$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Giáo hội Hoàn Vũ

Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi tiếp kiến các vị điều hành các hiệp hội giáo dân, phong trào Giáo hội và cộng đoàn mới

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 154 | Cật nhập lần cuối: 9/22/2021 9:11:41 PM | RSS

Sáng thứ Năm 16/9/2021, Đức Thánh Cha Phanxico có buổi tiếp kiến các vị điều hành các hiệp hội tín hữu, phong trào Giáo hội và cộng đoàn mới. Đây là chương trình gặp gỡ do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, với chủ đề: “Trách nhiệm quản trị trong các tổ chức giáo dân: một sự phục vụ Giáo hội.” Sau đây là nội dung bài nói chuyện của Đức Thánh Cha.


Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico  trong buổi tiếp kiến các vị điều hành các hiệp hội giáo dân, phong trào Giáo hội và cộng đoàn mới


Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico

trong buổi tiếp kiến các vị điều hành các hiệp hội giáo dân, phong trào Giáo hội và cộng đoàn mới

Xin chào, xin chào mừng anh chị em!

Tôi thân ái chào Đức Hồng Y Kevin Farrell, và tôi cảm ơn ngài vì diễn từ ngài dành cho tôi. Và tôi cảm ơn tất cả anh chị em, vì đã hiện diện tại đây bất chấp những bất tiện do đại dịch gây ra và đôi khi bởi cảm giác tồi tệ mà sắc lệnh này có lẽ đã gieo vào lòng một số người. Tôi cũng gửi lời chào và cảm ơn những người đang tham dự qua nối kết video, hầu hết trong số họ đã không thể đi được vì những hạn chế vẫn còn hiệu lực ở nhiều quốc gia. Tôi không biết làm thế nào mà vị Thư Ký của Bộ xoay sở để trở về từ Brazil!

1. Trước hết, tôi muốn có mặt ở đây hôm nay để nói lời cảm ơn! Xin cám ơn sự hiện diện của anh chị em với tư cách là giáo dân, nam nữ, già trẻ, đã dấn thân sống và làm chứng cho Tin Mừng trong những thực tế đời thường của cuộc sống, trong công việc, trong nhiều bối cảnh khác nhau - dấn thân giáo dục, xã hội, v.v. , trên đường phố, trong các nhà ga, tất cả anh chị em đã ở đó - đây là cánh đồng rộng lớn cho việc tông đồ của anh chị em, đó là việc Phúc Âm hóa của anh chị em.

Và chúng ta phải hiểu rằng Phúc Âm hóa là bài sai phát xuất Bí tích Rửa tội, Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở thành những tư tế chung với nhau, trong chức tư tế của Chúa Kitô; dân tư tế, phải không nào? Và chúng ta không phải đợi linh mục đến để Phúc âm hóa, nhà truyền giáo… Đúng, họ làm điều này rất tốt, nhưng bất cứ ai đã được rửa tội thì đều có bổn phận phúc âm hóa. Và anh chị em đã khơi dậy điều này bằng các phong trào của anh chị em. Và điều này thì rất tốt. Xin cảm ơn!

Trong những tháng gần đây, quý vị đã tận mắt chứng kiến ​​và tận tay chạm vào những đau khổ và âu lo của nhiều người nam nữ do đại dịch gây ra, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất, nơi mà nhiều anh chị em đang có mặt. Một trong số anh chị em đã nói với tôi về điều này. Nghèo khó và khốn khó quá… Tôi nghĩ đến chúng tôi, những người đang ở Vatican- mọi thứ đều tốt, phải không?- lại than phiền khi bữa ăn không được ngon miệng, đang khi… có những người không có gì để ăn. Tôi biết ơn anh chị em vì anh chị em đã không dừng lại: anh chị em đã không ngừng mang lại sự liên đới, sự giúp đỡ, chứng tá Phúc âm ngay cả trong những tháng khó khăn nhất, khi mức độ lây lan rất cao. Bất chấp những hạn chế do các biện pháp phòng ngừa cần thiết, quý vị đã không bỏ cuộc: trái lại, tôi biết rằng nhiều anh chị em đã nỗ lực gấp bội, thích ứng với những tình huống thực tế mà anh chị em đã và đang phải đối mặt, với sự sáng tạo xuất phát từ tình yêu, bởi vì những ai cảm thấy được Chúa yêu thương thì sẽ yêu thương không đong đếm.

Chúng ta đã thấy sự “không đong đếm” này nơi rất nhiều nữ tu, nhiều phụ nữ thánh hiến, nhiều linh mục và nhiều giám mục. Tôi đang nghĩ về một giám mục cuối cùng đã phải đặt nội khí quản vì ngài luôn muốn ở lại với đoàn dân của mình. Hiện ngài đang dần hồi phục. Chính anh chị em và tất cả dân Chúa đã sát cánh bên nhau trong việc này, và anh chị em đã ở đó. Không ai trong anh chị em nói: “Không, tôi không thể đi, vì vị sáng lập của tôi nghĩ khác”. Vì vậy, không có vị sáng lập nào cả: ở đây đã có Tin Mừng kêu gọi, và mọi người ra đi. Xin cảm ơn rât nhiều. Anh chị em đã là nhân chứng cho “sự thuộc về cộng đồng (được chúc lành) đó, mà chúng ta không thể bị tước đoạt: thuộc về nhau như anh chị em”. Hoặc chúng ta là anh em hoặc chúng ta là kẻ thù! “Không, tôi tự tách mình ra: anh em hay kẻ thù”. Không có biện pháp nửa vời.

2. Là thành viên của các các hiệp hội tín hữu, các phong trào Giáo hội và các cộng đoàn khác, anh chị em mang một sứ mạng giáo hội thực sự. Với sự tận tâm, anh chị em cố gắng sống và làm sinh hoa kết trái những đặc sủng mà Chúa Thánh Thần, qua những vị sáng lập của anh chị em, đã trao tặng cho tất cả các thành viên trong nhóm của anh chị em, vì lợi ích của Giáo hội và của nhiều người nam nữ mà anh chị em hiến mình trong việc tông đồ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người đang hiện diện ở những vùng biên về mặt hiện sinh trong xã hội chúng ta, trải nghiệm sự bị bỏ rơi và cô đơn ngay trong thân xác của họ, và phải đau khổ vì thiếu thốn nhiều nhu cầu vật chất cũng như tinh thần và thiêng liêng. Thật là tốt đẹp khi mỗi ngày chúng ta nhớ tới không chỉ sự nghèo khó của người khác, mà còn, trên tất cả, của chính chúng ta.

Có điều gì đó về Mẹ Teresa mà người ta thường nghĩ đến, không có sao? Có chứ, Mẹ là một nữ tu, nhưng điều này xảy ra với tất cả chúng ta nếu chúng ta ở trên đường phố. Khi bạn đi cầu nguyện và không cảm thấy gì. Tôi gọi đó là “vô thần tâm linh,” nơi mà mọi thứ đều tăm tối, mọi thứ dường như đều nói: “Tôi đã thất bại, đây không phải là con đường, đây chỉ là ảo tưởng”… nhưng, sự cám dỗ, của thuyết vô thần đó, khi nó xuất hiện trong lời cầu nguyện. Mẹ Teresa đáng thương đã phải chịu đựng rất nhiều vì đó là sự trả thù của ma quỷ khi chúng ta đến đó, đến những vùng ngoại vi, nơi Chúa Giêsu đang ở, thực sự là nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, phải không? Chúng ta thích một Tin Mừng ngụy tạo, một Tin Mừng chắt lọc. Và đây không phải là Tin Mừng. Tin Mừng là điều này. Xin cảm ơn. Thật là tốt cho tất cả chúng ta khi nghĩ về những hình thức khó nghèo đó.

Anh chị em cũng vậy, bất chấp những giới hạn và tội lỗi mỗi ngày – hãy tạ ơn Chúa, chúng ta là tội nhân và Chúa ban cho chúng ta ân sủng để nhận ra tội lỗi của mình và cũng có ân sủng để hỏi hoặc đi đến với vị giải tội. Đây là một ân sủng lớn lao: đừng đánh mất nó… ngay cả với những giới hạn này, anh chị em là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sức sống của Giáo hội. Anh chị em đại diện cho một sức mạnh truyền giáo và một sự hiện diện ngôn sứ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về tương lai. Anh chị em cũng vậy, cùng với các mục tử và mọi tín hữu giáo dân khác, có trách nhiệm xây dựng tương lai của Dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa.

Nhưng hãy luôn nhớ rằng xây dựng tương lai không có nghĩa là thoát ra khỏi ngày hôm nay mà chúng ta đang sống! Trái lại, tương lai phải được chuẩn bị ở đây và bây giờ, đó là “trong nhà bếp”, học cách lắng nghe và biện phân thời điểm hiện tại với lòng trung thực và can đảm, và với sự sẵn sàng tham gia vào cuộc gặp gỡ liên tục với Đức Chúa, một sự hoán cải cá nhân liên tục. Nếu không, anh chị em vị có nguy cơ sống trong một “thế giới song song”, chắt lọc, xa cách, xa rời những thách thức thực tế của xã hội, của văn hóa và của tất cả những người đang sống bên cạnh anh chị em và những người đang chờ đợi chứng từ Kitô hữu của anh chị em. Thật vậy, thuộc về một hiệp hội, một phong trào hay một cộng đồng, đặc biệt nếu họ ám chỉ một đặc sủng, điều đó không nên nhốt chúng ta “bình an vô sự”, khiến chúng ta cảm thấy an toàn, như thể không cần bất kỳ phản ứng nào trước những thách thức và thay đổi. Tất cả những Kitô hữu chúng ta luôn luôn di chuyển, luôn luôn hoán cải, luôn luôn biện phân.

Và chúng ta thường thấy điều được gọi là “tác nhân mục vụ”; họ có thể là giám mục, linh mục, nữ tu, giáo dân dấn thân. Tôi không thích từ đó. Giáo dân “dấn thân” hoặc “không dấn thân”. Giáo dân đang hoạt động trong một việc gì đó. Nhưng có một số người nhầm lẫn giữa hành trình với một chuyến đi du lịch hoặc nhầm lẫn giữa hành trình với việc luôn quay đầu lại với bản thân, không thể tiến về phía trước. Cuộc hành trình của Tin Mừng không phải là một chuyến đi du lịch. Đó là một thử thách: mỗi bước là một thử thách và mỗi bước là một lời kêu gọi từ Thiên Chúa, mỗi bước - như chúng tôi nói ở quê hương chúng tôi - “đưa thịt vào vỉ nướng”. Hãy luôn luôn tiến về phía trước. Chúng ta luôn luôn di chuyển, luôn luôn hoán cải, luôn phân định để làm theo ý Chúa.

Nghĩ rằng mình là "mới mẻ" trong Giáo hội - đây là một cám dỗ thường xảy ra đối với các dòng tu mới hoặc các phong trào mới - và do đó không cần thay đổi, có thể trở thành một sự bảo đảm sai lầm. Ngay cả những điều mới lạ cũng nhanh chóng trở nên cũ kỹ! Vì lý do này, đặc sủng mà chúng ta thuộc về phải ngày càng được phát huy hơn nữa, và chúng ta phải luôn cùng nhau suy tư để thể hiện nó trong những hoàn cảnh mới mà chúng ta đang sống. Để làm được điều này, chúng ta cần có sự ngoan ngoãn và khiêm tốn, để nhận ra những hạn chế của mình và chấp nhận thay đổi những cách thế và lối suy nghĩ lạc hậu, những phương pháp hoạt động tông đồ không còn hiệu quả, hoặc những hình thức tổ chức đời sống nội bộ đã tỏ ra bất cập, thậm chí có hại. Ví dụ, đây là một trong những công việc mà các Tổng Hội luôn cung cấp cho chúng ta, khi các cách thức và phương pháp chưa tốt anh chị em phải điều chỉnh lại, đúng không?

Nhưng bây giờ chúng ta đi vào vấn đề, những gì anh chị em đang chờ đợi.

3. Sắc lệnh Các hiệp hội quốc tế của các tín hữu được ban hành vào ngày 11/6 năm nay, là một bước đi theo hướng này. Nhưng liệu sắc lệnh này có giam hãm chúng ta không? Nó có từ chối tự do của chúng ta không? Không, Sắc lệnh này thúc giục chúng ta chấp nhận một số thay đổi và chuẩn bị cho tương lai, bắt đầu ngay từ hiện tại. Tại nguồn gốc của sắc lệnh này, không có một lý thuyết nào đó về Giáo hội hoặc các hiệp hội giáo dân mà quý vị muốn áp dụng hoặc áp đặt, phải không? Không có. Chính thực tế của vài thập kỷ qua đã cho chúng ta thấy sự cần thiết của những thay đổi mà Sắc lệnh đặt ra cho chúng ta.

Và tôi sẽ cho anh chị em biết vài điều về trải nghiệm này trong những thập kỷ gần đây của thời hậu Công đồng. Trong Bộ Tu sĩ đang nghiên cứu về các dòng tu, các hiệp hội được thành lập trong thời kỳ này. Thật lạ lùng, rất lạ lùng. Nhiều, rất nhiều dòng tu, và hiệp hội, với một sự mới mẻ tuyệt vời, đã kết thúc trong những tình huống rất khó khăn: kết thúc với cuộc kinh lược tông toà, kết thúc với những tội lỗi tồi tệ, họ đã được đặt dưới sự giám sát... Và họ đang thực hiện một cuộc nghiên cứu. Tôi không biết liệu điều này có thể được xuất bản hay không, nhưng anh chị em hiểu rõ hơn tôi về những tình huống này. Nhưng có rất nhiều và không chỉ là những chuyện lớn mà chúng ta biết, những điều gây tai tiếng, những điều mà họ đã làm như thể một Giáo hội hoàn toàn khác - có vẻ như vậy, phải không? Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ... - nhưng cũng là những số nhỏ. Ở nước tôi, chẳng hạn, ba người trong số đó đã bị giải thể và tất cả đều kết thúc trong những thứ bẩn thỉu nhất. Họ đã đề nghị sự cứu rỗi, phải không? Họ dường như ... Luôn luôn tuân theo sự nghiêm khắc của kỷ luật. Điều này quan trọng. Và điều này đã dẫn dắt tôi ... Và thực tế này của những thập kỷ qua đã chỉ cho chúng ta thấy hàng loạt những thay đổi để giúp đỡ, những thay đổi mà Sắc lệnh yêu cầu chúng ta.

Do đó, hôm nay, khởi đi từ Sắc lệnh này, anh chị em đang tập trung vào một chủ đề quan trọng không chỉ cho mỗi người, mà cho toàn thể Giáo hội: “Trách nhiệm quản trị trong các tổ chức giáo dân: một sự phục vụ Giáo hội”. Quản trị là phục vụ. Việc thực hiện quản trị trong các hiệp hội và phong trào là một chủ đề đặc biệt gần gũi với trái tim tôi, đặc biệt là xem xét – điều tôi đã nói trước đó - các trường hợp lạm dụng các loại đã xảy ra trong những nhóm này và và gốc rễ của chúng luôn luôn là sự lạm dụng quyền lực. Đây là nguồn gốc: sự lạm dụng quyền lực. Không phải hiếm khi Tòa Thánh, trong những năm gần đây, đã phải can thiệp, khởi động các quá trình hồi phục khó khăn. Và tôi không chỉ nghĩ đến những tình huống rất tồi tệ mà gây ồn ào này; mà còn về những căn bệnh đến từ sự suy yếu của đặc sủng nền tảng, trở nên lãnh đạm và mất khả năng thu hút.

4. Các chức vụ quản trị được giao phó cho anh chị em trong các nhóm giáo dân mà anh chị em thuộc về không gì khác hơn là một lời kêu gọi phục vụ. Nhưng đối với Kitô hữu, phục vụ có nghĩa là gì? Trong một số trường hợp, tôi đã có cơ hội chỉ ra hai trở ngại mà một Kitô hữu có thể gặp phải trên hành trình của mình và những trở ngại khiến họ không thể trở thành tôi tớ thực sự của Thiên Chúa và của tha nhân.

5. Thứ nhất là “ham muốn quyền lực”, khi sự ham muốn quyền lực này khiến anh chị em thay đổi bản chất của việc phục vụ trong quản trị. Đã bao nhiêu lần chúng ta làm cho người khác cảm thấy được "sự thèm muốn quyền lực" của chúng ta? Đức Giêsu dạy chúng ta rằng người ra lệnh phải trở nên giống người phục vụ (x. Lc 22, 24-26) và "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9,35) Nói cách khác, Đức Giêsu đã đảo lộn các giá trị của thế gian, của trần thế.

Khát vọng quyền lực của chúng ta được thể hiện bằng nhiều cách trong đời sống của Giáo hội; chẳng hạn, khi chúng ta tin rằng, do vai trò mà chúng ta có, chúng ta phải đưa ra quyết định về tất cả các khía cạnh của đời sống của hiệp hội, giáo phận, giáo xứ, hội dòng của chúng ta. Chúng ta giao nhiệm vụ và trách nhiệm về một số lĩnh vực cho người khác, nhưng chỉ trên mặt lý thuyết! Tuy nhiên, trên thực tế, việc ủy ​​quyền cho người khác bị trống rỗng bởi sự háo hức muốn có mặt ở mọi nơi. Và mong muốn quyền lực này sẽ vô hiệu hóa mọi hình thức bổ trợ. Thái độ này thật là xấu và cuối cùng làm cạn kiệt sức mạnh của thân thể Giáo hội. Đó là một cách “kỷ luật” tồi. Và chúng ta đã thấy nó. Rất nhiều, và tôi đang nghĩ đến những dòng tu mà tôi biết nhất, các bề trên, các bề trên tổng quyền, những người vĩnh cửu hóa mình trong quyền lực và làm hàng nghìn, hàng nghìn việc để được bầu đi bầu lại nhiều lần, đúng không? Thậm chí thay đổi cả hiến pháp ... Và đằng sau đó là khát vọng quyền lực. Điều này không giúp ích gì; đây là bước đầu của sự kết thúc một hiệp hội, một dòng tu.

Có lẽ một số người có thể nghĩ rằng “khao khát” này không liên quan đến họ, rằng nó không xảy ra trong hiệp hội của chính họ. Chúng ta nên nhớ rằng Sắc lệnh Các hiệp hội quốc tế của các tín hữu không chỉ đề cập đến một số thực tế hiện nay ở đây, mà là cho tất cả, không có ngoại lệ. Cho tất cả. Không có tốt hơn hay kém hơn, hoàn hảo hay không: tất cả các thực tại của giáo hội đều được kêu gọi để hoán cải, để hiểu biết và thực hiện tinh thần làm sống động các định hướng được đưa ra cho chúng ta trong Sắc lệnh.

Tôi có hai hình ảnh về điều này. Hai hình ảnh lịch sử. Nữ tu đó ở cổng vào Tổng hội và nói: "Nếu chị bỏ phiếu cho tôi, tôi sẽ làm điều này cho chị". Họ mua quyền lực. Và rồi, một trường hợp có vẻ xa lạ đối với tôi, phải không?, Chẳng hạn như: “Tinh thần của vị sáng lập đã ngự xuống trên tôi”. Nghe giống như lời ngôn sứ của Isaiah, phải không? "Vị sáng lập đã trao cho tôi! Tôi là người độc nhất hoặc duy nhất tiếp nối công việc vì vị sáng lập đã cho tôi chiếc áo choàng của người, như Êlia đã cho Êlisê. Còn anh em, vâng anh em cứ bỏ phiếu, nhưng tôi sẽ là người lo liệu mọi sự”. Và điều này xảy ra! Tôi không nói về những điều viễn vông. Điều này xảy ra ngày nay và trong Giáo hội.

Kinh nghiệm gần gũi với thực tế của anh chị em đã cho chúng ta biết rằng việc luân chuyển các chức vụ trong quản trị và sự đại diện của tất cả các thành viên trong cuộc bầu cử của anh chị em là có lợi và cần thiết. Ngay cả trong bối cảnh của đời sống thánh hiến, có những hội dòng, bằng cách lưu giữ cũng những người đó trong các chức vụ quản trị, đã không chuẩn bị cho tương lai; họ đã cho phép sự lạm dụng len lỏi vào và hiện đang gặp khó khăn lớn. Tôi đang nghĩ, anh chị em không biết, nhưng họ có một tu hội nơi mà người lãnh đạo của họ được gọi là [Amabilia? Người đáng mến?]. Cuối cùng, bị tu hội gọi là 'kẻ đáng ghét' vì các thành viên nhận ra rằng người phụ nữ đội lốt "Hitler".

6. Và rồi, có một trở ngại khác đối với sự phục vụ của Kitô hữu chân chính, và điều này rất tinh vi: sự bất trung. Chúng ta gặp điều này khi một người nào đó muốn phục vụ Đức Chúa nhưng lại cũng phục vụ những thứ khác không phải là Đức Chúa. Và đằng sau những thứ khác, luôn luôn là tiền, phải không? Nó hơi giống như chơi một trò chơi hai mặt! Bằng lời nói, chúng ta nói rằng chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhưng trên thực tế, chúng ta phục vụ cái tôi của mình, và chúng ta chiều theo mong muốn xuất hiện, được công nhận, được đề cao... Đừng quên rằng sự phục vụ đích thực là nhưng không và vô điều kiện, không tính toán, không đòi hỏi. Ngoài ra, sự phục vụ đích thực thường quên đi những việc mình đã làm để phục vụ người khác. Điều đó xảy ra, phải không? Tất cả anh chị em đều có kinh nghiệm này, khi anh chị em được cảm ơn, và anh chị em hỏi "vì điều gì?" - "Vì những gì bạn đã làm ..." - "Nhưng tôi đã làm gì?" ... Và sau đó mới nhớ ra. Đó là phục vụ.

Và chúng ta rơi vào cái bẫy của sự bất trung khi chúng ta thể hiện cho người khác biết rằng chỉ mình chúng ta có thể giải thích các đặc sủng, chúng ta là những người thừa kế duy nhất của hiệp hội hoặc phong trào của chúng ta – như trường hợp mà tôi đã đề cập trước đó - hoặc khi, tin rằng mình là không thể thiếu, chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể để giữ chức vụ suốt đời; hoặc một lần nữa khi chúng ta tuyên bố để quyết định trước xem người kế nhiệm của chúng ta phải là ai. Điều này có xảy ra không? Có, nó có xảy ra. Và nó thường xuyên hơn chúng ta nghĩ. Không ai là chủ của các ân sủng đã lãnh nhận vì lợi ích của Giáo Hội - chúng ta là những người quản lý - không ai được bóp nghẹt ân sủng, hãy để ân ban lớn lên cùng với tôi hoặc với những gì đến sau tôi. Thay vào đó, mỗi người, dù được Đức Chúa đặt ở vị trí nào, đều được mời gọi để làm cho ân sủng lớn lên, và sinh hoa kết trái, tin chắc vào sự thật rằng chính Thiên Chúa là Đấng làm mọi sự trong mọi người (x. 1Cr 12, 6) và điều tốt lành thật sự của chúng ta sinh hoa kết trái trong sự hiệp thông giáo hội.

7. Anh chị em thân mến, khi thi hành vai trò quản trị đã được giao phó, chúng ta hãy học để trở thành những tôi tớ đích thực của Đức Chúa và của anh chị em mình, chúng ta hãy học cách nói “chúng tôi là những đầy tớ bất xứng” (Lc 17:10). Chúng ta hãy ghi nhớ biểu hiện này của sự khiêm nhường, của sự ngoan ngoãn theo ý Chúa, điều có ích rất nhiều cho Giáo hội và nhớ lại thái độ đúng đắn khi làm việc trong đó: khiêm tốn phục vụ, mà Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, rửa chân cho các môn đệ.

8. Trong tài liệu của Bộ, tham chiếu đến những vị sáng lập. Điều này có vẻ rất khôn ngoan. Nhưng, những vị sáng lập không nên bị thay đổi; tiếp tục đi về phía trước. Đơn giản hóa một chút, tôi muốn nói rằng chúng ta cần phân biệt, trong các phong trào của giáo hội (và cả trong các dòng tu), cần phải phân biệt giữa những phong trào đang trong quá trình hình thành và những phong trào đã có được sự ổn định về mặt pháp lý và tổ chức nhất định. Chúng là hai thực tại khác nhau. Những phong trào đang trong quá trình hình thành, cũng vậy, các tu hội, cũng có một người sáng lập hoặc người sáng lập còn sống.

Mặc dù tất cả các tu hội- cho dù là các phong trào tu sĩ hay giáo dân - đều có nhiệm vụ xác minh, trong các hội nghị hoặc tu nghị, tình trạng của đặc sủng nền tảng và thực hiện những thay đổi cần thiết trong luật pháp của mình (sau đó sẽ được phê duyệt bởi Bộ tương ứng), trong các tu hội đang hình thành - và tôi nói đang hình thành theo nghĩa rộng nhất; các tu hội có người sáng lập còn sống, và vì lý do này mà Sắc lệnh nói về người sáng lập suốt đời, phải không? Vì vậy, tài liệu nói lên sự ổn định nhất định của cấp trên trong giai đoạn này. Điều quan trọng là phải phân biệt được điều này để có thể di chuyển tự do hơn trong việc phân định.

Chúng ta là những thành viên sống động của Giáo Hội và vì điều này, chúng ta cần tin cậy vào Chúa Thánh Thần, Đấng hành động trong đời sống của mọi hiệp hội, của mọi thành viên, hoạt động trong mỗi chúng ta. Do đó, tin tưởng vào sự biện phân các đặc sủng được trao phó cho thẩm quyền của Giáo hội. Hãy nhận biết quyền năng tông đồ và ân điển ngôn sứ được ban cho anh chị em ngày nay một cách đổi mới.

Cám ơn anh chị em đã lắng nghe. Và một điều nữa: khi đọc bản dự thảo Sắc lệnh mà tôi đã ký - bản thảo đầu tiên -, tôi đã nghĩ. “Nhưng điều này quá cứng nhắc! Nó thiếu sự sống, nó thiếu... ”. Nhưng, anh chị em thân mến, đó là từ ngữ của giáo luật! Và ở đây nó là một điều luật, nó là một điều của ngôn ngữ.

Nhưng chúng ta phải, như tôi đã cố gắng làm, xem ngôn ngữ này, luật pháp, có nghĩa là gì. Đó là lý do tại sao tôi muốn giải thích rõ về nó. Và cũng để giải thích những cám dỗ đằng sau nó, mà chúng ta đã thấy và những cám dỗ này gây hại rất nhiều cho các phong trào cũng như các hội dòng và tu hội giáo dân.

Cảm ơn anh chị em đã lắng nghe, và cảm ơn Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã tổ chức buổi họp mặt này. Chúc anh chị em hoàn thành tốt công việc và một buổi họp tốt đẹp. Hãy nói bất cứ điều gì đến với anh chị em từ trái tim. Hãy hỏi những điều anh chị em muốn hỏi, hãy làm rõ các tình huống. Đây là một cuộc họp để làm việc này, để xây dựng Giáo hội, cho chúng ta. Và đừng quên cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần nó. Không dễ dàng để làm Giáo hoàng, nhưng Chúa giúp. Chúa luôn luôn giúp.

Nt. Anna Ngọc Diệp

Chuyển ngữ từ: vatican.va

https://www.vatican.va/content/francesco/en/events/event.dir.html/content/vaticanevents/en/2021/9/16/associazioni-fedeli.html