$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Dòng Đa Minh

THÁNH CATARINA SIENA, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 464 | Cật nhập lần cuối: 4/26/2022 3:14:54 PM | RSS

THÁNH CATARINA SIENA, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

THÁNH CATARINA SIENA, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phaolô VI

trong thánh lễ Phong Tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh cho Thánh Nữ Catarina Siena

(Chúa nhật 04. 10. 1970)

Thánh Catarina Siena được Đức Thánh Cha Piô II phong hiển thánh ngày 29. 6. 1461;

được Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn phong tước vị Tiến sĩ Hội thánh ngày 4. 10. 1970.

Tại sao một trinh nữ ít học thành Siena nhỏ bé (118 km2), 16 tuổi mới học đọc sách, 30 tuổi mới học viết và qua đời lúc còn trẻ ở tuổi 33, lại có thể mang danh Tiến sĩ Hội Thánh?”

Để hiểu rõ nội dung bài giảng, chúng ta cần biết:

Trên nguyên tắc, để được phong tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh cần phải có 3 điều kiện:

  1. Thứ nhất, sanctitas: phải là một vị đã được phong hiển thánh.

Do đó, cho dù là một học giả hết sức nổi tiếng nhưng chỉ mới được phong chân phước, thì chưa thể tiến hành hồ sơ tặng tước hiệu “Tiến Sĩ”.

  1. Thứ hai, eminentia doctrinae: vị thánh ấy đã để lại một học thuyết lỗi lạc có ảnh hưởng đến đời sống của Hội thánh.
  2. Thứ ba, cần phải được Đức Thánh cha hay Công đồng hoàn vũ tuyên bố. [1]

*****

Nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phaolô VI:

Tâm hồn Chúng tôi ngập tràn niềm vui thánh thiêng khi phong tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh cho một trinh nữ khiêm tốn và khôn ngoan thuộc dòng Đa Minh, thánh nữ Catarina thành Siena. Điều này làm chúng tôi liên tưởng cao hơn đến niềm vui thanh tao nhất mà Chúa Giêsu đã cảm nhận trong trình thuật trong Tin Mừng của thánh Luca, “Đức Giê-su hớn hở vui mừng trong Thánh Thần” và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21; x. Mt 11, 25-26).

Và cũng như vị Tông đồ dân ngoại đã cảm thấy hài lòng về việc đưa ra nhận xét khi viết cho cộng đoàn người Hy Lạp ở Côrintô, nơi mà nhiều người say mê tìm kiếm sự minh triết của loài người. Thánh Phaolô viết: “Anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cor 1, 26-29).

Hoạt động của Catarina

Việc Thiên Chúa ưu tiên chọn lựa những gì là không đang kể và ngay cả là thấp hèn dưới con mắt người đời đã được Chúa Giêsu loan báo – trái ngược với cách định giá theo kiểu thế gian – khi công bố các mối phúc dành cho người nghèo, người hiền lành, sầu khổ, đói khát sự công chính, người có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình (x. Mt 5, 3-10).

Dĩ nhiên là Chúng tôi không có ý định dừng lại để ở đây để minh chứng rằng cuộc sống và hoạt động của thánh Catarina như là mẫu gương cho sự thật và nét đẹp cao cả của Tám Mối Phúc.

Đàng khác, như anh chị em đã biết, chị thánh đã thanh thoát triệt để khỏi những tham lam trần thế, tha thiết mến yêu biết bao sự trinh khiết hiến thánh cho Vị hôn phu trên trời là Đức Giêsu Kitô; hết lòng khao khát công lý và đầy lòng xót thương nhân ái khi gắng sức đem lại sự hòa giải cho các gia đình và các thành phố đã bị xâu xé bởi sự ganh ghét và hận thù tàn bạo; chị đã dấn thân hòa giải dân thành Florence với Đức Giáo Hoàng Gregorio XI đến nỗi liều mình mất mạng sống vì âm mưu báo thù của những người chống đối. Chúng tôi cũng không dừng lại để chiêm ngưỡng những ơn thần bí đặc biệt mà Thiên Chúa phú ban cho chị, trong đó có ơn kết hôn thần bí và các dấu thánh. Và chúng tôi cũng nghĩ rằng đây cũng không phải là lúc phù hợp để nhắc lại những nỗ lực tuyệt vời của chị thánh trong việc thuyết phục Đức Giáo Hoàng trở về nơi ở hợp pháp xứng đáng của mình là Roma. Sự thành công mà cuối cùng chị đã đạt được này quả là một kỳ công trong những hoạt động của chị. Trong nhiều thế kỷ, điều đó vẫn được nhắc nhớ đến như là vinh quang lớn nhất đời chị, điều này được lưu danh để Hội thánh muôn đời ghi nhớ công ơn chị.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là lúc thích hợp để nêu bật, dù là vắn tắt, về điều kiện thứ hai để được trao ban danh xưng Tiến sĩ cho người con gái của thành phố danh tiếng Siena, theo phán quyết của Hội thánh. Điều kiện thứ hai này là học thuyết trổi vượt.

Thật vậy, điều kiện thứ nhất là sự thánh thiện đã được Đức Giáo Hoàng Piô II, người đồng hương với chị, đề cập theo giọng điệu nhân văn đương thời trong sắc phong thánh cho chị Misericordias Domini (Lòng thương xót Chúa) do chính ngài đích thân soạn thảo. Nghi lễ phong thánh đã được cử hành long trọng tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô ngày 29.6.1461.

Vậy chúng ta sẽ nói gì học thuyết trổi vượt của Catarina? Trong các bài viết của chị, những bức tâm thư – môt số lớn vẫn được lưu lại, tác phẩm Đối Thoại và “những lời cầu nguyện”, chắc chắn chúng ta không tìm thấy những lời biện giải hùng hồn, những quan điểm thần học táo bạo có thể sánh với những kiệt tác của các nhân vật nổi tiếng trong Hội thánh thời Cổ, ở cả Đông Phương lẫn Tây Phương. Chúng ta cũng không thể mong chờ nơi người nữ trinh ít học quê làng Fontebranda những học thuyết cao siêu thuộc về thần học hệ thống, nền thần học làm cho những bậc tiến sĩ kinh viện thời Trung cổ đã trở nên bất tử. Chúng ta công nhận là trong các tác phẩm của chị có phản ảnh thần học của thánh Toma Aquinô, vị tiến sĩ Thiên thần, cách nào đó làm cho ta ngạc nhiên, nhưng thần học lúc đó không còn mang hình thức khoa bảng nữa.

Vậy điều làm chúng ta ngạc nhiên hơn cả về thánh nữ chính là tri thức thiên phú của chị, một sự hấp thụ các chân lý của Thiên Chúa và các mầu nhiệm đức tin cách say mê, sáng suốt và sâu sắc được chứa đựng trong các sách Cựu Ước và Tân Ước, một sự hấp thụ có được nhờ ân huệ đặc biệt tự nhiên nhất, nhưng lại rất phi thường, nhờ đặc sủng cao minh mà Chúa Thánh Thần ban, đặc sủng huyền bí.

Trong các tác phẩm của mình, Catarina để lại cho chúng ta một trong những mô hình tuyệt vời nhất của đặc sủng khuyến dụ, lời lẽ cao minh, lời lẽ thâm hiểu, như thánh Phaolô diễn tả tác động nơi một vài tín hữu trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Thánh Phaolô lưu ý rằng các đặc sủng phải được dùng cách hợp lý và nói rõ là các đặc sủng được trao bao không phải vì lợi ích cá nhân của người nhận nhưng là cho toàn thể thân mình là Hội thánh. Người giải thích: trong Hội thánh, “chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (1 Cor 12, 11). Do đó, tất cả các thành phần của nhiệm thể Đức Kitô phải phải đáp lại những ân sủng từ kho tàng thiêng liêng mà Chúa Thánh Thần ban cho và làm tăng triển ơn thiêng đó (x. Rm 12, 8; 1Tm 6, 2; Tt 2, 15).

Học thuyết của Catarina không phải thủ đắc được nhờ nghiên cứu học hỏi: xem ra chị là thầy dạy hơn là môn sinh”. Đức Thánh Cha Piô II đã công bố như thế trong tông sắc phong thánh cho chị. Quả thật, đây đó trong các tác phẩm của chị chứa đựng biết bao tia sáng của trí tuệ siêu phàm, biết bao lời mời gọi khẩn thiết hãy noi gương Đức Kitô trong tất cả mầu nhiệm cuộc sống và khổ nạn của Ngài, biết bao nhiêu giáo huấn hữu ích về việc thực hành các nhân đức phù hợp cho các bậc sống khác nhau. Các bức tâm thư của chị thì giống như những chùm tia lửa huyền bí được đốt lên trong trái tim nồng cháy của chị bởi Tình Yêu Hằng hữu là Chúa Thánh Thần.

Huyền bí về Ngôi Lời Nhập Thể

Vậy thì đâu là những đặc điểm chính, những chủ để nổi bật trong học thuyết huyền bí và tu đức của chị thánh? Thiết nghĩ, theo gương “thánh Phaolô thời danh” (Đối thoại = ĐT 11), đôi khi với văn phong mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết, Catarina là nhà thần bí của Ngôi Lời Nhập Thể, đặc biệt là của Chúa Giêsu chịu đóng đinh; chị là người tán dương quyền năng cứu độ của Bửu huyết châu báu mà Chúa Con đã đổ ra trên gỗ Thánh Giá vì yêu và vì ơn cứu rỗi cho mọi thế hệ nhân loại (x. ĐT 127).

Đối với các Hồng y, giám mục và linh mục, chị thánh cũng không ngần ngại ngỏ lời khuyến khích và khiển trách, nhưng luôn luôn với sự khiêm nhường và kính trọng phẩm vị của các ngài là những thừa tác viên của Bửu Huyết Chúa Kitô.

Catarina không quên rằng chị là thành viên của một dòng tu, một trong những hội dòng nổi tiếng và hoạt động tích cực trong Hội thánh. Do đó, chị luôn tôn trọng những người mà chị gọi là những “dòng tu thánh thiện”, và coi họ như là mối dây hiệp nhất giữa Thân Thể nhiệm mầu, gồm bởi những đại diện Chúa Kitô (thuật ngữ riêng của chị) với thân thể phổ quát của Kitô giáo, tức là các tín hữu bình thường. Chị kêu gọi các tu sĩ hãy trung thành với ơn gọi cao cả của họ, qua việc quảng đại luyện tâp nhân đức và tuân giữ kỷ luật tu trì.

Thánh nữ thị kiến bửu huyết của Đấng Cứu Thế liên tục chảy trong Hy Tế Thánh Lễ và trong các Bí Tích, nhờ tác vụ của các thừa tác viên, để thanh tẩy và tô điểm cho toàn thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô. Vì thế chúng ta có thể nói được huyền bí của Nhiệm thể Đức Kitô, nghĩa là Hội thánh.

Mặt khác, đối với Catarina, Hội thánh là người mẹ đích thực mà chị có bổn phận tuân phục, tôn kính và chăm sóc. Chị nói: “Hội thánh không gì khác hơn là chính Đức Kitô” (x. Thư 1271).

Vì thế, có gì hơn sự kính trọng đặc biệt và lòng mến chân tình Catarina dành cho Đức Thánh Cha! Hôm nay, bản thân chúng tôi, tôi tớ hèn mọn của các tôi tớ Thiên Chúa, chúng tôi phải biết ơn sâu xa, dĩ nhiên không phải vì danh dự có thể dành cho cá nhân khiêm hạ của mình, nhưng là vì lời biện giải thần bí mà chị dành cho người kế vị thánh Phêrô. Ai mà chẳng nhớ? Chị thánh đã coi Đức Thánh Cha chính là “Đức Kitô dịu ngọt trên mặt đất” (Thư 196), cần phải tỏ lòng kính yêu của người con thảo và vâng phục ngài, vì “ai bất tuân với Đức Kitô trên mặt đất, Vị đại diện của Đức Kitô trên trời, sẽ không được thông dự phúc lộc từ Bửu huyết của Chúa Con” (Thư 207).

Chị thánh đã viết cho Đức Giáo Hoàng Urbano VI những lời như là tiên báo, không phải chỉ là học thuyết, mà cả văn phong của Công đồng Vaticano II trong hiến chế Lumen Gentium (x. LG 23). Chị viết: “Tâu Đức Thánh Cha, … Cha biết sự khẩn thiết để Cha và Hội thánh giữ cho dân thành này (Firenze) biết vâng phục và tôn kính Cha, là thủ lãnh và nguyên ủy của đức tin chúng con” (Thư 170).

Và rồi, các giáo dân cũng được chị quan tâm như người mẹ, chị đã gởi nhiều bức tâm thư sống động đến họ, kêu gọi họ hãy mau mắn thi hành các nhân đức Kitô giáo và những nghĩa vụ theo bậc sống của họ, được thúc đẩy bởi lòng yêu mến nồng nàn với Chúa và với tha nhân, bởi vì các giáo dân là thành phần sống động của Thân thể nhiệm mầu. Thánh nữ nói: “Hội thánh được xây dựng trên tình yêu và Hội thánh chính là tình yêu” (Thư 103).

Vai trò của thánh nữ trong việc canh tân Hội thánh

Làm sao chúng ta quên được những đóng góp quan trọng của chị thánh trong việc cải tổ Hội thánh? Chị đã tỏ bày lời kêu gọi chủ yếu nhằm vào các mục tử có chức thánh, vì chị chán ghét và phẫn nộ với sự ươn lười của một số không ít các vị đó. Chị nổi giận vì sự lặng thinh của họ, trong khi đoàn chiên được giao phó cho họ đang tản mác và bị phá hoại. Chị viết cho một vị giáo chức cấp cao: “than ôi, đừng lặng thinh nữa! hãy cùng khóc với trăm ngàn miệng lưỡi khác. Con nhìn thấy, vì sự thinh lặng, mà thế giới đang hư hỏng, Hiền thê của Đức Kitô đang xanh xao vàng vọt; màu da đang tái dần vì máu của Hiền thê đang bị hút ra, máu đó chính là Bửu huyết Đức Kitô” (Thư 16, gởi cho Đức Hồng Y Ostia).

Và chị muốn nói gì về việc đổi mới và cải tổ Hội thánh? Chắc chắn không phải là lật đổ các cơ cấu căn bản của Hội thánh, cũng không phải là nổi loạn chống đối các mục tử, các đặc sủng cá nhân được tự do hành động, đổi mới tùy tiện việc thờ phượng và kỷ luật, như một số người ngày nay cũng thích như thế. Trái lại, chị không ngừng khẳng định rằng phải trả lại vẻ đẹp cho Hiền Thê của Đức Kitô và phải cải tổ “không phải bằng chiến tranh, nhưng bằng hòa bình và thinh lặng, bằng cầu nguyện khiêm tốn và chuyên chăm, và mồ hôi, nước mắt của các tôi tớ Chúa phải đổ ra” (x. ĐT 15; 86). Do đó, đối với chị thánh trước hết cần một sự canh tân nội tâm, sau đó mới là cải tổ bên ngoài, nhưng luôn luôn hiệp thông và vâng phục hiếu thảo với các vị đại diện hợp pháp của Đức Kitô.

Phải chăng người trinh nữ đạo đức của chúng ta cũng là một chính trị gia? Vâng, đúng vậy, chị là một chính trị gia biệt tài, nhưng theo nghĩa tinh thần của từ ngữ. Thực tế, chị đã phẫn nộ bác bỏ lời cáo buộc của một số người đồng hương chống lại chị vì cho rằng chị là người vận động chính trị. Chị viết cho một người trong số họ: “… và những người đồng hương của tôi tin vào các cuộc đàm phán đang diễn ra do tôi hay do những người cùng đồng hành với tôi, họ đang nói sự thật; nhưng họ không biết sự thực, và họ đang nói tiên tri; mặt khác vì tôi không muốn và cũng không muốn những người đồng hành với tôi làm điều gì nếu không phải là đánh bại thần dữ và loại trừ nó, không cho nó làm chủ con người qua tội lỗi, loại bỏ hận thù khỏi trái tim con người và đưa họ đến sự an bình với Đức Kitô chịu đóng đinh và với tha nhân” (Thư 122).

Hiến dâng mạng sống mình

Bài học mà nữ chính trị gia “độc đáo” để lại cho chúng ta vẫn có ý nghĩa và giá trị của nó, tuy nhiên ngày nay chúng ta cần phải minh bạch phân biệt giữa cái thuộc về Xê-da và cái gì thuộc về Thiên Chúa, giữa cái thuộc về Hội thánh và cái thuộc về xã hội. Học thuyết chính trị của chị thánh được diễn tả đúng và rõ ràng nhất qua câu nói xác tín này: “không một quốc gia nào duy trì trong ân sủng theo luật đời hay luật Chúa, nếu thiếu công lý” (ĐT 119).

Catarina chưa hài lòng vì những lời dạy phong phú về sự thật và sự thiện qua lời nói và các tác phẩm của mình, chị ước ao đóng ấn với hiến lễ cuối cùng của cuộc đời mình cho Thân thể Nhiệm mầu của Đức Kitô là Hội thánh, khi còn rất trẻ ở tuổi 33. Trong một căn phòng nhỏ gần nhà thờ thánh Maria Sopra Minerva, từ trên giường bệnh, có các môn đệ trung tín bao quanh, chị đã dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cảm động sau đây, bằng chứng chân thực về đức tin, lòng biết ơn và tình yêu nồng nàn nhất của chị: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin nhận lấy hiến lễ cuộc đời con (vì lợi ích) cho thân thể mầu nhiệm này của Hội thánh Chúa. Con chẳng có gì khác để cho đi ngoài những gì Chúa ban cho con. Vì thế, xin hãy nhận lấy trái tim con, và siết nó trên khuôn mặt của hiền thê này (Thư 371).

Vì thế, đó là sứ điệp của một đức tin thuần khiết, một tình yêu nồng cháy, một sự dâng hiến khiêm nhu và quảng đại cho Hội thánh Công Giáo, là Thân thể Mầu nhiệm và là Hiền Thê của Đấng Cứu Thế. Đó là sứ điệp độc đáo của Vị tân tiến sĩ Hội Thánh, Catarina Siena, chiếu sáng và là gương mẫu cho tất cả những ai hãnh diện được thuộc về Hội thánh. Chúng ta hãy nhận lấy sứ điệp này với tấm lòng tri ân và rộng mở, để cho nó trở nên ánh sáng cho cuộc đời trần thế của chúng ta và là bảo chứng cho việc thuộc về Hội thánh Vinh quang trên thiên quốc. Amen

Nt. Têrêsa Quỳnh Giao, OP

Chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Ý: Proclamazione di santa Caterina da Siena dottore della Chiesa - Omelia del Santo Padre Paolo VI, Domenica, 4 ottobre 1970.

Nguồn: http://vatican.va

[1] x. Bài viết của Lm. Phan Tấn Thành, OP: Các điều kiện cổ điển được đức thánh cha Bênêđictô XIV đã đúc kết trong tác phẩm Doctrina de servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione (1749), Lib.IV, Pars secunda, cap. XI, n.13.