SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - Phục Sinh 2021

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 162 | Cật nhập lần cuối: 4/5/2021 9:47:19 PM | RSS

SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Phục Sinh 2021

Dịch: Nt Teresa Ngọc Lễ, O.P

Sau khi vừa kết thúc chủ sự cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh cùng với một nhóm nhỏ cộng đoàn tham dự, Đức Thánh Cha đã gửi đi sứ điệp Phục Sinh của ngài đến tất cả mọi tín hữu trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp Urbi et Orbi của ngài bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê rô, giống như năm ngoái, vì phải phải tuân theo các qui định an toàn vì vi-rút corona.

Sau đây là nguyên văn Sứ điệp Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô được dịch từ bản tiếng Anh của https://www.vatican.va/

.

SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI  CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - Phục Sinh 2021

Chào Anh Chị Em thân mến với lời cầu chúc Phục Sinh vui tươi, hạnh phúc và bình an.

Ngày hôm nay, trên khắp thế giới, lời loan báo của Giáo Hội lại vang lên “Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại như lời Người đã nói. Alleluia!”

Sứ điệp Phục Sinh không đem cho chúng ta một ảo ảnh hay tiết lộ một công thức mang tính ma thuật. Sứ điệp không chỉ ra một lối thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang trải qua. Đại dịch vẫn còn lan rộng, trong khi khủng hoảng xã hội và kinh tế vẫn còn đang gay gắt, đặc biệt đối với người nghèo. Tuy nhiên – và điều này thật là đáng hổ thẹn- khi mà các cuộc xung đột vũ trang chưa kết thúc và các kho vũ khí quân sự vẫn đang được tăng cường. Đó là vụ bê bối, tai tiếng của ngày hôm nay.

Khi phải đối mặt, giữa thực tại phức tạp này, sứ điệp Phục Sinh nói cụ thể về sự kiện, sự kiện cho chúng ta niềm hy vọng, không phải làm cho thất vọng: “Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại.” Điều này không nói với chúng ta về các thiên thần hay ma quỷ, nhưng là nói về một con người, một con người bằng xương bằng thịt, với một khuôn mặt và một tên gọi: Giêsu. Tin Mừng làm chứng ràng Đức Giêsu này, đã bị đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô vì Người đã tuyên xưng mình là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ngày thứ ba đã sống lại theo như lời Kinh Thánh, như Người đã nói trước với các môn đệ.

Đức Giêsu bị đóng đinh, chứ không phải ai khác, đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa Cha đã nâng Đức Giêsu, Con của Ngài, bởi vì Đức Giêsu đã hoàn tất ý muốn cứu độ của Người. Đức Giêsu đã mang vào nơi Người sự yếu kém, yếu đuối của chúng ta, ngay cả cái chết của chúng ta. Ngài đã chịu đựng những đau khổ của chúng ta và gánh lấy gánh nặng của tội lỗi chúng ta. Vì điều này, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người và bây giờ Đức Giêsu Kitô sống mãi mãi; Người là Chúa.

Các nhân chứng tường thuật lại một chi tiết quan trọng: Đức Giêsu sống lại mang theo những dấu thương tích nơi tay, chân và cạnh sườn Người. Những vết thương này là dấu ấn vĩnh viễn tình yêu Người dành cho chúng ta. Tất cả những ai trải qua thử thách đau thương nơi thân xác hoặc tinh thần có thể tìm thấy nơi trú ngụ trong những dấu thương tích này và, qua những thương tích, họ nhận được ân sủng của niềm hy vọng, niềm hy vọng không làm thất vọng.

Đức Kitô sống lại là hy vọng cho tất cả những ai đang tiếp tục phải chịu đau khổ vì đại dịch, cả những bệnh nhân lẫn những người mất đi người thân yêu của mình. Cầu xin Chúa ban cho họ niềm an ủi và đỡ nâng những nỗ lực dũng cảm của các bác sĩ, y tá. Mọi người, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta, cần đến sự hỗ trợ, và có quyền để được tiếp cận, được hưởng sự chăm sóc cần thiết. Điều này càng rõ ràng hơn trong những thời điểm khi mà tất cả chúng ta được kêu gọi để chống lại đại dịch. Các vắc-xin là công cụ chủ yếu trong trận chiến này. Tôi khẩn thiết kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế, trong tinh thần trách nhiệm toàn cầu, hãy cam kết để vượt qua những chậm trễ trong việc cung cấp các vắc-xin và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp vắc-xin, đặc biệt là với những quốc gia nghèo nhất.

Chúa bị đóng đinh và sống lại là niềm an ủi cho những người đang mất việc làm hay đang trải qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng và việc thiếu hụt sự bảo trợ xã hội thích hợp. Cầu xin Người truyền động lực cho những cơ quan công quyền hành động để mọi người, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, sẽ được cung cấp sự trợ giúp cần thiết để có một mức sống xứng hợp. Nhưng buồn thay, đại dịch đã làm gia tăng đáng kể con số người nghèo và sự tuyệt vọng của hàng ngàn người.

“Người nghèo thuộc mọi loại, hạng phải bắt đầu hy vọng lại một lần nữa”. Thánh Gioan Phaolo II đã nói như thế trong chuyến viếng thăm tại Haiti. Chính xác là trong những ngày nay, tôi đã, đang nghĩ đến những người dân Haiti yêu quý. Tôi kêu gọi họ đừng để bị choáng ngợp bởi những khó khăn, nhưng hãy nhìn vào tương lai với sự tự tin và hy vọng. Và những suy tư của tôi cũng đặc biệt hướng về anh chị em, những anh chị em Haiti yêu quý của tôi. Tôi gần gũi với anh chị em và tôi muốn một giải pháp dứt điểm đối với những vấn đề của anh chị em. Tôi đang cầu nguyện về điều này, thưa những anh chị em Haiti yêu dấu.

Đức Giêsu sống lại cũng là niềm hy vọng cho tất cả những người trẻ khi mà họ bị bắt buộc phải bước đi trong suốt những thời kỳ dài mà không được đến trường, hoặc vào đại học, hay có được thời gian với bạn bè của chúng. Trải nghiệm những mối tương quan con người thực sự, chứ không phải là những mối tương quan ảo, là điều mà mọi người cần đến, đặc biệt là cho thế hệ khi mà nhân cách và cá nhân của một con người đang được định hình. Chúng ta đã nhận ra điều này rõ ràng trong ngày Thứ Sáu vừa qua, trong Chặng Đàng Thánh Giá do các thiếu nhi soạn. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với người trẻ trên toàn thế giới và, trong những ngày này, đặc biệt với các người trẻ của Myanmar đang cam kết hỗ trợ dân chủ và làm cho tiếng nói của họ được nghe thấy trong hòa bình, với hiểu biết rằng chỉ có tình yêu mới có thể xua tan hận thù.

Xin cho ánh sáng của Đức Giêsu sống lại trở thành nguồn tái sinh cho những người di dân đang chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói cùng cực. Chúng ta hãy để cho mình nhận ra trong những khuôn mặt của họ là khuôn mặt bị xây xát và đau khổ của Chúa khi Ngài đi trên con đường lên Calvario. Cầu xin cho họ đừng bao giờ bị thiếu những dấu chỉ cụ thể của tình đoàn kết và tình huynh đệ nhân loại, một đảm bảo của cuộc sống vượt qua cái chết mà chúng ta cử hành vào ngày hôm nay. Tôi cám ơn các quốc gia đã quảng đại tiếp nhận những người đang đau khổ và đang tìm kiếm nơi trú ẩn. Đặc biệt là Liban và Jordan đang tiếp nhận nhiều người tị nạn đang chạy trốn khỏi xung đột tại Syria.

Cầu xin cho những người dân của Liban, những người đang trải qua những thời kỳ của khó khăn và bấp bênh, cảm nhận được sự an ủi của Đấng Sống lại và tìm thấy sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong ơn gọi trở thành vùng đất của gặp gỡ, chung sống và đa nguyên.

Cầu xin Đức Kitô bình an của chúng ta cuối cùng chấm dứt cuộc đụng độ vũ trang ở Syria thân yêu và bị chiến tranh tàn phá, nơi mà hàng triệu người hiện đang phải sống trong những điều kiện vô nhân đạo; tại Yemen, nơi mà tình hình phải đương đầu với một sự im lặng chói tai và tai tiếng; và tại Libya, nơi mà cuối cùng có đó niềm hy vọng một thập kỷ xung đột và đụng độ đẫm máu có thể đi đến kết thúc. Mong cho tất cả các bên liên quan cam kết một cách có hiệu quả đi tới việc chấm dứt các xung đột và để cho các dân tộc chịu đựng chiến tranh được sống trong hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước của họ.

Đấng Sống Lại đương nhiên đưa chúng ta lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, chúng ta xin Chúa ban hòa bình và an ninh (x. Tv 122), để nhờ đó Giêrusalem có thể đón lấy lời kêu gọi trở thành nơi của sự gặp gỡ, nơi mà tất cả mọi người có thể nhìn thấy người khác như là anh chị em, và là nơi mà người Israel và Palestine sẽ tái khám phá sức mạnh của đối thoại để đạt được một giải pháp ổn định, sẽ cho phép hai nhà nước song hành trong hòa bình và thịnh vượng.

Vào ngày Lễ Phục Sinh, suy nghĩ của tôi cũng hướng đến Iraq, nơi mà tôi đã có niềm vui của chuyến viếng thăm vào tháng trước. Tôi cầu nguyện cho Iraq có thể tiếp tục đi trên con đường của hòa bình và như vậy là hoàn trọn giấc mơ của Thiên Chúa về một gia đình nhân loại hiếu khách và đón tiếp tất cả mọi con cái của Ngài.[1]

Xin sức mạnh của Chúa sống lại nâng đỡ các dân tộc ở Châu Phi, những người nhìn thấy tương lại của họ đang bị tổn thương do bạo lực nội bộ và khủng bố quốc tế, đặc biệt tại Sahel và Nigeria, cũng như ở Tigray và vùng Cabo Degado. Xin cho những nỗ lực giải quyết những xung đột được tiếp tục trong hòa bình, trong sự tôn trọng quyền con người và sự thiêng liêng của đời sống, qua việc đối thoại huynh đệ và mang tính xây dựng trong một tinh thần tái hòa giải và đoàn kết thực sự.

Vẫn còn quá nhiều cuộc chiến tranh và quá nhiều bạo lực trong thế giới! Cầu xin Chúa, Đấng là bình an của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua tư duy chiến tranh. Xin Chúa ban cho những tù nhân của các cuộc xung đột, đặc biệt tài vùng đông Ukraine và Nagorno-Karabakh, có thể trở về với gia đình của họ trong an toàn, và xin Chúa thúc đẩy những lãnh đạo thế giới kiềm chế cuộc chạy đua vũ khí mới. Hôm nay, ngày 4 tháng Tư, đánh dấu Ngày Quốc Tế nâng cao nhận thức chống lại mìn chống cá nhân, những thiết bị quỷ quyệt và khủng khiếp giết chết hoặc giết hại nhiều người vô tội mỗi năm và ngăn cản nhân loại “cùng bước đi với nhau trên những con đường của sự sống mà sợ mối đe đọa của hủy diệt và cái chết”[2] Thế giới của chúng ta sẽ tốt đẹp biết bao nếu không có những công cụ chết chóc này!

Anh chị em thân mến, một lần nữa trong năm nay, tại nhiều nơi khác nhau, nhiều Kitô hữu cử hành Lễ Phục Sinh với những biện pháp hạn chế nghiêm trọng, và đôi khi, không thể tham dự cử hành phụng vụ. Chúng ta cầu nguyện rằng những biện pháp hạn chế đó, cũng như tất cả mọi hạn chế về quyền tự do thờ phượng và tôn giáo trên toàn thế giới, có thể được dỡ bỏ và mọi người được cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa trong tự do.

Giữa muôn vàn gian khổ mà chúng ta đang phải chịu đựng, chúng ta đừng bao giờ quên rằng, chúng ta đã, đang được cứu chữa nhờ bởi các vết thương của Đức Kitô (x.1 Pr 2,24). Trong ánh sáng của Chúa Sống lại, những đau khổ của chúng ta giờ đây được biến đổi. Nơi đã có sự chết, giờ đây có đó sự sống. Nơi nào đã có than khóc, giờ đây có đó sự an ủi. Khi ôm lấy thập giá, Đức Giêsu đã ban tặng ý nghĩa trên những đau khổ của chúng ta và bây giờ chúng ta cầu nguyện rằng lợi ích của việc chữa lành sẽ lan rộng trên toàn thế giới. Cầu chúc một Lễ Phục Sinh tốt lành, hạnh phúc và thanh thản đến với tất cả mọi anh chị em!

Nguồn: https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/urbi/documents/papa-francesco_20210404_urbi-et-orbi-pasqua.html


[1] Bài diễn văn trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Ur, 6/3/2021

[2] Gioan Phaolo II, Kinh Truyền Tin, 28/2/1999