$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Chuyên môn

NHÂN CÁCH LÀNH MẠNH: MỘT HỖ TRỢ GIÚP TRƯỞNG THÀNH ÐỜI TU

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 725 | Cật nhập lần cuối: 9/21/2021 8:15:12 PM | RSS

NHÂN CÁCH LÀNH MẠNH:

MỘT HỖ TRỢ GIÚP TRƯỞNG THÀNH ĐỜI TU

Dẫn Nhập

Trong xã hội hôm nay, nhân loại đang sống trong một giai đoạn mới trong lịch sử của mình, một giai đoạn chất chứa nhiều sự đổi thay sâu xa và mau chóng, nhất là những thay đổi của trí tuệ và nỗ lực sáng tạo của con người. Những thay đổi này đang ảnh hưởng trên chính con người, trên cách suy tư và hành động của con người. Tâm trí con người như đang được mở rộng ra với sự tiến bộ của khoa học. Những thành tựu đạt được qua sự tiến bộ của khoa học đã đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người, cụ thể là khoa tâm lý.

Đã có một thời khía cạnh tâm lý con người bị lãng quên, coi thường hay đè bẹp. Nhưng ngày nay cùng với sự phát triển của ngành tâm lý học, đời sống tu trì đòi hỏi phải được xét lại. Vì một đường hướng đạo đức nặng chất thiêng liêng thái quá mà gạt thân xác ra ngoài là một lối tu tiêu cực, máy móc … đang trở thành “vấn đề” của tu đức hiện đại. Do đó việc học biết và ứng dụng tâm lý nhân cách trở nên một trong những nhu cầu cấp thiết nhất để giúp sống trưởng thành trong đời tu.

Trong bài này, người viết xin được trình bày lợi ích của một nhân cách lành mạnh để như một nhắc nhở cho bản thân không ngừng xây đắp cho mình, hầu có thể phát sóng lại tình yêu Thiên Chúa chọn- gọi cách dồi dào qua cuộc sống.

1. Nhân Cách Là Gì?

Có nhiều định nghĩa về nhân cách. Ngay từ năm 1949, G. Allport đã đưa ra trên 50 định nghĩa khác nhau của các nhà tâm lý học về nhân cách. Và ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về nhân cách. Ta có thể trưng dẫn một vài định nghĩa về nhân cách như sau:

Theo Warrer: nhân cách là một tổ chức hòa hợp của tất cả mọi đặc điểm gồm: trí năng, tình cảm, thể chất, hành động, tinh thần. Dựa trên những đặc điểm đó, ta phân biệt người này với người kia.

Theo Allport: nhân cách là một tổ chức của tâm sinh lý, được diễn ra qua hành động và hành động đó được thích nghi qua môi trường sống[1].

2. Nhân Cách Lành Mạnh?

Nhân cách lành mạnh là một cách thế mà người hành động được hướng dẫn bởi sự tôn trọng cuộc sống của bản thân và của người khác. Bên cạnh đó còn được hướng dẫn bởi trí tuệ, trí thông minh, … và hành động một cách có ý thức. Người có nhân cách lành mạnh là người có khả năng yêu thương mình một cách đúng mức, yêu người khác và yêu thiên nhiên cách vừa phải, nghĩa là người có khả năng làm cho thỏa mãn những nhu cầu của mình một cách chính đáng[2].

Nhân cách lành mạnh có rất nhiều đặc nét khác nhau, ở đây xin đan cử một số nét như sau: người có nhân cách lành mạnh là người biết chấp nhận bản thân, có khả năng tự lập, có óc thực tế. Họ là người biết thư giãn, biết sống giây phút hiện tại, có óc khôi hài và tinh thần sáng tạo, là người không trốn tránh trách nhiệm, là người sống như một nhân vị tự do, có khả năng chọn lựa. Người có nhân cách lành mạnh là người quan tâm đến những gì ở ngoài mình, có khả năng sống gần gũi, thân thiện với người khác … và sau cùng họ là người có khả năng sống sự cô tịch, nội tâm siêu thoát[3].

3. Những Biểu Hiện Của Nhân Cách Lành Mạnh

Thật vậy, để biết một người như thế nào, chúng ta cần nhìn qua con người và cách ứng xử của người ấy. Cũng thế, muốn biết cách khách quan về một con người có nhân cách lành mạnh, chúng ta cần biết những biểu hiện của người ấy về chính mình, trong tương quan với hoàn cảnh, với người khác và với các giá trị khác. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu:

3.1 Chính Mình

Người có nhân cách lành mạnh được biểu hiện bằng thái độ thứ nhất là họ luôn ý thức về chính mình trong khía cạnh độc đáo và duy nhất của nó. Thứ đến là họ cũng ý thức về giới hạn của chính mình như một sự đối chiếu với ý thức về sự độc nhất và thuần nhất. Từ chỗ ý thức về mình họ biết mình phải làm gì: Sứ mạng của hiện hữu và nhiệm vụ của đời sống mình. Đồng thời họ cũng biết tự mình giải quyết và quyết định những vấn đề to nhỏ của cuộc đời, đôi khi họ trở thành chỗ tựa cho người khác nương nhờ, là đối tượng cho người khác tin cậy trong cuộc sống.[4]

Người có nhân cách lành mạnh bao giờ cũng là ngưới có óc thực tế. Ví dụ: Một sinh viên muốn mình điểm cao, muốn mình thi đậu nên đã dồn sức đầu tư vào việc học, một nông dân cố gắng xoay sở việc đồng áng vì nghĩ chắc chắn mình sẽ xây nhà cao cửa đẹp … Họ là những người sống “chân đạp đất,” đôi lúc ta gán cho những người như thế là “dân chịu cày” hay là người có ý chí. Vì vậy họ không hề bất lực khi phải đương đầu với những nghịch cảnh.

Và một người có nhân cách lành mạnh bao giờ cũng có tâm trạng tự do bởi họ biết tiếp nhận quy luật của cuộc sống. Họ luôn là chủ nhân các bản năng vốn luôn quấy phá, họ có một trực giác rất nhạy bén với sự tự do và buông thả, đồng thời người có nhân cách lành mạnh là người biết phản ứng đúng cách đúng chỗ khi đã suy nghĩ chín chắn, bên cạnh đó, họ cũng là người có khả năng sống tự lập, họ luôn hiên ngang tự đứng trên đôi chân của mình bước vào cuộc đời tự lực cánh sinh một cách chính đáng. Họ là người không sống ỷ lại vào người khác theo kiểu “tầm gửi bám cành dâu,” họ luôn hành động trong sự ý thức tự chủ, không tránh né trong hoạt động nghề nghiệp, giao tiếp, mà là người luôn có trách nhiệm đối với từng hành vi của mình5.

Những người này cũng thường tỏ ra có cái nhìn sáng suốt, nhạy bén trong mọi hoàn cảnh mình gặp, để rồi họ tự nhận định mà rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho cuộc sống. Mặt khác, nơi những người này thường dễ chịu, thông thoáng, hồn nhiên và tươi trẻ.

Sau cùng chúng ta cũng thấy nơi con người này luôn có sự hoà hợp giữa hiện hữu cá biệt và lề lối tác phong của chính đương sự. Chính vì có sự hài hòa về chính bản thân mình nên họ cũng sẵn sàng chấp nhận thực tại cũng như chấp nhận người khác.

3.2 Tương quan với hoàn cảnh sống

Người có nhân cách lành mạnh thường kiên vững trong hoàn cảnh sống. Họ luôn khéo léo uyển chuyển trong nghịch cảnh, nhưng không phải là người hơi một tí là thay đổi kế hoạch đã định theo kiểu “cuốn người theo chiều gió,” họ nhanh nhẹn tìm ra ý nghĩa của mỗi vấn đề, từng biến cố mà chính họ là nạn nhân. Biểu hiện của con người có nhân cách lành mạnh là người biết tự lập cho mình một chương trình, một kế hoạch sống và có một định hướng cho cuộc đời mình, theo khả năng thực sự và phù hợp hoàn cảnh sống, họ không quá suy tưởng cao xa, cũng không lười biếng ỷ lại, nhưng họ dồn toàn tâm toàn lực để dấn thân với chương trình đã hoạch định. Họ là người sống chừng mực, tiết độ, không vì vui quá hay buồn quá mà quên nhiệm vụ và bổn phận của mình. Tất cả những biến cố, những nghịch cảnh diễn ra cách nhịp nhàng trong cuộc sống họ.

3.3 Tương quan với người khác

Biểu hiện của người có nhân cách lành mạnh là người thấm đẫm khả năng sống gần gũi thân thiện với người khác (ngay cả chính mình), khi tiếp xúc gặp gỡ với người khác họ luôn luôn có thái độ tôn trọng, cởi mở, lắng nghe đối thoại trong sự mở lòng biết cho và nhận. Trong mối tương quan với người khác họ tự tin, tự tin bởi nét độâc đáo riêng, giá trị nhân phẩm riêng của mình.

Như thế thái độ của người có nhân cách lành mạnh, thường là họ cởi mở để lắng nghe và trân trọng người khác. Bên cạnh đó, họ biết nhận diện các mặt đạo đức và những thực hành phù hợp ý thức chung của nhân loại. Họ cũng an tâm về đời sống thiêng liêng của mình, theo kiểu không quá áy náy, lo lắng khi bị thiếu xót hoặc lầm lẫn nào đó.

Người có nhân cách lành mạnh còn là người không chống laị ý muốn của kẻ khác họ đón nghe tất cả ý kiến của mọi người và tự trong ý chí của họ, họ lựa chọn thu nhận cái hay cái đẹp cho bản thân, và bổ túc cho ý tưởng mình sâu sắc và mãnh liệt, như thế đời sống của họ rất phong phú và dồi dào.

Một thái độ khác nơi người ấy là họ có một tinh thần dấn thân mãnh liệt, sẵn sàng xả thân cho người khác cách quảng đại, một cách thiết thân và cũng sẵn sàng dễ dàng nhận lãnh. Sau cùng chúng ta nhận thấy nơi họ là một sự quân bình cũng như là sự chân thành trong tương giao, họ thường cởi mở mà không sợ người khác nhận ra những khiếm khuyết của mình, không sợ bị người khác coi thường hay bị đánh giá thấp. Cho nên họ ít bị tổn thương khi bị xúc phạm.

3.4 Tương quan với các giá trị khác

Người có nhân cách lành mạnh là người tùng phục các giá trị nơi chính mình, nơi người khác, và nơi thế giới, vì phẩm chất cao cả độc đáo riêng của nó. Họ mày mò, không ngừng khám phá những điều tốt lành, những điểm tích cực chân thật đang bị che lấp bởi nhiều tập tục buồn thảm, ảm đạm, đen tối. Người này thường có thái độ tích cực về những giá trị, đề cao các giá trị. Người ấy luôn chú trọng đến những khía cạnh tích cực, tốt lành của một người, một hoàn cảnh, một định chế hoặc một cộng đoàn. Họ lấy làm thích thú khi ghi nhận con người với các ưu điểm, sự tốt lành nơi người khác, họ vui mừng vì người khác được thành công, được đề cao. Khi họ nghe nói sự thành công của một người nào đó, thì từ trong ý nghĩ họ đã giải thích rằng: “chị ấy đáng được như thế”.

Nét biểu hiện của một người có nhân cách lành mạnh là luôn hướng chiều sống nội tâm, sống thinh lặng, cô tịch. Họ làm mọi chuyện luôn hướng về “cái tâm”, họ không bị chi phối bởi những điều người khác nghĩ và những lời dèm pha đánh giá về họ, và họ luôn cảm thấy “bình tâm an vui”. Những người này, trong cuộc sống của họ luôn có những giờ phút hồi tâm, có những điểm dừng. Quả thật vì là người thích và có khả năng sống cô tịch nên họ rất nhạy cảm với những điều tốt xấu, nhanh trí phân biệt với những điều thiện ác hay đâu là điều phải tránh và đâu là điều nên làm, phải làm.

4. Một Thao Thức Khôn Nguôi

Việc cứu xét những biểu hiện của người có nhân cách lành mạnh ở trên, chúng ta nhận thấy rằng vai trò của việc hình thành nhân cách hay những đức tính nhân bản luôn có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống con người; vì nó là nền tảng để con người hoàn thiện bản tính “người” của mình6, tiến trình hình thành nhân cách của mình. Hơn thế nữa, Mẹ Giáo hội không ngừng kêu mời con cái mình hãy trở nên men, muối, ánh sáng bằng cách sống tốt các đức tính nhân bản của một con người, không ngừng nỗ lực xây đắp cho mình có một nhân cách lành mạnh. Vì “không có đức tính nhân bản, không thể sống tốt đời Kitô hữu7”, “không là Kitô hữu thì không là tu sĩ thực thụ”. Vì với ơn gọi thánh hiến và sứ vụ của mình, người tu sĩ không chỉ dừng lại ở những giá trị nhân bản tự nhiên mà còn tham dự vào sự sống của chính Đức Kitô và sứ vụ của Giáo Hội. Chính vì thế, chắc chắn việc trau dồi nhân cách là điều không thể thiếu đối với mỗi người tu sĩ và phải không ngừng vun trồng để có một nhân cách lành mạnh, vì không thể xây nhà mà không xây nền, nghĩa là “không có con người thì chẳng bao giờ có thánh”, vì “thánh nhân chính là thành nhân”.

Thay Lời Kết

Qua việc trình bày trên cho thấy nhân cách lành mạnh đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người tu sĩ, nó là một hỗ trợ đắc lực cho việc khấn giữ các lời khấn cacùh ý thức trong việc xây dựng cho đời sống Thánh Hiến được sung mãn. Nhưng để trở thành một người có nhân cacùh lành mạnh đích thực nó không chỉ dựa vào sự hiểu biết tâm lý nhân cách tự nhiên, không chỉ nắm tất cả các nghệ thuật đắc nhân tâm của con người là đủ, nhưng còn phải được sự hỗ trợ của Ân Sủng. Vì đời Thánh Hiến là một Hồng Ân đặc biệt Thiên Chúa ban cho một số người, là Mầu nhiệm của Thiên Chúa vì họ sống chính sự sống của Thiên Chúa.

Một lần tìm hiểu là một lần tập sống và một lần hoán cải, và có lẽ cuộc hoán cải nào (cá nhân hay tập thể) cũng đều mong đạt đến một đời sống tính vượt qua và cánh chung trong chính đời tạm này. Vì thế, tất cả thái độ trưởng thành thật sự là bản thân phải biết lắng nghe và sống theo thần khí, chìm sâu trong cầu nguyện và trung thành với chương trình sống để có sự thống nhất trong đời sống của mình. Có như thế hy vọng chính đời sống của tôi là một mãnh đất phì nhiêu, màu mở cho hạt giống Ân Sủng một khi gieo xuống thì có cơ hội nảy mầm, tăng triển và sinh hoa kết quả dồi dào.

Nt. Isave Phi Long


[1] Bộ Giáo dục và đào tạo: Chương Trình Giáo Trình Đại Học. Tâm Lý Học Đại Cương. Hà Nội. (1998, tr. 120-121).

[2] Người viết ghi nhận qua quá trình học bộ môn “Tâm Lý Nhân Cách” của Sr Giồng, năm 2001-2002.

[3] A. Van Kaam. “Nhân cách tôn giáo.” (1964, tr. 39-40).

[4] Ibid tr. 43.

5 Hoàng Xuân Việt, Rèn Nhân Cách, Tủ sách Học Làm Người. NXBTN tr. 129.

6 Nguyễn Hữu Quang, Chia sẻ số 4. Tr. 30

7 Nhân Cách Tôn Giáo tr. 31.