$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»

CHIỀU KÍCH SIÊU VIỆT TRONG ƠN GỌI THÁNH HIẾN

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4948 | Cật nhập lần cuối: 4/5/2018 7:30:49 PM | RSS

Làm người là tự hướng về siêu việt,” Karl Rahner.

Con người không bao giờ ngưng làm người, vì thế con người không bao giờ ngưng hướng về siêu việt. Hay nói cách khác, tự bản chất, con người dù thuộc bất cứ tôn giáo hay giáo phái nào đều mang một nhãn giới hướng về Thượng Đế, biểu lộ một khát vọng thẳm sâu hướng về một Đấng Khác. Từ đó, con người tiến tới việc đáp trả trong cuộc sống. Nhưng cách thức đáp trả ước vọng sâu xa và siêu việt này lại tuỳ thuộc mỗi hữu thể hiện sinh, tuỳ thuộc sự lựa chọn căn bản của mỗi người.[1]

Theo nghiên cứu của Lm. Rulla và các cộng sự viên đã đưa ra một lý thuyết về khuynh hướng “tự hướng về siêu việt cách nhất quán,” là một phương pháp giải thích phong phú và bao hàm nhất cho việc nghiên cứu ơn gọi thánh hiến.[2]

Trong viễn tượng đó, ơn gọi thánh hiến được nghiên cứu trong chiều kích siêu việt như một phương cách đào sâu vào bản chất con người và tìm hiểu ngọn nguồn của ơn gọi thánh hiến.

  1. Ơn Gọi Thánh Hiến, Khởi Đi Từ Sáng Kiến Của Thiên Chúa

Đức Phaolô VI khi nói về ơn gọi thánh hiến đã cho thấy đó là “mầu nhiệm đức tin cao cả” và được xuất phát từ Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II cũng minh nhiên xác định: ý nghĩa ơn gọi thánh hiến là một sáng kiến hoàn toàn khởi phát từ Chúa Cha, chính Ngài kêu gọi và lôi kéo họ về với Ngài (Yn 15, 16).[3]

1.1. Thiên Chúa Gọi và Chọn

Theo thánh Phaolô, khi Thiên Chúa gọi là Ngài đã chọn (Rm 9, 11). Sự lựa chọn này tuyệt đối siêu việt và “không phẩm chất nhân loại nào, dù xuất chúng, cũng không tạo nên quyền lực để được ơn gọi.[4] Do đó, ơn gọi thánh hiến không phải là chuyện thuộc sự quảng đại của cá nhân, mà trước tiên được khởi đi từ sáng kiến của Đấng Siêu Việt.[5] Một sự lựa chọn vô điều kiện của Thiên Chúa và không thể lý giải bằng suy luận của con người.

Trong trình thuật về ơn gọi của các tông đồ, các Thánh sử Tin mừng cũng cho thấy, Đức Giêsu chọn các tông đồ chỉ vì lý do duy nhất là “Ngài muốn” (Mc 3, 13), nghĩa là trong lời mời gọi đó tiềm ẩn một tương quan tình yêu mà Thiên Chúa-qua Đức Giêsu-dành cho họ, khiến họ sẵn sàng “từ bỏ mọi sự” để theo Ngài (Mt 4, 18-22; Mc 1, 16-20; Lc 5, 1-11). Chính khi từ bỏ mọi sự, họ được trở nên một con người mới, được “tạo một nhân cách mới.” Theo Đức Giêsu, họ được biến đổi và một vận mệnh rộng lớn hơn mở ra trước mắt họ, đòi hỏi họ cống hiến tất cả sức lực để phục vụ cho Vương quốc của Ngài.[6]

Làm sao lý giải được cho việc: tại sao Chúa chọn người này mà không chọn người kia? Tại sao chỉ có một số người được chọn mà không là tất cả? - Con người sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời thoả đáng, nếu không quy hướng về chính Chúa, về chính tình yêu nhưng không của Ngài dành cho người được thánh hiến. Vì thế, người sống ơn gọi thánh hiến phải được tự do để đáp trả tình yêu một cách sáng suốt,[7] dứt khoát, và quyết liệt.

Quả thực, đây là một giá trị vô song và tuyệt đối của ơn gọi thánh hiến. Thiên Chúa không thất tín bao giờ, Ngài ban dồi dào sức mạnh Ân sủng để họ thi hành sứ mạng được trao phó.

1.2. Thiên Chúa Trao Sứ Mạng

Thiên Chúa gọi ai thì Ngài cũng trao cho người đó sứ mạng. Khi thi hành sứ mạng này, họ sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách, do đó phải vững tin, kiên trì mới có thể hoàn thành. Như Abraham ra đi theo tiếng gọi của Chúa, một hành trình với bao sóng gió, một niềm tin đến vô vọng nhưng ông tin vào Lời Chúa, ông trở thành người công chính (Ga 3, 6). Ông đã sống trọn vẹn ơn gọi làm Tổ phụ một dân riêng của Chúa giữa những dân tộc đa than.[8]

Với Môsê cũng trải qua một kinh nghiệm như vậy: ông được Thiên Chúa tỏ cho biết Danh Ngài và trao cho ông sứ mạng dẫn đưa dân Israel ra khỏi Aicập (Xh 3, 6.10). Sứ mạng quá lớn so với khả năng của ông, nhưng khi ông tin và vâng phục, Thiên Chúa đã thực hiện biết bao công trình lớn lao qua con người của ông.

Lần giở những trang Kinh Thánh tiếp theo, ơn gọi của các ngôn sứ cũng đi trong chiều hướng này. Thiên Chúa gọi các ông, đồng thời Ngài cũng trao cho các ông sứ mạng tuỳ theo tính cách, hoàn cảnh, ân điển riêng và tuỳ theo nhu cầu của xã hội bấy giờ (1S 3, 10-11; Ys 6, 8tt; Yr 1, 4tt).

Còn trong Tân Ước, ta gặp được một mẫu gương niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của Đức Maria. Thiên Chúa chọn Đức Maria và qua lời xin vâng với sứ thần của Đức Maria, Thiên Chúa đã trao sứ mạng sinh ra Đấng Cứu Thế (Lc 1, 26tt).

Các tông đồ được gọi để “ở với Ngài” và để “Ngài sai đi rao giảng” (Mc 3, 14). Thánh Phaolô cũng được “tách riêng ra” để làm tông đồ dân ngoại (Ga 1, 11tt), va tương tự với những ơn gọi khac.

Nhìn vào đặc sủng của các dòng trong Giáo Hội, nguyên lý phát sinh là chính Thiên Chúa ban cho Giáo Hội để đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và xã hội. Các đấng sáng lập đã nhận ra sứ mạng Thiên Chúa gửi đến qua hứng khởi lập dòng. Như thánh Đaminh, với sứ mạng “thuyết giáo” qua việc học hỏi và truy tìm Chân lý qua đời sống “chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân đều chiêm niệm;[9] thánh Phanxicô Assisi với kinh nghiệm về Đức Giêsu chịu khổ nạn trong khó nghèo, dẫn ngài tới việc chọn sống một đời khó nghèo; thánh Ignatio Loyola được kêu gọi với nhận thức “Thiên Chúa phải được gặp thấy trong mọi sự;[10] còn với thánh Vinhsơn Phaolô được kêu gọi để sống đức ái của Đức Giêsu trong việc chăm lo cho trẻ em nghèo; Charles de Foucould được mời gọi sống nghèo bằng cách chung gánh thân phận với những người nghèo khổ nhất.[11]

Quả thực, khi Thiên Chúa kêu gọi ai đồng thời Ngài can thiệp vào lịch sử của người ấy, trong tình trạng thực tế của người ấy. Tiếng gọi của Thiên Chúa được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhưng dù thế nào, ơn gọi luôn là hành vi tuyển chọn được thúc đẩy bằng tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành riêng cho từng người. Ơn gọi và sự tuyển chọn của Thiên Chúa được thể hiện bằng việc thánh hiến, nghĩa là Thiên Chúa tách người được tuyển chọn ra khỏi phạm vi sinh hoạt thông thường để dành riêng cho Ngài và cho việc phụng sự Ngài. Ơn gọi, sự tuyển chọn, và thánh hiến đưa tới việc Thiên Chúa sai người đó đi chu toàn một sứ mạng trong Giáo Hội và trong thế giới.[12]

Một mặt, ơn gọi thánh hiến được bắt nguồn từ Thiên Chúa; mặt khác, ơn gọi thánh hiến là cách thể hiện khát vọng tự thân là “hướng về siêu việt” của chủ thể.

  1. Ơn Gọi Thánh Hiến, Như Là Thể Hiện Khuynh Hướng “Tự Hướng Về Siêu Việt”

Theo nhà thần học K. Rahner, bao lâu còn sống là bấy lâu con người vẫn không ngừng hướng về siêu việt. Chiều kích siêu việt gắn với mỗi người, nó được sống và thể hiện trong mọi chiều kích của đời sống con người. Con người có thể hoà nhịp với Đấng Siêu Việt bằng chính nội tại và lý trí của mình.[13] Một cách cụ thể trong ơn gọi thánh hiến đó là:

2.1. Một Khát Vọng Trong Tiến Trình Trở Nên “Đồng Hình Đồng Dạng” Với Đức Kitô

Qua bao thế hệ, người Kitô hữu, đặc biệt người sống ơn gọi thánh hiến đã chiêm CHIỀU KÍCH SIÊU VIỆT TRONG ƠN GỌI THÁNH HIẾNngắm Đức Giêsu như là nguyên mẫu cho đời sống tâm linh. Tác giả Phan Tấn Thành giải thích rõ hơn nguyên nhân và động lực sâu xa đó là: vì họ muốn “mặc lấy những tâm tình của Người” (Ph 2, 5); muốn “bắt chước Người” (1C 11, 1); muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Người” (Ph 3, 10; Rm 8, 28).[14] Một cách chung, Mary Milligan - nhà thần học chuyên về Linh đạo Kitô giáo - nói: đó là khát vọng muốn ngày càng “được chuyển hoá để nên giống Đức Kitô.”[15]

Chính khát vọng này khiến họ đi tìm lối diễn tả những kinh nghiệm trong đời sống của họ. Từ kinh nghiệm của những văn sĩ thần bí như Têrêsa Avila, Gioan Thánh giá, Ignatio Loyola, hoặc Julian Norwich đến kinh nghiệm của những người thuộc trường phái linh đạo giải phóng ở Châu Mỹ Latinh, đã minh chứng việc họ sống không còn là chính họ sống, mà là Đức Kitô sống trong họ (Ga 2, 20). Đây là một nghịch lý đánh dấu sự lớn lên trong Thánh Thần và là một phần trong toàn bộ quá trình trưởng thành nhân cách Kitô giáo.[16]

2.2. Nỗ Lực Từ Con Người và Ân Sủng Của Thánh Thần

Trong khát vọng gặp gỡ và tìm kiếm hướng về siêu việt, người sống ơn gọi thánh hiến phải dùng hết nỗ lực bản thân, song việc đó còn cần yếu tố Ân sủng. Nghĩa là, họ không thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu không được Thánh Thần soi dẫn.[17] Bởi Thánh Thần không ngừng thánh hoá, không ngừng tái sinh và dẫn đưa họ tới mức triển nở vẹn toàn trong Đức Kitô,[18] một kinh nghiệm về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, Ngài tự biểu lộ tình yêu tuyệt đối và siêu việt đồng thời đòi hỏi một sự đáp trả của con người.[19]

Theo Rulla: “Dù ân sủng có sức mạnh vô hạn, nhưng Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người và Ngài thường không giải thoát sự giới hạn của bản tính tự nhiên cách ngoại thường.[20] Vì thế, họ luôn cố gắng dùng một số phương tiện để thể hiện lời đáp trả của mình trong cuộc sống. Chẳng hạn như việc cầu nguyện bằng Kinh Thánh, nhờ đó họ có thể lắng nghe những lời bộc lộ tình yêu của Thiên Chúa,[21] có thể cảm nghiệm một sự lệ thuộc tận cùng với Thiên Chúa và bộc lộ niềm tin mãnh liệt vào một Thiên Chúa có thật, một Thiên Chúa đang có mặt trong cuộc sống hiện tại, đồng thời khám phá sứ điệp Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại.[22]

Cũng vậy, việc tìm đến linh hướng cũng là biểu hiện của một ý thức muốn đáp trả lời mời gọi nên hoàn hảo trong ơn gọi của mình và có thể đạt được mối quan hệ đích thực với Thiên Chúa.[23]

Bên cạnh đó, còn có hình thức chay tịnh, một nỗ lực của con người nhằm cởi mở đón nhận Ân sủng Thiên Chúa.[24] Họ phải trở thành con người đích thực, đồng thời họ phải “từ bỏ” triệt để bản ngã (Lc 9, 23).[25] Họ vừa là mình vừa không còn là mình, vừa rất tự do vừa rất gắn bó với các trách nhiệm về những gì liên quan đến Đấng Siêu Việt họ đang vươn tới.[26] Một cách sâu xa, chay tịnh cho họ một kinh nghiệm và diễn tả khát vọng thâm sâu của con người đối với Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt: “Như nai rừng khát mong nguồn nước trong, linh hồn con cũng khát mong Ngài, lạy Chúa.” (Tv 42, 1).[27]

Với Ân sủng của Thánh Thần và nỗ lực của bản thân, người sống ơn gọi thánh hiến muốn diễn tả trong đời sống của mình khuynh hướng tự thân là “hướng về siêu việt” qua sự chọn lựa thực hiện một số giá trị được chủ thể đón nhận.

  1. Ơn Gọi Thánh Hiến, Một Sự Dấn Thân Để Thực Hiện Các Giá Trị

Ơn gọi thánh hiến, một hành trình xây dựng nhân cách hoàn hảo và tiến triển dần dần với những giá trị mà người sống ơn gọi thánh hiến đoan hứa thực hiện như là “cái làm nên hữu thể của họ.”[28] Do vậy, họ được thúc đẩy dấn thân để thực hiện các giá trị: tối hậu và dụng cụ.

3.1. Giá Trị Tối Hậu

3.1.1. Khao Khát Kết Hợp Với Đấng Siêu Việt

Đây là lý tưởng đặc biệt mà người sống ơn gọi thánh hiến được ơn để nhận ra như bước đầu trong tiến trình hoàn thành nhân cách: họ chấp nhận giá trị của ơn gọi như là lẽ sống của mình.[29]

Tuỳ theo ơn gọi mỗi người mà Thánh Thần đã làm trổ sinh biết bao hoa trái qua các hình thức tu trì trong Giáo hội. Chẳng hạn đời sống đan tu, các dòng sống đời chiêm niệm, đời sống tu trì tông đồ, các tu hội đời, các tu đoàn tông đồ, tất cả đều làm chứng cho việc họ muốn kết hợp và dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa.[30]

Tuy nhiên, thuyết “tự hướng về siêu việt” cũng cho thấy: việc chọn lựa thực hiện các giá trị, thay vì các giá trị này như là “những động cơ thúc đẩy bởi tình yêu dâng hiến hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa…và biểu lộ một sự đáp trả tự do,…một sự chọn lựa dấn thân ưu tiên cho Nước Trời,”[31] thì có thể chỉ là cách tìm thực hiện những nhu cầu vô thức của bản thân mà nó được che giấu và tìm kiếm bù trừ trong ơn gọi thánh hiến.[32]

Đây là một vấn đề rất phức tạp, vì thế, người sống ơn gọi thánh hiến cần phải chiến đấu, cầu nguyện không ngừng, và tự xét để biết những nhu cầu trong tiềm thức có hài hoà hay đối nghịch với giá trị tôn giáo mà cá nhân nhìn nhận hay không?

Nếu thực là có sự hài hoà giữa nhu cầu vô thức và các giá trị tôn giáo thì đó là Ân huệ đặc biệt của Thánh Thần. Từ đó đưa đến một thái độ đáp trả và cụ thể hơn khi bước theo Đức Kitô.

3.1.2. Bước Theo Đức Kitô

Bước theo Đức Kitô là một trong những lý tưởng mà người sống ơn gọi thánh hiến muốn thực hiện trong nếp sống của mình. Nhưng đây là một nếp sống quyết liệt, như tác giả Nguyễn Thái Hợp cho thấy:

Bước theo Đức Kitô, nhằm thực hiện khát vọng giải thoát trọn vẹn,…khám phá ý nghĩa CHIỀU KÍCH SIÊU VIỆT TRONG ƠN GỌI THÁNH HIẾNsâu thẳm của hiện hữu, cố gắng vươn tới chiều kích siêu việt,…kết hợp với Đấng Siêu Việt hay hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa.[33]

Và tác giả nhấn mạnh thêm:

Bước theo Đức Kitô, điểm cốt yếu là thái độ can đảm đáp lại lời mời gọi của Ngài…cũng phải sẵn sàng chấp nhận “chén đắng,” cộng tác với Ngài trong sứ mạng rao giảng Nước Trời và cương quyết tiếp nối con đường Ngài đã khai mơ.[34]

Bước theo Đức Kitô, người sống ơn gọi thánh hiến muốn hoạ lại sứ mạng của Đức Kitô trong trần gian là: chọn lựa biểu tỏ một tình yêu đạt đến tuyệt hảo dành cho con người và họ muốn tuyên xưng Ngài là nguồn mạch mọi sung mãn và mọi hạnh phúc của con người, va của thế giới.[35] Ngài là con đường đưa con người vào Nước Trời. Vì thế, muốn được vào Nước Trời, họ được mời gọi “bước theo Ngài.” Nhưng họ không bao giờ đạt được mục tiêu ngay trên đời này mà luôn hướng về phía trước, luôn bước tới và không ngừng khát khao điều hoàn hảo của Đức Kitô (Ph 3, 2).[36]

Bước theo Đức Kitô, ngưới sống ơn gọi thánh hiến khai triển một cách tốt đẹp tất cả khả năng yêu thương, sử dụng tự do, và việc sở hữu tài sản để trở thành những năng động phục vụ Nước Trời[37] bằng việc sử dụng một phương tiện hữu hiệu, đó là con đường ba lời khuyên Phúc Âm.[38]

3.2. Giá Trị Dụng Cụ

Người sống ơn gọi thánh hiến thực hiện các giá trị dụng cụ gồm có: lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, va vâng phục như là phương tiện để đạt được mục tiêu của các giá trị tối hậu.

Nhờ ân ban của Thánh Thần, họ sống tương quan tốt với vũ trụ trong việc từ bỏ ý muốn chiếm đoạt, khó nghèo; với tha nhân trong việc xây dựng một tình yêu dựa trên tình yêu Thiên Chúa, khiết tịnh; và với bản thân trong việc tận hiến tự do cá nhân, sống vâng phục và thi hành Thánh ý Cha, vâng phục.[39] Việc thực hiện ba lời khuyên Phúc Âm của người sống ơn gọi thánh hiến chính là bổn phận cho thấy Con Thiên Chúa làm người là đích điểm cánh chung của hết mọi sự và sâu xa hơn, là để sống và diễn tả bằng việc biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, bằng việc gắn bó triệt để để theo đoàn sủng họ đón nhận.[40]

Trong sứ điệp về Đời sống Tu sĩ, tháng 10/1994, của Hội đồng Giám mục, cũng xác định giá trị của ba lời khuyên Phúc âm khi nói:

Bằng đời sống khiết tịnh, người tu sĩ được sống trong tinh thần của tình yêu vô vị lợi và Đức Kitô, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự, là Tân Lang vĩnh cửu của Giáo hội, là cứu cánh và ý nghĩa cho tất cả lòng trìu mến và tình yêu chân thật.

Bằng việc tự do chọn lựa đời sống khó nghèo, người tu sĩ không chỉ minh chứng bằng tình yêu đối với người nghèo và người vô sản, mà còn công bố cho tất cả mọi người siêu việt tính tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng là gia nghiệp duy nhất.

Bằng đời sống vâng phục, người tu sĩ hoàn toàn thuộc về Đức Kitô và cống hiến trọn cuộc đời cho việc xây dựng triều đại Thiên Chúa. [41]

Cuộc chọn lựa thực hiện giá trị này là một nghịch lý, họ chấp nhận lối sống nghịch lý của Tin mừng. Nghịch lý vì việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm là căn bản của ơn gọi thánh hiến, nhưng lại đụng chạm đến những khuynh hướng thẳm sâu nhất của con người: muốn sở hữu tự do, tình yêu, và của cải nhằm phục vụ cho hạnh phúc cá nhân.[42]

Muốn sống được những giá trị này, đòi hỏi người sống ơn gọi thánh hiến phải hoán cải hằng ngày, phải chiến đấu không ngừng, phải chọn lựa thăng tiến liên tục, và vươn lên mãi, để tuy sống “trong xác thịt” nhưng lại vượt “trên xác thịt,” sống “trong thế gian” nhưng lại vượt “trên thế gian.”[43]

Tuy nhiên, cũng cần xác định lại một điều căn bản trong tiến trình sống ơn gọi thánh hiến: chỉ nỗ lực của con người để thực hiện các giá trị, như đã chọn, thì có nguy cơ phải đối diện với cuộc khủng hoảng đang tiềm ẩn. Do đó, điều trước hết và trên hết là họ cần cậy trông vào ơn Chúa, bởi “Ân sủng còn kỳ diệu hơn!” (André Lourf). Nhờ đó, họ có thể tiến tới biểu lộ một cung cách sống ơn gọi thánh hiến thực sự.

  1. Ơn Gọi Thánh Hiến, Biểu Lộ Cung Cách Sống

4.1. Tự Do Trong Từ Bỏ

Tự do là yếu tố chính quyết định cho việc lựa chọn đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, bởi ơn gọi thực sự là cuộc gặp gỡ của hai tự do: tự do Thiên Chúa mời gọi và tự do con người để thực hiện đáp trả liên tục trong suốt hành trình sống.[44] Vì con người có tự do nên có khả năng lựa chọn một cách có trách nhiệm, càng biết từ bỏ con người càng được tự do trong lựa chọn sống ơn gọi.[45]

Chẳng hạn, do nhận thức được giá trị của việc “bước theo Đức Kitô” là trên hết, nên người sống ơn gọi thánh hiến dám từ bỏ, dám hy sinh thiên chức làm cha hay làm mẹ theo bản năng để sẵn sàng tiếp nhận điều kiện sống độc thân “vì Nước Trời” và dùng năng lực của tình yêu để xây đắp một thế giới tốt đẹp, đồng thời làm cho Nước Trời thành hiện thực bằng việc hiến trọn cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.[46]

Cũng vậy, với tự do, người sống ơn gọi thánh hiến muốn đáp lời mời gọi sống nghèo của Đức Kitô bằng việc tự nguyện tuyên khấn khó nghèo như dấu chỉ rạng ngời của việc bước theo Đức Kitô, để thực thi đức nghèo một cách hoàn hảo[47] và ý thức là để chia sẻ với người nghèo, lãnh nhận mọi sự từ nơi Thiên Chúa với một thái độ sống phó thác, tin tưởng vào Thiên Chúa, như Đức Kitô đã sống nghèo vì tình yêu và lãnh nhận mọi sự từ nơi Chúa Cha.[48]

Còn tự do trong vâng phục, một điều xem ra có vẻ mâu thuẫn, lại được người sống ơn gọi thánh hiến công khai tuyên khấn để phục vụ nhân loại cách hữu hiệu. Sống vâng phục là ý thức mình đang nối dài sự hiện diện và sứ mạng của Đức Kitô giữa trần gian, là được tự do chọn lựa hy sinh, chọn lựa yêu mến và chọn lựa sống nghèo như một phương thế tìm thực thi ý muốn của Thiên Chúa Cha.[49]

Thiên Chúa không bao giờ rút lại lời mời gọi, nhưng Ngài cũng không ép buộc, Ngài luôn trân trọng sâu xa tự do của con người.[50] Nhờ đó, cho người sống ơn gọi thánh hiến khả năng và sức mạnh nhận ra bản chất của sự vật, cho họ khả năng về tự do trong tinh thần từ bỏ, vượt lên những giới hạn của hữu thể để dấn thân trong ơn gọi thánh hiến.[51]

4.2. Nhất Quán Giữa Động Cơ Bên Trong và Hành Vi Bên Ngoài

Tự thẳm sâu của con người, ai cũng muốn thực hiện những điều tốt khách quan, được chủ thể đón nhận và hiểu biết một cách sâu sắc. Nhưng tính không nhất quán có thể làm cho con người không thực hiện được điều tốt. Do đó, để biết có ơn gọi thánh hiến, cần xét động cơ đó có đúng đắn thuộc tâm lý có nội dung siêu nhiên hay không? Vì không những có những động cơ không trung thực, mà ngay cả những động cơ trung thực cũng không phải là ơn gọi thánh hiến thực sự, do nó không có giá trị để theo.[52] Bởi các giá trị của ơn gọi, có thể bị thỏa hiệp với những nhu cầu vô thức không phù hợp với những giá trị của ơn gọi.[53]

Đối với người đã “chọn” sống ơn gọi thánh hiến, họ đã tự xác định, một cách nào đó, được hướng đi và cách thể hiện đúng đắn giữa động cơ thuộc tâm lý và hành vi muốn hướng về siêu việt qua đời sống thánh hiến. Chẳng hạn, họ làm việc bác ái không phải là để thoả mãn nhu cầu vô thức có tính cách thủ thân, hoặc tìm một cơ năng tự vệ, nhưng hành động được phát xuất từ một đức ái thực sự.

Tuy nhiên, đây là một hành trình khó khăn mà người sống ơn gọi thánh hiến phải “chinh phục” bằng đời sống cầu nguyện sâu xa, luyện tập không ngừng để biết các nhu cầu vô thức có xung khắc hay ăn khớp với các giá trị của ơn gọi,[54] để điều chỉnh những động cơ chưa phù hợp hoặc không phù hợp với ơn gọi. Chẳng hạn, động cơ ban đầu của ơn gọi chỉ là một động cơ tự nhiên và tình cảm, như lòng quý mến đối với một linh mục hay một tu sĩ, hoặc tình yêu đối với mẹ. Nhưng để có một ơn gọi thực sự thì động cơ phải chân thực và trung thành. Ơn gọi phải tăng trưởng trong sự tự do dấn thân của người sống ơn gọi thánh hiến.[55] Họ cần có sự quân bình tâm lý để thực sự có được sự quân bình nhân cách.

Họ cần học biết mình là ai, mình có khả năng làm gì và sống ra sao để có thể trở thành một nhân cách thập toàn, hữu hiệu, liên tục lớn lên trong Ân sủng và tự nhiên, lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa và tự do với chính mình. Từ nền tảng gắn kết với Thiên Chúa, họ hướng về tha nhân như một việc làm tất yếu.[56]

Như thánh Catarina Siena đã diễn tả và nhấn mạnh trong tác phẩm của chị, đó là: “Tình yêu theo sau sự hiểu biết, nghĩa là cần biết để yêu.” Vì thế, khi người sống ơn gọi thánh hiến lớn lên trong sự biết mình và biết Chúa, họ cũng được lớn lên trong khả năng yêu Chúa và yêu tha nhân.[57]

Có thể nói rằng, con người là một hữu thể năng động và “không có người nào có nhân cách hoàn toàn thống nhất, nhưng đúng hơn con người đang trên hành trình đi đến sự thống nhất.[58] Vì thế, “tự hướng về siêu việt” nơi bản chất người được thánh hiến cũng đang trên tiến trình trưởng thành dần trong tình yêu, cùng với niềm xác tín: ơn gọi thánh hiến là một cuộc “bước theo Đức Kitô,” một chọn lựa gắn bó với Thiên Chúa và với tha nhân.

Ơn gọi thánh hiến không thể có giá trị khi người sống ơn gọi thánh hiến chỉ sống đủ để thoả mãn những nhu cầu vô thức. Vì vậy, muốn đạt được sự trưởng thành, người sống ơn gọi thánh hiến cần cộng tác tích cực qua việc gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và sống theo Thánh ý Ngài. Họ cần luyện tập hy sinh, từ bỏ ý riêng, có lòng vị tha, thực hiện hoán cải liên tục, sống khiêm nhường, bình an, va dấn thân phục vụ trong lựa chọn sống của mình. Đồng thời, họ cần phải mở rộng tâm hồn để Ân sủng Thánh Thần hoạt động và biến đổi ngày càng trở nên hoàn hảo hơn theo nguyên mẫu Đức Kitô.

Nt. M. Têrêxa Bùi Thị Bích Ngọc,OP

Đa minh Thánh Tâm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bacik, J. (1992). Contemporary theologians. Dublin: The Mercier Press.

Brault, A; Rath, N. (1987). Đời tu, một trong những con đường dẫn tới hạnh phúc. Paris: NXB Du Cerf.

Connolly, J. (1996). Christian faith: A contemporary. New York: St Paul. Trong Rausch, T, P. (Ed). (1996). Introduction to theology. New York: St Paul. (Bản dịch do Anon. (2002). Đức tin Kitô giáo: một cái nhìn hiện đại. TP HCM: OJ).

Descouvemont, P. (1989). Guide des difficulté de la foi Catholique. Paris: Les Éditions du Cerf. (Bản dịch do Trần Huỳnh. Đức tin Công giáo-vấn nạn và giải đáp. (1992). Ấn hành: UBĐKCG. TP HCM).

Dolores, M. (1962). Creative personnality in religious life. NY: Sheed and Ward. (Bản dịch do Ngô Văn Vững. (2002). Dâng hiến sáng tạo). TP HCM.

Đặng Xuân Thành. (2000). Một con đường sống. TP HCM: NXB Anon.

Đức Gioan Phaolô II. (1996). Tông huấn Đời sống thánh hiến. TP HCM: NXB Anon.

Ferlay, P. (1933). Abrégé de la vie spirituelle. (Bản dịch do Anon. Đường sống đạo). NXB Anon.

Licheri, L. (1994). Par un simple oui. Paris: Les Éditions du Cerf. (Bản dịch do Anon. Đơn sơ một tiếng xin vâng).

Milligan, M. (1996). The Christian spirituality. New York: St Paul. Trong Rausch, Tillard, P. (Ed). (1996). Introduction to theology. New York: St Paul. (Bản dịch do Anon. (2002). Linh đạo Kitô giáo. TP HCM: OJ).

Nguyễn Hữu Quang. (2002). Giáo trình Linh đạo huấn luyện. TP HCM: Signum Fidei.

Nguyễn Hữu Tấn. (?). Người tu sĩ trưởng thành. Phần 2: trưởng thành đời tu. TP HCM: NXB Anon.

Nguyễn Thái Hợp. (2001). Bước theo Đức Kitô. Houston: NXB Dấn Thân.

Nguyễn Thế Thuấn. (1976). Kinh Thánh. TP HCM: ĐMHCG.

O’Driscoll, M. (1998). Catherine of Siena.

Phạm Thị Bạch Tuyết. (2003). Giáo trình Thần hoc và tâm lý ơn gọi linh muc-tu sĩ. TP HCM.

Phan Tấn Thành. (2002). Đời sống tâm linh. Tập 2. Rome: NXB Anon.

Tillard, J. (1979). Appel du Christ … appel du monde. (Bản dịch do LTSTP. Vì Chúa dấn thân phục vụ). TP HCM: LTSTP HCM.

Trần Anh Thư. (1995). Tuổi trẻ và ơn gọi. California: NXB Anon.


[1] Nguyễn Hữu Quang. GT “Linh Đạo Huấn Luyện.” (2002, tr. 59).

[2] Phạm Thị Bạch Tuyết. GT “Thần học và tâm lý ơn gọi linh mục và tu sĩ.” (2003, tr. 73).

[3] THĐSTH, số 17.

[4] PTBTuyết (Ibid., tr. 9.18).

[5] A. Brault; N. Rath. “Đời tu, một trong những con đường dẫn đến hạnh phúc.” (1987, tr. 44).

[6] PTBTuyết. GT "Thần học và tâm lý ơn gọi linh mục-tu sĩ." (2003, tr. 18-19).

[7] i.e. có bàn hỏi dựa trên sự hiểu biết và lòng yêu mến đối với chính ơn gọi; PTBTuyết (Ibid., tr. 20).

[8] Ibid., tr. 10.

[9]Contemplari et contemplata aliis tradere.

[10] M. Milligan. “Linh đạo Kitô giáo.” (2002, tr. 242-243).

[11] J. Tillard. “Appel du Christ … appel du monde.” (1979, tr. 20.25.30).

[12] Huấn luyện, số 8.

[13] James Bacik. “Contemporary theologians.” (1992, tr. 16-17).

[14] Phan Tấn Thành. “Đời sống tâm linh.” (2002, tr. 15).

[15] M. Milligan. “Linh đạo Kitô giáo.” (2002, tr. 243).

[16] M. Milligan. "Linh đạo Kitô giáo." (2002, tr. 247).

[17] Ibid., tr. 245.

[18] P. Ferlay. “Đường sống đạo.” (1933, tr. 129).

[19] J. Connolly. “Đức tin Kitô giáo: một cái nhìn hiện đại.” (2002, tr. 131).

[20] PTBTuyết. GT "Thần học và tâm lý ơn gọi linh mục-tu sĩ." (2003, tr. 71).

[21] P. Descouvemont. “Đức tin Công giáo, vấn nạn và giải đáp.” (1992, tr. 30).

[22] Đặng Xuân Thành. “Một con đường sống.” (2000, tr. 49.55.60).

[23] M. Milligan (Ibid., tr. 249).

[24] J. Rausch. “Introduction to theology.” (1996, tr. 306).

[25] M. Milligan (Ibid., tr. 247).

[26] Nói cách khác, tự do một cách có trách nhiệm và có trách nhiệm một cách tự do. ĐXThành. "Một con đường sống." (2000, tr. 17).

[27] M Milligan (Ibid., tr. 248-249).

[28] PTBTuyết. GT "Thần học và tâm lý ơn gọi linh mục-tu sĩ." (2003, tr. 8).

[29] Ibid., tr. 62.

[30] TH ĐSTH, số 6-12.

[31] PTBTuyết. (Ibid., tr. 99).

[32] Ibid., tr. 62.

[33] Nguyễn Thái Hợp. “Bước theo Đức Kitô.” (2001, tr. 57).

[34] Ibid., tr. 77.

[35] J. Tillard. “Appel du Christ … appel du monde.” (1979, tr. 20-21.87).

[36] ĐXThành. "Một con đường sống." (2000, tr. 11).

[37] L. Licheri. “Đơn sơ một tiếng xin vâng.” (1994, tr. 166).

[38] Nguyễn Hữu Tấn. “Trưởng thành đời tu.” (?. tr. 13).

[39] Ibid., tr. 16; L. Licherie (Ibid., tr. 167).

[40] TH ĐSTH, số 16.

[41] Trần Anh Thư. “Tuổi trẻ và ơn gọi.” (1995, tr. 152).

[42] NHTấn “Trưởng thành đời tu.” (?, tr. 3).

[43] Ibid., tr. 29.

[44] PTBTuyết. GT "Thần học và tâm lý ơn gọi linh mục-tu sĩ." (2003, tr. 7).

[45] Ibid., tr. 59.

[46] NHTấn. “Trưởng thành đời tu.” (?, tr. 11).

[47] Perfectae Caritatis, số 13.

[48] TH ĐSTH, số 16.

[49] Ibid., số 36.

[50] Ibid., tr. 19.

[51] PTBTuyết. GT "Thần học và tâm lý ơn gọi linh mục-tu sĩ." (2003, tr. 59).

[52] Ibid., tr. 98.

[53] Ibid., tr. 64.

[54] PTBTuyết. GT "Thần học và tâm lý ơn gọi linh mục-tu sĩ." (2003, tr. 26).

[55] Ibid., tr. 28-29.

[56] M. Dolores. “Dâng hiến sáng tạo.” (2000, tr. 40-41).

[57] O’Driscoll. “Catherine of Siena.” (1998, tr. 13).

[58] PTBTuyết (Ibid., tr. 70).