$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Cộng đoàn
»
»
Văn

SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH: GẶP GỠ, LẮNG NGHE, PHÂN ĐỊNH

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 206 | Cật nhập lần cuối: 11/30/2023 4:11:20 PM | RSS

SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH: GẶP GỠ, LẮNG NGHE, PHÂN ĐỊNH

*

Trong bài giảng khai mạc Thượng hội đồng Giám mục năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi nhìn ngắm Đức Giêsu khi Ngài gặp gỡ người thanh niên trên đường. Người đã lắng nghe ưu tư của anh ta và giúp anh ta phân định xem phải làm gì để được sự sống đời đời [1]. Gặp gỡ, lắng nghe, phân định là ba hành động không chỉ Thượng Hội Đồng mà mỗi người Kitô hữu, cách riêng là người tu sĩ Đa Minh Thánh Tâm cần nghiêm túc suy tư và thực hiện để có thể sống tinh thần hiệp hành. Bài viết này sẽ trình bày về cách thức người tu sĩ Đa Minh Thánh Tâm sống tinh thần hiệp hành qua việc Gặp gỡ, Lắng nghe, Phân định nơi những chiều kích tương quan.

1. Chiều kích hướng thượng

Đời sống thánh hiến phát xuất từ sáng kiến của Chúa Cha, nguồn mạch của mọi sự thánh hiến. Ở đó, Thiên Chúa đến gặp gỡ con người và ngỏ lời mời gọi dâng hiến. Để đón nhận lời mời gọi này, người tín hữu phải để cho mình có cơ hội được gặp gỡ và lắng nghe Thiên Chúa nơi chiều sâu nội tâm. Tuy nhiên, cách thức Người mời gọi mỗi người không giống nhau. Vì thế, để không sai lầm, ngay từ giai đoạn đầu của việc tìm hiểu ơn gọi thánh hiến, người tín hữu đã phải nghiêm túc phân định về ơn gọi của mình dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Đồng thời, khi đã sống ơn gọi thánh hiến, việc gặp gỡ, lắng nghe và phân định giữa người tu sĩ và Thiên Chúa phải không ngừng được thực hiện trong suốt đời dâng hiến, cách trung thành, liên lỉ và mang tính chất tương tác hai chiều, đặc biệt trong những thời khắc, giai đoạn quan trọng của đời thánh hiến. Nhìn vào gương mẫu của Đức Giêsu, chúng ta thấy: các sách Tin Mừng nhiều lần thuật lại việc Người cầu nguyện hầu như mọi nơi mọi lúc: nơi cô tịch, trên núi cao, giữa đêm khuya, ngay khi rao giảng và chữa lành bệnh tật, nhất là trong những thời điểm có tính quyết định như khi Người chịu phép rửa, chọn 12 tông đồ, biến hình và trước khi bước vào cuộc Khổ nạn và Phục sinh… Điều đó cho thấy Đức Giêsu không ngừng gặp gỡ và lắng nghe Chúa Cha trong đời sống cầu nguyện để có thể phân định đâu là chương trình mà Chúa Cha muốn Người thực hiện.

Vì thế, chính nhờ được gặp gỡ, lắng nghe Thiên Chúa cùng sự trợ giúp phân định bởi Thánh Thần mà từng bước người tu sĩ có thể “theo sát Đức Kitô hơn, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, tiến tới đức ái trọn hảo và hoàn tất hiến lễ đã bắt đầu khi chịu phép Thánh Tẩy” [2]. Ba động tác quan trọng này có thể được thực hiện nhờ đời sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa, tham dự các giờ phụng vụ mà đỉnh cao là thánh lễ, việc học hành tìm hiểu chân lý thánh cũng như ý nghĩa của những biến cố trong cuộc sống.

Tuy nhiên, việc sống trọn tinh thần hiệp hành không chỉ dừng lại ở việc gặp gỡ, lắng nghe Thiên Chúa và để cho Người trợ giúp phân định đời sống, hành động của người tu sĩ Đa Minh, nhưng còn phải “tương tác” với anh chị em mình là những người đang cùng hành trình với chúng ta.

2. Chiều kích hướng ngoại

Giáo hội, từ thời các thánh Tông đồ, đã được liên kết và kế thừa sứ mạng của Đức Giêsu là đến với muôn dân và làm cho họ thành môn đệ Người, nên con cái Thiên Chúa. Vì lẽ đó, Giáo hội và các phần tử của mình trong sứ mạng đến với muôn dân không ngừng mở ra cho những ai chưa nhận biết Tin Mừng cứu độ và muốn trở thành môn đệ Đức Giêsu. Tuy nhiên, để không “lạc đường”, Giáo hội, trong cách thức của mình, luôn theo gương Thầy Chí Thánh. Người đã luôn sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe tất cả những ai đến với Người, hay chính Người tìm đến và cũng không ngần ngại giúp họ phân định dưới ánh sáng của Tin mừng tình yêu, của sự thật và sự sống [3].

Sống tinh thần hiệp hành buộc người tu sĩ Đa Minh không ngừng “mở ra” trước những cơ hội được gặp gỡ, lắng nghe anh chị em mình và đồng trách nhiệm trong việc phân định tìm thánh ý Chúa. Điều này đôi khi đòi hỏi chúng ta quên mình để hướng đến anh chị em. Mặt khác, khi thực hiện công việc này, người tu sĩ Đa Minh cần làm rỗng chính mình. Một tâm hồn đã được làm rỗng sẽ sẵn sàng mở ra, đón nhận tất cả những gì nó được chạm đến. Đồng thời, việc gặp gỡ và lắng nghe sẽ không có giá trị khi thiếu sự đồng cảm và tinh thần liên lụy với những hoàn cảnh của tha nhân. Sự đồng cảm và chấp nhận liên lụy này có thể dẫn tới những hành động cụ thể được thúc đẩy bởi lòng mến và ý thức “thuộc về” như những chi thể trong cùng một Thân Thể là Đức Kitô (x. Rm 12,4-5).

Sống tinh thần hiệp hành rất cụ thể, sống động nhưng không được dừng lại ở mức độ cảm xúc. Chúng ta phải vượt qua “ngưỡng” của cảm xúc để tiến tới công việc quan trọng hơn, đó là cùng nhau nhìn nhận vấn đề, phân định và phương thức thực hiện. Công việc này cần được thực hiện dưới ánh sáng Lời Chúa, những giáo huấn của Giáo hội, kinh nghiệm đức tin và kho tri thức Thánh để không sai lạc.

3. Chiều kích hướng nội

Trong tiến trình hiệp hành, mỗi người không chỉ được mời gọi thực hiện việc gặp gỡ, lắng nghe và phân định trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, nhưng còn dành cho mình cơ hội gặp gỡ, lắng nghe chính bản thân mình.

Mỗi người cần nghiêm túc gặp gỡ chính mình bằng cách bước vào nội cung của sự tĩnh lặng tâm hồn, chăm chú nhìn về mình như mình là. Kế đến, mỗi người cần thật sự lắng nghe tiếng nói sâu thẳm trong trái tim với những “cung bậc” khác nhau của nó để có thể hiểu mình là ai, như thế nào, và chấp nhận sự thật về mình với những đòi hỏi, nét độc đáo mà đôi khi lại là những “cạnh sắc” với tha nhân… Từ những góc nhìn khách quan, thực tế đó, mỗi người cần nghiêm túc phân định trên chính những suy nghĩ, ưu tư, cưu mang và hành vi nơi mình. Khi đã phân định kỹ lưỡng, chúng ta sẽ có được cái nhìn thực và rõ hơn về mình. Đồng thời, một khi đã biết mình, hiểu mình, chúng ta cũng sẽ biết điều gì cần điều chỉnh và bằng cách thức nào để có thể nên hoàn thiện hơn và có được hướng đi đúng đắn để đến với Thiên Chúa và tha nhân.

Tạm kết

Sống tinh thần Hiệp hành mời gọi chúng ta gặp gỡ, lắng nghe và phân định trong tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và với chính bản thân mình. Sống tinh thần Hiệp hành đưa người tu sĩ Đa Minh đến chân trời gặp gỡ cách trực diện, chân thành với trọn vẹn con người thật của mình và lắng nghe với cả khối óc, con tim cùng lòng đồng cảm. Sống tinh thần Hiệp hành mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần để cùng nhau phân định và có thể được chữa lành khi nhận ra được tình thương Thiên Chúa dành cho; tìm lại được vị trí của mình nhờ căn tính “thuộc về” trong đại gia đình Hội thánh và Hội dòng; và nhất là ý thức rằng mình đang cùng gieo bước hành trình trong sứ vụ của Hội Thánh [4].

Nt. Maria Hồng Bích, OP

(Trích NS. Catarina 49)

--

[1] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ XVI, 11/10/2021.

[2] x. Hiến pháp – Nội quy Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm, số 2.

[3] x.Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ XVI, 11/10/2021.

[4] Nt. Anna Nguyễn Bảo Uyên, MTG Huế, Lối sống Hiệp Hành: Gặp gỡ – Lắng nghe – Phân định.