$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Thần học

Tài Liệu Làm Việc THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GIỚI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ BIỆN PHÂN ƠN GỌI (từ số 85-119)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 521 | Cật nhập lần cuối: 10/17/2018 9:15:47 AM | RSS

Chương II: Ơn gọi trong ánh sáng đức tin

85. Trong tài liệu cuối cùng của cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG, người trẻ nói rằng: “Chúng tôi tìm kiếm một Giáo hội giúp chúng tôi tìm thấy ơn gọi của mình, trong mọi ý nghĩa của nó» (GMTHĐ 3). Muốn được thế, ý nghĩa của hạn từ “ơn gọi” cần được làm sáng tỏ. Lưu tâm tới mọi người trẻ, không trừ ai, Thượng Hội đồng được yêu cầu làm sáng tỏ một cách thuyết phục chân trời ơn gọi đúng nghĩa của đời người. Chính giới trẻ đang yêu cầu Giáo hội giúp họ «tìm được một cách hiểu đơn giản và rõ ràng về ơn gọi» (GMTHĐ 8). Từ những câu trả lời của nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, và cũng từ nhiều ý kiến của các bạn trẻ, chúng ta hiểu hạn từ ơn gọi thường được dùng để chỉ thừa tác vụ thụ phong và việc thánh hiến đặc biệt. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho rằng «một điểm yếu của việc chăm sóc mục vụ, trong việc biện phân ơn gọi của người trẻ, là nó giới hạn khái niệm ơn gọi vào việc lựa chọn chức linh mục thừa tác hoặc đời sống thánh hiến mà thôi».

86. Chỉ cần chúng ta so sánh tầm nhìn “hẹp hòi” này với cuộc hành trình của hai Thượng Hội Đồng vừa qua, trong đó, người ta nói rằng «hôn nhân là một ơn gọi» và «quyết định kết hôn và có gia đình phải là hoa trái của một quá trình biện phân ơn gọi» (AL 72), chúng ta sẽ không mấy khó khăn nhận ra rằng một cái nhìn giản lược đối với hạn từ “ơn gọi” đã tạo ra một thành kiến mạnh mẽ nơi người trẻ, những người nhìn việc chăm sóc mục vụ chỉ như một hoạt động có mục đích duy nhất là “tuyển dụng” các linh mục và tu sĩ nam nữ. Khởi đi từ hình ảnh giáo hội chung này, ta cần đặt nền móng cho “việc chăm sóc mục vụ ơn gọi của người trẻ” một cách rộng rãi, một nền chăm sóc mục vụ có thể có ý nghĩa đối với mọi người trẻ.

Đời sống con người trong chân trời ơn gọi

87. Công đồng Vatican II đã phục hồi rõ ràng chân trời ơn gọi của nhân loại khi sử dụng các hạn từ này để phát biểu cả việc mọi con người nhân bản đều có mục đích hiệp thông với Chúa Kitô (xem LG 3.13; GS 19.32), lẫn ơn gọi phổ quát nên thánh (xem LG 39) -42), định vị các ơn gọi cá thể trong chân trời giải thích này: các ơn gọi vào thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến, cũng như các ơn gọi làm giáo dân (xem LG 31), đặc biệt là hình thức vợ chồng (xem LG 35; GS 48.49.52). Huấn quyền sau đó đã phát triển theo cùng đường hướng này và thừa nhận đặc tính loại suy của hạn từ “ơn gọi” và nhiều chiều kích vốn lên đặc điểm cho thực tại được nó chỉ định liên quan tới sứ mệnh bản thân của từng người và sự hiệp thông của mọi người.

Được kêu gọi trong Chúa Kitô

88. Khi nói rằng mọi sự đã được tạo dựng qua Chúa Kitô và cho Người (xem Cl 1:16), Thánh Kinh mời gọi chúng ta đọc mầu nhiệm ơn gọi như một thực tại nội tại ngay trong hành vi sáng tạo của Thiên Chúa, và như một ánh sáng chiếu rọi cách mầu nhiệm sự hiện hữu của mọi người nam nữ. Nếu Chân Phúc Phaolô VI đã tuyên bố rằng «mỗi cuộc đời đều là một ơn gọi» (PP 15), thì Đức Bênêđíctô XVI cũng đã nhấn mạnh đến sự kiện con người được Thiên Chúa tạo dựng như những sinh vật đối thoại: Ngôi Lời sáng tạo «kêu gọi mỗi người bằng những ngôn từ đích thân, do đó mạc khải cho thấy chính cuộc sống cũng là một ơn gọi của Thiên Chúa» (VD 77). Theo nghĩa này, chỉ có thứ nhân học ơn gọi mới có thể giúp ta hiểu con người nhân bản trong mọi sự thật và viên mãn của họ. Điều có ý nghĩa là, trong thời gian Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng, một số người không phải là tín hữu và các thành viên của các tôn giáo khác đã minh chứng lòng mong muốn của họ biết biện phân ơn gọi của họ trong thế giới và trong lịch sử (xem GMTHĐ 8).

Ra khỏi bản thân chúng ta

89. Việc nói rằng đời sống là một ơn gọi cho phép chúng ta nêu bật một số yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của người trẻ: nó có nghĩa cuộc sống không bị số phận hoặc ngẫu nhiên ấn định, mà nó cũng không phải là một việc tư riêng mà ta có thể tự mình quản lý được. Trong trường hợp thứ nhất, nếu không có ơn gọi thì không có sự nhìn nhận một định mệnh xứng đáng để được sống, trong trường hợp thứ hai, nếu con người bị coi là “không kết nối với người khác”, thì họ cũng “không có ơn gọi”. Sự biện phân ơn gọi căn cứ theo những đường hướng này trở thành một hành trình hòa giải với thân xác và bản ngã chúng ta, với người khác và thế giới.

Hướng tới sự viên mãn của niềm vui và tình yêu

90. Khái niệm đời sống như một ơn gọi mời gọi con người nhân bản từ bỏ cái dối trá của việc tự tạo ra mình và cái ảo giác tự thể hiện mình theo lối yêu mình thái quá, để mình can dự, qua lịch sử, vào kế hoạch mà Thiên Chúa vốn dự định để chúng ta trở thành điều tốt cho nhau. Do đó, chúng ta phải cổ vũ một nền văn hóa ơn gọi đổi mới, một nền văn hóa luôn liên kết với niềm vui hiệp thông yêu thương vốn sản sinh ra sự sống và hy vọng. Thật vậy, sự viên mãn của niềm vui chỉ có thể được trải nghiệm khi chúng ta khám phá ra chúng ta được yêu thương, và do đó, khi chúng ta đích thân được kêu gọi yêu thương người khác trở lại, trong các hoàn cảnh cụ thể trong đó chúng ta đang sinh sống (gia đình, việc làm, cam kết xã hội và dân sự).

Ơn gọi theo Chúa Giêsu

91. Biến cố Kitô hoàn tất công trình sáng thế bởi vì chính Mầu Nhiệm này đã khởi động công trình sáng thế ngay từ đầu: «Sự thật là chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm con người mới tiếp nhận được ánh sáng […]Chúa Kitô, Ađam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ»(GS 22). Trong Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được kêu gọi vượt ra ngoài bản thân mình; thực thế, việc lắng nghe lời của Người đã thúc giục chúng ta “đi vào biển sâu” (xem Lc 5: 4) và mở lòng mình ra cho những chân trời thăm thẳm chính ta không thể dò thấu, nếu chỉ dựa vào sức mạnh của chính mình.

Ơn gọi phép rửa

92. Tuy nhiên, trong Tân Ước, lời kêu gọi cũng chỉ lời mời gọi những con người chuyên biệt bước chân theo Người một cách gần gũi hơn. Câu chuyện Tin Mừng về việc Chúa Giêsu gặp các môn đệ đầu tiên (xem Ga l: 36-39), được trình bày trong Tài Liệu Chuẩn Bị, là mô hình của lời kêu gọi này. Nơi đến của lời Chúa Giêsu kêu gọi chỉ được tiết lộ khi chúng ta bước chân theo Chúa Kitô, đó là đối thoại và liên hệ với Thầy. Nó không thể rõ ràng ngay từ đầu, như thể là kết quả của một dự án mà chúng ta là người cầm chịch và chúng ta có quyền mở đóng, dự kiến mọi chi tiết. Ta chỉ có thể nhìn thấy nó bằng con mắt đức tin, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói,
“‘thấy’ theo mức độ hành trình, theo mức độ quyết bước vào các chân trời do lời Thiên Chúa mở ra» (LF 9).

93. Chúng ta không thể quên rằng mọi nẻo đường ơn gọi, vì bén rễ sâu trong trải nghiệm làm con cái Thiên Chúa, được ban cho ta trong phép rửa, (xem Rm 6: 4-5; 8: 14-16), là một hành trình vượt qua, ngụ ý ta phải cam kết từ bỏ chính mình và sẵn sàng mất đi cuộc sống của mình, để nhận lại nó sau khi đã được đổi mới. Chúa Kitô, Đấng kêu gọi chúng ta bước chân theo Người, là Đấng «đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa» (Dt 12: 2). Do đó, ngay cả khi các tín hữu nhận ra rằng tư cách môn đệ của họ đòi họ phải từ bỏ và đau khổ do lòng trung tín mang đến, họ không ngã lòng và họ tiếp tục chọn theo Chúa, Đấng đi trước chúng ta về bên phải Chúa Cha và đồng hành với chúng ta cùng với Thánh Thần của Người.

Ơn gọi của các tông đồ

94. Trong số những người theo Người, Chúa Giêsu chọn một ít để đảm nhận một thừa tác vụ đặc biệt. Điều này được thấy rất rõ ràng trong ơn gọi của các tông đồ: Người bổ nhiệm mười hai người, những người mà Người đã đặt tên là các Tông Đồ, để họ có thể ở với Người và Người có thể sai họ đi rao giảng và có quyền xua trừ ma quỷ (xem Mc 3:14). -15; Lc 6:13), thúc giục họ chăn dắt đàn chiên của mình (xem Ga 21: 15-19); tương tự như vậy, Thánh Phaolô, «một đầy tớ của Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi làm tông đồ, được đặt riêng ra vì Tin Mừng của Thiên Chúa» (Rm 1: 1; xem 1Cr 1: 1). Trong các bản văn đề cập đến ơn gọi đặc biệt để được sai đi, việc chỉ định tự do và nhưng không của Thiên Chúa đã được nêu bật rõ ràng, cũng như sự lựa chọn đã được làm lúc còn ở trong bụng mẹ, sự mặc khải mầu nhiệm Chúa Kitô cho những người được chọn và nhiệm vụ trong lịch sử cứu độ. Đôi khi ơn gọi này được kèm theo với việc ban cho người được kêu gọi một tên mới.

95. Điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng chỉ có thể hiểu “các ơn gọi” đặc thù trong bối cảnh “ơn gọi” của toàn thể Giáo Hội. Thật vậy, chính tên gọi ecclesia đã cho thấy đặc tính ơn gọi của cộng đồng môn đệ, căn tính của giáo hội này như một cuộc hội họp của những người được triệu tập (xem 1Cr 1:26; PDV 34). Trong Giáo Hội, các ơn gọi đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt không có nghĩa là ban cho một đặc ân, mà đúng hơn là để làm hiển thị ơn thánh mà Thượng Đế dùng để kêu gọi mọi người chúng ta vào ơn cứu rỗi: vì thế, khi Chúa Giêsu nói với người thu thuế Lêvi «hãy theo tôi», biến ông thành một tông đồ của Giáo Hội (Mc 2:14), Người đã công bố với mọi người chúng ta rằng Người không đến «để kêu gọi người công chính, mà là những người tội lỗi» (Mc 2:17).

Ơn gọi của Giáo Hội và các ơn gọi trong Giáo Hội

96. Ơn gọi của Giáo Hội được thực sự loan báo đích thực và nên trọn hoàn toàn nơi Đức Maria, người phụ nữ trẻ mà với tiếng “xin vâng” của mình, đã làm cho việc nhập thể của Chúa Con thành khả hữu và, do đó, thiết lập các điều kiện cho mọi ơn gọi khác trong Giáo Hội diễn ra. “Nguyên lý Maria” đi trước và vượt qua bất cứ nguyên lý thừa tác, đặc sủng và pháp lý nào khác trong Giáo Hội, và nó hỗ trợ và đồng hành với mọi nguyên lý này.

97. Hơn nữa, không thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của ơn gọi phép rửa của chúng ta nếu chúng ta không nghĩ đến nó như có liên hệ nội tại với đặc điểm sai đi của Giáo Hội, một đặc điểm cuối cùng được điều hướng tới sự hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người. Thật vậy, các ơn gọi khác nhau trong giáo hội là những biểu thức đa diện qua đó Giáo hội hoàn thành ơn gọi của mình trở thành dấu chỉ thực sự của Tin Mừng, được tiếp nhận trong một cộng đồng huynh đệ. Các hình thức khác nhau trong đó chúng ta có thể bước chân theo Chúa Kitô, mỗi hình thức theo cách riêng, nói lên sứ mệnh làm chứng cho biến cố Giêsu, trong đó mỗi người đàn ông và đàn bà đều tìm được ơn cứu rỗi.

98. Thánh Phaolô trở lại chủ đề này nhiều lần trong các lá thư của ngài; ngài nhắc lại hình ảnh của Giáo Hội như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, và làm nổi bật việc mỗi chi thể đều cần thiết và cùng một lúc ra sao trong tương quan với toàn thể, vì chỉ có sự thống nhất hài hòa của mọi bộ phận mới làm cho thân thể sống động và hài hòa mà thôi. Nguồn gốc của sự hiệp thông này, theo Thánh Tông Đồ, là trong mầu nhiệm của chính Chúa Ba Ngôi. Quả thật, Thánh Phaolô từng viết cho tín hữu Côrintô: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”(1Cr 12: 4-6).

99. Do đó, không thể quan niệm hay hiểu một cách độc lập các hình thức khác nhau của đời sống Kitô hữu, mà chỉ có thể hiểu chúng trong sự hỗ tương do chúng phát sinh và trong sự trao đổi những các công phúc chúng hoàn thành (xem CL 55; VC 31). Đây là cách duy nhất Giáo Hội có thể trở thành một hình ảnh toàn diện của gương mặt Chúa Giêsu trong lịch sử loài người. Bức thư Iuvenescit Ecclesia gần đây, về mối liên hệ giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, cung cấp cho ta các tiêu chí có giá trị để khai triển một nền thần học chính xác về các đặc sủng, để trân trọng chào đón và khôn ngoan thăng tiến các hồng ân ơn thánh mà Chúa Thánh Thần không ngừng khơi lên trong Giáo Hội để trẻ trung hóa Giáo Hội.

Các nẻo đường ơn gọi khác nhau

100. Cuối cùng, việc khai triển một quan điểm rộng rãi về ơn gọi mời gọi chúng ta nghĩ đến việc biện phân ơn gọi theo cách có tiềm năng bao gồm mọi người vì, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, «nói đến thừa tác vụ ơn gọi là khẳng định rằng mọi hành động mục vụ của Giáo Hội, do chính bản chất của nó, phải được điều hướng vào việc biện phân ơn gọi. […] Việc phục vụ ơn gọi phải được coi là linh hồn của mọi việc truyền giảng Tin Mừng và của mọi thừa tác mục vụ của Giáo Hội» (Thông điệp của Đức Thánh Cha cho những người tham dự Hội nghị Quốc tế“Thừa Tác Vụ Ơn Gọi và Đời Sống Thánh Hiến: Các Triển Vọng và Hy Vọng ”, 25/11/2017) .

Gia đình

101. Hai Thượng Hội Đồng gần đây về gia đình, và Tông Huấn Amoris Laetitia, đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc và phong phú về ơn gọi của gia đình trong Giáo Hội và sự đóng góp không thể thay thế mà các gia đình vốn được kêu gọi cung cấp chứng từ cho Tin Mừng, bằng tình yêu lẫn nhau và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Việc phục hồi các hệ luận ơn gọi của thông điệp này, và việc làm cho nó dễ hiểu đối với người trẻ trong nền văn hóa xúc cảm mà họ vốn thuộc về, là những điều rất quan trọng. Suy nghĩ về việc chuẩn bị hôn nhân và việc đồng hành với các cặp vợ chồng trẻ xem ra là hai điểm chiến lược, mà các năng lực mục vụ nên được đầu tư vào.

Thừa tác vụ thụ phong
102. Giáo Hội luôn nhận ra rằng các ơn gọi vào thừa tác vụ thụ phong có tính quyết định đối với đời sống Kitô Giáo và cho sự cứu rỗi của mọi người nam nữ. Đây là lý do tại sao Giáo Hội đã dành sự chú ý đặc biệt cho việc chăm sóc, đào tạo và đồng hành với các ứng viên muốn tham dự bậc sống này. Mối quan tâm của nhiều Giáo hội về sự suy giảm trong con số ứng viên là điều không thể phủ nhận; điều này đòi hỏi một suy tư đổi mới về ơn gọi vào thừa tác vụ thụ phong và về việc chăm sóc mục vụ ơn gọi có khả năng truyền đạt sức hấp dẫn của lời Chúa Giêsu kêu gọi trở thành các mục tử của đàn chiên của Người.

Đời sống thánh hiến

103. Chứng từ tiên tri của đời sống thánh hiến cũng cần được tái khám phá và trình bày tốt hơn cho người trẻ trong sức hấp dẫn độc đáo của nó, như một chất trừ khử “bệnh tê liệt thói thường” (“paralysis of normality”) và là sự cởi mở đón nhận ơn thánh vốn đảo ngược thế gian và lối suy nghĩ của nó. Việc hâm nóng sức quyến rũ của tính triệt để phúc âm nơi các thế hệ trẻ, để họ có thể khám phá lại giá trị tiên tri của đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời như lời loan báo Nước Chúa và như sự thành toàn cuộc sống của họ, là điều không thể bỏ qua trong thời điểm bị các não trạng duy tiêu thụ và duy thương mại thống trị.

Nghề nghiệp và ơn gọi

104. Được kêu gọi nên thánh và xức dầu bởi Thần Khí, các Kitô hữu học cách nhìn mọi lựa chọn ở trong đời bằng đôi mắt ơn gọi, đặc biệt là sự lựa chọn trung tâm của bậc sống họ, nhưng cả các lựa chọn liên quan đến đời sống nghề nghiệp của họ nữa. Vì lý do này, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC hy vọng rằng Thượng Hội Đồng sẽ có thể tìm cách giúp mọi Kitô hữu khám phá lại mối liên kết giữa nghề nghiệp và ơn gọi trong tất cả sự phong phú của nó đối với cuộc sống của mọi người, và cung cấp cho người trẻ một sự hướng nghiệp có lưu ý tới viễn ảnh ơn gọi.

Tình thế chưa từng có của người độc thân

105. Cuối cùng, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC tự hỏi những người chọn sống độc thân và không nghĩ gì đến việc thánh hiến hoặc kết hôn đặc thù nào thì họ có tư thế ơn gọi nào. Xét vì con số của họ đang gia tăng trong Giáo Hội và trong thế giới, nên điều quan trọng là Thượng Hội Đồng phải suy nghĩ về vấn đề này.

Chương III: Tính năng động của việc biện phân ơn gọi

Yêu cầu biện phân

106. Trong cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, một thanh niên đã nói lên rõ ràng tầm quan trọng của việc biện phân đối với cuộc sống của chúng ta: “Hôm nay, giống hàng ngàn người trẻ khác, cả các tín hữu lẫn những người không tin, tôi phải đưa ra các quyết định, đặc biệt liên quan tới sự nghiệp tương lai của tôi . Tuy nhiên, tôi do dự, mất hồn và lo lắng. […] Tôi cảm thấy như thể đang đối diện với một bức tường, khi tôi đi tìm một ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống của mình. Tôi nghĩ rằng tôi cần một chút biện phân khi đối diện với sự trống rỗng này ». Trong những ngày đó, câu hỏi của người trẻ này đã được xác nhận nhiều lần, được phát biểu cách tươi mới và sâu sắc hóa, làm nổi bật các khó khăn của giới trẻ: «Nhiều người trẻ, khi được hỏi ‘Ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?’ đã không biết trả lời như thế nào. Không phải lúc nào họ cũng tạo được sự nối kết giữa cuộc sống và sự siêu việt» (GMTHĐ 5). Người trẻ chuyển dịch khá thường xuyên giữa các cách tiếp cận cực đoan và ngây thơ: từ cảm giác họ đang tùy thuộc lòng thương xót của một số phận không thể tránh và tiền định, họ bước sang cảm quan thấy mình choáng ngợp bởi một lý tưởng cao vời trừu tượng, trong một bối cảnh đua tranh không kiềm chế, ngăn chặn. Trong tình huống này, chúng ta có thể nhận ra một cơ may cho Giáo Hội, cho dù người trẻ khó có thể coi Giáo Hội như người có khả năng giúp đỡ họ: «Nhiều người trẻ không biết cách tiến hành có ý thức quá trình biện phân ra sao; đây là một cơ may để Giáo Hội đồng hành với họ ” (GMTHĐ 9). Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhận ra điều đó: “Về điểm này, chúng ta phải nói rằng nhiều cộng đồng giáo hội không biết làm điều này cách nào hoặc họ thiếu khả năng biện phân. Đó là một trong những nan đề của chúng ta, nhưng chúng ta không nên cảm thấy sợ hãi» (Đức Phanxicô, Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, trả lời câu hỏi số 2).

Biện phân trong ngôn ngữ thông thường và trong truyền thống Kitô giáo

107. Những người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng cũng đề cập đến việc họ khó có thể hiểu biện phân có nghĩa gì, vì hạn từ này không phải là thành phần trong từ vựng của họ, mặc dù họ cảm nhận được nhu cầu nó đề cập đến: “Việc biện phân ơn gọi của ta có thể là một thách thức, đặc biệt dưới góc độ các quan niệm sai lầm về hạn từ này. Tuy nhiên, người trẻ sẵn sàng tiếp nhận thách thức. Việc biện phân ơn gọi của ta có thể là một cuộc phiêu lưu trong hành trình cuộc sống » (GMTHĐ 9).

108. Thực ra, hạn từ biện phân có thể chỉ nhiều điều khác nhau, các nghĩa này không xung đột nhau nhưng cũng không giống hệt như nhau. Theo một nghĩa rộng hơn, biện phân chỉ một quá trình trong đó các quyết định quan trọng được đưa ra; ý nghĩa thứ hai, một ý nghĩa đặc trưng hơn của truyền thống Kitô giáo, đề cập đến các động lực tâm linh qua đó các cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng cố gắng nhận ra và chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa trong tình huống thực tế của họ. Hơn nữa, như Tài Liệu Chuẩn Bị đã đề cập, hạn từ này áp dụng vào khá nhiều thực hành và hoàn cảnh khác nhau: «Thật vậy, một hình thức biện phân được tìm thấy trong việc đọc các dấu chỉ của thời đại có thể dẫn đến việc nhận ra sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử. Thay vào đó, sự biện phân về luân lý phân biệt điều tốt khỏi điều xấu. Lại có một hình thức khác, tức biện phân thiêng liêng, nhằm mục đích nhận ra sự cám dỗ để bác bỏ nó và tiến bước trên đường dẫn đến sự sống viên mãn. Sự chồng chéo của các ý nghĩa trong các hình thức khác nhau này là điều hiển nhiên, và chúng không bao giờ có thể tách biệt hoàn toàn với nhau (DP II, 2).

Đề xuất biện phân ơn gọi

109. Một số bình diện khác nhau cũng cần được xem xét trong các điều chuyên biệt của việc biện phân ơn gọi. Như các nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã cho thấy, có một bình diện chung cho mọi người đàn ông và đàn bà: «Tất cả chúng ta đều cần sự biện phân. Đây là lý do tại sao chữ này được bao gồm trong chủ đề của Thượng Hội Đồng, không phải sao? Và khi chúng ta cảm thấy sự trống rỗng này, sự bồn chồn này, chúng ta phải biện phân rõ ràng » (Đức Phanxicô, cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, trả lời cho câu hỏi số 2). Theo nghĩa này, Thượng Hội đồng dự định chăm sóc «mọi người trẻ, không trừ ai» ngay từ đầu (DP 2), cung cấp cho họ sự sẵn lòng đồng hành với họ trong diễn trình dẫn họ tới chỗ đạt được sự rõ ràng và sự thật về bản thân, chào đón hồng ân sự sống và tìm thấy phần đóng góp mà họ vốn được kêu gọi hiến tặng cho xã hội và thế giới. Đức Thánh Cha cũng nêu bật việc Giáo Hội đặt căn bản cho đề xuất biện phân mà Giáo Hội vốn mở rộng cho mọi người, trên niềm xác tín của đức tin: “Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta, và đích thân ngỏ lời kêu gọi tới từng người. Đó là một hồng ân mà, nếu được khám phá, sẽ làm ta tràn ngập niềm vui (xem Mt 13: 44-46). Hãy tin chắc điều này: Thiên Chúa tin tưởng các con; Người yêu các con và Người kêu gọi các con. Và sẽ không bao giờ có bất cứ thiếu sót nào về phần Người, bởi vì Người trung tín và thực sự tin tưởng vào các con » (Đức Phanxicô, Diễn Văn tại cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, 2).

110. Đối với những tín hữu trẻ, viễn ảnh biện phân có được một chiều sâu mới, miễn là nó được đặt bên trong các động lực của mối kiên hệ bản thân với Chúa: do đó, họ công khai cố gắng khám phá những con đường có thể có để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách tham gia, trong tư cách chi thể của Giáo Hội, vào sứ mệnh công bố và làm chứng cho Tin Mừng. Do đó, quan điểm sẽ rộng rãi hơn và có căn bản hơn so với quan điểm giản lược theo đó, như nhiều câu trả lời của nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã cho thấy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội và nhiều tín hữu có khuynh hướng đồng nhất sự biện phân ơn gọi với con đường chọn bậc sống của bạn (kết hôn, làm linh mục, đời sống thánh hiến). Biện phân ơn gọi cũng có thể chỉ quyết định dấn thân xã hội và chính trị, hoặc một nghề nghiệp.

111. Trên hết, việc biện phân ơn gọi không kết thúc, một khi quyết định đã được đưa ra giữa nhiều phương án khác nhau, nhưng nó kéo dài theo thời gian, song hành với các bước cụ thể mà chúng ta đưa ra để thực hiện quyết định đó. Theo nghĩa này, biện phân cũng là một lối sống: «Nó cần thiết không những ở những thời điểm ngoại thường, khi chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề nghiêm trọng và đưa ra những quyết định chủ yếu. Nó còn là một phương tiện chiến đấu thiêng liêng để giúp chúng ta bước chân theo Chúa một cách trung thành hơn. Chúng ta cần nó mọi lúc, để giúp chúng ta nhận ra thời khóa biểu của Thiên Chúa, kẻo chúng ta không lưu ý tới các thúc đẩy của ơn thánh Người và bỏ qua lời mời gọi của Người muốn chúng ta lớn lên. Sự biện phân thường được thực hiện trong những điều nhỏ mọn và dường như không có liên quan gì cả, vì sự vĩ đại của tinh thần được thể hiện trong các thực tại đơn sơ hàng ngày » (GE 169). Sự biện phân là một hồng phúc và một rủi ro, và điều này có thể khiến ta sợ hãi.

Nhìn nhận, giải thích, chọn lựa

112. Như chúng ta đã thấy, đối với Giáo Hội, khả thể biện phân đặt căn bản trên xác tín của đức tin: Thánh Thần Thiên Chúa làm việc tận thẳm sâu bên trong ta – trong “trái tim”, Thánh Kinh nói thế; trong “lương tâm”, truyền thống thần học nói thế – của mọi người, bất kể họ có minh nhiên tuyên xưng đức tin Kitô giáo hay không, qua các cảm quan và mong ước của họ, do các biến cố của cuộc sống gợi lên, và có liên hệ với các ý nghĩ, hình ảnh và dự án. Ba “bước” của biện phân mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra trong Niềm Vui Tin Mừng số 51, được lặp lại bởi Tài Liệu Chuẩn Bị, phát xuất từ việc chú ý đến các động lực bên trong này: Nhìn nhận, giải thích, chọn lựa.

113. Nhìn nhận có nghĩa là “đặt tên” cho số lượng lớn các cảm xúc, ước muốn và cảm quan có trong mọi người chúng ta. Chúng đóng một vai trò nền tảng và ta không nên che giấu hoặc làm nản chí chúng. Đức Giáo Hoàng đề cập đến điều này: «Cởi mở mọi thứ là điều quan trọng, các cảm quan không nên giả mạo, hoặc ngụy trang. Các ý nghĩ xuất hiện nên được [đưa] vào biện phân» (Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, trả lời cho câu hỏi số 2). Cuộc hành trình biện phân ơn gọi đòi phải chú ý nhiều tới các điều xuất hiện trong các trải nghiệm khác nhau (gia đình, học tập, việc làm, tình bạn, các liên hệ lãng mạn, việc thiện nguyện và các cam kết khác, vv), mà ngày nay, người ta rất thường có qua các nẻo đường không thẳng thừng, không luôn thẳng tiến, những hành trình nhất thiết thăng trầm với các thành công và thất bại: Ở đâu người trẻ mới cảm thấy như đang ở nhà mình? Ở đâu, anh ta hoặc chị ta mới cảm thấy “một sở thích” (tiếng Pháp: « goût ») mãnh liệt hơn? Tuy nhiên, điều này không đủ vì kinh nghiệm sống khá mơ hồ và người ta có thể mang lại cho nó nhiều lối giải thích khác nhau: nguồn gốc của ham muốn này là gì? Nó có thực sự dẫn người ta tới “niềm vui yêu thương” không? Trên cơ sở lối giải thích này, các lựa chọn có thể được đưa ra không những đơn thuần là kết quả của các thúc ép nội tâm hoặc áp lực xã hội, mà còn là một thao tác thực sự của tự do và trách nhiệm.

114. Là một hành vi của tự do con người, sự biện phân cũng có nguy cơ sai lầm. Như Tài Liệu Chuẩn Bị đã cho thấy, «trái tim con người, vì sự yếu đuối và tội lỗi của nó, thường bị phân chia vì nó bị thu hút bởi những cảm quan khác nhau và thậm chí trái ngược nhau» (DP II, 4). Do đó điều không thể miễn chước đối với những người biện phân là phải tiếp tục đào tạo cảm giới, trí hiểu và phong cách của họ.

115. Đối với những người chấp nhận và rút cảm hứng từ nó, sự khôn ngoan Kitô giáo cung cấp nhiều công cụ có giá trị như Lời Chúa, các giáo huấn của Giáo Hội và đồng hành thiêng liêng; tất cả đều là các trợ cụ để tương tác với chuẩn mực sống động là Chúa Giêsu, để tiến tới chỗ biết Người một cách thân mật đến mức “có được trái tim của Người”. Do đó, một hành trình biệc phân đích thực đòi phải có một thái độ lắng nghe và cầu nguyện, sự hiền lành đối với vị thầy của chúng ta và sự sẵn lòng đưa ra các quyết định khó khăn. Đây cũng là điều mà những người trẻ tuổi dự cuộc của Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã thảo luận: «Dành thời gian trong im lặng, nội suy và cầu nguyện, cũng như đọc Sách Thánh và thâm hậu hóa việc tự biết mình là những cơ hội rất ít người trẻ tập tành. Cần một dẫn nhập tốt hơn vào các lãnh vực này. Tham gia với các nhóm, phong trào lấy đức tin làm căn bản và các cộng đồng có cùng một tâm thức cũng có thể giúp người trẻ trong việc biện phân của họ» (GMTHĐ 9). Một bước căn bản theo hướng này là thực hành điều truyền thống vốn gọi là “xét mình”, một cuộc kiểm tra thực sự nhằm mục đích làm cho mọi người nhận biết các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và giúp họ nhận ra tiếng nói của Người trong các điều thực tiễn của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị thực hành này cho mọi Kitô hữu, và thậm chí hơn thế, cho những người trẻ đang cố gắng tìm đường đi của họ: «Trong cuộc đối thoại với Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, tôi xin mọi Kitô hữu đừng bỏ qua ‘việc xét mình’ thành thực hàng ngày” (GE 169). Bên trong cuộc đối thoại với Chúa Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, điều mà một Thánh Bộ Tòa Thánh mong muốn cho người trẻ thực sự có thể xảy ra: “Việc đào tạo cảm giới của họ, một việc giúp họ nối kết nhiều hơn với sự tốt lành và sự thật hơn là các tiện nghi và sở thích của họ».

Vai trò của lương tâm chúng ta

116. Lương tâm đóng một vai trò trung tâm trong việc biện phân. Như một Thánh Bộ Tòa Thánh đã nhắc nhở chúng ta, «nếu cần có việc đào tạo (và cần có thực!), nó chỉ có thể xảy ra như một nền giáo dục để có tự do và lương tâm». Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến việc lương tâm của chúng ta “cần được dung hợp tốt hơn vào triết lý hành động Giáo Hội như thế nào (AL 303), thì các câu trả lời của các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho thấy, trong thực tế, lương tâm thường không được lưu ý đủ. Vai trò của nó không bị giới hạn vào việc nhìn nhận các sai lầm hay tội lỗi của chúng ta: xem xét các giới hạn bản thân của chúng ta và các giới hạn trong hoàn cảnh của chúng ta, chưa kể đến mọi khó khăn trong việc tìm đường đi, lương tâm của chúng ta sẽ giúp chúng ta thấy mình có thể hiến tặng những quà phúc nào, đem đến những đóng góp nào, cả khi không hoàn toàn đạt tới tiêu chuẩn như lý tưởng của chúng ta đòi hỏi.

117. Như Công đồng Vatican II đã chỉ ra, lương tâm của chúng ta là « cốt lõi và cung thánh mầu nhiệm nhất của một con người. Ở đó, họ ở một mình với Thiên Chúa, Đấng mà tiếng nói của Người vang vọng trong thẳm sâu linh hồn họ » (GS 16). Khởi đi từ quan điểm đức tin này, xem ra điều rõ ràng là: việc thực hành lương tâm của chúng ta là một giá trị nhân học phổ quát: nó thách thức mọi người nam nữ, không phải chỉ các tín hữu mà thôi, và mọi người đều phải đáp ứng nó. Nhờ trải nghiệm họ được yêu thương như những hữu thể độc đáo trong mạng lưới quan hệ xã hội nằm bên dưới cuộc sống của họ, mọi người ai nấy đều khám phá và tiếp nhận lời kêu gọi yêu thương, và điều này thách thức lương tâm họ như một mệnh lệnh tự thiết lập thành một qui phạm. Sự nâng cao lương tâm của chúng ta này bắt nguồn từ việc chiêm niệm chính modus operandi (cách hành động) của Chúa: chính trong lương tâm của Người, Chúa Giêsu đã đưa ra các quyết định của Người, trong một cuộc đối thoại thân mật với Chúa Cha, kể cả các quyết định khó khăn nhất, như quyết định trong Vườn Diệtsimani. Người chính là qui phạm đích thực của mọi hành động Kitô giáo và ơn gọi đặc thù.

Đối diện với thực tế

118. Người trẻ cảm nghiệm được các giới hạn trong quyền tự do của họ, và do đó, trong việc họ biện phân: «Nhiều nhân tố ảnh hưởng đến khả năng của người trẻ trong việc biện phân ơn gọi của họ, chẳng hạn như: Giáo hội, các dị biệt văn hóa, các đòi hỏi của việc làm, thế giới kỹ thuật số, các kỳ vọng của gia đình, sức khỏe tâm thần và trạng thái tâm trí, tiếng ồn, áp lực của người đồng trang đồng lứa, khung cảnh chính trị, xã hội, kỹ thuật, vv…» (GMTHĐ 9). Nhưng thực tại cụ thể này – một thực tại, trước hết, là một hồng phúc và là một cái gì khác (tiếng Pháp: altérité) đi qua chúng ta – với những ràng buộc được nó áp đặt, chỉ là một phương tiện nhờ đó chúng ta tìm được sự xác nhận điều chúng ta đã dự cảm trong trái tim mình: nguyên tắc nói rằng “thực tại cao hơn ý tưởng” cũng có giá trị cho việc biện phân. Về mặt thần học, mọi thèm muốn, kể cả thèm muốn siêu phàm nhất, cũng đều được mời gọi nhập thân vào một chọn lựa cụ thể và gắn bó, nhất thiết có giới hạn, một chọn lựa mở cửa dẫn đến một loại khổ tu (ascesis) , mà không có nó, sẽ không có đường tiến tới sự thánh thiện và viên mãn của cuộc sống.

119. Dấn thân vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta có thể là một điều kích thích, nhất là khi các hoàn cảnh bắt buộc ta phần nào phải “đình hoãn” hoặc “kìm hãm” đà tiến bộ trong các mục tiêu của chúng ta. Đây là trải nghiệm người trẻ đang trải qua ở nhiều quốc gia ngày nay, hoặc do thiếu các cơ may thực sự giúp họ sử dụng tốt các kỹ năng của họ, hoặc phải mất nhiều thời gian, đôi khi rất dài, họ mới bắt đầu thành công trong đời sống chuyên nghiệp. Những tình huống này có thể mang lại nhiều hiệu quả, khi chúng buộc các cá nhân phải trải qua một giai đoạn “vỡ mộng” lành mạnh và họ nhận ra rằng không có thành đạt chuyên nghiệp nào hay mục tiêu hiện sinh nào có thể làm dịu cơn khát sống, sự viên mãn và tính vĩnh cửu mà họ luôn mang trong lòng họ. Điều này tạo ra lực đẩy khiến ta dấn thân vào một cuộc tìm kiếm sâu sắc hơn tính chân thực và ơn gọi. Một trong những vấn đề của thời ta là các hoàn cảnh thường dẫn đến việc trì hoãn giai đoạn này, đặt nó vào thời điểm người ta đã có nhiều quyết định có tính ràng buộc, ví dụ thuộc phạm vi xúc cảm, hoặc đã xác định lối sống của họ và thực hiện nhiều cam kết – bao gồm cả cam kết tài chính – mà họ khó có thể làm ngơ.