$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Chuyên môn

NỮ TU VỚI SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 691 | Cật nhập lần cuối: 10/2/2022 9:14:46 PM | RSS

NỮ TU VỚI SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

“Khôn ngoan cũng chỉ đàn bà,

Dù rằng vụng dại vẫn là đàn ông”

Lời thơ của một tác giả khuyết danh nào đó nghe thật chua xót, đã phản ánh thân phận đáng thương của những người “lỡ sinh làm kiếp đàn bà”!

Quả thật, từ xưa và có lẽ cho đến ngày hôm nay, phần đông não trạng trên thế giới thường coi nhẹ vai trò người nữ. Điển hình như quan niệm của đạo Khổng: “Nhất nam viết hữu, Thập nữ viết vô. Với người Hồi giáo, đàn ông chính thức bốn vợ, còn đàn bà không có quyền ly dị, khi xuất hiện nơi công cộng còn phải chùm đầu, bịt mặt, và đàn bà chỉ được coi như một thứ tài sản của đàn ông, không có quyền định đoạt về số phận của mình (Cf Báo CGDT, số 1447, Lm Thiện Cẩm, Phụ nữ chỉ là phụ? tr.22). Còn ở nước Nhật, quan niệm người nam cần được huấn luyện để làm chiến sĩ, còn người nữ cần được huấn luyện để làm vui lòng người nam. Và ngay cả với nước Pháp, một nước nổi tiếng tự do – bình đẳng và huynh đệ, thì mãi đến cuối thế kỷ XIX, mới có một nữ sinh viên được đi vào ngành Y khoa.(Cf. Sr. Mai Thành - Tài liệu học hỏi môn “Thần học Phụ nữ”).

Thế thì, với “thân phận thấp hèn” ấy, thử hỏi có thể nào người nữ lại được chung chia cùng Giáo hội trong sứ mạng cao trọng đã được Đức Giêsu truyền lại ?

Chúng ta cùng nhìn về quá khứ để thấy vai trò người nữ nói chung, và đặc biệt vai trò người nữ tu cách riêng trong sứ mạng loan báo Tin mừng qua dòng lịch sử.

I. Vai Trò Người Nữ Tu Qua Dòng Lịch Sử

Nhìn vào lịch sử Giáo hội tiên khởi, ta thấy Đức Giê-su – Vị sáng lập Giáo hội đã hết lòng bênh vực và coi trọng phẩm giá của người nữ (x. Ga 8, 1-6; Mt 5, 31-32; Lc 21, 1-4). Ngay từ buổi đầu của Giáo hội, đã xuất hiện nhiều phụ nữ tham gia tích cực vào công cuộc loan báo Tin mừng của Đức Giê-su. Có những phụ nữ đến gặp Đức Giê-su và đi theo Ngài để phục vụ, những phụ nữ này đã đóng vai trò tích cực và quan trọng trong đời sống Giáo hội sơ khai trong việc xây dựng nền tảng Giáo hội. Trong số ấy, nổi bật hơn cả là Đức Maria, Mẹ của Đức Giê-su và cũng là người hăng say, tích cực góp phần cho Tin mừng mỗi ngày một lan rộng.

1. Đức Maria - người nữ tu tiên khởi

Như đã nghe, đã thấy, Đức Maria được tôn phong, được dâng tặng rất nhiều tước hiệu cao cả như: Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Sầu Bi, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Vô Nhiễm v.v. riêng tác giả L.Colin C.S.S.R đã thêm một danh hiệu thật ý nghĩa đối với Mẹ trong tác phẩm của mình:

“Nữ tu đầu tiên của Thiên Chúa”

Người nữ tu tiên khởi này đã sống và thực thi cách trọn vẹn ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục. Đặc biệt, Mẹ đã nhiệt thành dấn thân trong sứ mạng loan báo Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Điều ấy được thể hiện đặc biệt qua hai biến cố: biến cố Mẹ thăm viếng bà chị họ Elisabeth để phục vụ bà trong những ngày đầu sinh con; biến cố thứ hai, tại tiệc cưới Cana, với sự nhạy bén, quan tâm đến nhu cầu người khác của Mẹ đã cho thấy, Mẹ là người có lòng chạnh thương thực sự (Ga 2, 1-12).

Bước chân tin yêu của Mẹ đã mở đường cho biết bao người nữ sau này dấn thân vào sự nghiệp loan báo Tin mừng của Đức Kitô. Trải qua bao thời đại, dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, những nữ tu này đã hy sinh, dấn thân cả cuộc đời mình cho sứ mạng phục vụ Tin mừng, thắp lên cho cuộc đời niềm tin yêu và hy vọng.

Chúng ta không thể kể hết những mẫu gương ấy trong bài viết này. Chỉ xin hoạ lại một vài nét chấm phá qua những mẫu gương tiêu biểu sau đây.

2. Thánh nữ Catarina de Siena:

Là một nữ tu sống vào thế kỷ XIV, một thế kỷ mà cả Giáo hội lẫn xã hội có biết bao biến động. Thế nhưng, chị đã tận dụng tất cả những yếu tố của cuộc đời mình, cũng như của thời cuộc, để trở nên một con người hữu ích cho Giáo hội và xã hội. Chị đã khát khao sống gắn bó, đồng cảm với các biến cố thời đại trong niềm mến yêu Thiên Chúa và con người. Những nỗi thao thức ấy, chị không chỉ ước ao trong nội tâm của mình, nhưng đã thể hiện ra cuộc sống với bao việc làm táo bạo: thao thức cho tương lai Giáo hội và vận mạng con người đã khiến chị dám đương đầu với bao khó khăn để thuyết phục Đức Giáo hoàng trở về Rôma sau 70 năm lưu vong tại Pháp; đồng cảm với nỗi thống khổ của con người nên chị đã không ngại đến với những người nghèo khổ để an ủi, nâng đỡ họ; khao khát phần rỗi các linh hồn đã khiến chị hoàn toàn hiến thân phục vụ mọi con người yếu đau, nghèo khổ, kể cả những thành phần tội lỗi bị coi là cặn bã của xã hội …

Thật vậy, giữa những cơn khủng hoảng đang xâu xé Giáo hội, giữa một xã hội đang quằn quại bởi những nỗi đau tột cùng của con người, Catarina đã xuất hiện như tiếng nói của Chân lý và Tình yêu, xoa dịu những nỗi đau, chữa lành các thương tích. Ơn gọi ấy không do chị hoạch định cho chính mình, nhưng tất cả đều do Thiên Chúa đã làm cho chị. Và với sự tự do nội tâm sâu sa, Catarina đã làm trọn ý muốn của Thiên Chúa, đã sống trọn vẹn ơn gọi dâng hiến của mình không phải trong bốn bức tường tu viện, nhưng trong sứ vụ ở giữa lòng thế giới được Thiên Chúa yêu thương. (Cf. Mary Ann Fatula OP, Đôi Cánh Tình Yêu, Con Đường nên Thánh của thánh nữ Catarina Siena, Michel Glazier, 1987)

3. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

“Ơn gọi của con chính là Tình yêu”

Đó chính là điều Têrêsa Hài Đồng Giêsu khám phá về ơn gọi thánh hiến của mình. Tình yêu này là gì nếu không phải là tình yêu Thánh nữ đã cảm nghiệm, đã sống trong Tình yêu Thiên Chúa qua Đức Giêsu – Vị Hôn phu, và qua chính Giáo hội của Người?

Thật vậy, trong suốt đời mình, Thánh nữ luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô và nhiệt tâm với sứ vụ của Giáo hội. Mặc dù là một nữ tu dòng kín, nhưng Têrêsa đã có những ước muốn mãnh liệt trong công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Chị khao khát chia sẻ sứ vụ ấy đến độ trong nỗi khát khao ấy, chị đã lý giải được ơn gọi Chúa dành cho chị. Chị đã tìm ra ý nghĩa của ơn gọi của mình trong sứ vụ ấy, bằng một khám phá mới mẻ: “Trong Giáo hội con sẽ là Tình yêu”. Tình yêu sẽ là chất keo dính kết mọi phần tử. Tình yêu sẽ là sức sống cho thân thể Giáo hội Chúa Giêsu. Và quả thật, Têrêsa đã sống triệt để sứ mạng yêu thương ấy bằng cách không ngừng cầu nguyện cho sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội mỗi ngày một lớn mạnh.

Những ước mơ của Têrêsa đã nói lên sự hiến dâng trọn vẹn của chị cho Tình yêu Thiên Chúa và con người: “Ôi lạy Chúa, xin cho con được làm cho kẻ khác yêu mến Ngài”. Ngay cả khi cuối đời, phải chịu những nỗi đau tinh thần và thể xác, Têrêsa vẫn mang ước mơ lớn lao cho toàn thể nhân loại: Ước mong đem ích lợi cho trần thế khi chị lìa đời: “Con thấy là sắp được nghỉ ngơi, nhưng nhất là con cảm thấy sứ mệnh của con sắp bắt đầu”.

Têrêsa – một nữ tu dòng kín, nhưng đã hy sinh tất cả cho tình yêu, cho sứ mạng Giáo hội. Người nữ tu ấy thật xứng đáng với danh hiệu: Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo. (Cf. Francois Six, Ánh sáng Soi Đêm Tối, tr. 198)

4. Thánh Têrêsa Calcutta

Hoa trái của đức tin là tình yêu,

Hoa trái của tình yêu là phục vụ,

Hoa trái của phục vụ là an bình.

Đó chính là châm ngôn sống của một nữ tu suốt cuộc đời chỉ sống để yêu thương, phục vụ người nghèo hèn bất hạnh. Nữ tu Têrêsa Calcutta, một con người đã được cả Giáo hội lẫn xã hội trao tặng một tước hiệu hết sức cao cả: “NGƯỜI MẸ”, người mẹ của những người đau khổ, người mẹ của lòng cảm thông, người mẹ của từ ái…và người mẹ ấy đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô long trọng ghi danh vào sổ bộ Các Thánh tại Roma ngày 4/9/2016.

Thật vậy, Thánh nữ Têrêsa Cacutta đã thi hành sứ mạng loan báo tin mừng bằng con đường yêu thương, phục vụ những người nghèo khổ, bất hạnh, một con đường chẳng mấy ai muốn đi thì mẹ đã bước đi. Mẹ không chỉ trao ban chén cơm, miếng bánh, mẹ không chỉ chùm lên những thân xác đói lạnh một tấm chăn, và không chỉ băng bó những vết thương bên ngoài thân thể, nhưng món quà quý giá nhất mà mẹ đã trao ban qua những hành động phục vụ ấy đó là: Lòng tôn trọng, sự cảm thông và tình yêu thương vô vị lợi. Đây chính là nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất của con người dù cho con người ấy ở tận đáy vực sâu xã hội, hay ở trên đỉnh phú quý vinh hoa, họ đều cảm nhận được cái nhu cầu thiết yếu ấy: Nhu cầu cần được nhìn nhận, tôn trọng và yêu thương như một con người thực sự. Nói về mẹ, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thật không quá lời: “Mẹ là con người vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. (Cf. Veritas, Phục Vụ Là Hạnh Phúc, tr 52).

II. Vai Trò Người Nữ Tu Trong Sứ Mạng Hôm Nay

Nhìn lại một vài hình ảnh người nữ tu tiêu biểu qua dòng lịch sử, không ai có thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của họ đối với sứ mạng loan báo Tin mừng trong quá khứ.

Còn thời đại hôm nay thì sao? Người nữ tu có đóng góp gì cho sứ mạng của Giáo hội ? Chúng ta cùng gẫm lại lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng đương nhiệm, trong một chuyến công du tại nước Pháp ở công viên Hoàng Tử:

“Nếu quả thật Giáo hội phẩm trật được những người kế vị các thánh tông đồ, nghĩa là nam giới hướng dẫn, thì chắc chắn còn thật hơn nữa theo ý nghĩa đoàn sủng, nữ giới cũng hướng dẫn Giáo hội ít là bằng và có lẽ hơn nữa là khác” (Cf. Ơn gọi phụ nữ, tr 64)

Và trong Tông huấn Đời sống thánh hiến số 105, một lần nữa Đức Thánh Cha lấy lại lời của thánh nữ Têrêxa Giêsu: “Thế giới này sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ?” để nói lên rằng :

“Đời sống của Giáo hội và cả xã hội nữa đang rất cần những người dám hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân … Giáo hội không thể nào từ bỏ đời thánh hiến được, vì nhờ đời sống thánh hiến, mà việc loan báo Tin mừng cho thế giới có thêm nhiệt tình và nghị lực” (THĐSTH số 105).

Thật vậy, Đức Thánh Cha đã đánh giá cao vai trò người nữ, nhất là những người nữ sống đời thánh hiến. Họ là những nữ tu trung thành với Tin mừng, đã cộng tác đắc lực trong sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo hội qua mọi thời đại, dưới nhiều hình thức phục vụ phong phú và đa dạng.

Cách riêng, với các nữ tu Việt Nam. Đứng trước một bối cảnh mới, họ đã đóng góp gì cho sứ mạng của Giáo hội, đặc biệt nơi dân tộc của mình ?

III. Người Nữ Tu Việt Nam Với Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng

Người ta thường nói đùa với nhau rằng: “Có ba điều Đức Chúa Trời cũng chẳng biết” và một trong ba điều ấy là: “Đức Chúa Trời chẳng biết có bao nhiêu dòng nữ” (phải chăng vì quá đông !). Lời nói có vẻ như châm biếm, nhưng với người viết thì đó lại là một điều đáng mừng cho Giáo Hội, vì ngày càng có nhiều người nữ hiến thân cho công cuộc rao giảng Tin mừng.

Nhìn vào đời sống ơn gọi nữ tu tại Việt Nam hôm nay, chúng ta phải không ngừng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho mảnh đất nhỏ bé này biết bao tâm hồn quảng đại đón nhận tiếng Chúa gọi, để sống cuộc đời hoàn toàn dấn thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người. Quả thật, theo dòng thời gian, dù phải chịu nhiều gian truân cấm cách, nhưng dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, các Hội Dòng nữ Việt Nam ngày càng phát triển phong phú và đa dạng. Dù là chiêm niệm hay hoạt động, người nữ tu vẫn có chung một sứ mạng của Giáo hội, đó là sứ mạng yêu thương và phục vụ để loan Tin Mừng cho mọi loài.

Trong thực tế, ngày hôm nay người ta nhận thấy các nữ tu đã đảm trách hầu hết những lãnh vực trọng yếu trong đời sống Giáo hội và xã hội như: mục vụ giáo xứ, truyền giáo, giáo dục, hoạt động xã hội v.v. Đặc biệt, người nữ tu còn dấn thân phục vụ trong những hoạt động, những môi trường mà ít ai dám đảm nhận như: phục vụ những người tàn tật, đui mù, già yếu bệnh tật, những nạn nhân của các tệ nạn xã hội v.v. Với sự dấn thân phục vụ trong yêu thương của người nữ tu, đạo diễn Trần Văn Thủy đã phải thốt lên: “Chỉ có Ma-sơ là tử tế !” khi ông chứng kiến cảnh các nữ tu vui vẻ chăm sóc những người cùi, những nạn nhân của tệ nạn xã hội. (Cf. Thiện Cẩm, Giáo hội trước thềm năm 2000, tr. 188.)

Và Liên hiệp quốc đã tuyên dương, và trao tặng huân chương cao quý cho một nữ tu Việt Nam – Nữ tu Mary Nguyễn Thị Thanh Thuý. R.S.M, thuộc tỉnh dòng Mercy Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Châu, là một nhân viên Hồng thập tự quốc tế của Úc Châu, đang làm thiện nguyện tại bệnh viện Hararé, Zimbabwe. Chị đến quốc gia này để nhận chăm sóc cho trên 300 em cô nhi bản xứ, bị nhiễm bệnh liệt kháng HIV/ AIDS di truyền từ cha mẹ của các em. (Cf. Nội san Liên Tu sĩ số 33, tr. 107)

Với sự phục vụ, yêu thương vô vị lợi và hoàn toàn dấn thân của người nữ tu, đặc biệt người nữ tu Việt Nam, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới ngày 27.10.1995 đã ghi nhận như sau:

“Chúng tôi cám ơn đặc biệt các phụ nữ đã thánh hiến. Sự hiến dâng mình trọn vẹn cho Đức Kitô, đời sống phụng thờ và sự cầu nguyện của họ cho thế giới đã làm chứng cho sự thánh thiện của Giáo hội. Công việc phục vụ dân Chúa và xã hội của họ trong nhiều lãnh vực, đã làm nổi bật gương mặt hiền mẫu của Giáo hội. (Cf. Tài liệu học hỏi Gia Đình Đaminh, Ơn Gọi Phụ Nữ, tr. 67)

Tuy nhiên, đề cập đến những ưu điểm của nữ tu ở đây, người viết không có ý để đề cao nữ tu, hay để khẳng định chỗ đứng, bởi người nữ tu không trông chờ vào những vinh dự vẻ vang bên ngoài, dù rằng đó là điều hiển nhiên mà mọi người đều cảm phục. Ngày hôm nay, vẫn còn đó biết bao nữ tu đang âm thầm hy sinh cả cuộc đời đểø đem lại cho Giáo hội và xã hội nhiều ích lợi dù được biết đến hay không ai biết đến, dù được khen tặng huân chương, bằng cấp hay không được gì cả, thì người nữ tu hôm qua cũng như hôm nay vẫn mãi là hình ảnh của một tình yêu cao đẹp, ghi đậm nét trong lòng người.

Mục đích của việc nhìn lại những mẫu gương hy sinh, dấn thân quên mình của các bậc tiền nhân, một lần nữa là để nhắc nhở, để cố gắng, để vươn lên cho chính bản thân, đồng thời hy vọng đó sẽ là một chút suy tư cho người nữ tu hôm nay, nhất là những tu sĩ trẻ của thiên niên kỷ III, một thiên kỷ mới đầy thách đố và biến động: tương lai của Giáo hội và xã hội này sẽ ra sao nếu không còn những người thánh hiến đích thực?

Điều đó đang chờ câu trả lời của chúng ta, những tu sĩ trẻ hôm nay với Giáo hội, với xã hội và với cuộc đời.

Nt. Maria Thanh Thảo

Tài liệu tham khảo:

1. Theo Chúa Kitô – Văn Kiện Đời Tu, 1999.

2. Sr. Mai Thành, Tài liệu học hỏi môn “Thần học Phụ nữ”.

3. L.Colin, Đức Mẹ, Vị Nữ Tu Đầu Tiên Của Thiên Chúa, UBĐKCG Tp. HCM, 1991

4. Antôn Ngô Văn Vững, Phúc âm của người nữ ty, Tp Hồ Chí Minh 1995,

5. Mary Ann Fatula OP, Đôi Cánh Tình Yêu, Con Đường Nên Thánh Của Thánh Nữ Catarina Siena, Michel Glazier, 1987

6. Francois Six, Aùnh Sáng Soi Đêm Tối, Tủ Sách Đại Kết, 1998.

7. Veritas, Phục Vụ Là Hạnh Phúc.

8. Tài liệu học hỏi Gia Đình Đaminh, Ơn Gọi Phụ Nữ, 1995.

9. Thiện Cẩm, Giáo hội Trước Thềm Năm 2000, 1999.