$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Cộng đoàn
»
»
Văn

NỮ TU ĐA MINH VỚI TINH THẦN HIỆP HÀNH

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 98 | Cật nhập lần cuối: 8/18/2023 4:10:26 PM | RSS

NỮ TU ĐA MINH VỚI TINH THẦN HIỆP HÀNH

NỮ TU ĐA MINH VỚI TINH THẦN HIỆP HÀNH

***Hiệp hành là cùng đi trên một con đường. Dù vậy, nó hoàn toàn khác với đồng hành hay đồng nghị. Hình ảnh dễ hiểu nhất để nói về hiệp hành là hình ảnh của đời sống hôn nhân: hai vợ chồng cùng đi trên một con đường, chia sẻ buồn vui với nhau, cùng nhau bàn bạc, gánh vác bổn phận riêng trong đời sống gia đình và thi hành sứ vụ của họ trong gia đình, xã hội.[1] Mối tương quan giữa Hội thánh và Thiên Chúa cũng như vậy. Tất cả chúng ta không chỉ hiệp hành với nhau nhưng trên con đường đó, có Chúa cùng đi, như Ngài đã đi với dân Israel xưa trong sa mạc.

***Thế nhưng, mối tương quan giữa người với người chỉ có được khi người ta biết trao đổi và lắng nghe nhau. Tất nhiên là vẫn còn có những yếu tố khác tác động đến việc hình thành các mối tương quan nhưng hiển nhiên, việc đối thoại là không thể thiếu. Để hiệp thông, chia sẻ buồn vui với nhau thì mọi người cần lắng nghe và đối thoại với nhau. Ngày nay, việc lắng nghe trở thành điều khó khăn. Hầu như tất cả mọi người đều có xu hướng muốn bày tỏ ý kiến của mình một cách nhanh chóng và không có đủ kiên nhẫn để lắng nghe người khác. Ta vẫn thường thấy trên các trang mạng xã hội hay trên các phương tiện truyền thông các vấn đề liên quan đến việc có quá nhiều người nói mà lại chẳng có ai nghe. Đức Giáo Hoàng Phanxico trong thông điệp Fratelli Tutti, chương sáu - Đối thoại và tình bằng hữu xã hội, đã đề cập rằng người ta quen dùng lời lẽ phỉ báng để loại bỏ đối thủ ngay từ đầu thay vì đối thoại trong tinh thần cởi mở và tôn trọng (x. số 201). Đức Giáo Hoàng còn nói rằng các cuộc đối thoại trở thành những cuộc thương lượng mà ở đó mọi người đều cố giành cho được tối đa quyền lực và chiếm hữu càng nhiều lợi ích càng tốt. Những vị anh hùng thực sự của tương lai, trong trường hợp này, là những người biết quyết tâm bảo vệ và tôn trọng một thứ ngôn ngữ chứa đựng sự thật, vượt mọi lợi ích cá nhân (x. số 202).

***Những điều này nhắc nhớ tôi về mục đích của đối thoại là hai bên cùng nhau trao đổi để tìm ra Chân Lý, tìm ý Chúa và nó cũng làm tôi nhớ đến khẩu hiệu của Dòng Đa Minh: “Nói với Chúa và nói về Chúa”. Mục tiêu của Dòng Đa Minh là hướng đến việc phục vụ Lời. Từ việc “nói với Chúa”, lắng nghe Chúa nói và tìm hiểu ý Ngài, tu sĩ Đa Minh mới có thể nói về Chúa cho người khác, hay nói một cách khác, lúc bấy giờ, họ mới có thể đối thoại với người khác để cả hai cùng hướng đến Chân Lý. Thánh Đa Minh là một mẫu gương sống động cho ta về tinh thần đối thoại. Năm 1203, Thánh Đa Minh tháp tùng Đức Giám mục Điêgô lo việc hôn nhân cho Hoàng tử Ferdinand với Công Chúa nước Đan Mạch thuộc vùng Bắc Âu. Khi đến Toulouse, Cha Đa Minh biết được người chủ quán trọ đã bị lạc giáo Albi chiêu dụ. Suốt đêm, Cha Đa Minh đã kiên trì dùng lý lẽ thuyết phục ông ta. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, người đã đưa ông trở về với đức tin. Qua kinh nghiệm đưa người lạc giáo trở về với chân lý, Cha Đa Minh đã cảm nhận được hứng khởi “nói về Chúa” với mọi người. Đến năm 1206, Cha Đa Minh được phái đến giảng thuyết tại miền Toulouse nước Pháp để chống lại giáo phái Catari (cũng được biết dưới tên Albigensi). Lần này, bằng nếp sống thanh bần theo tinh thần Phúc Âm và bằng đối thoại huynh đệ trong khi tranh luận về giáo lý, Đa Minh cũng đã đưa được những người thuộc bè rối trở về với đức tin chân thật của Giáo Hội.[2]

***Chân phước Raymond đã kể lại câu chuyện của Thánh Catarina Siena rằng Chúa đã nói với chị: “Hãy đi đi, đã đến giờ ăn tối rồi. Hãy ngồi vào bàn ăn cùng với gia đình con. Hãy đi và ở đó với mọi người, sau đó rồi hãy trở lại cùng Cha”. [3] Chân phước Jordan Saxony cũng đã viết về Thánh Đa Minh rằng: “Thánh Đa Minh dành ban ngày cho tha nhân và ban đêm dành trọn vẹn cho Thiên Chúa”.[4] Có thể nói rằng, trước khi đối thoại với tha nhân, người tu sĩ Đa Minh cần đổ đầy tâm hồn Lời Chân Lý. Chỉ khi lòng tràn ngập Lời Chúa, tâm hồn chỉ có mình Chúa, khi đó, ta mới có thể nói về Chúa cho tha nhân, mới có thể nhìn tha nhân bằng đôi mắt của Chúa, yêu tha nhân bằng tình yêu của Chúa. Đó mới chính là hiệp thông, là đối thoại chân chính. Không có Thiên Chúa, cuộc đối thoại chỉ là một buổi thuyết phục, một cuộc chiến xem ai là người chiến thắng. Không có Thiên Chúa, tôi không thể cảm thông với nỗi niềm của mọi người, không thể chân chính hiệp thông với họ.

***Trong Thông điệp Fratelli Tutti, chương sáu, số 207 – 208, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói rằng một xã hội được xem là đáng quý đáng trọng, vì xã hội ấy có ý thức tìm kiếm chân lý và trung thành với những chân lý nền tảng nhất. Nhưng “sự thật” đó không chỉ nằm ở việc tường thuật các sự kiện, biến cố mà là một thứ chân lý vượt khỏi các lề thói của thời đại, không thay đổi, đã đúng và sẽ luôn mãi đúng. Là một tu sĩ Đa Minh, tôi hy vọng rằng việc tìm kiếm và sống cho Chân Lý để hướng tới việc sống đức ái hoàn hảo luôn là điều tôi hướng đến trong đời sống tu trì của mình. Cách riêng, trước khi tìm kiếm và hiệp thông với những người khác, tôi cần hiệp thông với chính chị em trong cộng đoàn nơi tôi đang sống. Qua việc sống hiệp thông, yêu thương nhau, đời sống của người tu sĩ trở thành một lời chứng sống động, một lời giảng thuyết đầy tính thuyết phục cho những người chúng ta có dịp tiếp cận trong đời sống thường ngày.

Nt. Têrêxa Thanh Thảo, OP– TVT

(Trích NS. Catarina 49)

[1] X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898

[2] X. https://gxdaminh.net/thanh-da-minh-anh-sang-cua-giao-hoi/

[3] William A. Hinnebusch, Linh Đạo Đa Minh, Chương 4: Đời sống Đa Minh là sống đời tông đồ

[4]Sđd., Chương 3: Đời sống người Đa Minh là Chiêm niệm