MÙA VỌNG: MÙA HY VỌNG

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 174 | Cật nhập lần cuối: 12/8/2023 3:00:44 PM | RSS

MÙA VỌNG: MÙA HY VỌNG

MÙA VỌNG: MÙA HY VỌNG

Lm. Harrison Ayre

*

Mùa Vọng có hai mục tiêu đều tập trung vào việc Chúa Giêsu đến: lần thứ nhất Người đến giữa chúng ta trong thân phận là một con người, và lần thứ hai Người đến trong vinh quang để kết thúc lịch sử nhân loại. Cách tiếp cận hai mặt này Mùa Vọng dạy chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Ngài là nền tảng của niềm hy vọng, và niềm hy vọng này là nền tảng để chúng ta ngày càng yêu mến cuộc sống của mình hơn.

Mùa Vọng không chỉ hướng về tương lai

Sự vĩnh cửu thường chỉ được coi là mục tiêu trong tương lai. Những suy nghĩ như “khi tôi bước vào cuộc sống vĩnh cửu” hoặc “tôi mong chờ cõi vĩnh hằng” cho thấy rằng chúng ta có thể tin là Thiên Chúa chỉ hiện diện trong tương lai của chúng ta. Tuy nhiên, điều này cũng hàm ý là chúng ta đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa ở đây và bây giờ, đồng thời tạo ra cảm giác xa cách giữa chúng ta và Thiên Chúa, Ngài không còn gần gũi với chúng ta và với trải nghiệm của chúng ta nữa.

Nhưng Mùa Vọng tồn tại để phục hồi nhãn quan của chúng ta. Bằng việc tập trung vào hai lần xuất hiện của Đức Kitô, Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng vĩnh cửu là một mục tiêu, nhưng vĩnh cửu cũng hiện diện ngay bây giờ - mặc dù được nhìn thấy lờ mờ như qua một tấm gương (x. 1 Cor 13, 12). Sự vĩnh cửu đi vào thời gian và sự sáng tạo của chúng ta trong Chúa Giêsu, nâng mọi thụ tạo lên cõi vĩnh hằng. Phụng vụ, các bí tích và chính Giáo hội đã trở thành phương tiện để Đức Kitô hiện diện với chúng ta và do đó, vĩnh cửu cũng ở giữa chúng ta, mặc dù chưa ở mức trọn vẹn vì thế giới tiếp tục sa ngã. Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có sự vĩnh cửu, và vì Người đã đến giữa chúng ta với tư cách là một con người nên mục tiêu vĩnh cửu nằm trong tầm tay và đang được thực hiện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Mùa Vọng giúp hiểu nền tảng của niềm hy vọng

Không ít khi chúng ta giảm thiểu hy vọng thành những suy nghĩ viển vông: “Tôi hy vọng mình trúng số” hoặc “Tôi hy vọng công việc này sẽ ổn thỏa”, v.v. Sự giảm thiểu niềm hy vọng như thế đã loại bỏ tính trung tâm của nhân đức khỏi ý thức Kitô giáo. Hy vọng mà không có sự đảm bảo thì chỉ là ảo tưởng.

Nếu sự vĩnh cửu đã hiện diện nơi Đức Kitô, thì niềm hy vọng tìm thấy sự bảo đảm nơi Người. Chúng ta có niềm hy vọng vì chúng ta đã thấy những ảnh hưởng của Chúa Giêsu trong đời sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo hội. Niềm hy vọng cho chúng ta khả năng nhìn thấy Đức Kitô trong tất cả mọi người, trong cầu nguyện và bí tích, và trong Kinh Thánh. Niềm hy vọng Kitô giáo nói rằng cuộc đời không phải là chóng qua mà là lâu bền vì nó được kết hợp với cuộc đời của chính Chúa Giêsu. Do đó, Mùa Vọng là thời gian rèn luyện niềm hy vọng, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trước những gì phù du.

Mùa Vọng gia tăng ước muốn của chúng ta

Là mùa của niềm hy vọng, Mùa Vọng giúp chúng ta gia tăng lòng khao khát Thiên Chúa. Điều này được thực hiện không chỉ bằng việc coi Thiên Chúa như một mục tiêu trong tương lai, mà còn bằng việc coi Ngài như một Đấng mà chúng ta có thể gặp gỡ ngày hôm nay. Chúng ta gặp Ngài và đạt được sự hiệp nhất với Ngài qua bậc sống và qua hoàn cảnh sống của chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tiến bước trên hành trình Kitô hữu với những khó khăn, thách đố và sự chọn lựa sống sứ điệp Tin Mừng cách triệt để.

Mầu nhiệm này sẽ được mạc khải khi chúng ta diện kiến Thiên Chúa trong thời sau hết. Thiên đàng ở giữa chúng ta hôm nay qua sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Do đó, nếu Chúa Giêsu không hiện diện với chúng ta hôm nay - nghĩa là mục tiêu thiên đàng của chúng ta là điều không thể đạt được - thì Kitô giáo chỉ là một câu chuyện cổ tích, một huyền thoại hoặc một điều mơ tưởng. Nhưng nếu chúng ta nhìn cuộc sống không phải là một điều gì đó phải trốn tránh mà là một điều gì đó phải nắm lấy, thì chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa đang chạy về phía chúng ta trong sự Nhập Thể của Đức Kitô, Đấng gặp gỡ chúng ta trong cuộc đời của chúng ta theo cách mà Người dẫn chúng ta vào cuộc sống của chính Thiên Chúa. Vì lý do này, sự xuất hiện của Đức Kitô chính là ý nghĩa của Mùa Vọng.

Trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, chúng ta gặp Đấng yêu thương chúng ta trước, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài như một điều gì đó mang lại sự sống. Khi trải nghiệm tình yêu như thế, chúng ta không thể không khao khát Đấng đang tìm kiếm chúng ta. Khi xem Mùa Vọng là thời gian để chúng ta gia tăng lòng khao khát Thiên Chúa, chúng ta học cách cảm nghiệm Đức Kitô là Đấng luôn đến gặp gỡ chúng ta, luôn lôi kéo chúng ta đến với Người.

Mùa Vọng là cơ hội để chúng ta tái cam kết việc gặp gỡ Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta, và điều này cũng có nghĩa là chúng ta được tăng thêm lòng khao khát và niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Lược dịch từ: simplycatholic.com