$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Dòng Đa Minh

Bài phỏng vân cha Timothy Radcliffe,OP: KẾT THÚC NHỮNG NGÀY BỊ ĐÈ NÉN , Chuyển dịch: Nt. Maria Trần Thị Sâm, O.P

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 618 | Cật nhập lần cuối: 11/1/2021 10:54:22 AM | RSS

KẾT THÚC NHỮNG NGÀY BỊ ĐÈ NÉN

Bài phỏng vân cha Timothy Radcliffe,OP. bởi Alain Elkann , đăng tải ngày Chúa nhật Phục sinh 12/4/2020

Chuyển dịch: Nt. Maria Trần Thị Sâm, O.P

Alain Elkann : Thưa Cha Timothy Radcliffe, Cha đã đi giảng khắp thế giới trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cha có sứ điệp gì muốn chuyển trao hôm nay trước đại dịch đang gieo rắc khắp nơi trên thế giới?

Bài phỏng vân cha Timothy Radcliffe,OP: KẾT THÚC NHỮNG NGÀY BỊ ĐÈ NÉN , Chuyển dịch: Nt. Maria Trần Thị Sâm, O.PCha Timothy: thật là nghịch lý khi trận đại dịch này xuất hiện cùng lúc hai thứ mâu thuẫn nhau: đó là sự cách ly đồng thời cũng có sự hiệp thông sâu xa. Ngoại trừ các anh hùng đang phải tất bật với những dịch vụ y tế và các nhu cầu khác, còn tất cả chúng ta đều phải tự cách ly. Hiện tại cộng đoàn tôi tại Oxford, London cũng hoàn toàn phong tỏa! Chúng tôi ngưng mọi giao tiếp vì chúng tôi không muốn gây nhiễm cho người khác; chúng tôi cũng có người đã bị nhiễm bệnh vì thế chúng tôi không muốn trở thành nguyên nhân lây nhiễm nữa. Thật lạ, bây giờ cách ly lại là một hành vi yêu thích!

Nhưng trận đại dịch này cũng còn là thời gian của sự truyền thông mạnh mẽ. Tôi có dịp liên hệ lại với những người hàng thập kỷ tôi chưa gặp. Và rồi trận dịch cũng mang tính cách quốc tế nữa khi chúng ta đối diện với khủng hoảng này như là của một cộng đoàn toàn cầu. Cần có một nghiên cứu cho công ích của nhân loại. Các quốc gia khác có đủ dụng cụ bảo vệ, máy thở, thuốc men không? Chúng ta không chỉ chăm sóc cho bản thân. Có một mạng lưới quốc tế của các nhà khoa học đang cùng nhau tìm loại Vacxin; đây không phải là thời gian để cạnh tranh hay tìm những phúc lợi tài chánh. Vì thế nhiều người chúng ta phải cách ly, nhưng đồng thời tất cả chúng ta phải vươn xa.

Alain Elkann : theo Cha, tôn giáo và niềm tin có phải là một giải pháp rất mạnh mẽ liên hệ đến thảm họa không tiên liệu đang chạm đến tất cả chúng ta không?

Cha Timothy : một hậu quả của nạn dịch này là sự sợ hãi, và sợ hãi có thể chuyển thành kinh hoàng. Nỗi kinh hoàng đã khiến con người cư xử theo những cách hủy diệt và ích kỷ. Nó cũng khiến người ta chất đầy đồ dự trữ nhiều hơn những gì họ cần. Điều này có thể thấy qua cách có quá nhiều giấy tolet biến mất khỏi các tiệm! Sự kinh hoàng cũng dẫn chúng ta đến việc quên lãng những người hàng xóm đang cần ai đó đi mua đồ giúp họ.

Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta có thể nhìn vào những gì đang xảy ra mà không bị nỗi lo sợ nắm giữ. Khi các môn đệ bị cơn bão trên biển hồ Galile, Chúa Giêsu đến với họ và nói: “Đừng sợ!”

Chúng ta không biết điều gì ở phía trước. Có lẽ đó là đau khổ và cái chết đến với hàng triệu người. Tôi hy vọng rằng đức tin của tôi sẽ có thể giúp tôi đối diện với đau khổ và cái chết mà không sợ hãi, và như thế sẽ tiếp tục lo được cho người khác bất kể niềm tin của họ, như các anh chị em của tôi. Một trong những lý do mà người Roma ngoại giáo ngày xưa đã trở lại với Kitô giáo là vì vào thời dịch bệnh, các Kitô hữu đã chăm sóc bệnh nhân, dù họ là các Kitô hữu hay không.

Vì thế chúng ta không cần phải sợ chết. Nhưng điều này không có nghĩa là muốn chết. Cách thế tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc sống đời đời là sống cuộc sống hôm nay tròn đầy bao nhiêu có thể với sự quảng đại lớn lao, và ngay cả với niềm vui.

Alain Elkann : thưa Cha Timothy, tôi đã dùng từ “không tiên liệu” vì Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng dùng từ đó trong diễn văn của Ngài tại quảng trường thánh Phêrô. Cha có ấn tượng gì trước biến cố chưa từng có của Đức Thánh Cha? Cha có tin rằng những hình ảnh của vị Giáo Hoàng cô độc và quảng trường trống vắng sẽ có ý nghĩa mang tính biểu trưng trong giai đoạn này với mọi người bất kể họ thuộc về tôn giáo hay không tôn giáo?

Cha Timothy: Đức Giáo hoàng một mình trên ban công là một hình ảnh đầy kinh ngạc. Đó là một biểu tượng mãnh liệt của một hậu quả về đại dịch, cách ly. Tôi may mắn vì tôi sống trong một cộng đoàn lớn, và vì thế chúng tôi có thể chu toàn đời sống chung trong những cách thế khác nhau. Nhưng nhiều người thì cô độc hoặc chỉ sống với một người khác.

Sự cách ly tước lột chúng ta nhiều thứ mà chúng ta cần, trước hết đó là sự đụng chạm. Đụng chạm là sự chất nuôi dưỡng cần thiết cho nhân loại chúng ta. Chúng ta cần đụng chạm ngay cả với những cử chỉ nhẹ nhàng nhỏ bé để cho chúng ta cảm nhận được sự sống. Trong nhà nguyện Sistine tại Vatican, họa sĩ Michelangelo đã mô tả Thiên Chúa chạm đến Adam để trao ban sự sống. Chúng ta cần nhìn thấy những khuôn mặt của những người chúng ta yêu mến. Skype và Zoom tuyệt vời nhưng không đủ!

Như là một Kitô hữu, tôi tin rằng trên Thánh giá Chúa Giêsu được nâng lên cao vượt qua đám đông, Chúa chia sẻ tất cả sự cách ly, cô đơn mà bất cứ con người nào có thể nếm trải. Ngài chia sẻ sự chia cách của đau khổ, của tủi hổ, và cuối cùng của cái chết. Vì thế bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy thật sự cô đơn, Chúa Giêsu đang chia sẻ với chúng ta. Người đã biến nó thành của Người.

Tôi tin rằng cuối cùng thì chẳng người nào trong chúng ta phải cô đơn. Thiên Chúa ở trung tâm mỗi người chúng ta, ban cho chúng ta sự hiện hữu. Như Thánh Augustino đã viết: “Chúa gần gũi con hơn là con gần gũi chính mình. Nếu con chiêm suy sâu xa đủ con sẽ thấy một Đấng Khác.”

Vào lúc này khi hàng tỷ người bị cách ly, chúng ta cần sáng tạo ra những cách thế để chạm đến những người mà chúng ta không thể chạm được một cách thể lý. Tất cả thế giới được đánh động bởi hình ảnh của những người Ý đứng trên ban công hát. Đó thực sự là một món quà cho thế giới từ một quốc gia bị khốn khổ ác liệt nhất.

Alain Elkann : Cha có một sứ điệp mới nào, một sứ điệp an ủi đặc biệt cho những người bị đau bệnh hoặc là thành viên gia đình của những người đó?

Cha Timothy: ngày hôm qua tôi nói chuyện với một người đến sát vào tôi (chỉ cách mặt tôi vài centimet ! và nói:” tôi đang sốt, tôi nghĩ rằng tôi có virus”. Tôi phải thú nhận rằng phản ứng đầu tiên của tôi, mà tôi che giấu là tức giận). Anh ta đã chẳng ý thức rằng đây là cơ hội tốt để anh truyền bệnh cho tôi sao? Và vào tuổi của tôi (75 tuổi), lại là người tiểu đường thì có nguy cơ cao tôi sẽ chết! Sau đó tôi nhận ra rằng, với một chút hổ thẹn, đây không phải là phản ứng tốt nhất. Trong cộng đoàn toàn cầu của chúng ta tất cả chúng ta đều có những cách tương quan với nhau, vì thế nên không có thể nào tìm ra ai đó để khiển trách. Chúng ta sống với những điều sẽ xảy ra, ngay cả điều đó là cái chết.

Đây là một cuộc khủng hoảng, nhưng bất cứ khủng hoảng nào cũng có thể đem lại hậu quả tốt nếu chúng ta sống trong niềm hy vọng. Tất cả chúng ta đã đến thế giới này qua cuộc khủng hoảng lớn lao bằng việc được sinh ra, chúng ta sống qua vô số những khủng hoảng: bị cai sữa khỏi vú mẹ, tuổi dậy thì, xa gia đình, cãi cọ với người khác, cuối cùng là chết. Con người lớn lên qua các khủng hoảng. Trung tâm niềm tin của chúng ta là cuộc khủng hoảng lớn lao về cái chết của Chúa Giêsu. Vào đêm trước khi khi Ngài chịu chết, Ngài đón nhận cái khủng hoảng đó cho bản thân mình. Các môn đệ chuẩn bị chạy trốn. Phêrô sẽ chối Ngài. Giuđa thì đã phản bội Ngài. Dường như không còn tương lai. Và trong giây phút đen tối nhất này Chúa đã có một cử chỉ của một niềm hy vọng bừng sáng . Khi cộng đoàn tan rã, Ngài cho chúng ta một cộng đoàn với chiều sâu mới căn bản. Ngài trao hiến mình: “Này là Mình Thầy hiến thân vì anh em.” “Đây là Máu Thầy, Giao ước mới.” Vì thế, sứ điệp của tôi là chúng ta sẽ không bị quật ngã bởi những phẫn nộ và khiển trách. Chúng ta hãy tin rằng ngay cái khủng hoảng kinh khủng này cũng trở nên hữu ích cho cuộc canh tân cộng đoàn nhân loại.

Alain Elkann : Vậy theo cái nhìn về triết lý lịch sử thần học thì sự kiện này có ý nghĩa gì? Nó có thể được so sánh với những loại bệnh dịch và thảm họa đã xảy ra trong lịch sử nhân loại trước đây, và Cha có nhìn thấy đó là một thứ hình phạt mà thiên nhiên đang nói với chúng ta khi đối diện với một thế giới quá lo lắng với những phiền nhiễu và chỉ lo tìm lợi nhuận một cách quá đáng không?

Cha Timothy : cậu tôi đã chết trong trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1919, từ ngày đó chúng ta có rất nhiều loại dịch bệnh khác nhau, nhưng chẳng có loại nào nghiêm trọng như Covid -19 cả. Nhưng đối với toàn bộ lịch sử mà chúng ta đã biết, nhân loại đã chịu khổ sở với những cơn dịch càn quét hàng triệu người. Một phần tư của Dòng Đaminh đã bị mất trong một thời gian ngắn vào thế kỷ 14 do cái Chết Dịch Đen. Chúng ta đang trải nghiệm những gì đã xảy ra bình thường đối với toàn thể lịch sử nhân loại. Điều mới mẻ đó là mỗi ngày tôi có thể đọc để biết có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh hay tử vong tại mỗi quốc gia trên thế giới. Và vì thế chúng ta sống đại dịch này như là một biến cố toàn cầu trong một cách thế mà chưa ai đã trải nghiệm trước đây. Có lẽ điều này sẽ củng cố cảm thức của chúng ta rằng nhân loại là một cộng đoàn toàn cầu, như tôi đã nói trên đây.

Alain Elkann : Thưa Cha Timothy, Cha có sợ hoặc cha nghĩ gì về những hậu quả kinh tế của trận đại dịch này? Nhiều người thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp nhỏ bị đóng. Cha có lo lắng lắm không?

Cha Timothy : Dĩ nhiên tôi lo lắng. Tôi sợ rằng tất cả những doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp tư nhân họ phải đang sống cho qua ngày. Nhưng có những dấu hiệu chúng ta có thể thấy sự quan tâm của chính phủ. Tôi cảm động với quyết định của chính phủ nước Anh sẽ trả 80% lương cho những công nhân đang nghỉ việc thay vì sa thải họ.

Alain Elkann : qua kinh nghiệm của Cha cũng như những lời cầu nguyện của Cha, Cha có những đề nghị thực tế hay thiêng liêng nào cho những ai đang đau khổ hay lo lắng trong thời điểm đặc biệt này không?

Cha Timothy : đặc biệt nếu bạn bị cách ly, hãy tìm một hình thức cho ngày sống để gíup cho chúng ta được lành mạnh và cho chúng ta có hy vọng. Tôi có người bạn luôn luôn bận rộn xoay quanh các việc trong gia đình: chạy bộ, tập Yoga, làm vườn, chơi nhạc, buổi tối thì thư giãn cùng với chồng xem phim. Bà đã sống một cuộc sống thường nhật như thế. Như là tu sĩ thì chúng tôi đọc Giờ kinh Phụng vụ. Điều này đã định hình ngày sống. Vào buổi tối tôi đọc Giờ Kinh Tối trước khi đi ngủ. Tôi buông bỏ những gánh nặng của một ngày. Tôi phải học để quên đi những sự khó chịu và giận dữ. Thánh Phaolo viết: “ đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.” Nếu bạn bị giam hãm cùng với những con người mà bạn khó chịu thì sự kích động sẽ bùng lên. Vì thế, hằng ngày chúng ta cần có những giây phút trong đó chúng ta bỏ hết những sự khó chịu và biết tha thứ cho nhau. Một cách lý tưởng là vấn đề này phải được thực hiện trước khi chúng ta đi ngủ, để chúng ta có thể ngủ ngon!

Buổi sáng là thời gian cho điều mới mẻ. Giờ Kinh Sáng chúng ta mở lòng đón Chúa đến. Chúa Kitô Phục sinh hiện ra với Cô Maria Madalena trong khu vườn vào sáng sớm tinh sương. Chúng ta mở ra cho những ân ban bất ngờ của một ngày, của tương lai. Đối với đa số, biểu tượng của tương lai là con cái hay cháu chắt họ. Có lẽ bạn không thể chạm đến họ hay ở bên họ, nhưng cần để vươn tới và âu yếm chúng như tương lai của chúng ta

Và vào ban trưa khi mặt trời dường như đứng yên, chúng ta cầu xin để sống trong giây phút hiện tại. Người ta chỉ có thể làm được điều này nếu quên đi quá khứ và mở ra với tương lai. Vì thế việc cầu nguyện của chúng ta định hình ngày sống cho cả hiện tại và niềm hy vọng. Người ta sẽ tìm thấy những hình thức khác nhau của một cuộc sống bình thường, giống như người bạn của tôi. Nhưng tất cả chúng ta cần tìm ra một cấu trúc hằng ngày đem lại ý nghĩa cho đời sống của chúng ta.

Alain Elkann : Cha đã sống những ngày này thế nào? Suy niệm, cầu nguyện, trả lời các câu hỏi? Cha thường xuyên nhận được những Câu hỏi nào nhiều nhất?

Cha Timothy : Lẽ ra tôi có kỳ nghỉ Sabbatical. Tôi mới hoàn thành cuốn sách “Alive in God: a Christian Imagination” ( Sống trong Chúa: một sự tưởng tượng Kitô giáo) tôi đang mong có thời gian để học và suy gẫm. Tôi đã đi Gierusalem một tháng để ôn lại việc học Tân Ước của tôi. Nhưng đại dịch này đã nuốt chửng kỳ nghỉ Sabbatical . Trọn thời gian tôi liên lạc với mọi người, trả lời email, Skyping và Zoom, các cuộc điện thoại; viết các bài báo, chuẩn bị bài giảng và ngay cả trả lời các cuộc phỏng vấn như thế này! Chưa bao giờ tôi lại bận như thế cả. Nếu tôi còn sống, có lẽ tôi có thể nghỉ Sabbatical vào năm tới.

Alain Elkann : Cha làm ơn giải thích, cũng là cho những người không có niềm tin, đâu là những ích lợi của việc cầu nguyện? Ngay cả vào những lúc như thế này, nhiều người không thể tập trung trong các nhà thờ, các hội đường Do thái, và các đền thờ Hồi giáo, hoặc những nơi thờ phượng khác, bởi vì các kinh nguyện thường được đọc lên trong cộng đoàn.

Cha Timothy : nhiều người thường có ấn tượng là những tín hữu cầu nguyện để thay đổi tâm trí của Thiên Chúa. Chúa muốn để ai đó chết và rồi, họ nghĩ ai đó cầu nguyện và Chúa nghĩ “được rồi, ông ta có thể phục hồi sức khỏe”. Nhưng đây là một cái nhìn máy móc về Đấng thiêng liêng đi vào thế giới của chúng ta, dường như Thiên Chúa là một kỹ sư thuộc Thượng giới.

Các Kitô hữu, giống như tín hữu Do thái và Hồi giáo, tin rằng Thiên Chúa ban cho mọi sự được hiện hữu. Chúng ta gọi Thiên Chúa “Đấng ban phát mọi ơn lành.” Vì thế trên tất cả, cầu nguyện là một hành vi của niềm tri ân. Chúng ta mở lòng mình ra, với các nhu cầu, những gánh nặng, những niềm vui của chúng ta cho Chúa, để đón nhận tất cả những gì Chúa sẽ ban cho chúng ta. Điều này có thể bao gồm việc chữa lành, những bất ngờ kỳ lạ và sự giải thoát khỏi đau khổ. Nhưng dù chúng ta nhận những hồng ân mà chúng ta hy vọng hoặc không, chúng ta tin tưởng rằng sự quan phòng của Thiên Chúa là đang dẫn chúng ta tới hạnh phúc cuối cùng bên Ngài.

Đối với nhiều Kitô hữu, bao gồm cả những người Công giáo và Chính thống giáo thì lời cầu nguyện long trọng là Thánh lễ (Eucharist) có nghĩa là Tạ ơn. Thật đáng buồn, vì do dịch Covid 19, mà nhiều chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các nhà thờ đối với việc thờ phượng công cộng. Giống như nhiều nhà thờ khác, chúng tôi dâng lễ trực tuyến mỗi ngày, và chúng tôi có được sự tham dự đông đảo từ khắp nơi trên thế giới. Hôm qua tôi nhận được một email từ một Tu sĩ Đaminh Việt Nam sống ở Sài gòn cho biết họ cầu nguyện với chúng tôi hằng ngày, như là mọi người trên khắp thế giới khác.

Alain Elkann : thưa cha Timothy, trong những nền văn minh cổ xưa, người già được tôn trọng đặc biệt. Như chúng ta biết họ là những người đầu tiên bị bệnh dịch này tấn công hoặc họ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Cha có nghĩ rằng các cộng đoàn và các quốc gia quan tâm đủ cho vấn đề này không?

Cha Timothy : hầu hết các xã hội truyền thống, gia đình chăm sóc các thành viên cao niên của họ, bà nội tôi đến sống với chúng tôi khi ông nội qua đời. Khi cảm thức về đại gia đình đã bị thu gọn lại nơi một gia đình nhỏ, chẳng hạn tại nước Anh, thường những người già tự chăm sóc cho mình. Điều này rất nguy hiểm vào thời đại dịch. Vì thế, thách đố chính yếu đối với các gia đình là chăm sóc nhau.

Trong các bệnh viện khi các nguồn y tế giới hạn, chúng ta dành ưu tiên cho người trẻ, điều đó cũng đúng thôi. Họ là tương lai của chúng ta. Điều này có thể hiểu rằng, chẳng hạn người già không luôn nhận được máy thở. Nếu tôi bị đưa vào bệnh viện với con Virus này, tôi ý thức rằng mình đã gần 75 tuổi và bệnh tiểu đường, tôi sẽ không ở danh sách ưu tiên để nhận những phương tiện y tế hiếm hoi. Và điều đó đúng. Một linh mục già người Ý đã nhường máy thở cho một bệnh nhân trẻ sử dụng và kết quả linh mục đó chết. Dĩ nhiên chúng ta phải dành sự chăm sóc tốt bao nhiêu có thể cho mọi người, nhưng đôi khi cũng có sự chọn lựa, và đối với tôi thì dường như người trẻ phải được ưu tiên. Đôi khi không có sự chọn lựa nhưng hãy để người già chết với sự trân trọng và quan tâm.

Alain Elkann : thật lạ là tất cả các bệnh khác, đau tim, ung thư dường như không tồn tại nữa, nhưng thực sự chúng vẫn tồn tại. Một điều thật kinh ngạc trong giai đoạn này, người ta không chỉ nhìn thấy những quảng trường trống rỗng nơi các thành phố, những phi trường trống vắng, và ga tàu là sự lặng tĩnh, bỗng nhiên thế giới rất nhộn nhịp này hoàn toàn yên tĩnh. Cha có tin rằng sự yên tĩnh này cách nào đó thì tốt cho suy niệm không? Chẳng hạn Hồng Y Martini giảng thuyết về sự quan trọng của Thinh lặng khi Ngài là Tổng Giám Mục Milano. Sự thinh lặng này cách nào đó là một thứ suy niệm. Sự thinh lặng này có kinh hoàng không hay là một cơ hội để suy tư, để chiêm niệm?

Cha Timothy : bên ngoài đường phố nơi tôi sống ở Oxford thường vào thời điểm này trong năm đầy các xe buýt, đưa và đón khách du lịch. Nhưng lần cuối khi tôi đi bộ trước khi chúng tôi bị phong tỏa, đường phố hoàn toàn trống vắng chỉ có một người đơn độc chạy xe đạp. Cây cối có thể thở không khí trong lành và có sự yên tĩnh.

Một số người sợ yên tĩnh. Vì trong yên tĩnh, những nỗi sợ bị dồn nén và những ý nghĩa ẩn giấu có thể bật lên. Như một sự thinh lặng nội tâm sâu xa, khi tôi ngừng nói lảm nhảm và yên lặng, có thể dẫn tới một niềm hạnh phúc rực rỡ. Nếu tôi ngưng bực mình và yên lặng, tôi ý thức về những gì quanh tôi. Tôi nhìn người khác với sự trong sáng tươi mới. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp của những thứ thông thường . Trong những khoảnh khắc của phúc lành, tôi trở nên ý thức về sự quan phòng dịu dàng bao bọc cuộc đời tôi, ngay cả khi mọi sự dường như đang khiến tôi hãi sợ. Tôi biết rằng tôi được yêu mến, bằng một tình yêu vượt trên mọi tưởng tượng.

Một trong những thứ mà tôi sẽ cố gắng làm trong những tuần lễ này là nghe âm nhạc nhiều hơn. Âm nhạc định dạng thinh lặng, và trao cho nó hình thể. Không phải tiếng động đối nghịch với thinh lặng, nhưng nó mở linh hồn ra với sự vui thích thầm kín của thính lặng, thứ thinh lặng giữa những nốt nhạc. Chúng ta có thể sử dụng âm nhạc để trốn tránh thinh lặng, hoặc bước vào thinh lặng một cách sâu xa hơn.

Alain Elkann : Chúng tôi sẽ phát hành cuộc phỏng vấn này vào ngày lễ Phục sinh. Vậy Cha có muốn gửi đến độc giả sứ điệp nào vào ngày lễ Phục sinh mang tính cách biểu trưng cho điều tất cả chúng ta đang chờ đợi, đó là chấm dứt đại dịch này không?

Cha Timothy: Trong thánh vịnh chúng ta nghe câu than thở:”Lạy Chúa đến bao giờ?” Điều khiến chúng ta chưng hửng là điều chúng ta không biết nạn dịch này sẽ kéo dài đến bao giờ. Bao lâu nữa thì các y,bác sĩ vẫn phải làm việc tất bật cùng với nguy cơ đến tính mạng họ? Bao lâu nữa mọi người còn bị phong tỏa? Lịch sinh hoạt thường ngày cho chúng ta cảm giác về thời gian – các biến cố của gia đình, các buổi cử hành tại nhà thờ, các kỳ học, lịch thi đấu thể thao, tất cả đều bị cắt vụn, và vì thế thật khó để tìm ra một cách kể về đời sống chúng ta. Chúng trở nên vô dạng!

Khi Martin Luther King được hỏi trận chiến chống lại sự đàn áp chủng tộc sẽ kéo dài bao lâu, ông đã trả lời:” Bao lâu nữa? Không lâu đâu!” Ông không muốn nói rằng nó sẽ mau qua đi. Ông nói: Không lâu nữa vì vòng cung của vũ trụ luân lý không dài nhưng nó căng ra về phía công lý…” Thời gian của ông được định hướng bởi niềm hy vọng vào chiến thắng cuối cùng.

Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Phục sinh, khi chiến thắng đó đã thành tựu. Vì thế thời gian sẽ dường như bị kéo lê. Chúng ta có thể thắc mắc khi nào chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường, và sẽ đi nhà hàng, quán rượu, và ôm bạn bè cùng gia đình chúng ta. “Lạy Chúa đến bao giờ?” Nhưng một niềm tin trong Lễ Phục sinh có nghĩa là tất cả những thứ đè nén trên nhân loại một ngày kia sẽ bị đánh bại, và ngay cả bây giờ chúng ta có thể nếm trải niềm vui đang đến. Tất cả chúng ta được tiền định để hưởng hạnh phúc trong Chúa rồi.

https://www.alainelkanninterviews.com/timothy-radcliffe-