$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Giáo hội Hoàn Vũ

Chúng ta chẳng bao giờ cô đơn nếu chúng ta đem cuộc sống của mình vào trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 473 | Cật nhập lần cuối: 11/1/2021 10:20:50 AM | RSS

Trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về cách cầu nguyện của Vua Đa-vít với hồn thơ của mình, trong khi đang coi sóc dân của Thiên Chúa,

Trong bài giáo lý vào hôm thứ Tư, buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giáo lý về cầu nguyện vào hình ảnh của Vua Đa-vít trong Kinh Thánh.

“Đa-vít được Thiên Chúa yêu mến ngay từ khi ông còn trẻ, và được Thiên Chúa tuyển chọn cho sứ mạng độc nhất, một vai trò chính yếu trong lịch sử của dân Chúa và trong niềm tin của mỗi chúng ta.”

Đức Thánh Cha nói rằng, Đức Giêsu được gọi là “con vua Đa-vít”, Đấng thực hiện trọn vẹn lời đã hứa với tổ tiên về “một vị Vua hoàn toàn theo ý muốn của Thiên Chúa, trong sự vâng phục trọn vẹn với Cha của Người.”

Đa-vít, một mục tử

Câu chuyện của Đa-vít bắt đầu tại Belem, nơi mà Đa-vít đang chăn đoàn chiên của cha mình,

“Đa-vít đã chăn chiên, làm việc trong một bầu khí thật thoáng mát: chúng ta có thể nghĩ về Đa-vít như là một người bạn của gió, bạn của những âm thanh tự nhiên, của những tia nắng mặt trời.”

Đức Thánh Cha nói rằng, trên hết tất cả, Đa-vít là một người chăn chiên. Đa-vít bảo vệ và cung cấp thức ăn cho các con chiên. Trong ý hướng này, Đức Giê su đã tự gọi chính Ngài là “Mục tử nhân lành”, vị mục tử “hy sinh tính mạng, ban sự sống cho chiên. Ngài hướng dẫn chiên; Ngài biết và gọi tên từng con một.”

Về sau này, khi Đa-vít lạc đường bằng việc mưu toan giết chết quan tướng để chiếm đoạt vợ của trung thần mình, và khi ngôn sứ Na-than đến quở trách, ngay lập tức, Đa-vít đã nhận ra tội của mình.

“Đa-vít hiểu ngay rằng mình đã là một kẻ chăn chiên tồi tệ, xấu xa,” Đức Thánh Cha nói, “không còn là tôi tớ khiêm hạ nữa, nhưng là một kẻ ngu dại, điên khùng vì quyền lực, một kẻ săn trộm, cướp bóc và bắt mồi của người khác.”

Đa-vít, một tâm hồn thi sĩ

Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư về điều mà ngài gọi là tâm hồn thi sĩ của Đa-vít.

“Đa-vít chỉ có duy nhất một thứ đồng hành, an ủi tâm hồn mình: cây đàn hạc, và suốt thời gian dài trải qua trong cô độc, Đa-vít yêu thích chơi đàn và hát cho Thiên Chúa nghe.”

Đức Thánh Cha nói, Đa-vít không phải là một con người tầm thường. Đa-vít thường xuyên dâng lên Thiên Chúa những bài thánh ca, bày tỏ với Thiên Chúa cả niềm vui, lời than van sầu khổ, hay ăn năn.

“Thế giới hiện ra trước mắt Đa-vít không phải là một khung cảnh im lặng: khi mọi thứ sáng tỏ, thì trước cái nhìn của mình, Đa-vít quan sát, nhận ra một huyền nhiệm vĩ đại hơn.”

Chiêm ngắm huyền nhiệm của cuộc đời

Đức Thánh Cha nói, cầu nguyện phát sinh từ “niềm tin rằng cuộc sống không phải là cái gì đó khiến chúng ta ngạc nhiên, nhưng là một huyền nhiệm đáng kinh ngạc truyền cảm hứng cho thơ ca, âm nhạc, lòng biết ơn, ca tụng, thậm chí than vãn và cầu xin ở trong chúng ta.

Đức Thánh Cha lưu ý, truyền thống Kinh Thánh đã cho rằng Đa-vit là nghệ sĩ vĩ đại đứng sau việc sáng tác các Thánh vịnh.

Đa-vít đã mơ trở nên một mục tử tốt. Nơi Đa-vít có cả “sự thánh thiện và tội lỗi, bị bắt bớ và là kẻ bắt bớ, là nạn nhân và cũng là kẻ giết người.”

Giống như Đa-vít, những sự kiện trong cuộc sống riêng của mỗi người đã tiết lộ cho chúng ta trong cùng một ánh sáng tương tự đó. “Trong bi kịch của cuộc sống, tất cả mọi người thường phạm tội vì sự không nhất quán.”

Đem mọi thứ đến cho Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, giống như Đa-vít, có đó một sợi chỉ vàng xuyên suốt tất cả cuộc sống của chúng ta: sợi chỉ ấy là cầu nguyện.

“Đa-vít dạy chúng ta hãy đưa mọi thứ vào trong cuộc trò chuyện với Thiên Chúa: niềm vui cũng như lỗi phạm, tình yêu cũng như đau khổ, tình bạn cũng như sự yếu đuối.” “Mọi thứ có thể trở nên một lời để nói đến “Cha”, Đấng luôn luôn lắng nghe chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận, Đa-vít có đó sự cô độc nhưng “thực ra thì Đa –vít chẳng bao giờ cô đơn!”

“Đây là sức mạnh của việc cầu nguyện với tất cả những ai đã tạo nên một không gian để cầu nguyện trong cuộc sống của họ,” Đức Thánh Cha nói. “Cầu nguyện làm cho chúng ta trở nên cao quý: cầu nguyện có khả năng đảm bảo tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, Người Đồng hành thực sự trên hành trình của mỗi người, giữa cuộc đời, giữa trăm ngàn nghịch cảnh.”

Chúng ta chẳng bao giờ cô đơn nếu chúng ta đem cuộc sống của mình vào trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

Chuyển dịch : Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P

Nguồn: https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-06/pope-francis-general-audience-prayer-king-david.html