$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Tiền Vĩnh Thệ

CẢM NGHIỆM: ĐỌC HUẤN THỊ VỀ QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 625 | Cật nhập lần cuối: 1/19/2022 9:09:22 PM | RSS

CẢM NGHIỆM:

ĐỌC HUẤN THỊ VỀ QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC

Dẫn Nhập

Vâng phục là yếu tố cần thiết cho tất cả các Kitô hữu ở mọi bậc sống, nhưng cũng là chiều kích đặc trưng đối với người tu sĩ trong đời sống thánh hiến. Đối với bản thân, khi tuyên khấn vâng phục, con cam kết từ bỏ ý riêng, dâng hiến bản thân mình trong sự tự do thực sự để làm theo ý Chúa, qua ý của Bề trên. Như Công Đồng Vaticano II khẳng định về Lời Khấn Vâng Phục của các tu sĩ: “Nhờ khấn giữ vâng phục, họ dâng hiến cho Thiên Chúa trọn ý muốn mình như hy lễ bản thân, nhờ đó, họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn” (Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 14). Thật vậy, sự vâng phục trong đời thánh hiến cũng sẽ đặt để con trong thái độ của đức tin đi tìm thánh ý Chúa, liên hệ con với đức ái của sự vâng phục trong huynh đệ cộng đoàn và nối kết con với sứ vụ của người tông đồ.

  1. Vâng phục để tìm kiếm thánh ý Chúa

Trước hết, vâng phục trong đời thánh hiến là hành trình của một người tự do đích thực tha thiết tìm kiếm thánh nhan Chúa. Nơi đó, vâng phục là thái độ tự do đón nhận cuộc sống với lòng biết ơn vì hồng ân sự sống từ tình yêu của Đấng Tạo Hóa. Con được mời gọi hiện hữu qua việc đón nhận sự sống từ Thiên Chúa, và con cũng được mời gọi quy hướng về Thiên Chúa qua việc thi hành thánh ý Người ngay trong cuộc sống thường ngày. Do đó, việc con đón nhận bản thân mình như món quà tình yêu là hành vi tự do đích thực và cũng là hành vi nền tảng cho đức vâng phục xuyên suốt cuộc đời.

Từ nền tảng này, con được mời gọi lắng nghe Lời Chúa trong Sách Thánh, qua vũ trụ vạn vật; qua lịch sử nhân loại cũng như lịch sử cuộc đời con; qua các biến cố và các yếu tố trung gian nhân loại. Tất cả đều nằm trong kế hoạch Thiên Chúa dành sẵn và dành riêng cho từng người, như là những ngôi vị tự do. Lắng nghe sẽ là thái độ vâng phục của con trước mệnh lệnh “Hãy nghe đây” (Đnl 6, 4). Lắng nghe đòi hỏi nơi con một thái độ chủ động, chăm chú và tập trung - một hành động tự do và tự giác mở ra của đôi tai tâm linh trước Lời của Chúa. Điều quan trọng hơn nữa cho thái độ lắng nghe là con phải xác định con đang tìm gì: Tìm bản thân hay tìm Đấng Tạo Thành? Tìm thứ chóng qua hay tìm hạnh phúc vĩnh cửu?, để rồi con có thể thưa vâng theo đúng thánh ý Chúa.

Khi xác định điều mình tìm kiếm trong đời thánh hiến, con mong muốn đáp lại câu hỏi của Đức Giêsu dành cho các môn đệ thuở xưa: “Các anh tìm gì?” (Ga 1, 38) bằng chính khả năng tự do của mình rằng: Con tìm kiếm sự lệ thuộc vào Chúa và tìm kiếm thánh nhan Ngài. Đức Giêsu vừa là đối tượng, vừa là cầu nối và cũng vừa là mẫu gương cho cuộc tìm kiếm của con. Đức vâng phục tuyệt đối vào tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại dẫn Đức Giêsu đến chỗ hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc họ. Sự vâng phục trong đời thánh hiến cũng sẽ tạo cho con cơ hội để tự nguyện hiến dâng bản thân mình như người con lệ thuộc vào cha mình.

Một cách cụ thể hơn, khi hành vi vâng phục thực hiện dưới tác động của Chúa Thánh Thần, thì chính Người sẽ giúp con tiến đến mối tương quan với Thiên Chúa Cha và gọi được tiếng “Cha ơi” (Rm 8, 15). Bởi đó, sự vâng phục trong đời tu cũng chính là sự vâng phục trong tác động của Chúa Thánh Thần. Do đó, con thiết tha cầu xin Chúa ban cho con một tâm hồn và khối óc mềm dẻo để ngoan ngoan nghe theo sự uốn nắn của Thánh Thần, xuyên qua các trung gian nhân loại trong Hội Dòng như: Tu Luật, Hiến Pháp và Nội Quy, cũng như qua các vị lãnh đạo và những người sống xung quanh.

Đặc biệt, con tin rằng mọi người Kitô hữu đều được mời gọi tìm kiếm ý Chúa trong cuộc đời mình. Cách riêng, là người sống đời thánh hiến, con càng phải xác tín rằng quyền bính cũng là do bởi Chúa, như là công cụ để giúp cho việc tìm kiếm ý Chúa nơi con được diễn ra trong thành thực và chân lý. Vì thế, con phải học vâng phục từng ngày, chứ không phải chỉ phải đợi những lệnh truyền đặc biệt hay những biến cố quan trọng trong đời mình. Chắc chắn rằng, khi đã mặc định cho mình ý định làm theo ý Chúa và tôn trọng ý Chúa nơi những vị lãnh đạo, con sẽ có được sự đáp trả sẵn sàng và mau mắn.

  1. Vâng phục để hiệp thông huynh đệ cộng đoàn

“Anh em chỉ có một Thầy mà thôi, còn tất cả đều là anh em” (Mt 23, 8). Lời nhắn nhủ của Đức Giêsu đưa một cái nhìn bao quát, nhưng lại hết sức cụ thể về ý nghĩa của sự vâng phục trong cộng đoàn dòng tu. Cho dù mỗi người có những vai trò và đảm nhận những công việc khác nhau, nhưng thấy tất cả đều là những mắt xích liên hoàn và liên kết với nhau. Trong chính phận vụ của mình, mỗi người giúp nhau tìm kiếm ý của vị “Thầy” duy nhất, trong cùng lời kêu mời nên thánh, trong cùng thân phận con người và trong cùng một hồng ân ơn gọi ngang bằng như nhau. Sự ngang bằng này tạo nên một mối liên hệ hỗ tương trong việc cùng nhau thưa lời xin vâng trước mọi biến cố, mọi hoàn cảnh khác nhau, với ước muốn duy nhất đó là “Ý Cha được thể hiện” (Mt 6, 10).

Chính ý thức về mối tương quan của những người thánh hiến với nhau và với Vị Thầy Duy Nhất như thế sẽ giúp con sống Giới Răn Mới theo trật tự đức ái mà Chúa mời gọi. Các cấp quyền bính trong Hội Dòng chính là những trung gian Chúa gửi đang phục vụ con trên con đường thực thi Giới Luật yêu thương đó. Các vị lãnh đạo và những người đồng hành với con đều tìm kiếm thánh ý Chúa trên Hội Dòng cũng như trên hành trình nhân đức của mỗi người. Bất chấp những giới hạn của yếu tố con người nơi những trung gian nhân loại, con muốn dùng sự tự do nội tâm Chúa ban để hiến mình cho những luật lệ của dòng, những dự phóng, những sự hướng dẫn và cả những trái ý. Một khi con đã muốn vâng phục ý Chúa một cách vô điều kiện thì con cũng không mình đặt ra điều kiện cho những người lãnh đạo.

Để đạt được mục đích này, chắc chắn con cần rất nhiều ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần. Trong đó, anh sáng của Người giúp con nhận ra ý Chúa dù thánh ý lúc mờ lúc tỏ, và cả những lúc con phải tìm kiếm với một tiến trình dài trong sự đau đớn khi phải dứt bỏ những quan điểm của mình. Sức mạnh của Người giúp con can đảm thực hiện điều con đã được soi sáng, có khi phải cắt tỉa mình theo một dáng đứng mới để phù hợp với khuôn thước mà Chúa muốn. Thánh Thần chỉ có một và Người sẽ dẫn mọi người đi trên một nẻo đường duy nhất là chính Thiên Chúa. Nếu con ngoan ngoãn bước theo sự hướng dẫn này, con sẽ góp phần cộng tác với các vị lãnh đạo để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong linh đạo hiệp thông và thánh thiện.

  1. Vâng phục để cùng thi hành sứ vụ

Vâng phục không chỉ là yếu tố giúp nên thánh trong đời tu, nhưng còn là phương thế giúp thi hành và gắn kết trong sứ vụ. Đức Giêsu đã trao cho các Tông Đồ những sứ vụ trong vị thế của người người sai và cũng là người được sai: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Cho nên, tương quan giữa người sai và người được sai là tương quan của sự vâng phục Thiên Chúa: người sai đi vâng phục trong việc xây dựng Nước Chúa, còn người được sai vâng phục chính người sai mình đi. Như thế, người sai và người được sai cùng thi hành sứ vụ, và cùng có giá trị ngang nhau trong sứ vụ Chúa trao.

Khi nói đến sứ vụ, con cũng nhớ lại Đức Giêsu đã không sai từng người riêng lẻ đi rao giảng Tin Mừng, nhưng sai “cứ từng hai người một” (Lc 10, 1). Đức Giêsu cũng đã không kêu gọi một người duy nhất làm môn đệ, nhưng Người đã “chỉ định bảy mươi hai người” (Lc 10, 1) và “chọn mười hai ông mà Người gọi là Tông Đồ” (Lc 6, 13). Cũng thế, Đức Giêsu cũng không mời gọi con đi theo Người và trở thành nhà truyền giáo riêng lẻ. Trái lại, con được thánh hiến và được sai đi trong đoàn sủng của một Hội Dòng, trong mối tương quan của những người cùng tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa trong sứ vụ chung.

Tuy nhiên, không phải lúc nào viễn cảnh của sứ vụ chung cũng hợp nhãn, hợp ý với từng cá nhân. Vì thế, để thi hành sứ vụ của Chúa, chắc chắn con phải đặt mình ở nhiều vị thế khác nhau: là người con trước di nguyện của cha mẹ; là cha mẹ trước nhu cầu của người con; là người bạn trước những khó khăn của bạn mình; là người giáo viên trước những học trò yếu kém; là bác sĩ trước một bệnh nhân đang nguy tử…. và trên tất cả, là vị thế của người môn đệ theo hình ảnh và mẫu gương của thầy Giêsu. Ngài thể hiện xuất sắc các vị thế với một điểm quy chiếu duy nhất là thực thi ý muốn của Chúa Cha, mà mà cũng chính là ý muốn của Người, đó là yêu thương và cứu độ nhân loại.

Trong nhãn quan này, khi đón nhận sứ vụ từ những vị lãnh đạo, con cũng phải hiểu rằng các vị cũng đang tìm kiếm thực thi ý Chúa trong Hội Dòng và rất cần sự cộng tác của từng phần tử. Cho nên, nếu có những trường hợp khi cảm thấy sự vâng phục của mình gặp khó khăn, chẳng hạn đến từ nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào đó, con sẽ phải học từ bỏ ý riêng và tự nguyện dâng hiến bản thân nhiều hơn nữa. Sự vâng phục lúc này không chỉ còn là tuân giữ điều này hay làm thêm điều nọ, mà còn là phải chịu cắt tỉa nữa. Có khi sự cắt tỉa đó đụng vào cái tôi, hay là ngăn cản sở thích và có khi lãng quên khả năng của bản thân con, nhưng con sẽ được đức tin bảo đảm rằng đó là hoạt động của Thánh Thần để con được lớn lên trong sự tự do của vâng phục. Đặc biệt, hành trình vâng phục của con dù có khó khăn do sự bất toàn của bản thân, con vẫn tin rằng con sẽ “không cô độc” (Ga 16, 32), vì có người đồng hành trung thành là Đức Giêsu – vị thượng tế “cảm thương những nỗi yếu hèn” (Dt 4, 1) của con và ơn của Người cũng sẽ luôn đủ cho con đường vâng phục (x. 2Cr 12, 9).

Cuối cùng, con nhìn thấy nơi các vị lãnh đạo hình ảnh của những con người với đầy đủ những yếu tố thuộc về con người như bất cứ ai. Nhưng, khi các vị là những trung gian và đại diện của Chúa để dẫn con đạt được sự thành toàn trên con đường trọn lành, thì chính lúc con vâng phục các vị là con đang vâng phục ý Chúa. Và, khi con vâng phục các vị là con đang thi hành sứ vụ Chúa trao. Ngoài ra, thẩm quyền cao cả của các vị cũng đi đôi với những trách nhiệm lớn lao để xây dựng một cộng đoàn mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Do đó, ngoài thái độ vâng phục để cộng tác với các vị trong việc tìm kiếm và thi hành ý Chúa, con còn cần phải có một tấm lòng yêu mến và tinh thần cầu nguyện cho các vị, để các vị trở thành những vị lãnh đạo như lòng Chúa mong muốn.

Tạm Kết

Đức Giêsu đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2, 9). Đức Maria đã thưa “xin vâng” trước sứ điệp truyền tin (x. Lc 1, 38) cũng như trong mọi biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, và thánh Giuse luôn mau mắn hành động theo lời sứ thần (x. Mt 1, 18 – 25; Mt 2, 13 – 23). Đây là những mẫu mực của sự vâng phục nơi những người luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa bằng tình yêu cao cả và sự khiêm hạ sâu xa. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã khẳng định rằng: “Mọi công việc của tu sĩ chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục” (Tông huấn Hồng Ân Cứu Chuộc, số 13). Trên con đường tìm kiếm thánh ý và tiến đến với Chúa, con ước mong được thi hành mọi việc trong sự vâng phục, theo gương Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse để biết đặt trọn niềm yêu vào Thiên Chúa, và sẵn sàng đáp lời xin vâng cách mau mắn, triệt để trong mọi hoàn cảnh.

Nt. Maria Đậu Thị Linh Trang, OP

Lớp Tiền Vĩnh Thệ 2022