TRI ÂN VÀ GIÁO DỤC

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 318 | Cật nhập lần cuối: 11/19/2021 3:40:28 PM | RSS

TRI ÂN VÀ GIÁO DỤC

TRI ÂN VÀ GIÁO DỤCHằng năm, UNESCO chọn ngày 5/10 là Ngày Nhà giáo Thế giới, nhằm nêu bật vai trò của giáo viên trong cuộc sống của chúng ta. Tại Việt Nam, ngày 20/11 được chọn là Ngày Nhà giáo Việt Nam như là dịp để thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã góp phần trong sứ vụ giáo dục. Điều này có nghĩa là, dù ở đâu thì việc “tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là điều đáng trân trọng và cần được thể hiện sao cho có ý nghĩa nhất.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư,” ta có cơ hội để gọi tên những ai đã và đang là thầy của mình - những người đã góp sức trong cuộc đời mình dù chỉ là “nửa chữ” dạy bảo. Ta nhớ về những người đã đi trước ta trên con đường học thức và hành trình thành nhân. Ta nhớ về những người đồng hành cùng ta trên mọi nẻo đường, dù là đạo hay là đời. Ta hướng tới thế hệ tương lai, những người sẽ đến sau ta. Ta nhớ và nhìn tất cả trong niềm tri ân cảm tạ. Họ là những người đã làm giàu đời ta. Ta nhìn tới rồi nhìn lui để rồi tự mình kiểm điểm lại vai trò của mình trên hành trình giáo dục: giáo dục chính mình và góp phần vào sứ vụ giáo dục. Liệu ta đã sống và giúp người khác sống tinh thần tri ân như thế nào trong khi thi hành sứ vụ?

Lory Hough, trong bài viết Gratitude Is More Than Just Saying Thank You (tạm dịch: Sự tri ân không chỉ đơn thuần là nói lời cảm ơn) chia sẻ rằng: nếu ta muốn gieo trồng lòng tri ân thật cho trẻ em, ta cần phải dạy cho trẻ ý thức (ta phải biết ơn ai? về cái gì?) và suy nghĩ (tại sao ta phải biết ơn?) về ngay cả những điều cơ bản và thường xuyên. Ngoài ra, trẻ em sẽ khó có thể hiểu được lý do của sự tri ân nếu người lớn không làm gương trước và tỏ cho trẻ biết mình đã sống và bày tỏ niềm tri ân như thế nào. Chỉ khi nhìn thấy các thầy giáo cô giáo của mình sống sự tri ân thì trẻ mới có thể hiểu tri ân thực sự là gì và biết cách diễn đạt lòng tri ân của mình một cách tự tin. Lory nêu ra 4 bước giúp cho trẻ biết chú ý và nghĩ về những người và những điều chúng cần biết ơn: [1]

1. Thực hành quan sát (practice looking): khuyến khích trẻ nhìn xem Ai và Điều gì mà trẻ cần tri ân. Thí dụ “tỏ lòng biết ơn vì ai đó hoặc điều gì đó đã giúp trẻ cách nào đó.” Đó có thể là người hoặc điều làm cho trẻ cười, cũng có thể đó là người luôn ủng hộ, sẵn sàng giúp đỡ dù chưa được ngỏ lời.”

2. Suy nghĩ “Tại sao”: Khuyến khích trẻ nghĩ lý do tại sao các em lại biết ơn về người/ việc đó hoặc giúp trẻ trả lời cho những câu hỏi liên quan đến người/ việc mà các em muốn tri ân:

  • Những hành động, tình huống đặc biệt hay sự việc nào mà em muốn bày tỏ lòng biết ơn?
  • Những người này đã từ bỏ điều gì hoặc làm gì cho em mà em biết ơn?
  • Những hành động hy sinh hay hành động nào gây ấn tượng sâu sắc cho em và tại sao?

3. Chia sẻ lòng biết ơn: Để trẻ tự chia sẻ với nhau và giải thích tại sao.

4. Tạo thói quen: Giúp trẻ có thói quen về việc ý thức và suy nghĩ về lòng tri ân trong những sự việc xảy ra hàng ngày.

Khi ngẫm nghĩ về những gì ta nên dạy trẻ về lòng biết ơn, cũng là dịp để ta tự vấn: liệu mình đã thực hiện, đã nêu gương cho trẻ khi ấp ủ lòng biết ơn của chính mình đối với người và đối với cuộc đời chưa? Ta có áp dụng lời ta dạy trẻ cho chính mình, khởi đi từ những câu hỏi: Ai là người mình cần tạ ơn và tri ân? Ai là những vị thầy trong cuộc đời mình khởi đi từ hơi thở đầu tiên cho đến nay và sau này? Đâu là những điều mình trân trọng trong cuộc sống? Mình đã nhận được những gì và từ những ai? Liệu có ai đó đã hy sinh cuộc đời, sự nghiệp, thời gian, tiền bạc, sở thích,… vì mình? Có ai đó đã luôn cầu nguyện cho mình? Ta từng có hành động gì để tỏ lòng biết ơn đối với người, đối với đời chưa? Và cuối cùng, ta có thường xuyên ý thức rằng, đời mình là một bài ca tri ân liên lỉ không ?

Có lẽ dạy người khác thì đơn giản nhưng chính mình thực hành thì phức tạp hơn nhiều. Một lần dạy dỗ, nhắc nhở trẻ là một lần ta tự nhắc nhở mình. Có lẽ nhiều lúc ta cũng để rơi rớt đâu đó lòng tri ân khi đối xử vô tình hay vô ơn với những người quanh ta, với thế giới quanh ta, và với những sự việc đã xảy ra cho ta. Ngày nhà giáo Việt Nam là dịp để ta hồi tâm, để ta thêm trân trọng những gì mình đang có, đang được hưởng, để ta làm mới lại lòng tri ân của mình.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi chúng con biết sống niềm tri ân trong mỗi phút giây của cuộc sống. Xin Chúa cũng dạy chúng con biết thực hành trước điều mình dạy, và rao giảng điều mình sống. Và nhất là xin thêm sức mạnh cho chúng con, để chúng con can đảm bước theo chân Thầy Giêsu, vị thầy tối cao, và nhà giáo dục chí thánh của chúng con. Amen.

Nt. Anna Kim Anh O.P

[1] Hough, Lory (November 16, 2021). Gratitude Is More Than Just Saying Thank You. Harvard Graduate School of Education. https://www.gse.harvard.edu/news/uk/21/11/gratitude-more-just-saying-thank-you.