$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Chuyên môn

NÊN LÀM GÌ KHI GẶP MÂU THUẪN TRONG GIAO TIẾP?

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 433 | Cật nhập lần cuối: 9/30/2021 7:18:08 PM | RSS

NÊN LÀM GÌ KHI GẶP MÂU THUẪN TRONG GIAO TIẾP?

Câu nói "Không ai là một hòn đảo" của Thomas Merton đã trở thành rất quen thuộc, vì chúng ta sống là sống cùng và sống với, nói cách khác, chúng ta liên đới với nhau theo nhiều cách thức và phương thế khác nhau. Trong thực tế, một trong những cách thức thể hiện sự liên đới là giao tiếp. Thật vậy, giao tiếp là điều kiện thiết yếu trong đời sống xã hội bởi vì thông qua giao tiếp, mỗi người có thể hiểu người khác và hiểu chính mình một cách rõ nét hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận đó là ngay trong quá trình giao tiếp, không thiếu những mâu thuẫn, bất đồng và hiểu lầm đã xảy ra. Chính vì thế, nhiều tác giả đã quan tâm, nghiên cứu và đề xuất một số nguyên tắc giúp giảm thiểu những hiểu lầm hoặc mâu thuẫn không cần thiết trong quá trình giao tiếp.

Trước hết, chúng ta nên hiểu thế nào là giao tiếp? Giao tiếp được định nghĩa như một "quá trình trao đổi mà qua đó, con người sử dụng biểu tượng để gửi đi và nhận lại những thông điệp trong việc đàm phán, giải thích và kiến tạo thông tin mà họ muốn chia sẻ với người khác" (Fraleigh et al., 2017, tr. 5). Con người không chỉ giao tiếp thông qua ngôn ngữ, nhưng họ còn giao tiếp với nhau thông qua biểu cảm của nét mặt, cung giọng, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể và ánh mắt (Aronson et al., 2016).

Giao tiếp bao gồm quá trình truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, cách thức truyền đạt có thể dẫn đến những hiểu lầm, cũng như cách thức tiếp nhận thông tin có thể thiếu chính xác, thậm chí có thể hoàn toàn sai lạc với nội dung mà người gửi đi muốn truyền đạt. Quá trình giao tiếp chịu sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan. Các yếu tố này có thể dẫn đến việc thiếu hiệu quả trong quá trình giao tiếp. Có lẽ những khó khăn trong giao tiếp là do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tính cách, môi trường mà mỗi cá nhân được nuôi dưỡng và giáo dục, cũng như môi trường xung quanh nơi mà việc giao tiếp được diễn ra. Bởi vì giao tiếp có tầm ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa con người với nhau nên việc lưu ý để tránh những cách thức giao tiếp kém hiệu quả là điều rất cần thiết.

Thứ đến, chúng ta cần nhận ra rằng nội dung và cách thức giao tiếp phản ánh mối tương quan giữa những người đang giao tiếp với nhau. Do đó, phê bình, chê bai hoặc chỉ trích người khác chỉ làm cho sự việc trở nên xấu đi, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng khó có thể hàn gắn (Miller, 2017). Để tránh điều này, thay vì chỉ trích đối phương một cách khái quát hóa, tuyệt đối hóa hay cường điệu hoá với những cụm từ, chẳng hạn như "luôn luôn", "lúc nào cũng vậy" hoặc "không bao giờ", chúng ta nên xác định một cách chính xác và cụ thể hành vi nào của đối phương làm chúng ta không cảm thấy thoải mái hoặc khó chịu. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng hành vi đó được xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thể và một thời điểm nhất định (Miller, 2017). Khi xung khắc xảy ra, chúng ta nên dùng những câu nói diễn tả cảm xúc của chính chúng ta (chủ thể) hơn là dùng đối phương như chủ thể của một lời khẳng định (Miller, 2017). Chẳng hạn như, thay vì nói, "Lúc nào cũng vậy, bạn luôn làm tôi điên tiết", chúng ta nên nói, "Tôi cảm thấy rất bực mình khi hôm nay, trong lớp học, bạn cắt ngang lời tôi nói."

Tiếp theo, mỗi lần xảy ra mâu thuẫn, chúng ta nên tập trung bàn luận chính việc gây ra mối bất hòa đó hơn là phàn nàn về tất cả những điều mà đối phương đã làm chúng ta không hài lòng từ trước tới nay (Miller, 2017). Ví dụ, Bảo góp ý với em gái của mình rằng "cách em nói với người lớn như vậy nghe sỗ sàng và nghe chưa lễ phép." Việc Bảo góp ý như thế sẽ hiệu quả hơn là việc Bảo quát mắng em và nói "em là một đứa chẳng ra làm sao, vô lễ, lúc nào cũng cãi người lớn, đi học thì chọc phá bạn bè, về nhà thì lười biếng, chẳng chịu phụ giúp gia đình gì hết." Cách nói thứ hai sẽ làm cho người nghe khó đón nhận vì cảm thấy như bị người nói "nhai lại chuyện cũ". Trong khi đó, vấn đề cần nhắc nhở ngay trong thời điểm này là việc thiếu lễ phép của bé gái lại không được nhấn mạnh đủ. Điều này có thể dẫn đến việc không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đồng thời, Miller (2017) cũng đề nghị chúng ta nên lắng nghe một cách tích cực. Lắng nghe cách tích cực có nghĩa là thấu hiểu điều người nói muốn truyền tải, không tự suy diễn dựa theo quan điểm và kinh nghiệm bản thân. Để có thể nghe và hiểu đúng nội dung người nói muốn truyền tải, người nghe không nên tự mặc định rằng những suy nghĩ của mình về đối tượng hay về nội dung giao tiếp là luôn luôn đúng. Chúng ta nên diễn đạt điều mình nghe cho đối phương theo cách hiểu của bản thân và kiểm nghiệm bằng cách hỏi lại đối phương xem đó có phải là điều họ đang muốn trình bày hay không. Hơn nữa, người nghe cũng cần tỏ thể hiện sự tôn trọng người nói qua thái độ và cách thức quan tâm đến câu chuyện của người nói. Do đó, việc cắt ngang lời người khác trong khi họ đang nói để chê bai hoặc bày tỏ sự không đồng ý của mình về một vấn đề nào đó là điều nên tránh. Cũng thế, phê bình, chỉ trích, hạ nhục và tấn công người khác bằng lời nói sẽ làm cho sự việc trở nên tồi tệ. Hơn nữa, thái độ khiêu khích, thiếu chân thành và thiếu cộng tác để cải thiện mối quan hệ cũng là một rào cản trong việc xây dựng một mối tương quan tốt đẹp. Ví dụ, trong lúc hai người bạn đang tranh luận gay gắt, một người nói, "Tôi là vậy đó, vậy thì đã sao nào?” Những lối đáp trả như thế sẽ không giải quyết được gì, nếu không muốn nói là sẽ khiến cho cuộc đối thoại đi vào bế tắc.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, những điều trên không dễ thực hiện, nhất là khi đôi bên đang xung khắc hoặc bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, thái độ lịch sự và bình tĩnh vẫn luôn rất cần thiết để giải quyết những khó khăn trong mối tương quan với người khác. Một cách cụ thể, thay vì tạo ra những suy nghĩ tiêu cực và xem mình là nạn nhân của sự xung đột, chúng ta nên diễn giải theo chiều hướng tích cực. Ví dụ như thay vì nghĩ "Người này không thể đối xử với tôi như thế", hoặc "Tôi không thể chấp nhận cách mà người này xử sự với tôi", chúng ta nên nhìn vấn đề cách tích cực hơn, chẳng hạn, "Cách mà người này đối xử với tôi không giống như những gì tôi trải nghiệm về cách mà những người yêu thương tôi thể hiện. Tôi không biết lý do tại sao?" (Miller, 2017, trang 166).

Nếu cuộc đối thoại không tiến triển tốt hơn, thậm chí còn trở nên tệ hơn, chúng ta có thể dừng cuộc nói chuyện và làm một việc gì khác. Khi cảm thấy bình tĩnh hơn, chúng ta có thể tiếp tục cuộc thảo luận. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi cuộc tranh luận, chúng ta cũng nên cho đối phương biết là chúng ta cần thời gian để bình tĩnh lại và suy nghĩ thêm. Đồng thời cũng cho họ biết là chúng ta sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện khi bản thân cảm thấy sẵn sàng (Miller, 2017).

Điểm cuối cùng Miller (2017) đề nghị là không nên giả tạo trước đối phương để duy trì sự hòa thuận. Chúng ta có thể bày tỏ sự đón nhận quan điểm của đối phương với thái độ tôn trọng và lịch sự nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn đồng ý với quan điểm của họ. Thẳng thắn trao đổi với nhau như thế có thể sẽ mở ra một cuộc đối thoại khác, trong đó, đôi bên thấu hiểu nhau hơn, nhưng không nhất thiết phải trở nên giống nhau trong lối suy nghĩ và cách hành xử.

Tóm lại, giao tiếp không chỉ là kỹ năng, nhưng quan trọng hơn, là một nghệ thuật sống giúp người ta đối xử với nhau cách tử tế, chân thành và bác ái. Một khi biết lưu tâm tới những gì nên làm và nên tránh trong quá trình giao tiếp, chúng ta không chỉ thiết lập, bảo vệ mối tương quan, và mang lại niềm vui cho người khác, mà còn duy trì được sự bình an cho chính mình nữa.

Nt. Têresa Thuý Vy

Tài Liệu Tham Khảo

Aronson, E., Wilson, T. D., Sommers, S., & Akert, R. M. (2016). Social psychology (9th ed.). Upper Saddle River, NJ: Pearson Prentice Hall.

Fraleigh, D., Tuman, J., Adams, K. (2017). Let’s communicate: An illustrated guide to human communication. Bedfor/St. Martin’s Macmillan Learning; WorldCat.org.

Miller, R. (2017). Intimate relationships (8th ed.). New York: McGraw Hill.