$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Dòng Đa Minh

ÂN SỦNG THÁNH ĐA MINH MANG ĐẾN CHO THẾ GIỚI: Một cái nhìn mới về Linh Đạo Đa Minh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 489 | Cật nhập lần cuối: 11/14/2021 7:54:37 PM | RSS

ÂN SỦNG THÁNH ĐA MINH MANG ĐẾN CHO THẾ GIỚI:

Một cái nhìn mới về Linh Đạo Đa Minh

Cụm từ “Linh đạo Đa Minh” chỉ mới được sử dụng phổ biến gần đây trong dòng Đa Minh. Thánh Đa Minh (c.1172-1221) cũng như các vị thánh đầu tiên của Dòng, kể cả thánh Tôma Aquinô (1225- 1274) và thánh Catarina Siena (1347-1380) có lẽ đều không biết đến cách diễn đạt này. Những vị thánh ấy hẳn đã biết đến và giữ những thực hành mà ngày nay chúng ta đặt cho cái tên là “Linh đạo Đa Minh”. Tuy nhiên, các ngài đã hiểu những điều căn bản này của đời sống Đa Minh như những yếu tố không thể thiếu của nếp sống thường xuyên đó, điều mà từ những thập niên đầu của thế kỉ thứ XIII, các tu sĩ Đa Minh đã nuôi dưỡng và duy trì. Nói cách khác, có lẽ các ngài đã chấp nhận những thực hành này, như việc làm nên nhịp điệu đời sống Đa Minh, chứ không như việc diễn tả các đặc tính duy nhất của linh đạo Đa Minh để có thể phân loại.

Dù sự phân biệt này thoạt tiên có thể bị cho là chuyện vặt vãnh, nhưng đó là điều làm sinh động một hình thái nếp sống vừa bao hàm ân thánh vừa tuân theo những nguyên tắc của một nền tu đức, thậm chí của một trường phái mà tính chính thực của nó đã được Giáo hội công nhận. Một học giả dòng Đa Minh, Thomas Gilby, nói rằng hình thái đó chỉ về “nguyên lý định hình bên trong của sự vật”. Như những hình dạng tự nhiên hiện hữu trong tạo thành, hoặc như những hình thái thẩm mỹ mà các nghệ nhân đặt vào các nguyên liệu, hình thái hàm nghĩa rằng một vật gì đó sở hữu một sự ổn định có thể xác định được. Chúng ta có thể dễ dàng phân biệt những quả dứa với những chú gấu trúc, và âm nhạc của George Friederic Handel với âm nhạc của Harry Connick, Jr. Tóm lại, hình thái hoặc hình dạng chỉ về điều làm cho một ai đó hay một vật gì đó là chính nó. Hình thái Đa Minh tạo hình cho một cách sống riêng biệt trong lòng Giáo hội. Thật vậy, một tài liệu chính thức của Dòng Anh Em Giảng thuyết dùng cụm từ forma vitae, hình thái đời sống của Dòng. Nếu người tu sĩ Đa Minh nói về linh đạo của mình, họ sẽ nhất định diễn tả qua cụm từ “Linh đạo Đa Minh”, một hình thức sống phân biệt họ với những thành viên của các dòng tu khác. Đồng thời họ sẽ mô tả nguyên lý định hình bên trong mà những ai được mời gọi bước theo nếp sống Đa Minh ao ước nhận lấy để làm của riêng mình và để tận hiến chính bản thân mình cho điều đó, tất cả dưới sự thúc đẩy của một ân sủng được trao ban cách nhưng không mà chúng ta gọi là “ơn gọi”.

Hình thái đời sống Đa Minh tuôn chảy từ ân sủng mà chính thánh Đa Minh đem vào trong thế giới. Thật tuyệt diệu khi suy gẫm rằng một ân sủng đặc biệt, hiện thân nguyên thủy nơi vị linh mục người Castilian Đa Minh Caleruega, ngày nay liên kết các linh mục Đa Minh và các anh em cộng sự trên toàn thế giới. Cũng một ân sủng này đặt các tu sĩ Đa Minh ngày nay trong một dòng dõi trực hệ với những người mà gần 800 năm qua đã mang trên mình bộ tu phục trắng và đen của Dòng Đa Minh. Nếp sống Đa Minh đã được Giáo hoàng Honorio III phê chuẩn chính thức vào ngày 22/ 12/ 1216. Mặc dù vị tiền nhiệm của ngài, vị Giáo hoàng lẫy lừng Innocent III, đã phê chuẩn cho dự định của Thánh Đa Minh, nhưng Tông thư của Đức Honorio, một tài liệu còn sót lại cách kì diệu khỏi sự tàn khốc của Cách mạng Pháp và ngày nay được đặt trong kho lưu trữ của tỉnh dòng Pháp ở Haute-Garonne, Tông thư ấy có tầm quan trọng cho Năm thánh kỷ niệm tám trăm năm nhiều mong đợi của Dòng được tổ chức vào năm 2016. Niềm hứng khởi để nói về một ân sủng vốn nằm ở tâm điểm của ơn gọi Đa Minh phát xuất từ những lời mà Đức Honorio III nói về thánh Đa Minh vào tháng Giêng năm 1221, khoảng 6 tháng trước khi thánh nhân qua đời. Những lời đó đã đi vào trong cái gọi là “Constitutio Fundamentalis” – Hiến pháp nền tảng, một bản văn được viết gần đây, được coi như lời mở đầu cho những hiến pháp và các quy định điều hành đời sống Đa Minh ngày nay. Đức Giáo hoàng viết: “[Thánh Đaminh là] người không ngừng làm cho Giáo hội sinh hoa kết trái qua con cái của mình. Ngài ước mong làm cho thời hiện đại (thế kỉ thứ XIII) cũng được ngang bằng với những những thế kỉ đầu tiên của Kitô giáo và làm lan rộng đức tin Công giáo. Vì thế, ngài đã truyền cảm hứng cho anh em về niềm khát khao thánh thiện để ôm ấp sự khó nghèo, tuyên khấn một đời sống tu trì và cam kết hiến thân cho việc loan báo Lời Chúa, giảng truyền cho muôn nơi danh thánh Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta”. Không chút nghi ngờ gì nữa, Đức Honorio III đã hiểu rằng sự phát triển của dòng Đa Minh khởi đi từ một ân sủng mà thánh Đa Minh và qua sự trung gian của ngài, các tu sĩ Đa Minh đầu tiên đã nhận lãnh từ Thiên Chúa.

1. Như một nguyên tắc tổng quát, các tu sĩ Đa Minh nên dừng lại một chút trước khi áp dụng thuật ngữ “linh đạo” cho nếp sống ân huệ của mình. Lý do cho sự thận trọng này nằm ở sự phát triển rất phức tạp của khái niệm “linh đạo”, đặc biệt từ thế kỉ thứ 17. Chúng ta biết về sự phát triển này trong một tài liệu có thẩm quyền về mọi vấn đề liên quan đến “linh đạo”, đó là bộ Từ điển linh đạo gồm nhiều quyển, được bắt đầu bởi các học giả dòng Tên vào năm 1932. Trong mục bàn đến cả từ ngữ và ý niệm “linh đạo”, người ta khám phá ra rằng thuật ngữ “linh đạo” theo ý nghĩa hiện nay trở nên thịnh hành giữa các tác giả Công giáo vào thế kỉ thứ XVII, ví dụ như các giáo sĩ người Pháp nổi tiếng Jacques-Benigne Bousset (1627-1704) và Francois Fenelon (1615-1715). Đáng tranh luận là việc sử dụng đầu tiên của thuật ngữ “linh đạo” trong ý nghĩa hiện đại xuất hiện sớm hơn trong các tác phẩm của một tác giả dòng Capuchin, Constantin de Barbanson (1582-1631), với tác phẩm chính Những nẻo đường thầm kín của tình yêu thần linh, lần đầu tiên được xuất bản tại Cologne vào năm 1623, sau đó được tái bản bằng nhiều ngôn ngữ. Rồi linh đạo nổi lên trong bối cảnh những nỗ lực của Giáo hội ở châu Âu sau công đồng Trento nhằm đưa ra những mô hình về một đời sống Công giáo đích thực cho giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Từ thế kỉ thứ XVII cho đến nay, các linh đạo đủ loại đã được nhân lên.

Các chiều kích linh đạo hiểu như sự tăng trưởng nhu cầu có thể được đánh giá từ chính bộ Từ điển linh đạo. Tác phẩm tham chiếu tiêu chuẩn này gồm 15 quyển và phần phụ lục (quyển 16) được xuất bản vào năm 1995 dày 751 trang. Trong thời hiện đại, nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã nghĩ ra và cổ võ những quan điểm riêng về cách thức phù hợp nhất cho tín hữu để đạt tới sự hoàn thiện Kitô giáo. Thông thường, có những cuộc chiến diễn ra gay gắt giữa các tác giả và giữa những trường phái tư tưởng khác nhau, đặc biệt tại Pháp. Một trong những cuộc tranh luận nổi tiếng nhất tập trung vào nhân vật bí ẩn Madame Guyon (1648 – 1717), một nữ giáo dân Công giáo người Pháp theo chủ nghĩa Quietism (chủ trương xuất thế thụ động) chống lại hai Giám mục Pháp được nhắc đến trước đây là Bousset và Fenelon, vị này chống lại vị kia. Trong nghiên cứu của mình về cuộc tranh luận này, Ronald Knox đặt tựa đề cho chương đó là “Madame Guyon and the Battle of the Olympians” (tạm dịch “Bà Guyon và cuộc chiến giữa các vị thần”). Cần lưu ý rằng khi Bousset, người chống đối lại bà Guyon, sử dụng thuật ngữ linh đạo (spiritualité), ngài thường dùng từ ngữ đó theo nghĩa xấu, ví dụ như trong cụm từ “la nouvelle spiritualité(linh đạo mới), Bousset có ý nói về những thực hành của những người theo chủ nghĩa Quietism. Vào năm 1699, Đức Giáo hoàng Innocent XII đã trừng phạt những tư tưởng theo chủ nghĩa Quietism của bà Guyon.

Về mặt lý thuyết, để khám phá ra quan niệm đã thúc đẩy sự bùng nổ của các linh đạo, chúng ta có thể tham khảo tác phẩm hữu ích của một tác giả thuộc Hội Xuân Bích, Pierre Pourrat (1871-1957), đó là bộ Linh đạo Kitô giáo, gồm 4 quyển, được xuất bản lần đầu trong thập niên 1920, sau Thế chiến I. Tác giả thế kỉ XX này thuộc Hội Xuân Bích giải thích chỗ đứng của linh đạo trong đời sống Giáo hội từ cuộc cải cách vào thế kỉ thứ XVI. Pourrat viết rằng “Linh đạo là phần thần học bàn đến sự hoàn thiện Kitô giáo và những con đường đạt tới đó … được chia thành Thần học khổ chế và Thần học thần bí”. Việc nghiên cứu về linh đạo như đã phát triển trong thời hiện đại, đã áp đặt cách tinh tế sự phân chia khoa thần học duy nhất thành ba phần. Các phần của sự phân chia này bao gồm thần học tín lý, thần học luân lý và thần học linh đạo, phần mà như Pourrat trình bày là liên quan đến “sự hoàn thiện Kitô giáo”. Các tu sĩ Đa Minh, ít ra là vì họ theo thánh Tôma Aquinô, không thể chấp nhận sự chia cắt thần học này (Ban-căng hóa thần học). Chính Tôma Aquinô đã diễn tả cách rõ ràng về vấn đề này trong Summa theologiae I, q., 1, a.3: “Dicendum sacram doctrinam unam scientiam esse”. Phải nói rằng Sacra doctrina (Đạo lý thánh) là một khoa học duy nhất. Tuy nhiên, sự phân chia thần học làm ba này của Pourrat phản ánh một quan điểm mà phần lớn các thần học gia đã theo ít nhất từ thế kỉ XVII cho đến Công đồng Vatican II (1962-1965).

Trong suốt thế kỉ XX và thậm chí sớm hơn nữa, một vài tu sĩ Đa Minh đã nhắc nhở rằng người ta không thể tách rời việc học hỏi về sự hoàn thiện Kitô giáo khỏi những đề tài được bảo vệ trong trong thần học tín lý và thần học luân lý. Tiếng nói của họ hầu như không được lắng nghe. Sau Công đồng Vatican II, một thứ tiến triển khác đã diễn ra. Ngày nay, linh đạo thống trị một số cảnh quan thần học và thừa tác vụ đến nỗi với nhiều Kitô hữu, sự nhiệt tình với thần học linh đạo đã làm lu mờ đi cả sự yêu thích lẫn mối quan tâm đến thần học tín lý và thần học luân lý. Và không cần phải nói rằng ngày càng nhiều những bài học cổ điển trong thần học khổ chế và thần bí đã được thay thế bằng những châm ngôn và định đề của tâm lý trị liệu và những lời biện hộ đặc biệt. Thảo luận về việc thần học Công giáo đã bị vướng như thế nào vào những thực hành tinh thần thay thế như thiền mùi hương, Enneagram – Cửu loại tính và phương pháp Reiki, chuyện đó không thuộc phạm vi của khảo luận này. Tuy nhiên, những nỗ lực chính thức để hạn chế những dạng dị thường này thường gặp phải những phản kháng mạnh mẽ, đặc biệt từ những người đứng ra kiếm lợi nhuận kinh tế từ những chương trình như thế.

Để hiểu hơn về điều phân biệt đời sống Đa Minh với những hình thức khác của đời sống thánh hiến, kể cả những dòng (như dòng Tên, Sa-lê-diêng) dựa vào những linh đạo riêng của họ, chúng ta nên trở lại với những bối cảnh đầu tiên đã thúc đẩy việc chia tách thần học tâm linh khỏi tín lý và luân lý. Lịch sử cuộc cải cách Giáo hội Công giáo vào thế kỉ XVI vẫn là một điều phức tạp để có thể phân tích. Nhà sử học nổi tiếng dòng Đa Minh, Cha Guy Bedoulle nhận định rằng một vài nhà cải cách Công giáo đã chia sẻ với anh em Tin Lành sự vội vã đối với những phân tích chuyên môn và dành ưu tiên cho những nghiên cứu nhân văn mới. Ví dụ như tác giả nói tới Giám mục thành Verona vào thế kỉ XVI Gian Matteo Giberti (1495-1543), người đã lắp đặt một máy in trong tòa Giám mục của mình để cho ra đời cả những bản văn của Giáo phụ lẫn các bản văn hiện đại bằng tiếng Hy Lạp. Đối với các vị có trách nhiệm thực hiện những cải cách của công đồng Trento, có vẻ như Giáo hội chẳng còn hứng thú với việc nhàn rỗi thưởng thức những điều mà không ít người coi là những thực hành Latin bí truyền của cuộc tranh luận kinh viện vào cuối thời Trung cổ. Điều gì đó tương tự đã xuất hiện sau Thế chiến thứ nhất. Khoảng giữa thế kỷ XX, thần học Về nguồn đi đôi với sự dấn thân – tiếp nhận, đầu tư, cam kết. Hãy nhớ lại rằng quyển đầu tiên của bộ Sources chrétiennes, được xuất bản năm 1942 bởi học giả dòng Tên Jean Daniélou, là quyển “The Life of Moses” (Cuộc đời của Môsê), của Gregory of Nyssa, một tác phẩm về những hướng dẫn thực hành cho một đan sĩ trẻ.

Sau cuộc cải cách Tin Lành, những nhân tố trong cuộc cải cách Công giáo, chủ yếu là các linh mục và giám mục, đã quan tâm đến những việc thực hành của người Công giáo sống giữa đời. Thánh Phanxicô Salesio (1567-1622), vị giám mục thánh thiện của Geneva dù bị lưu đày, vẫn thường được cho là đã biên soạn bộ lời khuyên dài xuyên suốt đầu tiên cho những người tìm kiếm một đời sống tâm linh hoặc đạo đức và vẫn hoạt động trong những công việc mà người giáo dân có nhiệm vụ biến đổi: gia đình, kinh tế, thể chế chính trị. Tác phẩm Introduction to the Devout Life (tạm dịch: Dẫn nhập vào đời sống Đạo đức) của thánh nhân được xuất bản lần đầu vào năm 1609 vẫn được nhìn nhận là một tác phẩm kinh điển về linh đạo Công giáo hiện đại.

Tuy nhiên, linh đạo Salesio đã sắp xếp lại nếp sống Công giáo. Người theo mô hình Salesio cầu nguyện để thánh hóa cuộc sống của họ (giữa đời), trong khi lí tưởng đan tu là duy trì nếp sống đều đặn để nam nữ tu sĩ có thể lớn lên trong sự thánh thiện, do đó làm cho một người nên xứng đáng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện và sự thờ phượng tuyệt hảo nhất. Vì mô hình Salesio cống hiến một hình thức thay thế những hình thức sống đan tu trước đây, nên linh đạo và lòng đạo đức theo mô hình này khác hẳn về bản chất với điều linh hoạt hóa đời sống Đaminh, với hình thái sống (forma vitae) Đa Minh, tức là nếp sống tông đồ riêng biệt của Dòng Đa Minh. Tuy nhiên, thánh Phanxicô Salesio đã để lại dấu ấn trên nhiều việc thực hành đạo đức của người Công giáo hiện đại trong Giáo hội Latin. Điều gì có thể kết luận ở đây? Trong khi các giải pháp được trối lại từ các vị thánh của thế kỉ 16, bao gồm các vĩ nhân như Thánh Philip Neri (1515 – 1595), đã đem lại nhiều kết quả đáng ca ngợi vào thời điểm quan trọng của Giáo hội, tuy nhiên, những giải pháp đó đã gây tác hại đối với điều mà chúng ta có thể gọi là mô hình kinh điển của đời sống giáo sĩ Công giáo, ít nhất là đời sống giáo sĩ dòng. Tư tưởng này thoạt nghe có vẻ như hơi giật mình. Đặc biệt khi người ta nhớ lại rằng vào ngày 12 tháng 3 năm 1622, Đức Gregorio XV đã tuyên thánh cho năm vị: Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556), Thánh Phanxicô Xavie (1506-1552), Thánh Têrêxa Avila (1515-1582), Thánh Philip Neri - là những vị thánh của cuộc cải cách Công giáo - và một người giáo dân, một người lao động công nhật thế kỉ XX, nông dân Isidore, người mà bản thân ông hầu chắc là chưa bao giờ được nghe một ai thốt ra từ “linh đạo”.

Như tôi đã nói, dạng thức nói lên đời sống Đa Minh là mô hình sống đan viện chứ không theo khái niệm linh đạo kiểu Salesio. Hiến pháp nền tảng quy định nhiều điều như: “Chia sẻ cùng một sứ vụ của các tông đồ, chúng ta cũng theo cách sống của các ngài, trong dạng thức được khởi xướng bởi Thánh Đa Minh (secundum formam a Sancto Dominico conceptam). Chúng ta làm hết khả năng của mình để sống một cuộc sống hài hòa trong đời sống chung, tuân thủ cách chân thành các lời khuyên Phúc Âm, sốt sắng trong cầu nguyện và trong các cử hành phụng vụ chung, đặc biệt trong việc tôn kính Thánh Thể và giờ kinh phụng vụ, chăm chỉ học hành và kiên trì tuân thủ kỉ luật (in regulari observantia perseverantes)”. Cụm từ “tuân thủ đều đặn” hàm ý những kỉ luật hàng ngày điều hành đời sống trong một tu viện Đa Minh. Một vài điều trong những tuân thủ này như hình dáng kiến trúc của các tu viện – được xây dựng theo kiểu truyền thống xung quanh nội vi tu viện với các phòng chính, nhà nguyện, nhà ăn, và thư viện, với một sân trong – hoặc việc mặc tu phục, (những điều đó) dễ đập vào mắt của khách đến thăm, trong khi những điều khác như sự thinh lặng và tinh thần hồi tâm, thì một số người phải có thời gian mới để ý tới. Dĩ nhiên những tu sĩ Đa Minh không phải là các đan sĩ. Họ vẫn thay đổi cộng đoàn chứ không cam kết sống vĩnh cư, và họ thay thế việc lao động chân tay, như chăn cừu, làm mứt, nuôi ong, v.v bằng công việc khó khăn như học hỏi không ngừng, đọc sách, viết tiểu luận, xuất bản trên các phương tiện truyền thông, bất cứ việc gì hữu ích cho phần rỗi các linh hồn. Tuy nhiên, căn tính thần học phân biệt nếp sống Đa Minh với các dòng tu khác thời hậu công đồng Trentô – tôi muốn thêm, quan trọng nhất là dòng Tên – (căn tính đó) đòi hỏi người tu sĩ Đa Minh bước theo lối sống mà chính thánh Đa Minh đã sống như kinh sĩ theo tu luật thánh Augustino, ở quê hương Tây Ban Nha của ngài, tại Nhà thờ chính tòa Osma. Điều này không mấy ngạc nhiên nếu hiểu rằng khi Công đồng Laterano IV, diễn ra vào năm 1215, không cho phép lập ra những bản tu luật mới mà thay vào đó các dòng tu mới nên sử dụng một trong những bản tu luật có sẵn đã được Giáo hội chuẩn nhận, thì thánh Đa Minh đã chọn Tu luật thánh Augustino. Bản luật cổ xưa này vẫn bó buộc những ai tuyên khấn trong Dòng Đa Minh.

2. Hiến pháp nền tảng quy định những yếu tố căn bản của nếp sống Đa Minh. Bản văn bắt đầu bằng việc mô tả mục đích căn bản của Dòng: “Dòng Anh Em Giảng Thuyết, được sáng lập bởi thánh Đa Minh, ‘ngay từ ban đầu được thành lập cách đặc biệt cho việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn’”. Người tu sĩ Đa Minh tồn tại vì việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn. “Cùng đích” chi phối đời sống người tu sĩ Đa Minh theo cùng một cách mà Thiên Chúa ấn định cùng đích siêu nhiên của đời sống con người để hướng dẫn đời sống mọi người sống trên trần gian này. Tất cả mọi hoạt động diễn ra trong một ngày sống điển hình của người tu sĩ Đa Minh tìm thấy kim chỉ nam của mình trong việc giảng thuyết và trong một quyết tâm kiên định để cứu các linh hồn. Với sự tình cờ có tính toán, tôi đã sắp xếp một vài yếu tố then chốt trong nếp sống Đa Minh dưới một trong hai tiêu đề diễn tả raison d’être (lý do hiện hữu) của dòng Đa Minh: Thứ nhất là việc giảng thuyết vốn đòi hỏi sự cầu nguyện, học hành và hồi tâm; thứ hai là việc cứu độ các linh hồn đòi hỏi đời sống thánh thiện, nhiệt thành, và dấu ấn của thiên tài. Chúng ta sẽ kiểm xét lần lượt từng điều trong sáu đặc tính đó. Tuy nhiên, trước khi chúng ta tiến hành việc này, một điều quan trọng cần lưu ý là trật tự của đức ái (ordo caritatis) đòi hỏi rằng trong khi người tu sĩ Đa Minh tận hiến chính bản thân mình cho việc giảng thuyết và ơn cứu độ của các linh hồn, họ phải cùng lúc cứu linh hồn của chính mình. Nếp sống Đa Minh không cung cấp một công thức thực dụng cho việc tối ưu hiệu quả truyền giáo. Nếp sống Đa Minh cũng không cung cấp một công thức để làm một cái bẫy chuột tốt hơn. Đúng hơn, nếp sống Đa Minh được thiết kế để đảm bảo rằng những ai ôm ấp nếp sống đó thì chính họ được trở nên thánh thiện như chính thánh Đa Minh đã trở thành một vị thánh bằng chính những hành động yêu mến Chúa của cá nhân ngài. Do đó, Hiến pháp nền tảng tiếp tục: “Vì thế, như đấng sáng lập đã truyền lệnh, anh em nên cư xử cách ngay thẳng và mang tính cách một tu sĩ, như những người khao khát tìm cho được ơn cứu độ cho bản thân và những người khác: họ nên cư xử như những người truyền giáo, theo bước chân của Đấng Cứu Thế, nói với Chúa và nói về Chúa giữa anh em hay với những người xung quanh”. Với điều này trong tâm trí, chúng ta bắt đầu kiểm xét những yếu tố của đời sống Đa Minh. Những yếu tố này thánh hóa những người sống theo nếp sống của Dòng, thậm chí đời sống Đa Minh làm cho họ sẵn sàng dấn thân cho ơn cứu độ của những người khác. Ngày nay Giáo hội nói về việc “tân Phúc Âm hóa”. Tôi dám quả quyết rằng thánh Đa Minh cũng vui thích với một đòi hỏi mạnh mẽ về việc giữ bản quyền cho lối diễn đạt này.

Giảng thuyết. “Hiến pháp nền tảng” tuyên bố trong đoạn VI: “Bởi vì thừa tác vụ của lời và các bí tích đức tin là một chức năng tư tế nên dòng chúng ta là một Dòng giáo sĩ”. Các tu sĩ Đa Minh duy trì khuôn mẫu nền tảng của đời sống giáo sĩ đã tồn tại trong Giáo hội hàng thế kỉ, cũng như chính thánh Đa Minh đã lãnh nhận nền đào tạo giáo sĩ chuẩn mực vốn nở hoa trong cuối thế kỉ XII. Ba điều suy xét dưới đây phát xuất từ lời cam kết của tu sĩ Đa Minh đối với bậc giáo sĩ và đặc quyền giảng thuyết của bậc sống đó, nghĩa là từ việc người tu sĩ Đa Minh “được nên những cộng sự viên của hàng Giám mục qua việc thụ phong linh mục”.

Trước hết là việc cầu nguyện. Một trong những hệ quả đáng tiếc của xu hướng đương thời khi quảng cáo các linh đạo là quan điểm cho rằng lời cầu nguyện phục vụ cho những nhu cầu cá nhân của người cầu nguyện. Người ta phát triển những kĩ thuật cầu nguyện nhằm giúp họ vượt qua một ngày nặng nề hay một giai đoạn khó khăn. Trong thần học Công giáo, ít có sự bảo đảm nào cho việc biến cầu nguyện thành một loại liệu pháp hay một cách giảm nhẹ khó khăn. Bởi vì cầu nguyện là hành vi của đức thờ phượng, nên Thiên Chúa, chứ không phải con người, mới là người thụ hưởng đầu tiên từ việc cầu nguyện của con người. Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh điểm này cách rõ ràng: “Qua cầu nguyện con người dâng lên Thiên Chúa sự tôn kính bởi vì con người trao phó bản thân cho Thiên Chúa và tuyên xưng rằng Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả những gì con người là và tất cả những gì con người có. Vì thế, rõ ràng, cầu nguyện là một hành vi thờ phượng”. Chúng ta có thể suy ra từ định nghĩa này về cầu nguyện rằng người linh mục Đa Minh trước hết phải là một con người thờ phượng. Linh mục Đa Minh nổi bật như con người thờ phượng theo nghĩa mạnh mẽ nhất của từ ngữ này. Bởi lẽ qua lời cầu nguyện của mình, linh mục Đa Minh quy phục hoàn toàn trước Đấng Toàn Năng và nhìn nhận Người là nguồn mạch của mọi ơn lành. Cần có sức mạnh để cầu nguyện cách cung kính. Linh mục Đa Minh dĩ nhiên mong có một đời sống cầu nguyện tốt. Đồng thời, linh mục Đa Minh có thể phân biệt việc cầu nguyện đích thực với cầu nguyện theo cảm xúc. Một lý do tại sao việc cầu nguyện vốn nằm ở tâm điểm nếp sống Đa Minh lại diễn ra trong Hy tế Thánh lễ và Giờ kinh Phụng vụ - cũng có thể kể thêm việc đọc kinh Mân Côi – lý do ấy là ở bản chất của những hành động phụng vụ này, và trong những suy gẫm khi đọc kinh Mân côi.

Những hình thức cầu nguyện khác như rước kiệu và kinh cầu đều có trong đời sống Đa Minh. Bất cứ hình thức nào mà việc cầu nguyện Đa Minh đón nhận – và tôi nhìn nhận rằng cần có những sự phân biệt xa hơn giữa kinh nguyện thờ phượng chính thức của Giáo hội trong Thánh lễ và Giờ kinh Phụng vụ với những dạng thức cầu nguyện khác nhằm hỗ trợ những hành động phục vụ này – (dù hình thức nào thì) có một điều chân thật không thể chối cãi, đó là việc cầu nguyện Đa Minh diễn tả nhân đức thờ phượng. Nói cách khác, cầu nguyện là điều gì đó còn mắc nợ với Chúa. Trong bối cảnh đó, những người đứng ngoài nên hiểu tại sao các tu sĩ Đa Minh lại phải vất vả để bảo đảm rằng việc hát Kinh Phụng vụ được diễn ra cách xứng đáng tôn vinh Đấng Thánh Tối Cao. Việc tập hát không bao giờ làm lãng phí thời giờ của một tu sĩ Đa Minh.

Thứ hai là việc học hành. Việc chuyên chăm học hành đi theo việc cầu nguyện. Điều chúng ta tin, chúng ta cũng muốn hiểu. Chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong chừng mực một mầu nhiệm siêu nhiên cho phép, chúng ta muốn hiểu Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị trong Một bản tính thần linh, điều đó có nghĩa gì. Chúng ta tuyên xưng Đức Giê-su Kitô là Thiên Chúa. Lại một lần nữa trong chừng mực một người có thể, chúng ta muốn hiểu về ngôi hiệp, về sự tồn tại của hai bản tính hoàn toàn và trọn vẹn, là nhân tính và thần tính, trong Ngôi Vị duy nhất là Ngôi Lời, điều đó có nghĩa gì. Danh sách đó còn tiếp tục nữa. Người tu sĩ Đa Minh đào sâu sự hiểu biết về tất cả những gì mà Giáo Hội mong chờ cho niềm tin của chúng ta. Chúng ta gọi việc này là “làm thần học”. Chỉ có sự nghiên cứu chuyên chăm mới giúp chúng ta làm thần học. Kinh nghiệm thôi thì không đủ. Mỗi mục trong Kinh Tin Kính và mọi điều mà Thiên Chúa mặc khải vì ơn cứu độ chúng ta đều lôi kéo chúng ta vào trong mầu nhiệm thần linh mà các mục đức tin, mười hai mục của Kinh Tin Kính, diễn tả thành lời. Việc chiêm niệm thuần túy có thể tạm dừng lại trước những mầu nhiệm đó với lòng sùng kính mà lời nói không thể diễn tả. Các nữ tu Đa Minh tận hiến bản thân cho việc chiêm niệm như lời đáp trả cá nhân và cộng đoàn cho hành vi đức tin. Tuy nhiên, người linh mục Đa Minh không thể giới hạn lời đáp trả của mình trước Lời Chúa ở việc chiêm niệm mà thôi. Đúng hơn, linh mục Đa Minh mang trên vai mình trách nhiệm trình bày các chân lý cứu độ cách nào để những ai nghe họ giảng có thể hiểu được điều mà Thiên Chúa đã mặc khải về chính Ngài và về thế giới. Điều không thể chối cãi này về đời sống linh mục Đa Minh giải thích câu ngạn ngữ quen thuộc mà Dòng dùng như châm ngôn: contemplare et contemplata aliis tradere – chiêm niệm và chia sẻ cho người khác hoa trái mình chiêm niệm.

Thứ ba là việc hồi tâm. Cầu nguyện và học hành không thể vượt ra ngoài bối cảnh của việc hồi tâm. Người tu sĩ Đa Minh không bao giờ nên thấy mình đã trở thành một người hoàn toàn bị phân tâm bởi những điều gây chia trí. Không gì tách tu sĩ Đaminh khỏi lối sống thời đại tốt cho bằng việc thực hiện cách cẩn thận việc hồi tâm cá nhân. Tắt một lời, việc hồi tâm có nghĩa là linh mục Đa Minh duy trì một sự thức tỉnh bên trong không chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa mà còn về tầm quan trọng của những điều thánh thiêng. Người linh mục Đa Minh không thể tồn tại lâu khi tách khỏi việc thực hành việc hồi tâm. Sự hồi tâm bên trong không đến cách dễ dàng. Tu viện Đa Minh được xây dựng để cổ võ việc thực hành thường xuyên việc hồi tâm. Những yếu tố bên ngoài cũng không kém phần quan trọng. Vì thế, người tu sĩ Đa Minh giữ thinh lặng, giữ gìn đôi mắt và ngoài những giờ giải trí, giữ bầu khí tĩnh lặng làm cho những năng lực tâm hồn theo đuổi những hoạt động cao quý mà nếp sống Đa Minh đòi hỏi. Đó là cầu nguyện và học hành. Trong giai đoạn nhà tập vào thời của tôi, ti vi là điều không được phép, và dĩ nhiên vào năm 1964 chúng tôi chưa có máy vi tính hay những thiết bị điện tử tương tự. Không cần phải chỉ ra mối đe dọa mà thế giới riêng tư của không gian mạng gây ra cho sự duy trì việc hồi tâm. Thậm chí trước khi bóng ma của phim ảnh khiêu dâm và bạo lực nổi lên, internet đã là một thách đố đáng lo đối với việc duy trì đời sống hồi tâm. Tuy nhiên, nếu không có nỗ lực đầy ý thức để duy trì sự hồi tâm thì không ai – và chắc chắn không một người tu sĩ Đa Minh nào – có thể hiến mình cho việc cầu nguyện và học hành cách nhiệt thành được.

3. Tiếp theo chúng ta đi tới việc tập trung vào những yếu tố của đời sống Đa Minh, forrma vitae, giúp cho việc tăng tiến ơn cứu độ các linh hồn. Nếu cầu nguyện, học hành và hồi tâm kết nối để xây dựng khía cạnh chiêm niệm của đời sống Đa Minh, thì đời sống thánh thiện, sự nhiệt thành và dấu ấn thiên tài sẽ đem lại những hiệu quả (trong chừng mực những phẩm tính đó ảnh hưởng đến những người khác) nơi những người mà linh mục Đa Minh giảng truyền cho, đặc biệt là những người mà bản thân ngài gặp gỡ trong tư cách là một linh mục. Tuy nhiên, chúng ta không nên phóng đại sự phân biệt giữa chiêm niệm và hoạt động. Bởi những người duy trì đời sống cầu nguyện, học hành và hồi tâm cách triệt để thì hiển nhiên cũng là những anh em tìm thời gian để đạt được những thành tựu đáng kể cho ơn cứu độ các linh hồn. Hiến pháp nền tảng mô tả sự hiệp nhất đáng mơ ước giữa chiêm niệm và hoạt động trong những lời sau: “Đời sống của dòng bao gồm một sự tổng hợp các yếu tố đó (những mảnh của đời sống Đa Minh), liên kết với nhau không thể tách rời, cân bằng hài hòa và làm phong phú lẫn nhau. Đó là một nếp sống tông đồ theo đúng nghĩa của ngôn từ, từ đó việc giảng thuyết và giảng dạy phải phát xuất từ sự phong phú của đời sống chiêm niệm”. Do thách đố cao cả này, không gì là xứng với cuộc phiêu lưu nhằm theo đuổi và hoàn thiện ơn gọi Đa Minh.

Ơn cứu độ các linh hồn phản chiếu tiếng kêu thường xuyên phát xuất từ trái tim của thánh Đa Minh, cri de coeur. Câu Latinh đầu tiên được dạy cho các tu sĩ Đa Minh trước kia là: “Nemo potest dare quod non habet”. Các vị Giám sư tập viện, giám học và những người chịu trách nhiệm trong việc đào tạo những tu sĩ Đa Minh trẻ sẽ nhắc nhớ họ rằng một đời sống tông đồ thành công chỉ phát xuất từ bên trong, từ trái tim của một tu sĩ Đa Minh thánh thiện. Vì thế, như cụm từ Latinh trên nói lên, không ai có thể cho cái mà mình không có.

Trước hết là đời sống thánh thiện. Người tu sĩ Đa Minh dâng hiến chính mình cho việc sống thánh thiện. Như tôi đã đề cập ở trên, đời sống thánh thiện không cần một sự biện minh nào khác ngoài chính huấn lệnh Đức Kitô trối lại ở cuối Bài giảng trên núi: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Như thánh Tôma Aquinô nhắc nhớ chúng ta, người tu sĩ Đa Minh không chỉ nhắm tới việc tỏa sáng nhưng còn là chiếu sáng. Tuy nhiên, người tu sĩ Đa Minh theo đuổi đời sống thánh thiện theo cách thức tách biệt người đó khỏi khuynh hướng hiện đại nghiêng về chủ nghĩa ý chí. Sự thánh thiện với người tu sĩ Đa Minh – dù tin hay không – tiên vàn liên quan đến lý trí. Sự thánh thiện Đa Minh bắt nguồn từ đức khôn ngoan. Đức khôn ngoan hình thành nên trí năng thực hành. Ví dụ như trước khi một người có thể thực hành nhân đức tiết độ cách hiệu quả trong việc ăn uống hay nhục dục thì người đó trước hết cần phân biệt giữa điều gì là cao quý với điều gì đáng xấu hổ, điều gì là đáng kính với điều gì là hèn hạ. Trong một bài viết khác, tôi đã thảo luận về những chi tiết lịch sử liên quan đến đặc tính trí năng của sự thánh thiện Đa Minh. Vì thế bây giờ tôi xin được mượn lại nhận định của một nhà phê bình thần học đáng kính, tác giả viết rằng: “Thánh Tôma sẽ không tán thành việc sử dụng cách dễ dãi cụm từ ‘thánh ý Chúa’ dù với bề trên hay bề dưới; trong những giới hạn của mối quan hệ giữa họ cả hai đều chắc chắn rằng đó là ý Chúa mà một bên truyền lệnh và bên kia vâng theo; không có một sự đảm bảo nào cho rằng nội dung của mệnh lệnh đó là ý Chúa”.

Ta biết rõ rằng lời khấn của tu sĩ Đa Minh xưa chỉ gồm một lời khấn duy nhất. Trong bộ Tổng luận Thần học Summa theologiae, thánh Toma Aquino đã cung cấp một nền tảng thần học cho cách thức này trong đời sống thánh hiến. Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng “lời khấn vâng phục bao hàm những lời khấn còn lại, không có chiều ngược lại. Vì mặc dù một tu sĩ được ràng buộc bởi lời khấn khiết tịnh và khó nghèo, thì những lời khấn này cũng được bao hàm trong lời khấn vâng phục, một lời khấn bao gồm nhiều điều khác ngoài lời khấn khiết tịnh và khó nghèo”. Hiến pháp nền tảng giải thích xa hơn về việc chỉ tuyên khấn lời khấn vâng phục: “Chúng ta dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa qua hành vi tuyên khấn, vì thế, trở nên một thành viên của Dòng và tận hiến theo cách thức mới cho Giáo hội hoàn vũ”. Việc tuyên khấn Đa Minh đưa thành viên của Dòng vào đời sống chung, vâng phục vị bề trên hợp pháp, khiết tịnh và khó nghèo. Người tu sĩ Đa Minh sống cách rõ ràng những việc thực hành này và các nhân đức trong bối cảnh của việc tuân thủ luật dòng, như tôi đã đề cập trong sự phân biệt giữa những người chạy theo các linh đạo với những người tuân theo một nếp sống (“forma vitae”)

Thứ hai là lòng nhiệt thành. Việc nói về lòng nhiệt thành trong khi bàn luận về đời sống Đa Minh dẫn người đam mê tìm hiểu về lại với hình ảnh của thánh Đa Minh. Cách tốt nhất để đo lường lòng nhiệt thành mà thánh Đa Minh tạo nên nơi những người chọn lấy nếp sống mà thánh nhân để lại cho Dòng của mình là xem lại cuốn Catalogus Hagiographicus Ordinis Praedicatorum, tái bản vào năm 2001 bởi Cha Innocent Venchi, OP. Trong tác phẩm này, người đọc khám phá ra rằng dòng Đa Minh vui mừng vì nhiều, rất nhiều những vị thánh và các vị chân phước. Chỉ riêng nói đến các anh em thôi, chúng ta nhận thấy rằng những vị thánh này gồm vài vị là giáo hoàng, nhiều vị là Tổng giám mục và Giám mục, vô số những linh mục và không ít các anh em cộng sự, trong đó một điều nghịch lý là có một vị nổi tiếng toàn thế giới hơn là các vị Giáo hoàng, tử đạo và nhiều những thần học gia vĩ đại khác. Đó là người con đất Peru của một quý ông người Tây Ban Nha và một người phụ nữ da màu vùng Panama, thánh Martin de Porres (1579-1639). Để tăng triển lòng nhiệt thành rất riêng của những con cái thánh Đa Minh, ta nên đọc lại cuộc đời các thánh và các phúc nhân. Các ngài làm choáng váng trí tưởng tượng của chúng ta. Các ngài hấp dẫn chúng ta bằng sự đa dạng của các ngài. Các ngài chiếu sáng những tiềm lực nơi điều mà người tu sĩ Đa Minh ngay từ đầu gọi là ân sủng giảng thuyết, gratia praedicationis.

Thứ ba là dấu ấn của thiên tài. Các tu sĩ Đa Minh thừa hưởng từ thánh phụ Đa Minh khả năng đối mặt với những điều không mong đợi. Lịch sử cuộc đời thánh Đa Minh trình bày cho độc giả thấy hình ảnh một người đi theo vị giám mục của mình trong chuyến đi công vụ quen thuộc, khám phá ra đời sống Công giáo bị tấn công trên diện rộng do những méo mó về giáo lý của dị giáo, đã đáp trả lại những dị giáo được ủng hộ về mặt chính trị trên nhiều lĩnh vực, trong khi cùng lúc đó tìm cách để đạt được sự chấp thuận từ Giám mục thành Toulouse, sau đó tới Roma để có được sự phê chuẩn chính thức cho Dòng trên toàn thế giới, và cuối cùng dõi theo nỗ lực đầu tiên ở Bologna để hình thành nên một Dòng hợp pháp tiên khởi mới. Nhiều người có lẽ biết về fioretti của thánh Phanxicô Assisi hơn là những chi tiết tiểu sử cuộc đời thánh Đa Minh. Vị thánh nghèo thành Assisi đã thể hiện sự lãnh đạo mang tính đặc sủng và sự gắn kết sâu xa với việc theo gương Đức Kitô. Thánh Đa Minh lại thể hiện những phẩm tính của một nghệ nhân bậc thầy, như một thiên tài nghệ thuật bằng một thứ bản năng biết cách tạo ra kiệt tác. Vị linh mục người Pháp Henri Dominique Lacordaire, người đã tái thiết lại Dòng Đa Minh ở Pháp sau sự tàn phá của cuộc cách mạng Pháp và sự đàn áp của Napoleon, là một ví dụ trong những khuôn mặt thời hiện đại đã tái hiện thiên tài tôn giáo của thánh Đa Minh.

Kết luận

Sinh viên triết học sẽ nhận ra ngay rằng việc tuân giữ một nếp sống đặc thù hàm nghĩa các tu sĩ Đa Minh phải đối diện với vấn đề muôn thuở giữa cái một và cái nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ tự hóa giải theo mức độ những người ôm ấp hình thái sống Đa Minh để cho nó chuyển hóa mình. Phỏng theo cụm từ mà một tác giả Dòng Đa Minh dùng, đó là rồi những người này trở nên một theo “hình ảnh của thánh Đa Minh”. Việc quản trị của Dòng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiến tạo sự hiệp thông giữa các anh em đã cam kết theo cùng một mục tiêu nền tảng. Quản trị Đa Minh “mang tính cộng đoàn theo một cách thế đặc biệt, vì thông thường các bề trên nhận nhiệm vụ sau khi được bầu chọn bởi các anh em và sự chuẩn nhận của vị Bề trên tổng quyền”. Một dấu hiệu không thể chối cãi của thiên tài gắn liền với nếp sống thánh Đa Minh khởi hứng là sự kiện này: Dòng chưa bao giờ bị chia rẽ vĩnh viễn. Cải cách thì có nhưng chia rẽ thì không. Không hề có tu sĩ Đa Minh theo kiểu này hay theo kiểu nọ. Chẳng lạ gì khi Hiến pháp nền tảng mạnh dạn khẳng định rằng “Mục tiêu căn bản của Dòng và nếp sống xuất phát từ mục tiêu đó vẫn giữ nguyên giá trị qua mọi thời của Giáo hội”. Trong bản văn Latin, cụm từ “nếp sống” là forma vitae.

Nt. Anna Quỳnh Giang, OP

Chuyển ngữ từ: The Grace St. Dominic Brings to the World:

A Fresh Look at Dominican Spirituality, Romanus Cessario, OP.