$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Tiền Vĩnh Thệ

LINH ĐẠO ĐA MINH - CHIA SẺ CẢM NGHIỆM SỰ NỐI KẾT GIỮA ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ SỨ VỤ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 539 | Cật nhập lần cuối: 9/8/2022 7:17:53 PM | RSS

LINH ĐẠO ĐA MINH

CHIA SẺ CẢM NGHIỆM

SỰ NỐI KẾT GIỮA ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ SỨ VỤ

LINH ĐẠO ĐA MINH - CHIA SẺ CẢM NGHIỆM  SỰ NỐI KẾT GIỮA ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ SỨ VỤ

Nói với Chúa và nói về Chúa” là phương châm đời sống của thánh Đa Minh, được lưu truyền như là Linh đạo của Dòng trong suốt dòng lịch sử 800 năm thành lập. Là người con được ươm trồng và lớn lên trong ơn gọi nơi Hội dòng Đa Minh Thánh Tâm, mỗi người chúng con đang từng bước nỗ lực hoàn thiện bản thân theo linh đạo này, nhằm thánh hóa bản thân trong đời thánh hiến và góp phần phục vụ Lời và giới thiệu hồng ân cứu độ của Chúa khi thi hành sứ vụ tông đồ.

Nhìn lại hành trình ơn gọi, con đã trải qua những năm tháng chập chững bước vào đời tu trong giai đoạn Thỉnh sinh, tập đi theo sát Chúa Kitô hơn trong thời gian Tập sinh, tập tuân giữ kỷ luật tu trì, lời khấn dòng trong đời thánh hiến. Sau 3 năm tập trung cho việc học thánh khoa, con được Hội dòng sai đi thi hành sứ vụ. Mặc dù chỉ là thời kỳ tập sự, nhưng cũng đủ bận rộn để con phải tự lo liệu sắp xếp cho mình chương trình một ngày sống phù hợp và phải cố gắng thật nhiều để dành thời gian cầu nguyện riêng. Con tâm niệm đời sống cầu nguyện là điều tuyệt đối không được thiếu đối với người sống đời thánh hiến. Tương quan với Chúa phải là nguồn mạch của mọi tương quan, và con phải thánh hóa bản thân bằng đời sống cầu nguyện trước khi nói về Chúa cho tha nhân trong đời sống sứ vụ. Vì nếu không cảm nghiệm được Chúa, con không thể mang Chúa đến cho người khác được. Nói cách khác, nếu không “Nói với Chúa”, thì làm sao con có thể “Nói về Chúa”?

Mỗi lần nhận thấy mình có sự chênh vênh giữa đời sống cầu nguyện và sứ vụ vì một vài lý do thái quá hay bất cập nào đó, con thường tự nhắc nhớ bản thân: nếu mình thi hành sứ vụ để đưa tha nhân đến với Chúa, trong khi bản thân mình lại không gặp được Ngài, thì sứ vụ đó hoàn toàn vô nghĩa; hoặc khi con đến với người khác chỉ với khả năng và sức lực của riêng mình; hoặc khi con đến với Chúa mà chỉ chăm chú vào những bận tâm của nhu cầu cá nhân, thay vì tìm kiếm sức mạnh và nguồn mạch cho sứ vụ thì có thể có nguy cơ là con đang phác hoạ một chân dung Thiên Chúa rất méo mó, xấu xí khiến người khác chẳng thể nhận ra diện mạo của một Thiên Chúa nhân từ và là Đấng ban ơn cứu độ cho con người.

Nt. Maria Đậu Thị Linh Trang, OP

Qua những năm sống đời thánh hiến và thi hành sứ vụ, con cảm nhận được rằng: đời sống cầu nguyện và đời sống tông đồ bổ túc cho nhau. Do đó, để trở thành người tông đồ đích thực, con cần phải có tâm hồn tông đồ đó là tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi hoạt động dù là khi cầu nguyện, khi hoạt động tông đồ, khi tiếp xúc với tha nhân hay khi học hành,…. Thật thế, cầu nguyện không chỉ giúp con nhận ra ý Chúa, phân định tốt - xấu, và múc sức mạnh từ nơi Chúa để có thể chu toàn công việc mà còn giúp con nhận ra những bất toàn của bản thân, biết sống khiêm nhường, đặt mình như là dụng cụ trong tay Chúa. Bên cạnh đó, cầu nguyện là lúc con hiện diện trước Chúa cùng với tha nhân. Nhờ cầu nguyện con sống hiệp thông, bác ái và yêu thương chị em hơn, biết cảm thông và chia sẻ mọi trách nhiệm để cùng nhau xây dựng cộng đoàn ngày một thăng tiến hơn theo ý Chúa.

Nt. Anna Trần Thị Hương, OP

LINH ĐẠO ĐA MINH - CHIA SẺ CẢM NGHIỆM  SỰ NỐI KẾT GIỮA ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ SỨ VỤ

Chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm” là phương ngôn con đã được nghe và được học ngay từ khi bắt đầu hành trình ơn gọi. Với thời gian, qua các giai đoạn đào tạo, càng ngày con càng hiểu sâu hơn và thấm nhuần hơn phương ngôn này nhờ sự hướng dẫn và dạy bảo của quý Dì, quý giáo sư. Nhất là, khi được trực tiếp tham gia sứ vụ tại các cộng đoàn, được tiếp xúc với những con người thật, những công việc thật con mới cảm nhận ý nghĩa của việc nối kết giữa đời sống cầu nguyện và sứ vụ mà phương ngôn này nhắm tới. Một cách cụ thể, khi được sống và phục vụ tại một cộng đoàn truyền giáo, con nhận ra mối liên kết giữa cầu nguyện và sứ vụ càng khắng khít hơn. Nhờ đó, mỗi khi cảm thấy nặng nề, mệt mỏi vì những áp lực của công việc, thì chính sức mạnh nội tâm từ việc cầu nguyện đã nâng đỡ, đã giúp con nhận ra mình không hề đơn độc, nhưng luôn có Chúa đồng hành, hướng dẫn.

Đối với người dân ở miền sông nước Cà Mau, họ có lối sống phóng khoáng và cách họ giữ đạo cũng rất đơn giản. Do đó, để giúp cho giáo dân giữ vững đức tin, thực hành các việc đạo đức, lễ nghĩa, đạo đức là vấn đề thật nan giải. Thậm chí, ngay cả việc dạy giáo lý dự tòng cho người lớn, việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi cũng có rất nhiều khó khăn, khiến cho con không ít lần thấy nản chí. Con nghĩ, nếu không có đời sống cầu nguyện và lòng khao khát muốn cho Tin Mừng của Chúa được tỏa lan thì rất khó để thi hành sứ vụ cách hiệu quả. Ví dụ, vào mỗi buổi học, con phải đến từng nhà, gọi từng người, nếu họ đang làm cá hay băm rau thì con sẽ giúp họ làm xong việc, rồi họ mới đi học. Rồi, đang học mà con khóc hay có ai gọi, là họ bỏ ngang buổi học, đứng lên đi về, … Về phần mình, con cố gắng để truyền đạt cho họ hiểu về Chúa, bao nhiêu có thể, nhưng có vẻ như, họ chẳng lĩnh hội bao nhiêu. Sau mỗi lần như vậy, con chẳng biết làm gì hơn, ngoài việc kể hết với Chúa, những khó khăn, những băn khoăn và cả sự nản lòng của con... Con cảm nhận rất rõ, con cần phải cầu nguyện cho họ cách tha thiết, con cũng phải cầu xin Chúa giúp bản thân con biết kiên trì với sứ vụ trong Tình Yêu Chúa. Ngày qua ngày, với ơn Chúa, con tiếp tục bước đi và nhiết tâm hơn với sứ mạng để tìm cách trình bày về Chúa sao cho giản dị hơn, dễ hiểu hơn như chính đời sống của người dân Nam bộ đơn giản và chất phác, vì chính Chúa luôn yêu thích sự mộc mạc, đơn sơ ấy của họ.

Nt. Têrêxa Phan Thị Nhân Ái, OP

Là người tu sĩ Đa Minh, dù chưa trải qua nhiều hình thức sứ vụ khác nhau, nhưng qua những gì con được trao phó, thì phần nào con cũng cảm nghiệm được tinh thần của Cha Thánh. Khi thi hành sứ vụ mà không có một sự kết nối với Chúa qua cầu nguyện, thì sứ vụ đó có thể cũng hoàn tất nhưng nó giống như một công việc chứ không phải sứ vụ: thành công thì huyênh hoang tự đắc, còn thất bại thì lại dễ chán nản bi quan. Do đó, cầu nguyện chính là nguồn mạch cho mọi hoạt động tông đồ, nói cách khác, hoa trái của việc chiêm niệm được tìm thấy trong hoạt động tông đồ. Như việc dạy trẻ chẳng hạn, nếu con không có sự nối kết với cầu nguyện thì đó chỉ là một công việc giữ trẻ bình thường, nhưng nếu con có một đời sống cầu nguyện thật sự thì đó không phải chỉ là giữ trẻ như một cô giáo mầm non bình thường, mà là con đang giáo dục, ươm mầm đức tin cho trẻ. Chính đời sống cầu nguyện sẽ giúp con làm như thế nào cho đúng và cho tốt.

Nt. Têrêxa Nguyễn Thị Diễm Uyên, OP

Noi theo gương Cha Thánh Đaminh và các Anh Chị Thánh Dòng con cần phải xây dựng cho mình một mối tương quan với Chúa, để từ đó, con có thể đem tình thương vào cuộc sống. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, khi cảm thấy mình luôn bận rộn với nhiều công việc, thì con phải cầu nguyện thế nào? Con tìm được giải đáp qua lời giải thích thánh Tôma Aquino: “Tuy dầu ta phải cầu nguyện không ngừng như lời Chúa đã truyền (Lc18,1; 1Tx 5,17) nhưng sự cầu nguyện liên lỉ cần được hểu về lòng muốn kết hiệp với Chúa và làm tất cả mọi việc để làm vinh danh Chúa, chứ không thể hiểu theo nghĩa là ngồi trong nhà thờ suốt ngày” (Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP, Tinh thần Dòng Đaminh). Kinh nghiệm xây căn phòng nội tâm để thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa của Thánh Catarina Siena cũng cho con một cách thế làm sao để thiết lập mối tương giao với Chúa qua những lời nguyện tắt, nhờ đó, mọi việc con làm đều nhằm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Tuy nhiên, những lúc gặp khó khăn, con thường đến với Chúa để trách móc Ngài hay là xin Ngài điều này, điều kia. Rồi, những lúc gặp thành công hay có những niềm vui, thì có vẻ như con thấy mình cầu nguyện dễ dàng hơn khi mà chỉ có mình con độc thoại, con chẳng lắng nghe và chẳng để tâm đến điều Ngài đang muốn nói với con. Giờ đây, con học được rằng, vai trò của con khi cầu nguyện là để lắng nghe nhiều hơn nữa tiếng của Chúa đang nói trong tâm hồn con, trong sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, trong lời kinh Thánh, trong những kinh nghiệm cá nhân, cũng như trong những biến cố lịch sử. Điều này đòi hỏi phải tĩnh lặng “thụ động” và đón nhận Thiên Chúa trong cầu nguyện (x. Lm. Quirico T.Pedregosa, OP, Tình yêu đó là sứ vụ).

Nt. Maria Lê Thị Hương Thảo, OP

Đời sống người tu sĩ Đa Minh được đan kết chiêm niệm với hoạt động”, điều này nhắc con sống đời chiêm niệm để tạo nên hồn tông đồ. Với ý thức sâu xa trong thinh lặng nội tâm con người mới có thể đến với Chúa, học nơi Chúa và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa giành cho mình, cho nhân loại, không có được điều này thì người tu sĩ Đa Minh sẽ không có được động lực để sống chính ơn gọi của mình, có lòng khao khát cứu độ các linh hồn trong sứ vụ. Con cần trau dồi đời sống chiêm niệm từng ngày, bằng cách siêng năng cầu nguyện riêng, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện chung… Con cần xây dựng “căn phòng nội tâm” như mẹ thánh Catarina Siena để luôn có Chúa đồng hành trong công việc bổn phận hằng ngày.

Kế đến, hoạt động tông đồ của người tu sĩ Đa Minh nhắc con về trách nhiệm giảng thuyết, đó là loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Công việc này không chỉ giành riêng cho các linh mục trên tòa giảng mà cá nhân con cũng thực hiện được qua sứ vụ giáo dục, dạy giáo lý, giúp đỡ người nghèo…qua cách cư xử hoà đồng, thông cảm, vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ngoài ra, con thấy mình cần phải tôn trọng sự giúp đỡ từ chị em, từ người khác, để cùng cộng tác với nhau chu toàn bổn phận trong cộng đoàn và giáo xứ. Điều qua trọng nữa, đó là, con cần trở nên một nữ tu thánh thiện, tham dự sốt sáng các giờ phụng vụ, cầu nguyện thiết thân với Chúa, chuyên chăm học tập để biết Chúa hơn, ý thức trong việc khổ chế, tập luyện các nhân đức, trung thành tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, chân thành, dấn thân trong đời sống cộng đoàn… để đời sống của con phản chiếu một tâm hồn có Chúa: đơn sơ, vui vẻ, hòa đồng… nhờ đó mọi người nhận biết Chúa.

Nt. Maria Nguyễn Thị Thanh Xuân, OP

Nếu như có ngày nào không được ngồi trước Thánh Thể để thinh lặng cầu nguyện thì ngày đó, con cảm thấy mình trống vắng, thiếu sức sống. Trong những ngày bận rộn với nhiều công tác mục vụ như: tập hoạt cảnh Giáng Sinh, tổ chức đại lễ ở Giáo xứ, hoặc công việc ở trường Mẫu giáo cần chuẩn bị gấp... nên không có nhiều thời gian ngồi bên Chúa, thì con thường âm thầm dâng lên Ngài mọi việc con đang làm, những lo lắng con đang gặp phải, để xin Chúa giúp con thi hành mọi sự được đẹp lòng Chúa. Còn những khi công việc ổn định và bớt bận rộn thì con dành them thời gian ngồi bên Chúa lâu hơn, để bù lại những lúc mình chia trí hay sao nhãng trong giờ cầu nguyện chung.

Trong tình hình đại dịch Covid và thời gian giãn cách dài hạn, nên hiện tại con có nhiều thời gian cầu nguyện, và làm những việc hy sinh hơn. Con dâng lên Mẹ những tràng Chuỗi Mân Côi, là gia sản của Dòng, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa thương cho cơn đại dịch Covid mau chấm dứt, để thế giới được bình an, và mọi người trở về với cuộc sống bình thường như trước đây.

Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Thủy, OP

Không có đời sống chiêm niệm “nói với Chúa” thì không thể “nói về Chúa” trong đời sống tông đồ. Một điều con cảm thấy tâm đắc khi đọc: “Dòng được thành lập là để thánh hóa các phần tử của mình và để cho họ hoàn thiện trong đức ái, thứ đến mới là cứu độ các linh hồn” (William A. Hinnebusch, OP. 1983. Linh đạo Đa Minh, chương III. Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam chuyển ngữ, 1994). Thật vậy, đời sống tu trì Đa Minh trước tiên là phải hoàn thiện bản thân, sống ba lời khuyên phúc âm, tuân giữ kỷ luật tu trì, chuyên chăm cầu nguyện.... rồi mới có thể chinh phục được người khác về với Chúa. Mặt khác, là người đi theo Chúa, khi gặp những thử thách, đau khổ con không được kêu ca, than phiền, vì trong cuộc lữ hành trần gian không bao giờ không có đau khổ và thử thách, nhưng biết đón nhận tất cả như những cơ hội thánh hoá bản thân và sống tí thác hơn vào sự trợ giúp của ơn thánh.

Nt. Maria Phạm Thị Thanh Nữ, OP

Cảm nghiệm được sức mạnh của chiêm niệm, con cảm thấy trong hành trình ơn gọi của con, sự nối kết giữa đời sống cầu nguyện và sứ vụ của cá nhân rất rõ rệt. Như Đức Giêsu thường tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Đối với con, khi thi hành sứ vụ tại cộng đoàn, con cũng thường đến với Chúa, xin Ngài hướng dẫn, dìu dắt và nâng đỡ con thực thi tốt sứ vụ mà con được trao phó. Có những lúc con lo lắng không biết mình có thể làm được sứ vụ mà cộng đoàn trao phó không? Con đã đến bên Chúa Giêsu Thánh Thể cầu xin Người ban thêm sức mạnh, xua đi những nỗi lo lắng để rồi con chu toàn công việc mà cộng đoàn trao phó. Có những ngày dẫu quá bận công việc nhưng con không thể bỏ qua giờ cầu nguyện, bởi vì trong cầu nguyện con có những giây phút lắng đọng, hồi tâm và được Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực để con sống đời dâng hiến có ý nghĩa hơn.

Nt. Maria Nguyễn Thị Nga, OP

Trong hành trình ơn gọi và với chút ít kinh nghiệm khi thi hành sứ vụ, con nhận ra rằng cầu nguyện là điều cần thiết và không thể thiếu trong đời tu. Vì có cầu nguyện, con mới vững bước và thăng tiến trong đời thánh hiến, cũng như kín múc được nguồn sức mạnh, tình yêu, sự bình an từ chính Chúa để con có được sự nhiệt huyết khi thi hành sứ vụ mà Hội Dòng trao phó.

Khi gắn bó thiết thân với Chúa trong cầu nguyện, con thấy mình được thúc đẩy để làm việc trong lòng mến, với thái độ vui tươi, kiên nhẫn và dấn thân phục vụ với hết khả năng. Nếu có gặp khó khan, con được them sức để cố gắng làm hết khả năng với tâm tình phó thác, do đó, con cảm nhận sự bình an trong những việc con làm.

Ngoài ra, con cũng nhận ra rằng đời sống cầu nguyện và công việc của con không phải lúc nào cũng thuận lợi, đôi khi vì bận rộn, con lao vào công việc nhưng vẫn đưa ra cho mình quyết tâm: dù cảm thấy tâm hồn khô khan hay quá lo lắng cho công việc thì con vẫn dành thời gian cầu nguyện ít nhất là đủ thời gian theo luật Dòng quy định. Có những lúc con cứ ngồi trước Chúa Giêsu Thánh Thể, dù không cảm thấy sốt sắng, con vẫn tin rằng với sự kiên trì của con, Chúa sẽ thương và cho con được ơn biến đổi.

Nt. Terexa Trần Thị Gấm, OP

Nét đẹp của đời sống tâm linh chính là cầu nguyện. Cầu nguyện là nền tảng, khởi đầu và tâm điểm cho mọi sinh hoạt trong đời sống của con. Điều trước tiên mà con thực hiện khi mỗi sớm mai thức dậy đó là dâng lời cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng và cầu xin Chúa cho một ngày sống mới. Chính nhờ sự trung tín trong đời sống cầu nguyện mà mọi công việc cũng như mọi sinh hoạt của hành trình tu trì của con diễn ra trong an bình và vui tươi.

Con được Hội Dòng trao sứ vụ nơi vùng truyền giáo Tây Nguyên, vùng đất còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa và đang cần đến sự hiện diện của các tu sĩ. Con cảm thấy vui vì được sống ở đây và nơi cộng đoàn này. Con được cùng chị em đi đến với đồng bào dân tộc Bahnar, đặc biệt là được chăm sóc và giáo dục các em học sinh ở nội trú tại cộng đoàn. Sứ vụ nơi đây có nhiều khác lạ so với những cộng đoàn khác, anh chị em đồng bào dân tộc ở đây rất khó khăn về vật chất. Do đó, ngoài những bổn phận hằng ngày, con cũng cố gắng nhiều hơn trong lời cầu nguyện cho những người đồng bào ở địa phương. Cầu xin Chúa ban cho họ có được đức tin vững mạnh vào Chúa và cuộc sống của họ ngày thêm no ấm hạnh phúc xứng hợp với phẩm giá con người như Chúa đã tạo dựng.

Nt. Maria Trịnh Thị Lâm, OP

Ơn gọi tu trì của con là hồng ân Chúa ban. Khi mới bước vào đời tu, con còn nhiều bỡ ngỡ và chưa biết gì về hành trình mà mình đang chọn lựa. Nhưng dần theo thời gian, trên hành trình tìm kiếm chân lý và theo đuổi lý tưởng tu trì, với ít nhiều va chạm, thử thách, chông gai và xen lẫn vui – buồn – hạnh phúc, con được cắt tỉa để vượt qua và thăng tiến hơn. Mỗi năm, khi đi sứ vụ năm hoặc đi giúp sứ vụ trong mùa hè đều để lại trong con những trải nghiệm và những bài học hữu ích khác nhau. Đặc biệt, năm nay, vì đại dịch Covid khiến cho cuộc sống của mọi người, mọi nơi bị xáo trộn, và đời sống tu trì cũng bị ảnh hưởng không ít. Có thời gian sống thầm lặng và cầu nguyện nhiều hơn, con cảm nhận rằng, nếu đời tu mà thiếu cầu nguyện thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì.

Mỗi sáng thức dậy con đều tạ ơn Chúa và cầu xin cho một ngày được bình an, sống cho tốt cho có ý nghĩa, nhưng không phải vì thế mà không có những lúc va chạm! Và rồi, mỗi tối hồi tâm nhìn lại một ngày đã qua, với tâm tình sám hối, con nài xin ơn tha thứ và nhìn lên Đấng mà con nguyện sẽ theo suốt đời, tâm hồn thấy rất bình an.

Nt. Maria Trần Thị Phương, OP

Nhờ ơn Chúa, con cảm nghiệm được sự quan trọng của sự cầu nguyện trong đời sống thánh hiến của mình. Thật sự, cầu nguyện giúp con sống tương quan với Chúa, ý thức sự hiện diện của Chúa và luôn hiệp thông với Ngài.

Quả thật, “cầu nguyện như chìa khóa dẫn con vào thiên đàng”, trước những khó khăn trong cuộc sống, trong hành trình ơn gọi, và đặc biệt đứng trước đại dịch Covid 19, con thấy cầu nguyện giống như hơi thở, mà nếu ngưng thì cuộc sống con người cũng chấm dứt. Với lệnh giãn cách, mọi hoạt động của con người dường như bị tê liệt, nhưng sự căng thẳng vì bị cô lập đã được thay đổi bởi bầu khí cầu nguyện. Như Cha Thánh Đaminh, đã dành ban ngày cho tha nhân và ban đêm cho Thiên Chúa, nhờ cầu nguyện, đời sống sứ vụ của người tu sĩ như được khơi lên làn gió mát, mọi người được liên kết với nhau bởi sợi dây thiêng liêng và cùng hướng về Chúa là trung tâm để cùng liên đới với nhau và cùng đau với nỗi đau của nhân loại.

Nt. Maria Terexa Nguyễn Thị Tuyết Mai, OP

Với nghi thức sai đi, con được sai đến sống tại cộng đoàn và được tham dự mọi sinh hoạt của cộng đoàn từ việc cử hành các giờ phụng tới việc chia sẻ công tác mục vụ, giáo dục. Là cộng đoàn truyền giáo ở vùng sông nước miền Tây; trong tuần các Dì dạy học cho trẻ Mẫu giáo, cuối tuần các Dì đến với lương dân, qui tụ họ lại để nói với họ về Chúa và sinh hoạt chung với nhau. Quả thực, ban đầu con rất chán nản, các bạn không cùng tôn giáo cũng khó tập trung, ngày đi ngày vắng, cộng đoàn cũng tìm đủ mọi cách để liên kết họ lại qua những dịp đặc biệt như: Trung Thu, Giáng Sinh, Tết,… và qua những món quà tuy nhỏ nhưng chan chứa tình người, để gặp gỡ và đây cũng là cơ hội tốt để giới thiệu với họ về Thiên Chúa, Đấng giầu lòng xót thương. Qua đó, chỉ cho họ cách cầu nguyện với Chúa và nhắc nhớ họ cố gắng sống tốt hơn trong đời sống thường nhật.

Là một nữ tu của Chúa con luôn ý thức mình thuộc về Chúa và thuộc về Hội dòng. Con cố gắng giữ giờ chung và chu toàn bổn phận của người tu sĩ, trung thành cầu nguyện riêng, đọc sách thiêng liêng, kiểm tâm,…. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid không được tham dự thánh lễ hằng ngày, con năng rước Chúa thiêng liêng và chầu Chúa để củng cố ơn gọi.

Nt. Maria Trần Thị Thúy Hằng, OP

Cầu nguyện giúp con cảm nhận sâu hơn ý nghĩa cuộc đời, tang thêm sức năng động, sự sáng tạo và khả năng vươn lên trong mọi khó khăn. Do đó, con luôn cố gắng thực hành việc cầu nguyện hằng ngày bằng cách tận dụng những khoảng thời gian cầu nguyện theo quy định chung. Ngoài ra, con cũng tìm thêm giờ cầu nguyện riêng, đọc sách thiêng liêng, đọc Kinh Mân Côi để có thêm nhiều cơ hội sống đời nội tâm kết hiệp với Chúa. Chính trong những giờ cầu nguyện mà con cảm thấy tâm hồn được bình an hơn, được khuyến khích sống bác ái hơn và được hướng dẫn sống thánh thiện hơn trong đời tu.

Trong môi trường thi hành sứ vụ mà con đã trải qua và hiện đang sống, không phải lúc nào cũng có những khoảng thời gian thuận tiện dành cho việc cầu nguyện. Vì thế, cách thức để duy trì việc cầu nguyện của con trong những lúc bận rộn là chia nhỏ các khoảng thời gian, để ít nhất con cũng có thể có đủ giờ cầu nguyện dù không cùng một lúc. Hằng ngày con cũng cầu nguyện với những lời nguyện tắt. Nhờ đó, con có thể cầu nguyện nhiều hơn, liên tục hơn... Hơn nữa, với lời nguyện tắt, con có thể dễ dàng dâng lên Chúa những nhu cầu hiện tại của con, của người khác, của những người chị em con đang cùng làm việc, của những hoàn cảnh phát sinh, của những sự kiện đang xảy ra,… và con cảm nhận những lời cầu nguyện như thế thật sống động và gần gũi.

Nt. Maria Nguyễn Nữ Hoa Lệ, OP

Cầu nguyện là hơi thở của sứ vụ. Cầu nguyện hướng dẫn cuộc sống tu trì của con, cho con biết hướng đi đúng đắn. Chúa đã dạy các môn đệ xưa rất nhiều điều về cuộc sống. Và bây giờ Chúa cũng dạy con qua Lời của Chúa. Con đã đến với Lời Chúa, qua cầu nguyện để học những bài học quý giá mà Chúa sẽ dạy con. Nhiều khi con cảm thấy “bầu khí ngột ngạt” mất thăng bằng, mất định hướng trong đời sống cộng đoàn, con đã đến với Chúa và Người đã nâng đỡ con. Con cảm được ý nghĩa sâu sắc của câu “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Không có Chúa con cũng chẳng làm được bất cứ điều gì. Đời sống cầu nguyện và sứ vụ cá nhân của con có liên hệ chặt chẽ với nhau. Đời tu của con không thể thiếu cầu nguyện, và sứ vụ của con thì càng cần sự trợ giúp của cầu nguyện. Con thi hành sứ vụ cùng với Chúa, đặc biệt là một tu sĩ Đa Minh, là con người của chiêm niệm, con theo gương Cha Thánh “nói với Chúa và nói về Chúa” trong từng giây phút của cuộc sống.

Dù cho cuộc sống vẫn có đó những khó khăn, chán nản, thất vọng nhưng con không bao giờ bỏ giờ cầu nguyện mỗi ngày. Vì cầu nguyện là liều thuốc bổ duy nhất tang thêm sức mạnh cho con, và giúp con tín trung với lời khấn hứa với Chúa, và vững tin vào tình Chúa xót thương trong mọi hoàn cảnh.

Nt. Maria Phan Thị Kim Thùy, OP

Ý thức được tầm quan trọng của mối tương quan giữa đời sống cầu nguyện và việc thi hành sứ vụ, mỗi người chúng con cần phải nỗ lực rất nhiều để trung thành với việc cầu nguyện và đưa sức sống của cầu nguyện vào thực tế cuộc sống. Chúng con tin rằng, với ơn thánh của Chúa, sự trợ giúp của Hội Dòng, cùng với lòng thiết tha muốn thánh hóa bản thân và khát khao phần rỗi các linh hồn trong ơn gọi Đa Minh, mỗi người chúng con sẽ sống được mối tương quan đó trong đời thánh hiến.

LỚP TIỀN VĨNH KHẤN NĂM 2021 - 2022