$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Tiền Vĩnh Thệ

NÓI VỚI CHÚA VÀ NÓI VỀ CHÚA

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 511 | Cật nhập lần cuối: 12/23/2022 4:01:06 PM | RSS

NÓI VỚI CHÚA VÀ NÓI VỀ CHÚA

Nói với Chúa và nói về Chúa” là gia sản tinh thần mà Thánh Tổ phụ để lại cho các thế hệ tiếp nối trong đại Gia đình Đa Minh. Người ta không thể thực thi sứ vụ nói về Chúa nếu không biết nói với Chúa. Tuy nhiên, việc cầu nguyện – nói với Chúa cũng sẽ chỉ là rỗng tuếch nếu ta không biết thực thi thánh ý Chúa soi dẫn trong những giờ cầu nguyện.

Nhìn lại hành trình ơn gọi, có thể nói rằng sứ vụ “chính yếu” mà tôi được đảm nhận là học thần học, làm bài, dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, dạy trẻ em Mẫu giáo. Tôi cảm nhận việc học hành và viết bài cũng là “sứ vụ nói về Chúa”. Từ năm Tập II, khi bắt đầu thực tập sứ vụ tại cộng đoàn, giai đoạn Thánh khoa, 2 năm thực tập sứ vụ, cho đến giai đoạn Tiền Vĩnh thệ, tôi nghiệm ra rằng, những gì tôi nói, tôi viết mà liên quan đến Chúa, sẽ chỉ là sáo rỗng và dở tệ nếu đó chưa phải là ngôn từ được hình thành từ đời sống cầu nguyện, chiêm niệm. Nói cách khác, nếu không cầu nguyện, không trăn trở về cuộc sống của tha nhân và tha thiết mưu tìm thánh ý Chúa, tôi không thể viết hay nói về Chúa.

Thực tế công nghệ hiện đại đem lại nhiều tiện ích cho con người qua phương tiện làm việc, điệu kiện sống, và nhịp sống thường ngày cũng tất bật hơn… sinh hoạt thường nhật của người tu sĩ dường như cũng bị cuốn theo “tốc độ” của đời sống xã hội.

Làm sao để giữ được sự hài hòa giữa đời sống nội tâm và sứ vụ?

Gắn kết tâm tình cầu nguyện với Chúa và chu toàn trách nhiệm sứ vụ là điều không dễ… Điều đầu tiên tôi học được là phải biết thánh hóa công việc trong mỗi ngày sống. Thánh Têrêxa Hài Đồng đã “thực hiện từng việc nhỏ bằng tình yêu lớn lao”, trong sự kết hiệp với Chúa để cầu nguyện cho tha nhân. Thánh Catarina Siena đã “xây dựng căn phòng nội tâm” để kết hiệp với Chúa từ nhịp sống bận rộn.

Thông thường, khi làm điều gì, chúng ta thường làm vì một trong ba điều: vì kết quả, vì nghĩa vụ, và vì “bòn” nhân đức. Khi nghĩ về bản thân mình quá nhiều thì thật khó để chúng ta có chỗ cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Lúc đó ta làm mọi thứ nhiều khi chỉ nhằm đến “kết quả tốt”, để “tìm danh tiếng cho mình” chứ không phải là để mang Chúa đến cho mọi người.

Tôi còn nhớ, khi mới nhập tu, tôi thực hiện các công việc bổn phận như những “thao tác” tự nhiên. Và rồi, theo thời gian sống trong môi trường tu trì, mỗi ngày tôi biết chu toàn bổn phận với ý nghĩa mới. Không biết có phải vì công việc nhẹ hơn, hay do tôi đã thích nghi với sinh hoạt thường ngày trong Cộng đoàn, tôi thấy mình luyện tập cầu nguyện và nhớ đến Chúa nhiều hơn. Chúa không còn thuần tuý là nơi để tôi “trút gánh nặng” hay tìm “lối thoát” cho những rắc rối của bản thân trong cuộc sống đời tu. Hơn thế, tôi nhận ra rõ hơn, Thiên Chúa là Đấng luôn tin tưởng, yêu thương tôi và là nơi tôi tìm đến để nhận ra ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa đời tu, ý nghĩa từng sự việc tôi chạm phải… Trong cầu nguyện, tôi cảm nhận được sự bình an, và bớt đi những vướng bận, ham muốn hoặc lo lắng.

Khi còn là Thỉnh sinh và Tập sinh, những việc tôi không quen hay không thích làm thì tôi chỉ làm vì đó là bổn phận. Tuy nhiên, khi ý thức rõ hơn về ý nghĩa của việc thánh hóa đời sống bản thân, tôi đã biết chọn lựa sống sao để gặt được nhiều nhân đức, để đẹp ý Chúa. Điều quan trọng giúp tôi luôn sống dưới sự hiện diện của Chúa; luôn nhớ đến và chọn lựa ý Chúa trước khi chọn ý riêng mình đó là đời sống cầu nguyện. Tôi thấy mình cần có thói quen sống với Chúa, nói với Chúa bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào qua các việc đạo đức như: nguyện tắt – nói chuyện với Chúa thường xuyên, đọc sách thiêng liêng tìm hiểu về Chúa, đọc Lời Chúa, suy ngẫm, đọc kinh, lãnh Bí tích, viếng Thánh Thể… Tôi cần để cho Chúa tràn ngập từng suy nghĩ, lời nói, hành động của, có nghĩa là, Chúa chan hoà trong cuộc sống của tôi, cả bên ngoài và bên trong.

Tóm lại, tôi hiểu rằng khi tâm có đầy Chúa thì miệng mới có thể rao truyền về Chúa, và tay mới có thể đem Chúa đến với người khác qua hành động cụ thể.

Ước mong mọi lời nói, hành động trong đời sống và sứ vụ tôi thực hiện sẽ đẹp lòng Chúa nếu tôi biết rèn luyện bản thân để có thể nhạy bén trước tiếng gọi của Chúa và nhận ra ý Ngài,

Được như thế, thì câu gia bảo: “Nói với Chúa và nói về Chúa” không còn là một thách đố, mà là chính lối sống của tôi: người nữ tu Đa Minh!

Nt. Terexa Nguyễn Thanh Thảo, OP