ađam - Eva nơi con người thành Thần Khí Thánh của Thiên Chúa, cho họ có thể “nên như” Thiên Chúa : Đấng Phục sinh đã thổi hơi vào các tông đồ và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (x.Ga 20,22-23).

Nhờ Đức Giêsu, sự sống yêu thương, nên một của Thiên Chúa đã chuyển lưu trong chúng ta, giúp chúng ta sống những thực tại của đời sống người phàm với trái tim, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.

Tình yêu trao hiến để nên một với loài người của Con Thiên Chúa Làm Người đã phá hủy mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa với con người (x.Rm 4,25) và giữa con người với nhau (x.1Cr 12,4-13). Tình yêu trao hiến nên một của Thiên Chúa là ân huệ tái sinh Thiên Chúa ban cho con người. Điều mà trước kia là thách đố, là không thể đối với sức người; nay trở thành khả thi cho con người mang sức sống của Thiên Chúa.

Vâng, đã có một hiện hữu mới, một sức sống mới trong trần gian: sự sống Chúa nơi con người và sự sống con người có Thiên Chúa. Và quả thực, đã có những con người sống nên một trong Thiên Chúa và nên một với nhau; đã có mái ấm, gia đình của Thiên Chúa Tình yêu hiện diện trong trần gian. Đó là cộng đoàn các tín hữu tiên khởi, cũng là cộng đoàn Giáo Hội sơ khai, là cộng đoàn của các thánh tông đồ: các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý, không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng Thiên Chúa ban, các Tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho các ông dồi dào ân sủng (x.Cv 4,32-33). Và, trải qua hơn hai ngàn năm đời sống cộng đoàn thời Giáo Hội sơ khai vẫn còn được duy trì nơi các cộng đoàn tu trì, trong đó có cộng đoàn tu trì Đa Minh: cộng đoàn nên một trong Thiên Chúa để hướng đến việc loan giảng Tin Mừng.

2. Sống nên một trong Thiên Chúa và hướng đến sứ vụ loan giảng Tin Mừng của đời tu Đa Minh là sống tình yêu và lòng thương xót

a. Cộng đoàn Đa Minh: cộng đoàn nên một trong Thiên Chúa và hướng đến sứ vụ loan giảng Tin Mừng

Được xây dựng theo mẫu cộng đoàn các Thánh Tông đồ, cộng đoàn Đa Minh là cộng đoàn CỘNG ĐOÀN ĐA MINH:  SỐNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓTnên một trong Thiên Chúa và hướng đến sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các bản văn Hiến pháp của chúng ta đã diễn tả ý nghĩa đồng thời xác định việc sống lối sống này như là một yêu cầu cần thiết mà mọi tu sĩ, mọi cộng đoàn Đa Minh phải sống và duy trì:

- Hiến Pháp Anh Em Dòng Giảng Thuyết: “Như trong Hội Thánh của các tông đồ, sự hiệp thông giữa chúng ta phải được đặt nền, xây dựng, củng cố trong cùng một Thánh Thần, trong Người chúng ta đón nhận Ngôi Lời bởi Thiên Chúa Cha bằng một đức tin, chúng ta chiêm ngưỡng bằng một tâm hồn và chúng ta ca tụng bằng một miệng lưỡi, trong Người chúng ta trở nên một thân thể vì thông phần cùng một Bánh; sau hết, trong Người, chúng ta để mọi sự làm của chung và được cắt cử vào cùng một công việc loan báo Tin Mừng(HPAE 3)

- Hiến Pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam: “chúng ta được mời gọi qui tụ thành một gia đình thực sự nhân danh Chúa, chia sẻ cùng một đặc sủng, được cảm hứng nhờ đức ái, được củng cố bởi sự hiện diện của Thiên Chúa...cam kết để mọi sự làm của chung, hầu phục vụ nhau và xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô” (HPCE 31)

b. Nên một trong Thiên Chúa và hướng đến sứ vụ loan giảng Tin Mừng nơi cộng đoàn Đa Minh là hành trình sống tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

-Ơn gọi Đa Minh: ân ban của tình yêu và lòng thương xót

Là cộng đoàn sống theo mẫu cộng đoàn các tông đồ, nên, như các tín hữu tiên khởi và như các thánh tông đồ xưa, người tu sĩ Đa Minh ý thức việc mình được quy tụ và sống ơn gọi loan giảng Tin Mừng là do lòng thương xót và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã nên một với con người. Thật vậy, trước khi cất lời tuyên khấn, cam kết sống đời Giảng Thuyết Đa Minh, người tu sĩ chúng ta đã chẳng nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa và anh chị em mình đó sao? Sống và đón nhận tình yêu và lòng thương xót là một trải nghiệm và việc thực hành kéo dài suốt hành trình dâng hiến Đa Minh của chúng ta, những người được mời gọi để sống và loan giảng Tin Mừng Cứu độ. Quả thực, chúng ta hoàn toàn bất xứng trong ơn gọi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được kể vào số những người thuộc về Chúa, nếu Thiên Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng xót thương. Nhờ tình yêu và lòng thương xót Chúa mà chúng ta được chọn gọi và được tín nhiệm trao ban sứ vụ loan giảng Tin mừng. Chúng ta cần một đời để đáp trả ân ban “là tu sĩ Đa Minh nhờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa”.

-Nên một trong Thiên Chúa và hướng đến sứ vụ loan giảng Tin mừng là hành trình sống tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

Vì được gọi sống theo mẫu cộng đoàn Giáo Hội sơ khai: tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung, họ đông đảo nhưng chỉ một lòng một ý, họ được toàn dân thương mến và cộng đoàn mỗi ngày lại có thêm nhưng người được cứu độ (x.Cv 2,44.47; 4,32); nên người tu sĩ Đa Minh luôn sống trong ý thức:

+Việc nên một không chỉ là để chung của cải vật chất mà là trọn vẹn con người: chúng ta trao cho nhau tất cả những gì chúng ta có và chúng ta đón nhận từ chị em tất cả những gì chị em có. Điều này có nghĩa là chúng ta có chung nhau một cuộc đời: chung chia nhau cả tuổi già và sức trẻ, chung chia nhau cả ưu điểm lẫn nhược điểm, chung chia nhau cả tội lụy và nhân đức, chung chia nhau cả thành công lẫn thất bại, chung chia nhau cả niềm đau và hạnh phúc, chung chia nhau cả hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Nên một để có chung một cuộc đời, đòi người tu sĩ Đa Minh phải có đầy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trống vắng tình yêu và lòng thương xót Chúa trong cuộc sống thì việc cùng làm nên một cuộc đời chỉ là chuyện không tưởng, nếu không muốn nói là nỗi khổ đau nguy hại cho cuộc sống của chúng ta bây giờ và mai sau.

+Việc nên một không theo cách thức trần gian nhưng là trong Thiên Chúa. Vâng, việc nên một của chúng ta không dựa trên những suy tính trần gian, cảm tính con người mà là trong Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa và chỉ khi sống tình yêu và lòng thương xót Chúa, chúng ta mới vượt qua tất cả để làm nên một sự sống hiệp nhất trong đa dạng. Để trong cộng đoàn chỉ có một sức sống, không phải của riêng chị hay riêng tôi. Trái lại nơi mỗi cá vị riêng của mỗi người là có sự tháp nhập cái khác của chị em để làm nên cái “chúng ta” duy nhất và hoàn thiện. Chúng ta liên kết với nhau, chúng ta “thương” nhau và chúng ta “xót” nhau. Sự tháp nhập này là sự hiến trao trọn vẹn và nhận lãnh trọn vẹn; và cũng là hành vi của tình yêu và lòng thương xót.

+Nên một trong Thiên Chúa và nên một với anh chị em đồng loại, khiến người tu sĩ Đa Minh không thể không mang trong lòng nỗi khát mong thực hiện sứ vụ cứu độ mà không ngại hiến thân hy sinh như Đức Giêsu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng cháy lên. Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50). Nỗi khắc khoải này chỉ xuất phát từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa và đem lại hiệu quả cứu độ nơi tâm hồn và cuộc sống của những người đã nên một với Thiên Chúa.Thật vậy, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa chính là lửa, là sức mạnh, nung nóng và thúc bách người tu sĩ Đa Minh dấn thân phục vụ việc loan giảng Tin Mừng Cứu độ.

***

Xin tạ ơn Chúa vì tất cả những ân huệ Chúa đã ban cho chúng con bởi tình yêu và lòng thương xót Chúa, đặc biệt ân huệ “là tu sĩ Đa Minh”.

Xin giúp chúng con biết làm cho Dung Mạo của Thiên Chúa Tình Yêu và Giàu Lòng Xót Thương luôn tỏa sáng trong cuộc đời mỗi người và nơi cộng đoàn Dâng Hiến Đa Minh của chúng con, để mỗi người và cộng đoàn chúng con trở nên lời loan giảng Tin Mừng cho con người và thế giới hôm nay.

Nt. Maria Nguyễn Thị Túy Phượng- Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm