$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Thần học

CÓ HAY KHÔNG TRỞ NGẠI SỐNG KHÓ NGHÈO

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 238 | Cật nhập lần cuối: 12/26/2022 8:53:21 AM | RSS

CÓ HAY KHÔNG TRỞ NGẠI SỐNG KHÓ NGHÈO

Ngày nay, những biến động thời cuộc đã và đang đem lại những thay đổi không ngừng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Sự xuất hiện của chủ nghĩa duy thực và duy cá nhân, biến những điều không tưởng gần như thành hiện thực. Trong khi đó, người tu sĩ được mời gọi sống lời khấn khó nghèo với đòi hỏi căn bản là sự từ bỏ: từ bỏ tiền tài và của cải vất chất; từ bỏ tội lỗi và các đam mê xấu; từ bỏ thực tại hữu hình để say mê thực tại vô hình. Nói cách khác là việc sống khó nghèo trên ba phương diện: vật chất, tri thức, kinh ngiệm thiêng liêng. Từ bỏ để gắn bó nên một với Đức Giêsu và thoát ly của cải là biểu hiện của hành vi dâng hiến. Vậy với sự biến động chóng mặt này, phải chăng việc sống lời khấn khó nghèo là một thách đố lớn cho người tu sĩ hôm nay?

1. Khó nghèo vật chất

Nếu chỉ hiểu khó nghèo là từ bỏ quyền sở hữu thì chưa đủ, cần hiểu thêm là nghèo về sở hữu và nghèo trong hiện hữu để theo Đức Kitô, Đấng đã dám hủy mình ra không, nghĩa là Ngài đã dám bỏ đi những gì Ngài đang sở hữu do địa vị Thiên Chúa của Ngài đem lại.

Căn bản của khó nghèo không phải là từ bỏ mà là gắn bó. Vì người ta muốn gắn bó với Thiên Chúa mà người ta sẵn sàng từ bỏ những thứ khác, việc này được thực hiện nhờ tác động của đức tin: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). Lời khấn khó nghèo của người tu sĩ bao hàm niềm tin vào Thiên Chúa là tài sản tuyệt vời của mình. Đức tin dám liều và chấp nhận mọi hậu quả do lòng tin. Để từ đó, phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và nhờ việc phó thác ấy người tu sĩ có thể chiếm hữu được Đấng vô biên một cách trọn vẹn. Công đồng Vaticano II khuyến cáo: “Đức khó nghèo cốt tại chiếm hữu tài sản trên trời” (Đức Ái Trọn Hảo, số 13, Mt 6,20). Riêng người tu sĩ Đa Minh thì ngoài sống nghèo cá nhân còn có sống nghèo cộng đoàn. Sự khó nghèo của người giảng thuyết sẽ làm tăng uy tín cho lời giảng không dựa trên tài ăn nói hay quyền bính nhưng hoàn toàn dựa trên quyền năng của Lời Chúa.

Ngược lại với tinh thần từ bỏ ấy là não trạng duy thực dụng và duy cá nhân đang bành trướng trong thế giới ngày nay. Não trạng ấy cần phải được thay thế bằng não trạng Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi và hướng về nhân loại. Đây là thách đố lớn cho mỗi người tu sĩ khi bước theo Đức Kitô. Ngoài ra, ta thấy được nhiều tu sĩ không có gì là tư hữu nhưng lại quá đầy đủ khi sống trong tu viện nguy nga không kém gì dinh thự của các vua chúa. Hậu quả của hình thức sống này làm cho các hội dòng bị kìm hãm trong cái giàu sang của cơ sở vật chất, phương tiện đắt tiền, làm cho các tu sĩ nghèo trở thành bia đàm tiếu cho những người nghèo khổ, thấp hèn trong xã hội.

2. Khó nghèo tri thức

Mọi người không trừ ai, khi ngưng việc học hay tự học ắt là lùi mà lùi là đi dần đến chỗ diệt vong. Vì thế, để có thể tồn tại và đi dần đến mức hoàn thiện, mỗi người cần nỗ lực trong việc học. Mỗi tu sĩ mang trong mình khát khao thực hành chân lý là ý Chúa cách trọn vẹn như lời Thánh vịnh diễn tả: “Đường chân lý này con đã chọn, quyết định của Ngài con tha thiết đợi trông” (Tv 118, 30).

Vì thế, việc học hành có một chỗ đứng quan trọng để họ sống ơn gọi cách sung mãn và chu toàn sứ mạng dòng cách tốt đẹp hơn. (GL 659.1). “Vô tri bất mộ” – không biết thì không mộ mến. Do đó, ước vọng của Hội Thánh là làm sao cho các tu sĩ lưu tâm đến việc đào tạo chính mình và cho người khác. Người tu sĩ dẫu biết việc học là một khổ chế nhưng không bao giờ ngưng việc học để có thể nhờ đó họ biết để yêu, để phục vụ cách chính xác và hiệu quả cho chính mình và tha nhân.

Nỗ lực tốt trong việc học chẳng khác gì như người đầy tớ khôn ngoan và trung tín được ông chủ là Thiên Chúa gọi vào hưởng niềm vui của Ngài nhờ biết sinh lợi những nén bạc học hành mà ông đã trao cho, góp phần làm cho cuộc sống này thêm sinh động và tốt đẹp hơn. Nói cách khác là sống đúng tinh thần khó nghèo về tri thức. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn những thách đố cho người tu sĩ trong việc học: mặc cảm, tự ti hay thỏa mãn về khả năng chuyên môn, kiến thức của mình mà buông trôi hay tìm thú vui khác, mà đúng ra phải cập nhật thường xuyên kiến thức đạo đời của mình. Vậy phải làm sao để tinh thần khó nghèo này luôn là điều hấp dẫn, thu hút cho bất kỳ ai? Thiết nghĩ, ta cần phải bàn thêm về tinh thần khó nghèo trong kinh nghiệm thiêng liêng.

3. Khó nghèo trong kinh nghiệm thiêng liêng.

Sống là tương quan vì con người mang tính xã hội. Người tu sĩ không chỉ sống tương quan với tha nhân nhưng đặc biệt hơn là tương quan với chính Thiên Chúa. Đây là mối tương quan quyết định sinh tử cho người tu sĩ, bởi lẽ khi người tu sĩ gắn kết với Thiên Chúa qua từng phút giây cuộc sống, họ nhận được sức mạnh nội tại để có thể ngày càng mến Chúa và yêu người hơn. Sống khó nghèo trong kinh nghiệm thiêng liêng tức là mở lòng ra với Thiên Chúa, vét rỗng mình để từ đó Thiên Chúa có thể đổ tràn tình yêu và ân sủng của Người cho chúng ta, biến ta thành một thực tại mới giống như Người, điển hình như Abraham, Giacóp, Môsê, Đức Maria, và vô vàn gương thánh nhân khác. Nhờ biết mở lòng ra cho Thiên Chúa, các ngài được biến đổi và trở thành máng chảy ân sủng của Thiên Chúa cho tha nhân.

Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Do đó, ai sống được tinh thần khó nghèo này sẽ làm được mọi việc nhờ được thông phần với Thiên Chúa. Thế nhưng, không thiếu những thách đố cho việc sống tinh thần này đặc biệt trong “chợ đời” ngày nay, đó là: cứng lòng, nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa, chối bỏ Ngài, quay lưng lại với tình yêu của Ngài, nhất là khi ta gặp thử thách, gian truân…Vì thế, mỗi người tu sĩ cần thức tỉnh, cảnh giác và khiêm tốn cậy trông vào ơn Chúa giúp.

Như vậy, những thách đố cho việc sống tinh thần khó nghèo về vật chất, tri thức, kinh nghiệm thiêng liêng của người tu sĩ luôn hiện thực. Người xưa có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Do đó, những thách đố này một mặt là cơ hội để người tu sĩ thể hiện được sức mạnh tình yêu: yêu Chúa, yêu người nếu họ biết nỗ lực cộng tác vào ơn Chúa. Mặt khác là bước đệm để người tu sĩ tiến sâu hơn vào tương quan bằng hữu với Thiên Chúa và gắn bó cách hữu hiệu, sâu sắc hơn với tha nhân, nhờ đó họ có thể sống được giá trị và căn tính của đời tu.

Nt. Maria Quỳnh Oanh, OP