$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Giáo hội Hoàn Vũ

ĐTC Phanxicô: HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU NHÌN, CHỮA LÀNH TRÁI TIM CỦA CHÚNG TA, TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG VÌ THIẾU VẮNG TÌNH YÊU

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 90 | Cật nhập lần cuối: 6/28/2021 10:38:39 AM | RSS

ĐTC Phanxicô: HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU NHÌN, CHỮA LÀNH TRÁI TIM CỦA CHÚNG TA, TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG VÌ THIẾU VẮNG TÌNH YÊU

Dịch: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 27/6, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng Chúa Giêsu nhìn xa hơn tội lỗi và những định kiến của chúng ta, để chữa lành trái tim của chúng ta khỏi những thương tích và những sai lỗi trong quá khứ.

Sau đây là nguyên văn bài suy tư chia sẻ của Đức Thánh Cha được chuyển dịch từ bản tiếng Anh trên trang https://www.vatican.va/

ĐTC Phanxicô: HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU NHÌN, CHỮA LÀNH TRÁI TIM CỦA CHÚNG TA, TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG VÌ THIẾU VẮNG TÌNH YÊU

Anh chị em thân mến,

Trong Tin Mừng ngày hôm nay (Mc 5, 21-43) Chúa Giêsu gặp phải hai hoàn cảnh bi đát nhất của chúng ta, đó là bệnh tật và cái chết. Ngài giải thoát hai người từ trong hai hoàn cảnh đó: một đứa bé gái vừa chết khi mà người cha đến cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu; và một người phụ nữ bị bệnh băng huyết nhiều năm. Chính Chúa Giêsu đã chạm đến đau khổ và cái chết của chúng ta, và Người thực thi hai dấu lạ của sự cứu chữa, nói với chúng ta rằng chẳng phải đau khổ hay sự chết là tiếng nói cuối cùng. Người nói với chúng ta rằng chết không phải là hết. Người đánh bại kẻ thù này, mà nếu chỉ một mình chúng ta, chúng ta không thể giải thoát được chính mình.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này khi mà bệnh tật vẫn còn nằm ở trung tâm của tin tức, chúng ta sẽ tập trung vào dấu chỉ khác, việc cứu chữa người phụ nữ. Hơn cả sức khỏe của chị, nhưng những cảm xúc của chị bị tổn thương. Tại sao? Khi người phụ nữ bị bệnh băng huyết, mà vào thời đó, bị xem là nhơ uế. Chị là người phụ nữ bị gạt ra bên lề; chị không thể có được những mối tương quan bền chặt; chị không thể có chồng; chị không thể có được một gia đình, và không thể có những mối tương quan xã hội bình thường, bởi vì chị “nhơ uế”, một căn bệnh khiến người phụ nữ trở nên “nhơ uế”. Chị sống cô đơn với một trái tim bị tổn thương. Vậy căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Bệnh lao ư? Là đại dịch ư? Không. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình thương; là không thể yêu thương. Người phụ nữ tội nghiệp này bị đau bệnh, đúng, chị bị băng huyết, nhưng hệ quả là chị bị thiếu vắng tình yêu, bởi vì chị ấy không thể ở bên cạnh người khác trong xã hội của mình. Và sự chữa lành được xem là quan trọng nhất chính là sự chữa lành những tình cảm, cảm xúc của người phụ nữ. Nhưng làm thế nào mà chúng ta tìm ra được điều này? Chúng ta có thể nghĩ về những cảm xúc của mình: nó đang bịnh hoạn hay trong trạng thái ổn? Nó đang đau bịnh ư? Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng.

Câu chuyện về người phụ nữ vô danh- mà chúng ta gọi chị ấy như vậy, “người phụ nữ vô danh”- là người mà tất cả chúng ta thấy bóng dánh mình nơi đó, là dẫn chứng. Bản văn nói rằng, người phụ nữ đã cố gắng để chạy chữa, “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác.” (c.26) Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thường xuyên lăn mình vào việc khắc phục những sai lầm để chỉ ra việc thiếu thốn tình yêu thương của chúng ta hay không? Chúng ta nghĩ rằng thành công và tiền bạc cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu lại không mua được bằng tiền bạc, tình yêu miễn phí. Chúng ta ẩn mình trong thế giới ảo, nhưng tình yêu lại hữu hình. Chúng ta không chấp nhận bản thân mình như mình là, và chúng ta che giấu mình đằng sau những vỏ bọc bên ngoài, nhưng tình yêu thì lại không có hình hài, dáng vẻ. Chúng ta tìm kiếm những giải pháp từ những ông thầy bói và từ những chuyên gia, rồi sau đó, chúng ta thấy mình hết cả tiền bạc và cũng chẳng có sự bình an, giống như người phụ nữ kia. Cuối cùng, người phụ nữ chọn Chúa Giêsu và lao mình vào đám đông để chạm vào áo của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người phụ nữ tìm kiếm sự tiếp xúc trực tiếp, sự tiếp xúc trực tiếp về mặt thể xác với Chúa Giêsu. Đặc biệt trong thời gian này, chúng ta hiểu việc tiếp xúc và những mối tương quan nó quan trọng như thế nào. Điều tương tự với Chúa Giêsu: đôi khi chúng ta bằng lòng tuân theo một số giới luật và lập lại những lời cầu nguyện – nhiều lần, giống như con vẹt-, nhưng Chúa chờ đợi chúng ta gặp gỡ Ngài, mở trái tim của chúng ta cho Ngài, và chúng ta, giống như người phụ nữ, chạm đến áo của Người để được chữa lành. Bởi vì, chúng ta được chữa lành những cảm xúc, tình cảm của mình là nhờ bởi chúng ta trở nên thân tình với Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu muốn điều này. Thực vậy, chúng ta đọc thấy rằng, ngay cả khi bị đám đông chen lấn, Chúa Giêsu nhìn quanh tìm xem ai đã đụng chạm vào Người. Các môn đệ nói rằng “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như vậy…” Không: “Ai đã sờ vào áo của tôi?” Đây là cái nhìn của Chúa Giêsu: Có nhiều người, nhưng Người tìm kiếm một khuôn mặt và một trái tim đầy tràn niềm tin. Chúa Giêsu không nhìn vào toàn thể, giống như chúng ta hay làm, nhưng Người nhìn vào cá nhân. Người không dừng lại ở những vết thương và sai lỗi trong quá khứ, nhưng vượt lên trên những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta có một lịch sử, và từng người chúng ta, trong bí mật của mình, biết rõ những vấn đề xấu xa trong lịch sử đời mình. Nhưng Chúa Giêsu nhìn vào lịch sử đó để chữa lành nó. Còn chúng ta, chúng ta thích nhìn vào những vấn đề xấu xa của người khác. Bao lâu khi chúng ta nói, chúng ta lại rơi vào tình trạng huyên thuyên, tức là nói xấu người khác, “xỉa xói” người khác. Nhưng hãy nhìn kìa: đây là chân trời nào của cuộc đời? Chẳng giống Chúa Giê su, Đấng luôn luôn tìm cách làm thế nào để cứu chúng ta; Người nhìn vào chúng ta hôm nay; nhìn vào ý muốn tốt lành chứ không phải là nhìn vào lịch sử xấu xí mà chúng ta có. Chúa Giêsu nhìn xa hơn tội lỗi chúng ta có. Chúa Giêsu nhìn xa khỏi những định kiến. Chúa Giêsu không dừng lại ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng là chạm tới trái tim. Và Người chính xác chữa lành người phụ nữ, người đã bị mọi người chối từ, một người phụ nữ bị nhơ uế. Chúa Giêsu đã dịu dàng gọi chị ta là “con” (c.34) – phong cách của Chúa Giêsu là gần gũi, lòng trắc ẩn và dịu dàng “Này con…” và Người ca ngợi lòng tin của người phụ nữ, phục hồi lại sự tự tin cho người phụ nữ.

Với anh chị em đang có mặt ở đây, hãy để Chúa Giêsu nhìn và chữa lành trái tim của chúng ta. Tôi cũng phải làm điều này: để Chúa Giêsu nhìn vào trái tim của tôi và chữa lành nó. Và nếu các bạn đã cảm nhận được cái nhìn dịu dàng của Chúa dành cho mình, hãy kết hợp thân tình với Người, và để cho Người hành động. Nào chúng ta hãy nhìn xung quanh mình; bạn sẽ nhìn thấy nhiều người đang sống bên cạnh mình, họ cảm thấy mình bị tổn thương và cô đơn; họ cần được cảm thấy mình được yêu thương: bạn hãy thực hiện từng bước một. Chúa Giêsu đòi hỏi bạn có một cái nhìn đi vào trái tim con người, chứ đừng dừng lại ở những vẻ bên ngoài: không phải là một cái nhìn của xét đoán, nhưng là đón nhận- chúng ta hãy thôi đi xét đoán người khác- Chúa Giêsu đòi chúng ta hãy có một cái nhìn không xét đoán. Bởi vì chỉ có tình yêu mới chữa lành cuộc đời. Xin Đức Mẹ Maria, Đấng an ủi ai đau khổ, giúp chúng ta biết đem đến cho những trái tim bị tổn thương sự chăm sóc, an ủi, những người mà chúng ta gặp trên hành trình đời mình. Và đừng xét đoán, đừng phán xét thực tế của người khác trên bình diện cá nhân, xã hội. Thiên Chúa yêu hết mọi người! Đừng xét đoán, hãy để người khác sống và cố gắng chạm đến họ bằng tình yêu.

Nguồn: https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210627.html